Tuyển tập thơ Hoàng Trung Thông - những tác phẩm đi cùng năm tháng

VOH - Với một giọng thơ rất riêng trong nền thi ca Việt Nam, thơ Hoàng Trung Thông khiến tâm hồn con người trở nên thuần khiết hơn.

Trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam, ngoài những cái tên như Tố Hữu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi,... thì Hoàng Trung Thông cũng là một ngòi bút tài hoa khi viết nên các tác phẩm đặc sắc. Thơ ông mang đậm tính triết lý nhân sinh, luôn ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của nhiều thế hệ. Hãy cùng VOH thưởng thức một số bài thơ Hoàng Trung Thông để hiểu hơn về thi sĩ mang cốt cách “đồ Nghệ” này nhé!

Hoàng Trung Thông là ai?

Hoàng Trung Thông (5/5/1925 - 4/1/1993) sinh ra tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông là nhà thơ tiêu biểu cho nền thơ cách mạng Việt Nam với nhiều bút danh như Đặc Công, Bút Châm.

Thuở nhỏ, Hoàng Trung Thông theo học chữ Hán tại quê nhà và được xem là thần đồng nổi tiếng khắp vùng. Năm 12 tuổi, ông học tại trường Quốc Học Vinh.

Trong giai đoạn tham gia kháng chiến chống Pháp, nhà thơ cùng Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hải Triều lãnh đạo Hội văn nghệ khu IV. Sau đó, ông ra công tác ở Hội văn nghệ Trung ương.

Hoàng Trung Thông từng giữ các chức vụ quan trọng như nguyên Tổng biên tập Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương,...

Hoàng Trung Thông có học vấn uyên bác, thông thạo tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Anh. Bên cạnh công việc dịch giả dịch các tác phẩm thơ và văn xuôi nổi tiếng trên thế giới, ông còn được biết đến là một thư họa tài hoa.  

Lúc còn trẻ, thơ Hoàng Trung Thông có phần dàn trải. Thế nhưng, càng về cuối đời, ông viết càng cô đúc, chắt lọc. Giọng thơ của thi sĩ xứ Nghệ vừa mộc mạc, giản dị vừa giàu chất suy tưởng, in đậm dấu ấn của cuộc sống.

voh-tho-hoang-trung-thong-1
 

Suốt cuộc đời mình, nhà thơ đã sáng tác ra nhiều tác phẩm hay, được độc giả đón nhận một cách nồng hậu.

  • Quê hương chiến đấu (1955)
  • Đường chúng ta đi (1960)
  • Những cánh buồm (1964)
  • Đầu sóng (1968)
  • Trong gió lửa (1971)
  • Như đi trong mơ (1977)
  • Chiến công tuổi thơ (1983)
  • Hương mùa thơ (1984)
  • Tiếng thơ không dứt (1989)
  • Mời trăng (1992)
  • Chặng đường mới của văn học chúng ta (1961)
  • Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống (1979)
  • Những người thân những người bạn

Trong sự nghiệp sáng tác, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá như:

  • Huân chương Độc lập hạng Ba.
  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt 1, năm 2001 (Tập thơ Quê hương chiến đấu, Mời trắng và Tuyển tập Hoàng Trung Thông).
  • Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt 6, năm 2022 (Tập thơ Đường chúng ta đi, Những cánh buồm, Đầu sóng, Tiếng thơ không dứt).

Thơ Hoàng Trung Thông hay và ý nghĩa

Các bài thơ của Hoàng Trung Thông luôn mang đậm hơi thở cuộc sống, mộc mạc như lời ăn tiếng nói thường ngày của người dân quê. Vì thế, khi nói về đời thơ thi sĩ mang cốt cách “đồ Nghệ”, nhà thơ Vũ Quần Phương từng nhận xét: “Thơ anh mang những thuộc tính của đất: Chắc bền, bình dị và có sức nuôi người”.

Chiều đến Bình ca

Chiều đến Bình - ca không tiếng hát

Chỉ nghe rào rạt tiếng sông Lô

Dòng sông chảy biếc trời man mác

Một chuyến phà sang sóng vỗ bờ.

 

Phải chăng anh người lái phà năm trước

Ánh đèn đêm soi bóng nước lăn tăn

Phà xưa chở xe ta đi chiến dịch,

Nay chở đầy máy kéo xe lăn.

 

Tôi đứng bên sông chiều gió lạnh

Tưởng như còn đứng gọi đò đêm

Núi cao ngửa mặt nhìn mây trắng

Bè nứa xuôi về, thuyền ngược lên.

 

Phải chăng anh người lái phà năm trước

Chờ suốt đêm dài xe nối xe.

voh-tho-hoang-trung-thong-2
 

Đọc thơ Bác

Ngục tối, trái tim càng cháy lửa

Xích xiềng không khóa nổi lời ca

Trăm sông nghìn núi chân không ngã

Yêu nước yêu người yêu cỏ hoa.

 

Đọc lời thơ Bác tâm hồn Bác

Một tấm gương trong chẳng bụi mờ

Bóng cây đại thụ trùm xanh mát

Cánh rộng chim bằng bay tự do.

 

Tự do! Gươm súng nào ngăn được

Biển rộng sông dài ý chí cao

Thân ở trong tù, lòng ở Nước

Bay quanh hồn mộng ánh vàng sao.

 

Khi chim rừng ca rộn núi

Khi nhìn khóm chuối ánh trăng soi

Lao lung vẫn giữ lòng thư thái

Nắm chắc trong tay cả cuộc đời.

 

Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp

Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh

Vần thơ của Bác, vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.

Tiếng sáo

Em bé trên mình trâu

Ngồi thổi cây sáo sậy

Tiếng sáo ngân xa mãi

Đàn trâu đi chậm rãi, cúi đầu.

 

Đàn trâu đi mồm nhai cỏ xanh

Mấy con chim nhảy nhót trên cành

Mặt trời lên bờ tre sương lóng lánh

Tiếng sáo em đánh thức cả bình minh.

 

Tiếng sáo em: bài ca gọi nghé

Tiếng sáo em: khúc hát gọi bê

Bê nghé tung tăng theo bước mẹ

Tiếng sáo em: hơi thở của đồng quê.

 

Tôi muốn đổi những tháng ngày mơ mộng

Lấy một phút em ngồi thổi sáo trên mình trâu

Mồ hôi rơi vầng trán em đen bóng

Giọt giọt mồ hôi tôi thấy đâu.

 

Trong gió mai tiếng sáo em ngân dài

Như cánh cò trên đồng xanh sóng vỗ

Vầng trán em giọt mồ hôi rơi

Tiếng sáo dắt đàn trâu ra bãi cỏ.

Gió biển

Gió mặn gọi tôi về với biển

Như mùa xuân gọi én bay về

Hàng thông sóng vỗ. Chao xao xuyến!

Tôi đứng mênh mông gió bốn bề.

 

Gió gió! Mặt trời căng ánh đỏ

Cánh buồm căng ngực vút ra khơi

Mặt nước biển căng đầy sóng vỗ

Máu phập phồng căng giữa tim tôi.

 

Bấy lâu bụi phủ trong phòng nhỏ

Lấy cánh quạt trần làm cánh gió

Bây giờ biển thổi gió bao la

Lảo đảo thuyền tim chừng muