- Đôi nét về nhà thơ Thế Lữ
- Những bài thơ ấn tượng của nhà thơ Thế Lữ
- Nhớ rừng
- Tiếng gọi bên sông
- Lựa tiếng đàn
- Tiếng trúc tuyệt vời
- Tiếng sáo Thiên Thai
- Con người vơ vẩn
- Trước cảnh cao rộng
- Người phóng đãng
- Ác mộng
- Lời than thở của nàng Mỹ Thuật
- Khúc ca hoài xuân
- Mấy vần ngây thơ
- Thức giấc
- Bên sông đưa khách
- Hái hoa
- Cây đàn muôn điệu
- Lời mỉa mai
- Tôi muốn đi
- Tự trào
- Bông hoa rừng
- Mộng ảnh
- Vẻ đẹp thoáng qua
- Khúc hát bên sông
- Bâng khuâng
- Hồ xuân và thiếu nữ
- Nhan sắc
- Giục hồn thơ
- Nàng thơ lạnh
- Ý thơ
- Mưa hoa
- Ngày xưa còn nhỏ
- Yêu
- Lời tuyệt vọng
- Chiều bâng khuâng
- Đàn nguyệt
- Sáng
- Trưa
- Chiều
- Tối
- Đời thái bình
- Giây phút chạnh lòng
- Tiếng chuông chùa
Nhắc đến Thế Lữ, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến bài thơ Nhớ rừng - tác phẩm hay nhất, tiêu biểu nhất của ông và của phong trào Thơ mới (1932 - 1941). Ngoài là thi sĩ, ông còn là nhà văn, nhà hoạt động sân khấu và là người duy nhất trong nhóm Tự lực văn đoàn tham gia sâu vào cả 3 thể loại rường cột của văn học nghệ thuật hiện đại nước nhà là: Thơ trữ tình, văn xuôi nghệ thuật và kịch nói sân khấu. Điều đáng nể trọng là ở 3 lĩnh vực này, ông đều là người tiên phong và gặt hái được nhiều thành tựu sáng chói. Trong bài viết sau, hãy cùng VOH điểm qua một số bài thơ của nhà thơ Thế Lữ nhé!
Đôi nét về nhà thơ Thế Lữ
Thế Lữ là một cây bút tên tuổi của thời kỳ đầu phong trào Thơ mới. Các tác phẩm của ông đều để lại nhiều dấu ấn trên thi đàn Việt Nam.
Tiểu sử của Thế Lữ
Ông sinh ngày 06/10/1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội có tên khai sinh là Nguyễn Thứ Lễ. Thứ Lễ đọc lái đi thành Thế Lữ, có nghĩa là cái quán trọ của đời người, phù hợp với quan niệm sống của ông khi ấy. Đôi khi, ông ký bút danh Lê Ta, xuất phát từ tên Lễ biến thành “Lê Ngã”, “ta” cũng tức là “ngã”.
Thế Lữ theo học chữ Hán từ sớm. Trải qua tuổi thơ ở Lạng Sơn nên Thế Lữ có những ấn tượng thân u của truyện đường rừng và của thơ nhớ rừng sau này. Năm 9 tuổi, ông về Hải Phòng học trung học. Năm 23 tuổi thi vào trường Mỹ thuật nhưng thôi học ngay năm đầu. Ông tham gia tổ chức Tự lực văn đoàn (1932 - 1939) và là một trong những cây bút chủ lực của báo Phong hóa, Ngày nay.
Năm 1937, Thế Lữ bắt đầu hoạt động sân khấu, làm diễn viên, đạo diễn, lưu diễn tại các tỉnh miền Trung… và có hoài bão xây dựng nền sân khấu dân tộc cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957 - 1977).
Thế Lữ được coi là người tiên phong, không chỉ trong phong trào Thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hoá nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là nhà báo, dịch giả và nhà phê bình văn học.
Thế Lữ qua đời vào ngày 03/6/1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2001.
Thế Lữ - Người khai sáng phong trào Thơ mới
Nhà thơ Thế Lữ thuộc nhóm những tác giả tiên phong khơi nguồn Thơ mới (nối tiếp chủ tướng nổ pháo lệnh Phan Khôi và những Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Huy Thông, Nguyễn Thị Manh Manh, Hồ Văn Hảo, Nguyễn Vỹ, Vũ Đình Liên…).
Theo đó, đầu những năm 30, thơ cũ theo luật Đường không còn đủ sức phô diễn những tình cảm mới. Đến năm 1932, hàng loạt thi sĩ mang vào thơ những thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức dẫn đến những cuộc tranh luận sôi nổi giữa mới và cũ. Thế Lữ không tham gia tranh luận mà lặng lẽ làm thơ theo lối mới.
Khi tập Mấy vần thơ của ông ra đời, công chúng được nếm một thi vị hoàn toàn mới mẻ và phái thơ cũ không còn lý lẽ để công kích thơ mới nữa. Nhìn lại trình tự xuất hiện các tập thơ tiêu biểu càng khẳng định ngôi thứ đầu bảng của Thế Lữ:
- Năm 1935: Mấy vần thơ của Thế Lữ
- Năm 1937: Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Điêu tàn của Chế Lan Viên và bốn bài của TTKh trên Tiểu thuyết thứ bảy
- Năm 1938: Thơ thơ của Xuân Diệu
- Năm 1940: Lửa thiêng của Huy Cận và Thơ say của Vũ Hoàng Chương
Thơ mới Thế Lữ hướng tới tinh thần duy mỹ, vị nghệ thuật, đề cao cái đẹp và tư chất nghệ sĩ. Ngay nhan đề các bài thơ đầu tay của ông như Lựa tiếng đàn, Tình bâng khuâng, Lời than thở của nàng mỹ thuật, Tiếng sáo Thiên Thai, Cây đàn muôn điệu, Nhớ rừng… đều in đậm sắc màu lãng mạn, nhấn mạnh cái tôi tự do, tiếng nói trữ tình và sự hòa hợp với thiên nhiên, đất trời, vũ trụ.
Mặc dù không đi tận cùng với thơ nhưng Thế Lữ trước sau vẫn được coi là người cách tân số một của thơ Việt Nam thế kỷ XX. Có ông, thơ Việt yên tâm khép lại cổ điển mà mở vào lãng mạn.
Những bài thơ ấn tượng của nhà thơ Thế Lữ
Trong khoảng 7 năm sáng tác (1933 - 1941), Thế Lữ chỉ in 2 tập thơ, đúng ra là một tập, Mấy vần thơ (Đời Nay, 1935) gồm 28 bài; chỉnh lý, bổ sung, in lần hai Mấy vần thơ, Tập mới (Đời nay, 1941) gồm 47 bài (bỏ 1, thêm 20, thay đổi 6 tựa đề và cách sắp xếp thứ tự)... nhưng lại có ý nghĩa khai sinh một chặng phát triển mới cho cả nền thơ Việt.
Dưới đây là một số bài thơ ấn tượng của ông được in lần thứ 2 năm 1941.
Nhớ rừng
(Lời con hổ ở vườn Bách thú)
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
*
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
Tiếng gọi bên sông
(Lời chinh phu)
Ta là một khách chinh phu,
Dấn bước truân chuyên khắp hải hồ.
Mũ lợt bốn trời sương nắng gội,
Phong trần quen biết mặt âu lo.
Vất vả bao từng, chi xá kể?
Gian lao như lửa rèn tâm chí,
Bấy lâu non nước mải xông pha,
Chưa chút dừng chân, chưa lúc nghỉ.
Trong thuở sinh bình, đôi mắt ta
Không hề cho đẫm lệ bao giờ;
Cười phen thất bại, khinh nguy hiểm,
Nện gót vang đường nhịp khúc ca.
Đang độ nam nhi vui trẻ hoài:
Sầu tư bi thiết, gác bên tai,
Trái tim chỉ rộn khi căm tức,
Ghét lũ vô nhân, giận nỗi đời.
Trong khi lật đật rẻo sông Mê...
Trận gió heo may đuổi nhạn về.
Bụi cuốn đường xa, chinh khách mỏi.
Bỗng nghe tiếng hát vẳng bên kia.
Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền,
Êm như hơi gió thoảng cung tiên,
Cao như thông vút, buồn như liễu:
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên.
Chinh phu trong dạ nhường tê tái,
Quay gót ta buồn trông trở lại,
Đường vẫn còn xa, còn phải đi,
Song le tiếng hát bên sông gọi:
“Đi đâu vội bấy, hỡi ai ơi!
Mà để cho nhau luống ngậm ngùi?
Em trẻ, em son, em lại đẹp.
Sang đây chung hát khúc ca vui!
Hỡi khách! Sang đây với bạn tình.
Vui đi! Đời người mấy xuân xanh?
Ưu tư chi để sầu mây nước?
Kìa cánh hoa đùa rỡn trước cành.”
Tiếng ái ân kia réo rắt hoài,
Mà lời mây nước giục bên tai.
Đau lòng rứt mối tơ vương vấn,
Nước mắt đầu tiên lã chã rơi.
Vì chúng ta cũng biết yêu đương,
Mà cuộc tình duyên gặp giữa đường.
Trong lúc non sông mờ cát bụi
Phải đâu là hội kết uyên ương?
Âm thầm từ giã cô thôn nữ,
Cô đứng bên sông không hát nữa,
Lòng ta thổn thức còn đê mê
Nhịp với lòng ai nhường than thở?
Âm thầm ta lại bảo cô rằng:
“Mặt đất mênh mang biết mấy chừng,
Em có yêu ta thì gắng đợi,
Đem lòng mà gửi lên cung trăng.
Ở chốn đường khơi ta nhớ em.
Thì lòng ta sẽ hoá ra chim
Bay lên lưu luyến bên cung nguyệt
Sẽ ngỏ cho nhau thấu nỗi niềm.”
Ta đi theo đuổi bước tương lai.
Để lại bên sông kẻ ngậm ngùi.
Chí nặng bốn phương trời nước rộng,
Từ nay thêm bận nỗi thương ai.
Lựa tiếng đàn
Trong nhà tranh, một mình tôi than thở,
Với cây đàn, tập giấy. Các anh xa.
Sáng hôm nay, sương biếc toả mờ mờ.
Như hương khói đượm đầu cau, mái rạ:
Ánh hồng tía rắc ngọc châu trên lá,
Trời trong xanh chân trời đỏ hây hây.
Tiếng chim xuân nhí nhảnh ở trong cây.
Cảnh vui thế, sao tôi còn buồn nữa?
Bởi vì gió ở đây trong trẻo quá:
Tiếng đàn tâm réo rắt nẩy càng cao,
Bởi vì đây duy có nàng Ly Tao.
Với bao nỗi tiếc thương hồi quá vãng,
Vẫn cùng tôi ở chung nhà bầu bạn.
Tôi bùi ngùi âu yếm mối bi ai,
Và để sầu tư mơn trớn lòng tôi,
Nên cảnh đẹp lại thêm chiều mai mỉa.
Tôi muốn sống cuộc đời thi sĩ, để
Uống say nồng, nhưng chỉ thấy chua cay,
Tìm mộng vàng trên cảnh lộng trời mây,
Mây thường biến: trời như lòng, tẻ ngắt.
Được lăn lóc mãi trong đời mỹ thuật,
Như các anh vui sướng trẻ trung sao!
Các anh đi len lỏi giữa xôn xao,
Và cười cợt trong luồng gió bụi;
Đập vang gót trên bờ hè Hà Nội,
Rủ nhau xem vẻ đẹp của lầm than,
Thấy hình tiên ngay giữa đám trần gian.
Và bôi đỏ lên những màu u ám.
Thôi! hãy để giọng buồn thương ta thán,
Cho chúng tôi là một bọn nhạc công,
Trăm ngàn năm nảy mãi sợi tơ lòng,
Ca những khúc sầu vui, tình thiên hạ.
Chán nản ư? Các anh đừng than thở,
Cứ im đi, rồi bảo cho tôi hay.
Lựa giọng buồn, tôi sẽ vặn trầm giây,
Và gọi gió, gọi thông, lên tiếng hoạ.
Nỗi buồn sẽ theo mây mờ mịt toả,
Bạn hữu ơi! cất tiếng ta cười chung,
Để cho tôi được chút vui cùng.
Tiếng trúc tuyệt vời
Tiếng địch thổi đâu đây,
Cớ sao mà réo rắt?
Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt,
Mây bay... gió quyến mây bay...
Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may.
Ánh chiều thu
Lướt mặt hồ thu,
Sương hồng lam nhẹ lan trên sóng biếc,
Rặng lau già xao xác tiếng reo khô.
Như khua động nỗi nhớ nhung, thương tiếc
Trong lòng người đứng bên hồ.
Cô em buồn đứng bên hồ
Nghiêng tựa mình cây, dáng thẩn thơ.
Chừng cô tưởng đến ngày vui sẽ mất,
Mà sắc đẹp rỡ ràng rồi sẽ tắt
Như bóng chiều dần khuất
Dưới chân trời.
Cho nên cô nghe tiếng trúc tuyệt vời,
- Thổn thức với lòng cô thổn thức,
Man mác với lòng cô man mác -
Cô để tâm hồn tê tái, bâng khuâng.
Ta muốn nâng
Tấm khăn hồng lau mắt lệ cho ai.
Vì ta sợ má đào kia phai,
Cũng như ta đã ca
Khuyên ngày vui trở lại
Cùng với ánh quanh minh còn mãi.
- Cho người vui cảnh quên già.
Tiếng sáo Thiên Thai
Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn...
Tiên Nga tóc xõa bên nguồn.
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Trời cao, xanh ngắt. - Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo dòng suối bên người Tiên Nga.
Khi cao, vút tận mây mờ,
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không.
Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay...
(Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên)
Con người vơ vẩn
Tiếng pháo rắc trong thành phố vắng.
Mưa phùn rây, cùng ánh đèn yên lặng
Gội lên mặt đường đen, loáng và xa.
Hai dãy nhà kín cửa đứng trơ trơ
Điềm nhiên, mặc kệ con người vơ vẩn.
Đó là một kẻ không nơi trú ẩn,
Bốn phương trời xuôi ngược bấy lâu nay,
Tối ba mươi theo bước tới nơi đây,
Giữa hoan lạc, riêng thấy mình trơ trọi.
Chàng ta ấn hai tay vào đáy túi,
- Túi rỗng không, mà lòng cũng rỗng không -
Lê gót mòn trên đá, ngẩng đầu trông
Những ảo tượng vô hình cho kẻ khác.
Cơn gió thổi. Lá vàng rơi lác đác,
Cùng rơi theo loạt nước đọng trên cành.
Những cây khô đã chết cả màu xanh.
Trong giây phút lạnh lùng tê tái ấy.
Người thiếu niên chợt vô tình ngó thấy,
Cửa nhà ai hé mở. Liếc nom vào:
Dưới ánh đèn lộng lẫy khóm hoa đào;
Đương say đắm quyện lấy màu hương khói:
Nét khảm tủ trè, chữ vàng câu đối,
Chậu sứ cây xanh, cốc ngọc thuỷ tiên.
Thoáng hiện ra một cảm giác bình yên,
Và đầm ấm - êm đềm và đầy đủ.
Mưa vẫn gội. Xa xa tràng pháo nổ,
Bỗng phá tan bề tịch mịch đêm khuya...
Ngoảnh mặt đi, thầm lặng bước chân đi:
Hỡi người bạn! Anh định về đâu đó?
Trước cảnh cao rộng
(Trên bờ bể Đồ Sơn một buổi chiều)
Mặt trời dần khuất.
Vòm cao, mây lững thững về.
Chiếc thuyền xa, buồm thẳng, không đi.
Trên bể phẳng như tấm màn lụa xám,
Bãi bể ướt, sắc trời in loáng.
Tôi bước lên, người trong cõi hư vô.
Ta vẳng nghe tiếng gió mơ hồ,
Tiếng rủ rỉ của hàng thông im đứng,
Với tiếng sóng đổ xô từng phút lặng.
Tôi rộng nhìn ra bốn phía xa khơi:
Cảnh mênh mông riêng có bóng hình tôi,
Đang thơ thẩn với nỗi lòng bát ngát.
Như một kẻ bộ hành ngơ ngác.
Lạc vào nơi đồng đất hoang vu,
Tôi mang theo một mối hoài u,
Tìm chẳng thấy nhẽ uyên thâm trong tạo vật,
Ngừng bước nản tôi trông vời Bí Mật
Trông bầu xanh nét mặt nghiêm trầm.
Trông bốn phương trời nước mịt mù tăm.
Và tôi hỏi: Biết tìm đâu, Chân Lý?
Cao Thâm hỡi! Ôi Vô Cùng Vô Để!
Mây hằng bay, sóng hằng cuốn, gió không ngừng
Nghe thấy chăng? Hay ngờ biết cùng chăng
Nỗi thao thức một tâm hồn nhỏ bé?
Người phóng đãng
Hà Nội mưa phùn mù mịt.
Lá bàng rơi, rơi từng màu đỏ chết;
Phố vắng hai bên lặng ngắt như tờ.
Tôi bước lên, chân đếm những vần thơ.
Mặc gió lạnh bên tai sùi sụt thổi
Và để mặc lòng không đang khóc đói.
Phấn mưa bay, đọng giọt bám quanh vành
- Như điểm tràng ngọc chuốt sáng long lanh -
Chiếc mũ triều thiên trên đầu thi sĩ.
Cảnh buồn rũ. Tâm hồn tôi vui trẻ,
Cùng Nàng Thơ lựa chọn các mầu thơ.
Để tả hơi lam ôm ấp vừng cây xa,
Với lớp nhà giốc ngược hình trên đường loáng.
Trời thấp. Mây âm thầm, và nặng.
Gội bâng khuâng lên thành phố với lòng tôi.
Tôi rảo bước đi trong nhịp reo cười,
Rũ bụi nước trên mình cùng nỗi buồn trong trí.
Gió thổi ám dần đường vắng vẻ,
Thi hứng nồng nàn, tôi mải tiến lên
Cho đến khi Hà Nội sáng trưng đèn
Mới sực nhớ: đêm nay không chỗ nghỉ.
Ác mộng
Tôi mơ thấy đang nằm trên vũng máu,
Chống tay lên nghe tiếng những hồn kêu.
Khắp bốn phương loè loẹt lửa trời chiều,
Muôn vật đẫm trong một màu đỏ khé.
Tôi chợt hiểu: hình ảnh đời là thế;
Có phải còn vui đẹp lắm đây chăng?
Tôi muốn quên đi trong thú mơ màng,
Và gượng cất tiếng cười che tiếng khóc.
Nhưng Số Mệnh vẫn chưa vừa lòng độc,
Nhất định dùng quyền lực hại tôi chơi,
Bắt tôi hết đau khổ lại ngược xuôi,
Trên hòn đất, than ôi! Thân kiến muỗi.
Thắt lại rồi buông, tha ra mà đuổi,
Không sớm cho tan nát hẳn thân hèn.
Tôi muốn lịm đi một giấc cầu yên,
Thì kéo dậy, lay hồn cho mở mắt!
Trên vực thẳm, một ngón tay khe khắt.
Khiến tôi nhìn ra khắp cõi mênh mông,
Là chốn nhân gian đang uống máu nồng,
Nuốt một nửa, còn phun nhau một nửa.
Lời than thở của nàng Mỹ Thuật
Em đứng em buồn cạnh khóm lau,
Khóm lau than trước gió đêm thâu,
Gió thâu khóc với trăng thâu lạnh.
Ai biết tình quân em ở đâu?
Than ôi! Mới được mấy thu nay,
Gặp gỡ tình quân giữa cảnh này
Là chốn em quen cười với gió,
Với trăng, với nước, với mây bay...
Hoạ sĩ qua chơi lúc bấy giờ.
Lòng em phơi phới trí ngây thơ:
Em xinh, em đẹp quá không biết,
Không biết vì em ai ngẩn ngơ.
Lân la, người khách lạ nên quen,
Rồi ngón tay tình chắp mối duyên.
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.
Em thấy chàng yêu mới nhớ ra
Tên em là Đẹp, bạn em là
Bao nhiêu cảnh tượng, muôn hình sắc:
Ánh sáng, non sông, mây, cỏ, hoa...
Em càng trang điểm để thêm xinh,
Và để mầu tươi của Ái Tình
Điểm khắp bầu trời thêm vẻ đẹp,
Hồ kia thêm biếc, núi thêm xanh.
Hay đâu cơn gió lạ đâu đâu
Thổi lại cho em những mối sầu:
Bạn ngọc thưa về, em khắc khoải,
Cười, nhưng phảng phất vẫn lo âu.
Rồi bỗng ngày kia em mới hay
Tình quân em đã chán nơi đây.
Chàng đi theo dõi tơ duyên khác.
- Hỡi mộng lòng ơi! Ôi bóng mây!
Nay biết cùng ai ngỏ nỗi niềm?
Tình quân không dám ở cùng em,
Yêu nhau, yêu cả trong gian khổ:
Chàng dám vinh hoa mải miết tìm.
Như nàng Ngọc Nữ ở Thiên Thai,
Tiếc mãi chàng Lưu vẫn luyến đời,
Em đứng bên trường ân ái cũ,
Rồi em than khóc bạn tình ơi!
Rồi ánh trăng kia, với gió thâu,
Với gương hồ lạnh, với ngàn lau,
Với bao cảnh đẹp vui khi trước,
Ủ rũ vì em nặng khối sầu.
Khúc ca hoài xuân
Tiếng ve ran trong bóng cây râm mát;
Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời.
Gió nồng reo trên hồ sen rào rạt.
Mùa xuân còn, hết? Khách đa tình ơi!
Khách đa tình ơi! Mùa xuân đã hết.
Này nghe tiếng diều sáo dẫn mây đi,
Có phải chăng, đầy những lời tha thiết?
Lời tiếc xuân như hát khúc phân ly.
Ta rắp nâng lời chào ngày mới mẻ,
Vì Đông, Thu, hay Hạ cũng như Xuân;
Cũng có tình riêng với lòng thi sĩ.
Ta vui ca trông ngày tháng xây vần.
Nhưng ta thấy ai kia đang tựa cửa,
Tiếc bóng chiều, đôi mắt dõi chân mây.
Ta cảm nỗi hoài xuân cùng thiếu nữ,
Cùng cô em đôi má đỏ hây hây.
Nên ngừng bút khoan vẽ màu chói lói,
Của ngày hè muôn cảnh sắc tưng bừng,
Cất tiếng hát, trông cô em ta gọi:
Hỡi giai nhân! Nghe tiếng hát ta chăng?
Nghe tiếng ta trong bóng ve reo mát,
Trong lời chim, trong giọng sáo chơi vơi...
Hãy gắng quên nỗi bâng khuâng man mác,
Mà vui đi! Thiếu nữ đa tình ơi!
Mấy vần ngây thơ
TÔI
Suốt đêm thức để trông ai,
Ô kìa ánh lửa đỏ ngời phương đông.
Nhởn nhơ cây núi nhuộm hồng,
Đẹp như cô gái yêu chồng đêm nao?
CÔ MÁN
Đêm qua trăng khóc trên trời,
Để cho nước mắt nó rơi trên cành,
Giọt châu trắng, lá cây xanh,
Anh kia có biết tâm tình tôi chăng?
TÔI
Kìa cô con gái thẩn thơ,
Đứng trên đỉnh núi trông chờ ai đây?
Cỏ bay cái váy cũng bay...
Trên không con nhạn đón mây chập chờn.
CÔ MÁN
Chập chờn con nhạn đón mây,
Cỏ cao đơn gió, tôi đây trông chồng.
Lòng tôi anh biết cùng không?
Ngày tưng bừng cũng lạnh lùng như đêm.
TÔI
Đêm ngày cô những lạnh lùng,
Bởi chưng cô chửa có chồng, như ai.
Hỡi cô con gái kia ơi!
Thôi đừng khóc nữa, kẻo tôi thêm buồn.
CÔ MÁN
Tôi buồn tôi lại buồn thêm,
Tôi trông mây nước, tôi thèm duyên tơ.
Mắt tôi, nước mắt như mưa,
Tôi không muốn gạt, tôi chờ ai lau.
TÔI
Ai lau nước mắt cô mình?
Dưới đây duy có một mình ta thôi.
Cầm khăn lòng những bồi hồi,
Lệ ta cũng chửa ai người lau cho.
Thân ta lưu lạc giang hồ,
Giận đời muốn khuất những trò đảo điên,
Để lòng theo đám mây huyền,
Mây đưa ta bước tới miền gió trăng.
Ở đây mây núi, cây rừng,
Nước non thanh sạch cách chừng phồn hoa.
Chim đèo nhắn gió đèo ca,
Du hồn như một giấc mơ không cùng.
Giữa nơi bát ngát mịt mùng,
Tấm lòng thơ cũng nặng lòng ái ân.
Thân tuy muốn thoát duyên trần,
Nhưng còn vương mối nợ trần muôn năm.
Đờn lòng, ta sắt ta cầm
Lại đây hoà điệu, hoà âm, ta cùng.
Du dương chung khúc mơ mòng...
- Mây cao với núi trập trùng kia ơi!
Thức giấc
Gió mây đuổi giấc mơ màng,
Tỉnh ra thấy ánh trăng vàng bên chăn.
Trước cửa sổ, đầy sân những bóng
Cành lá đen lay động vật vờ...
Một cơn gió vội vàng qua;
Sau hiên xào xạc mấy tờ chuối xanh:
Lá bay chạm bức mành vắng vẻ;
Muỗi bên màn se sẽ than thân;
Sâu thềm rủ rỉ âm thầm
Nối muôn đêm, một tiếng ân hận dài;
Dế chân cỏ siết mài bóng tối;
Bờ lau xa cuốc gọi buồn theo;
Trời khuya rạng rỡ đìu hiu,
Thoảng nghe lọt tiếng sáo diều trong trăng.
Bên sông đưa khách
Lòng em như nước Trường Giang ấy,
Sớm tối đưa chàng tới Phúc Châu.
(Lời kỹ nữ)
Trời nặng mây mù. Mấy khóm cây
Đứng kia, không biết tỉnh hay say,
Đỗ bờ sông trắng con thuyền bé,
Cạnh lớp lau già, gió lắt lay.
Tôi tiễn đưa anh đến tận thuyền
Để dài thêm hạn cuộc tình duyên;
Thuyền đi, tôi sẽ rời chân lại.
Tôi nhớ tình ta, anh vội quên.
Thuyền khách đi rồi tôi vẫn cho
Lòng tôi theo lái tới phương mô?
Bâng khuâng trong cõi sầu vô hạn.
Không khóc, vì chưng mắt đã khô.
Đâu biết rằng anh cũng chỉ là
Khách chơi giây lát ghé chơi qua;
Rồi thôi, níu áo không tình nữa,
Để mặc tình ai khổ ước mơ.
Tôi chỉ là người mơ ước thôi,
Là người mơ ước hão! Than ôi!
Bình minh chói lói đâu đâu ấy,
Còn chốn lòng riêng u ám hoài.
Mà biết vô duyên, vẫn cứ mong,
Trăm năm ôm mãi khối tình không,
Trọn đời làm kẻ đưa thuyền khách:
Thuyền chẩy, trơ vơ đứng với sông.
Hái hoa
Nhẹ nhàng, em hái đóa hồng tươi,
Dưới vẻ xuân chào buổi sớm mai,
Trong lúc chim xuân mừng nắng mới
Nhuốm đào sắc trắng khóm hoa mai.
Em thấy lòng chan chứa cảm hoài.
Lẳng lơ gió lá nhủ bên tai:
Vườn xuân đằm thắm tình âu yếm,
Thơ thẩn vì đâu, xuân nữ ơi!
Tình quân em ở chốn xa xôi,
Chắc thấy xuân sang, cũng ngậm ngùi
Cho kẻ tựa thời gian ngóng bạn,
Mắt buồn trông thấy cảnh xuân vui.
Rũ hạt sương hoa, giọt lệ rơi,
Nâng hoa ân ái để lên môi
Tình quân nếu cũng trông mây, hẳn
Cảm thấy tình em thả tuyệt vời.
Có ai đem hộ đóa hồng tươi,
Để bạn lòng em đón lấy cài
Bên phía trái tim chàng thổn thức:
Trông hoa hằng tưởng miệng em cười.
Cây đàn muôn điệu
Tôi là người bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi:
Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc, câu cười,
Trong lúc gian lao, trong giờ sung sướng,
Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng.
Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than,
Cảnh thương tâm, ghê gớm, hay dịu dàng.
Cảnh rực rỡ, ái ân hay dữ dội.
Anh dù bảo: tính tình tôi hay đổi,
Không chuyên tâm, không chủ nghĩa: nhưng cần chi?
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể.
Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ,
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca
Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối, hay ngây thơ,
Cũng như vẻ Đẹp cao siêu, hùng tráng
Của non nước, của thi văn, tư tưởng.
Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân;
Ánh tưng bừng linh hoạt nắng trời xuân;
Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió;
Cảnh vĩ đại, sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ;
Nét mong manh, thấp thoáng cánh hoa bay;
Cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy;
Thú xán lạn mơ hồ trong ảo mộng;
Chí hăng hái đua ganh đời náo động:
Tôi đều yêu, đều kiếm, đều say mê.
Tôi sẵn lòng đau vì tiếng ai bi,
Và tôi cảm khái bởi những lời hăng hái.
Tôi ngợi ca với tiếng lòng phấn khởi,
Tôi thở than cùng thiếu nữ bâng khuâng,
Tôi véo von theo tiếng sáo lưng chừng,
Tôi yên ủi với tiếng chuông huyền diệu,
Với Nàng Thơ, tôi có đàn muôn điệu;
Với Nàng Thơ, tôi có bút muôn màu;
Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu;
Lấy Thanh Sắc trần gian làm tài liệu.
Lời mỉa mai
Rũ bụi mờ trắng áo,
Tôi ngoảnh trông lại quãng đường đời,
Sống với người ta chừng hăm sáu năm thôi,
Mà tôi thấy mình đã nhiều tuổi lắm.
Vì có lẽ bao nhiêu mùi cay đắng,
Bao nhiêu hồi gian truân
Tới bao nhiêu lớp chông gai trên bước phong trần
Tôi đã nếm, đã quen, đã trải,
Nỗi đau khổ, hỡi lòng ơi! Có phải
Đã khiến cho thời xuân thắm của ta
Mau đi tới buổi thu già?
Có phải chăng nỗi ưu tư quá sớm
Đã sớm in bao nét răn lên trán,
Đã khiến cho cả đến miệng ta cười
Cũng ngậm đầy những vẻ mỉa mai?
Ngày xưa, lòng còn dễ tin, trí còn bỡ ngỡ,
Mắt còn thấy toàn màu rực rỡ,
Tôi dấn bước đầu trong cảnh trần gian.
Mang tâm tình người niên thiếu nồng nàn,
Tôi yêu đời. Nhưng bị người ghen ghét.
Tôi muốn dâng tấm tình yêu tha thiết,
Yêu say mê, yêu đắm đuối cho giai nhân,
Nhưng lòng tôi chân thành, chỉ đằm thắm ái ân,
Tôi chỉ giàu riêng tình cảm,
Thứ tiền tài mà giai nhân không hám!
Mang vết thương, tôi đi tìm kẻ tâm giao,
Nhưng thân thế tôi là thân thế ba đào,
Không được lúc bình yên vui có bạn.
Rồi tủi phận, trơ vơ, chán nản,
Chẳng tin yêu, mà cũng chẳng thương ai
(- Vì tình duyên, ân nghĩa ở đời,
Cho cả nỗi sầu tư đau xót nữa,
Cho đến cả chân tình, than ôi! tôi cũng sợ
Là những trò giả dối của người ta -)
Tôi ngược xuôi trên đường thế mịt mờ,
Giữa những đám chen chúc, dập dồn và náo động
Vẫn như bước trên cánh đồng xa rộng,
Bấy nay thui thủi một mình.
Nhưng trong khi phấn đấu đua tranh,
Lòng nhân thế gian ngoan mà lòng tôi ngờ vực,
Trong những lúc giang hồ cay cực,
Vừng cây xanh bỗng réo rắt tiếng chim ca,
Khiến cho người non nước động hồn thơ...
Tôi đứng lại, đưa tay lau mắt lệ
Mà vui ngắm cảnh tươi cười mới mẻ;
Tôi thực lòng hưởng phút say sưa.
- Vì cảnh thiên nhiên không lừa dối bao giờ.
Tôi muốn đi
Ngày xưa, lòng còn dễ tin, trí còn bỡ ngỡ
Mắt còn thấy toàn màu rực rỡ
Tôi dấn bước đầu trong cảnh trần gian...
(Lời mỉa mai)
Tôi muốn đi bên cạnh cuộc đời,
Trăm năm theo dõi đám mây trôi,
Mê xem những cảnh chiêm bao biến,
Hạnh phúc lòng riêng đó, bạn ơi!
Đời tôi duy đẹp lúc còn thơ,
Sự thực bùn than bởi đã mờ
Sau bức màn tiên: lòng đạng đột,
Ngày xanh không ám chút ưu tư.
Cặp mắt xưa kia thấy những hoa;
Miệng cười đưa đón tháng năm qua;
Xuân tươi chắc hẳn không ngày cỗi
Những tuổi thơ ngây tưởng chẳng già.
Lòng thơ xưa có ngón tay tiên
Mơn trớn: tai nghe tiếng dịu hiền
Của gió vờn hoa, trăng giỡn lá;
Đa tình, yêu vẻ đẹp thiên nhiên.
Đắm đuối say mê có thế thôi;
Nợ lòng êm ái. Nhưng chao ôi!
Mắt trông ngày rõ đường gian hiểm,
Ngờ vực lòng đo đắn mọi người.
Hai mươi sáu tuổi mà xem nhường
Quá nửa đời dầu dãi nắng sương.
Các chén chua cay hồ dốc cạn,
Trăm lần ôm nặng nỗi bi thương.
Đã quyết bao phen khổ cũng cười,
Nhưng đời vui đẹp quá, anh ơi!
Những vai Ganh Ghét cùng Gian Trá
Diễn kịch Trần Gian mãi chẳng thôi.
Cho nên tôi muốn sống riêng ra,
Chép tiếng đờn tiên đặt khúc ca.
Tôi hát, anh nghe, quên khó nhọc
Trong khi lận đận trên đường xa.
Tôi đi tìm lại tuổi xuân xanh,
Tìm lại lòng tôi với chút tình
Trong trắng ngây thờ hồi trẻ dại.
Bước đời ngang dọc để riêng anh.
Tự trào
Thế Lữ là một chàng kỳ khôi:
Sống hôm nay không biết có ngày mai,
Cũng không thiết nhận cảnh đời trước mắt.
Tính giản dị, lại ưa điều bí mật,
Trưa mùa hè đi vẽ cảnh đêm trăng,
Ở Đồ Sơn thuật chuyện trên rừng.
Đến khi lên thượng du, có lẽ
Anh lại nghĩ chuyện vẩn vơ dưới bể.
Người vụng về, yên lặng chẳng ai ưa,
Có bao nhiêu nết xấu không thèm chừa,
Ăn mặc thì lôi thôi, lốc thốc:
Đến Hà Nội với chiếc quần cộc lốc,
Với đôi giày vải trắng mang từ hạ sang đông;
Chiếc mũ dạ vàng, dúm dó, bẩn vô song,
Đội mưa nắng suốt từ Nam ra Bắc.
Đời dị nghị đến thế nào cũng mặc
Đi giữa đường anh cứ ngước trông trời,
Và dương dương vui vẻ như người
Không bao giờ, không đời nào biết khổ.
Các bạn hữu ái ngại dùm, thường dỗ:
- “Anh dại chi mà lãng phí mất bao ngày?
“Nghe chúng tôi, cứ tới ở đây,
“Có tài trí thì cùng người thi thố,
“Chứ quạnh hiu đời còn đâu là thú?
“Đến ở đây mà vùng vẫy, đua ganh,
“Mua lấy cho mình đôi chút công danh”.
Thế Lữ nghĩ ba hôm mới nói:
“Ồ phải đấy!” Rồi ở ngay Hà Nội,
Anh ta vừa hoạt động, vừa mơ màng;
Lúng túng như anh mán học làm sang
Trong một bộ áo quần rất lịch sự.
Học đo đắn, học dè, học giữ,
Học chen vai thích cánh, - học ra đời!
Nhưng chẳng bao giờ bỏ được tính dở hơi:
Là cứ tưởng trần gian ai cũng tốt.
Ở đời này, quá thực thà là dốt!
Anh ta nào đã biết đâu rằng
Có bao nhiêu đức tính cũng không bằng
Chỉ khôn khéo, gian ngoan là đạt tất!
Bỗng hôm nay, rầu rầu nét mặt,
Vắt bên tay “bộ quần áo văn minh”,
Anh đến bảo tôi rằng: “Cái bước công danh
“Thực chẳng có chút nào thi vị cả!
“Đừng đón hỏi dỗ dành tôi nữa,
“Để cho tôi yên sống đời riêng tôi.
“Cuộc đời lang thang giản dị, nhưng mà vui,
“Riêng cùng với Nàng Thơ làm bầu bạn.
“Cái sung sướng phồn hoa tôi đã chán!”
Rồi bỏ quên bao nỗi giận, buồn qua,
Anh ta buông bộ lốt chẳng nên thơ
Và giữ lại chiếc mũ tàng, đôi giày trắng,
Với chiếc áo đã lợt màu vì sương nắng,
Anh ta đi, đi tìm chị Ly Tao
Mà ít lâu nay không biết trốn nơi nao!
Bông hoa rừng
Trèo lên trên đỉnh non cao
Nghe lời chim gọi, gió dào dạt thưa...
Bỗng đâu gặp gỡ tình cờ,
Cô nàng cao váy ỡm ờ đứng trông,
Tóc cô gió lẳng lơ chòng,
Nắng vàng rỡn cặp má hồng hồng tươi.
Mắt như nước lặng in trời,
Cánh đào thắm nét miệng cười trong mơ.
Khiến ta lòng những say sưa:
“Phải người ta vẫn đợi chờ, đây chăng?”
Trái tim đếm bước ngập ngừng,
Lại gần ta hỏi ai rằng: “Ai ơi!
Theo đường nước chảy mây trôi.
Để lòng ra khắp phương trời, ta xem
Ở đây nhắn gió đưa chim,
Ở đâu thiếu nữ trông tìm người yêu.
Tới đây thấy cảnh đìu hiu,
Phải chăng người ở trên đèo mong ta?”
Bồi hồi, ta đợi lời thưa,
Nhưng cô sơn nữ hững hờ trông mây...
Sóng rờn đôi mắt lung lay,
Tình xuân nồng đượm đôi mày thanh thanh,
Cười duyên đắm đuối trời tình
Lòng ta như muốn tan thành hư không.
Ta ôm thiếu nữ trong lòng:
Người yêu thoắt biến thành bông hoa rừng.
Bông hoa nay vẫn còn hương,
Lòng ta còn vết đau thương, không cùng,
Đính hoa ở một bên lòng,
Ngàn năm tiếc giấc mơ mòng khi xưa.
Mộng ảnh
Dưới bóng dâm tàn lá,
Một dòng suối chảy mau.
Bọt nước quanh mình đá
Phun bông trắng phau phau.
Người đẹp đứng bên nguồn
Óng ả như mình liễu
Mái tóc tả tơi buông
Mặc gió cành trêu ghẹo
Cánh tay ngà lơi lả
Vít chĩu nhành cây xanh,
Lá vàng bay lả tả:
Như bướm lượn quanh mình.
Làn sóng mắt ngây thơ,
Nét miệng cười tươi thắm.
Chân đá nước hững hờ,
Khiến cho ta mê đắm,
Ta, tấm lòng man mác,
Vin hái quả cây tươi
Ngoảnh dâng cho Nhan Sắc,
- Người đẹp đã đâu rồi.
Vẻ đẹp thoáng qua
Hôm qua đi hái mấy vần thơ,
Ở mãi vườn tiên gần Lạc Hồ:
Cảnh tĩnh trong hoa chim mách lẻo.
- Gió đào mơn trớn liễu buông tơ.
Nước mát hơi thu thắm sắc trời,
Trời xanh, xanh ngắt đượm hồng phai.
Ái ân, bờ cỏ ôm chân trúc,
Sau trúc, ô kìa! xiêm áo ai?
Rẽ lá, thi nhân bước lại bên
Mấy vòng sóng gợn mặt hồ yên,
Nhởn nhơ vùng vẫy ba cô tắm
Dưới khóm hoa quỳnh lá biếc xen.
Hồ trong như ngọc tẩm thân ngà,
Lồ lộ da tiên thô sắc hoa,
Mỉm miệng anh đào tan tác rụng,
Tóc buông vờn mặt nước say xưa.
Say xưa, người khác lạ Bồng Lai,
Giận lũ chim kia khúc khích hoài.
Van khẽ gió đừng vi vút nữa.
- Nhưng mà chim, gió có nghe ai?
Lời oanh trên liễu, yến bên hồng,
Hạc ở trong không, phụng dưới tùng,
Bỗng chốc cùng nhau cao tiếng hoạ,
Đờn tiên rộn rã khắp tiên cung...
Hoa lá cùng bay bướm lượn qua,
Người tiên biến mất - Khách trông ra:
Mặt hồ nước phẳng nghiêm như giận.
- Một áng hương tan, khói tỏa mờ.
Khúc hát bên sông
Ngày trước mỗi khi qua bên sông,
Văng vẳng đưa sang tiếng em hát,
Ta thôi ngắm trời xanh áng mây hồng,
Ta quên dạo vườn hoa gió bay ngát.
Ngày nay, ta cũng qua bên sông,
Lắng tai, không thấy tiếng em hát,
Ta hỏi thăm: em đã đi lấy chồng;
Trời nặng, mây mờ, gió hương cũng nhạt.
Thổn thức ta ngồi ghé bên sông,
Giục tiếng lòng xưa ôn tiếng hát,
Mượn ánh lòng soi ấm khối mây lòng.
Mượn hương lòng đượm thơm làn gió mát.
Ta là thi sĩ ở bên sông
Tiếc cái vui qua cùng khúc hát:
Ngàn muôn năm vỗ nhịp một bên lòng,
Ca nhớ lại thanh hương xưa đã tắt.
Bâng khuâng
Trời xanh dịu, sợi mây hồng vơ vẩn,
Trên bờ sông cô em đang thơ thẩn,
Đứng lặng nhìn mặt nước chiếc thuyền trôi
Với ánh chiều thu bầm tím chân trời.
Cô buồn. Mà vì đâu, cô chẳng biết.
Có lẽ bao nỗi âm thầm, tha thiết
Bấy lâu nay vẫn ẩn kín một bên lòng,
Bỗng dưng nhân một phút hư không
Trước cảnh rộng mịt mùng nơi sông nước,
Đã khiến cho tâm hồn cô man mác.
Gió đưa cành lá, ghẹo áng tóc mai,
Cùng cô em chung một tiếng thở dài,
Mà giọt sương chiều điểm thưa trên lá
Cùng long lanh với hạt châu trên má.
Tuy nhiên, trong lúc bâng khuâng,
Cô thấy lòng cô phơi phới lâng lâng
Như bay cao, như tan theo mây gió.
Cô khoan khoái trong khi buồn thảm đó,
Chính vì hồn thu vi vút ban chiều
Đã nhắc cho cô thấy lòng cô yêu.
Lần đầu hết, lòng cô mang tình ái,
Ôi vết thương sâu dịu dàng tê tái!
Nhưng yêu ai? Mà đã có ai yêu?
Cô chỉ biết trông sông nước đìu hiu,
Trông mây gió gửi nỗi buồn êm ái.
Hồ xuân và thiếu nữ
Trên mặt hồ in màu ngọc biếc,
Cô em đang chơi chiếc thuyền con,
Lẳng lơ, như cái chuồn chuồn,
Rỡn đuôi trên nước chập chờn ghẹo hoa.
Chân gió nhẹ lướt qua làn sóng,
Nắng chiều xuân rung động trên cành,
Mấy hàng lau yếu nghiêng mình.
Cô em bỗng ngẩn ngơ tình vì đâu?
Đặt mái chèo, ngả đầu trên gối,
Trông mây chiều phơi phới trên kia...
Hỏi xem mây có duyên gì,
Mà con chim én đi về lửng lơ...?
Trên vầng trán ngây thơ, trong sáng,
Vẩn vơ qua một áng hương buồn.
Giây lâu cô vẫn như còn
Lâng lâng trông gửi tâm hồn lên cao.
Tiếng diều sáo nao nao trong vắt,
Trời quang mây, xanh ngắt màu lơ.
Thuyền trôi, nước đẩy hững hờ.
Hàng cây lặng đứng trên bờ trông mong.
Ấy đăm đăm mơ mòng chi đó,
Hỡi cô em má đỏ hây hây?
Hỡi cô thiếu nữ trông mây
Thẩn thơ nhìn chiếc én bay lưng trời?
Khiến cho cảnh bồi hồi ngây ngất,
Tiếng sáo chưa nỡ dứt trên không,
Khiến cho hồ nước mịt mùng,
Ngày không muốn hết, ta không muốn về.
Nhan sắc
Trời có những buổi bình minh êm lặng,
Phấn hồng non phơn phớt dải chân mây;
Nhưng cô em có đôi má hây hây,
Làm phai nhạt cả màu tươi buổi sáng.
Trời có những dải mây huyền thấp thoáng
Như vấn vương lưu luyến quyện lòng ai;
Nhưng khi cô buông áng tóc mây dài
Cho tay gió lướt bên thềm mơn trớn.
Lòng ta cũng chuyển theo làn sóng lượn.
Đã biết bao phen những buổi chiều thu,
Ta bâng khuâng tìm cảnh mộng bên hồ,
Nhưng ta chỉ tiếc khi ngồi lặng ngắm
Đôi mắt cô em như say, như đắm,
Như buồn in hình ảnh giấc mơ xa.
Vườn trần gian, dù thâu góp cả muôn hoa,
Lấy một nét cười mừng chim với gió,
Cũng không thắm tươi, say sưa, rực rỡ
Bằng khi cô hé cặp môi xuân
Mà lả lơi cười cợt với đông quân.
Nhưng em ơi, vẻ xanh tươi trong trời đất
Tuy đến hạn u tàn, song chẳng mất:
Đông qua, lại thấy xuân sang,
Còn vẻ đẹp giai nhân, đắm đuối, rỡ ràng,
Gồm những áng tinh hoa bao cảnh sắc,
Phải đâu cũng lâu bền như non nước?
Một ngày kia, em ngắm lại dung nhan,
Em sẽ cùng ta buồn trách thời gian,
Tiếc cảnh vui qua, tiếc mầu rực rỡ
Của xuân đời ngàn năm không về nữa.
Vậy thì yêu đi, vui mãi, bạn lòng ơi!
Để khi ánh quang minh soi thấy má hồng phai,
Thấy áng tóc điểm thưa mầu sương bạc,
Thấy nét thắm miệng hoa dần đã nhạt,
Nước hồ thu đôi mắt đã mờ;
Em vẫn còn giữ được tấm lòng xưa.
Vì, em ơi, khi nặng mang tình ái.
Thì xuân sắc nắng sương tuy dầu dãi,
Ngày xuân xanh khe khắt vô tình qua,
Nhưng lòng xuân muôn tuổi vẫn không già.
Giục hồn thơ
Nàng Thơ ơi! Nàng Thơ! - Ta buồn lắm!
Nắng gay gắt trên khóm sen không thắm;
Gió thờ ơ không động bóng tàn cây;
Dưới trời xanh, mây quá trắng không bay;
Hồ không sóng phơi mặt gương quá sáng;
Thời gian đứng: sắc hình trơ trẽn dáng,
Lòng ta không âu yếm, không vui tươi,
Không nhớ thương, không sôi nổi. - Than ôi!
Cũng không cả nỗi đắng cay tê tái:
Nàng Thơ ơi, tâm hồn ta trống trải.
Ta đứng đây, lơ láo, hững hờ trông
Cảnh vô duyên không gợn tiếng tơ lòng;
Ta đứng đây, thẫn thờ mơ bóng bạn,
Trông giờ khắc lặng mang niềm ngao ngán,
Ly Tao ơi, nương tử của lòng ta!
Nỡ lòng du, sơ lãng mối tình thơ?
Tìm đâu thấy những phút giây êm ái.
Những phút giây xán lạn ánh thiêng liêng
Ta cùng ai để tâm hồn mê mải
Tung ngọc châu gieo những khúc thần tiên?
Đâu những buổi non sông cùng lặng lẽ
Đợi tay ta dìu dắt ngón tay ai.
Tạo nên bức tranh tuyệt trần hoàn mỹ
Lên không gian, thâu góp muôn màu tươi?
Vì bạn ơi! Những khúc đờn réo ngọc
Với bức tranh châu chuốt nét thanh cao
Là những bài thơ, nỗi tình cảm xúc
Của lòng ta và của bạn Ly Tao.
Nàng Thơ ơi! Nàng Thơ! - Ta buồn lắm!
Đem lại đây ánh hương hoa say đắm,
Đem lại đây làn sương gió mơ màng,
Đem lại đây, cùng với điệu du dương,
Những tiếng khóc than hay lời cảm khái
Để lòng ta thôi đừng khô héo mãi!
Để cho ta khi ngắm nắng, trông hoa.
Khi đứng bên hồ đón gió đưa qua,
Ta được thấy ánh lòng ta rung động,
Ta được thấy hồn thơ ta gợn sóng,
Thấy miệng cười bạn tiên tử yêu kiều
Và cùng ai chung giấc mộng cao siêu.
Nàng thơ lạnh
Gió bấc giục về, Nương Tử rét
Bạn nghèo không sắm áo nhung tơ,
Sương thu gội mãi trên vai giá
Ta lấy gì đây, đắp dáng Thơ?
Ý thơ
Bình tĩnh lại, bao nỗi lòng huyên náo!
Vì giờ đây muôn vật lắng trong đêm:
Trong gió đứng, thanh âm treo khúc dạo,
Trong sương khuya, ngưng đọng áng hương chìm;
Hoặc lặng sống trong đài khoan độ nở,
Cây âm thầm khép lá gượm xôn xao;
Nương bóng tối muôn loài sâu nín thở;
- Thời gian qua, nghỉ bước trên từng cao.
Này là phút băn khoăn trong ngóng đợi,
Phút anh linh, huyền diệu của tâm tư
Ghi dấu vết giữa tháng năm thay đổi
Để ngàn sau nối lại với ngàn xưa.
Ấy là lúc ý thơ rung ánh ngọc,
Cùng Thi tiên say giấc khói hương ngà.
Nhà thi sĩ nâng niu bầu cảm xúc
Của trời mây đúc lại mấy lời hoa.
Mưa hoa
Miệng hát, hai tay nhét túi quần,
Tiến lên, ngửa mặt đón mưa xuân,
Vui như đàn trẻ săn theo bướm,
Ta mải mê theo đuổi mấy vần.
Đi qua các phố quên người đông.
Trời rét hay chăng, chẳng bận lòng:
Ta thấy tâm hồn đang rạng rỡ,
Tưng bừng muôn cánh bướm hoa tung.
Trông khóm đào, mai bán khắp đường,
Ta cười tưởng nhớ cảnh quê hương
Bồng lai muôn thuở vườn xuân thắm,
Xán lạn, u huyền, trong khói sương...
Rồi bao hình, sắc, bóng tiên nga
Điêu luyện tô thành nét những thơ;
Bao điệu thiêng liêng tê tái dạo
Chập chờn theo tiếng gió bay qua.
Nửa ở Bồng lai, nửa dưới Trần,
Ta đi, trong lúc cả trời xuân
Nồng say thắm nhuộm mầu thi cảm.
-- Chợt cánh hoa đào rụng dưới chân.
Lượm hoa, như lượm mấy lời thơ.
Hoa lại từ đâu nhẹ cánh đưa,
Một cánh rũ theo bao cánh khác:
Quanh mình tấp tới trận mưa hoa.
Theo lối hoa về rảo bước lên,
Chân đưa lần đến cảnh thần tiên,
Đường cây uốn éo êm đềm phủ,
Tàn lá xanh rờn ánh biếc xuyên...
Gió đưa hoa tới cành hoa lay,
Như quyến theo làn hương đắm say,
Như quyến theo lời tơ trúc nhẹ,
Ái ân tha thiết, vẳng đâu đây.
Đưa bước như vào trong cõi mộng
-- Đàn, hoà, theo nhịp gót du dương --
Ta đi tìm cõi nguồn tươi sáng,
Bỗng hiện trong hoa, bóng một nàng...
Một giai nhân chuốt vẻ yêu kiều,
Áo trắng in mầu ánh ngọc reo,
Nhan sắc như bài thơ tuyệt tác:
Mơ màng, âu yếm điệu cao siêu.
Mỉm miệng cười tươi như nắng xuân,
Mắt nhìn lưu luyến bạn thi nhân;
Đưa tay nương vít cành hoa thắm,
Nàng hái từng bông thả xuống dần.
Đem cả tình thơ, với tấm lòng
Yêu mê riêng vẻ đẹp mênh mông,
Đón mầu hoa rụng tay Nương Tử.
Bỗng thấy lòng ta cảm não nùng...
Ô hay! bao cánh thắm hoa đào
Chẳng ủ lòng ta ấm dịu sao?
Chẳng đủ cho lòng quên khổ não.
Vì đâu réo rắt khúc tiêu tao?
Giở hoa xem lại, ôi kỳ ảo!
Trên cánh nhung tơ những nết huyền
Thầm viết lên mầu năm tháng cũ:
-- Lời thơ ghi những chuyện tình duyên.
Chép lại lời thơ kể chuyện xa,
Biết đâu không phải nỗi lòng ta
Bao lâu kiêu hãnh trong im lặng.
Thấy gió xuân về, cũng thiết tha.
Ngày xưa còn nhỏ
Ngày xưa, còn nhỏ, đi săn bướm.
Bướm sợ bay tìm trốn dưới hoa,
Ta thấy hoa cười mê mải ngắm:
Thế là từ đấy biết Nàng Thơ.
Từ đấy đôi bên thường gặp nhau
Trong rừng, cạnh suối, bất kỳ đâu,
Không thân, nhưng chẳng thờ ơ lắm,
Bỡ ngỡ e dè cũng khá lâu.
Một hôm, (năm ấy mười hai tuổi),
Thơ thẩn ta ngồi với bóng trăng,
Nhìn dải mây trời theo gió chạy,
Hồn thơ đưa tới cõi bâng khuâng...
Những tiếng xa vời vẫn quyện mây,
Những hình tươi sáng múa đâu đây
Rủ nhau hiện đến, cho ta ghép
Nên điệu thơ vàng xán lạn bay:
Bài thơ thứ nhất mới ra đời,
Chợt thấy như lòng tuyết nặng rơi,
Như gió hồng mơn, như nắng dịu
Nhẹ nhàng êm ấm ủ trên vai.
Ngoảnh lại: Nàng Thơ đã ở bên
Mỉm cười -- Ồ! khóe miệng trăm duyên!
(Lời nào tả được tình lưu luyến
Buổi mới ân cần với bạn tiên).
Kết giao hẹn đến muôn ngàn kiếp,
-- Vì bọn làm thơ hẳn sống lâu --
Ta với nàng tiên ca hát mãi,
Ngoài ra còn có thiết chi đâu?
Cho đến ngày ta phải ngược xuôi,
Trong khi vất vả cũng không thôi
Nhởn nhơ ngâm hoạ cùng nương tử:
Một cuộc tình thiêng ở giữa đời.
Nhưng nàng tiên ấy hay ghen lắm,
Chỉ muốn ta yêu có một mình.
Mà tấm lòng ta thì phóng đãng;
(Lạ gì cái tuổi thuở xuân xanh?)
Vì thế Nàng Thơ đã mấy phen,
Trách ta mê đắm mãi trần duyên;
Mấy phen ta thấy mầu châu lệ,
Thầm oán hờn ta dưới mắt đen.
Song le ta biết làm sao được?
Vì ở trần gian vẻ lệ kiều.
Của khách giai nhân thường vẫn bảo:
Yêu thơ đâu phải thực là "Yêu"?
Yêu
Ta đi thơ thẩn bên vườn mộng,
Em nấp sau hoa khúc khích cười,
Ngừng bước ta còn đương bỡ ngỡ,
Lẳng lơ em ngắt đóa hồng tươi...
Em ném cho lòng ta đón lấy,
Bông hoa phong kín ý yêu đương.
Hay đâu hoa giấu mầm gai sắc
Sướt cạnh lòng ta mấy vết thương.
Yêu em từ đó ta phơi phới,
Sống ở trong nguồn thú đắm say,
Nhưng cũng sống trong đau khổ nữa.
Miệng cười trong lúc nhắm chua cay.
Lời tuyệt vọng
Lòng ta hồ vỡ tan tành,
Vì hờn, vì giận, vì tình, vì thương,
Vì cay đắng đủ trăm đường!
Than ôi! ly rượu mơ màng khi xưa,
Ai đem dốc cạn bao giờ?
Chẳng cùng chi nửa, chẳng chờ hưởng chung
Để ta tỉnh mãi mà trông:
Giữa nơi cát bụi mịt mùng, dần lan
Từ nơi vết nặng không hàn
Một dòng máu, lẫn bao hàng lệ châu.
Phải chăng đau khổ bấy lâu
Chứa chan nay lúc mạch sầu trào tuôn?
Không, không: Thuốc độc vẫn còn
Mà nguồn nghị lực đương cuồn cuộn ra
Tình nhân hỡi! Bạn Mê Hà!
Lại đây! Này vết thương ta có mình,
Lòng ta dù vỡ tan tành,
Cũng còn thổn thức. Buộc lành cho nhau!
Nỗi mong ám khắp trời thâu,
Có nghe thấy tiếng khẩn cầu này không?
Người yêu -- hy vọng sau cùng --
Mỉm cười đỡ lấy khối lòng đê mê,
Tưởng tay nương vuốt, không dè
Bóp thêm cho máu dầm dề lại tuôn.
Chiều bâng khuâng
Làn gió bên sông lẹ cánh đưa
Nắng chiều tươi nhuộm cảnh trong mơ:
Bóng cây trên cỏ vươn mình ngả;
Tha thướt Nàng Xuân bước thẩn thơ;
Trời biếc, én nghe chèo vỗ nước;
Nhớ nhung, ai tiếc cánh buồm xa?
Cô hàng đâu biết ta buồn nhỉ,
Đon đả ra chào hỏi khách qua.
Đàn nguyệt
(Trên sông Hương một đêm trăng)
Lòng ta hỡi! Thôi đừng lên tiếng nữa!
Lặng mà nghe đờn nẩy khúc sầu thương.
Ngón tay rung, rung động cả đêm sương.
Khiến trăng nước đắm mơ hồ ly biệt,
Khiến trong gió ngưng đọng niềm thống thiết
Của bao nhiêu người đẹp khát tình duyên
Ôm nhớ nhung còn nức nở bên đèn.
Đêm khuya vắng thêm gợi thời xa vắng,
Tiếng bi ai như vẽ hình cay đắng
Của chia phôi, cùng thương tiếc đợi chờ
Trong bao thiên tình sử não nùng xưa.
Thấy chăng ai? trên sông khuya im sóng
Bâng khuâng trôi một con thuyền mơ mộng,
Thuyền lênh đênh gieo giữa cõi sương tan
Tiếng ngậm ngùi muôn thuở của thời gian.
Biết chăng ai? bao nhiêu điều cực khổ
Với bao nỗi hờn oan trong vũ trụ
Cùng hẹn hò thu lại một đêm nay,
Đương nỉ non thánh thót ở trên giây,
Theo ngón đê mê của bàn tay nghệ sĩ.
Thuốc độc êm đềm, ôi! giọng đàn kiều mị,
Bởi vì đâu gieo xuống mãi lòng ta
Những giọt nồng tê tái vị say xưa?
Sáng
Nắng soi áo trắng hoe đào
Theo cô đội nón kia vào trong sương.
Hơi lam xóa giải chân làng
Ta đi, không biết con đường về đâu?
Trưa
Đường nắng. Trong dâu tiếng nói cười
Bay ra, ròn rã ghẹp bên tai
Ngừng chân, rẽ lá tìm. Im phắc:
Vàng rọi lưa thưa, chẳng mấy người.
Chiều
Cảnh vắng. Trời hanh. Giáng mai chiều
Buồn xa ngưng lại nỗi đìu hiu...
Bỗng đâu xao xuyến cây reo gió,
Bụi chạy đường khô lá đuổi theo.
Tối
Trời cao vàng tắt, trên cây
Con chim bé nhỏ gọi ngày hôm sau,
Âm thầm mây rủ rê nhau
Kéo đi trốn cảnh u sầu đêm tăm.
Đời thái bình
Thuở ấy, nhiệm mầu sương gió biếc,
Trời mây huyền ảo đắm hồn thơ,
Cây im, vin bóng um tùm lá,
Sông chậm nguồn sâu nước đợi chờ.
Vì chưng -- ngày tháng êm đềm trôi --
Khi nắng hồng thiêng lướt cạnh đồi,
Khi cánh chim thần đâu vút lại,
Từng không dìu dặt tiếng xa xôi.
Ấy tiếng mơ hồ của ý Xuân,
Hằng năm ca ngợi đón Đông Quân.
Nước non trong sáng thay mầu mới;
Tấm áo đào tươi phủ khắp trần.
Cây im, sông lắng đợi Xuân về,
Trong lúc trần gian, dưới bóng the
Của buổi thanh bình thong thả sống,
-- Từ nơi thành thị tới thôn quê.
Quả chĩu cành xanh, lúa ngập đồng.
Ông già yên lặng, tóc râu bông,
Chiều chiều chống tuổi trên cây trúc
Lững thững đi nhìn giải suối trong.
Trên nền áng cỏ thơm mơn mởn,
Con trẻ cười nô hất trái đào;
Rũ lụa bên hồ ba bốn chị
Lả lơi đưa tiếng hát lên cao.
Từng bọn thư sinh dạo trước đền
Ung dung hỏi liễu, ngắm hoa quen.
Đón làn hương gió, nhìn mây uốn,
Mơ cảnh Trường An võng lọng chen...
Thành Đô với cảnh sắc huy hoàng
Cũng lặng chìm trong áng khói sương.
Hoà thuận yên vui đời thái lạc.
-- Đồn xa, quân lính hoạ ca xang.
Giây phút chạnh lòng
"Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong sum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?
"Non nước đang chờ gót lãng du,
Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu,
Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ.
"Anh đi vui cảnh lạ, đường xa,
Đem chí bình sinh dãi nắng mưa,
Thân đã hiến cho đời gió bụi
Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ?
"Rồi có khi nào ngắm bóng mây
Chiều thu đưa lạnh gió heo may
Dừng chân trên bến sông xa vắng,
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây;
"Xin anh cứ tưởng bạn anh tuy
Giam hãm thân trong cảnh nặng nề,
Vẫn để hồn theo người lận đận;
Vẫn hằng trông đếm bước anh đi.
Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,
Em muốn cho ta chẳng thảm sầu.
Nhưng chính lòng em còn thổn thức,
Buồn kia em giấu được ta đâu?
Em đứng nương mình dưới gốc mai,
Vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi,
Cười nâng tà áo đưa lên gió,
Em bảo: hoa kia khóc hộ người.
Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng,
Nhìn nhau bình thản lúc ra đi.
Nhưng trong khoảnh khắc thờ ơ ấy,
Thấy cả muôn đời hận biệt ly.
Năm năm theo tiếng gọi lên đường,
Tóc lộng tơi bời gió bốn phương.
Mấy lúc thẫn thờ trông trở lại,
Để hồn mơ tới bạn quê hương.
Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng
Gác tình duyên cũ chẳng đường trông.
Song le hương khói yêu đương vẫn
Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng.
Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan.
Trong lúc gần xa pháo nổ ran.
Rũ áo phong sương trên gác trọ.
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.
Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi,
Trên đường rộn rã tiếng đua cười,
Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy.
Cùng ngắm xuân về trên khóm mai.
Lòng ta tha thiết đượm tình yêu,
Như cảnh trời xuân luyến nắng chiều,
Mắt lệ đắm trông miền cách biệt,
Phút giây chừng mỏi gót phiêu lưu...
Cát bụi tung trời -- Đường vất vả
Còn dài -- Nhưng hãy tạm dừng chân,
Tưởng người trong chốn xa xăm ấy
Chẳng biết vui buồn đón xuân?
Tiếng chuông chùa
Sương lam gieo nỗi buồn mênh mông trên đồng vắng,
Nắng chiều xuân rung rinh trong cảnh trời yên lặng.
Bỗng thong thả rơi một tiếng chuông chùa,
Ở chân trời hay trong cõi hư vô?
Lòng ta bát ngát, nhẹ nhàng như mọc cánh
Bay chập chờn trong nơi không gian thanh tịnh.
Ly Tao nương tử ơi! Hỡi nàng Thơ!
Ta muốn cùng ai muôn năm say sưa
Ta muốn biến ra làm mây, làm gió,
Làm một bầu khinh thanh trong vũ trụ,
Làm ánh sáng anh linh của núi sông,
Làm cái Đẹp thiên nhiên: giấc mộng vô cùng
Cho trí tưởng thi nhân, cho tâm hồn nghệ sĩ,
Cho bao tấm lòng nhọc nhằn muốn nghỉ,
Ôi cao siêu! ôi khoái lạc! giây phút thần tiên!
Như đứng ngoài trần gian, ta hút thở gió Quên,
Quên đã sống bao nhiêu năm đau khổ,
Ta quên những cảnh bùn than, lam lũ;
Chỉ thấy trên cao xanh, con mắt Từ Bi
Theo dõi ta, theo dõi bước lưu ly,
Và yên ủi cho ta còn nhiều hy vọng.
Mấy tiếng chuông u uyên, lan rộng
Văng vẳng đưa... vang tới cõi lòng ta...
Mắt lệ trông huyền ảo cảnh sương mờ.
(Bài thơ này chỉ có trong bản đầu in năm 1935, không có trong bản in lần 2 năm 1941)
Thế Lữ là một nhà thơ tài danh, người "khơi dòng" cho phong trào Thơ mới. Ông đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển văn học, sân khấu Việt Nam. Giờ đây, những di sản mà nhà thơ Thế Lữ để lại vẫn được các thế hệ tiếp nối và tôn vinh.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.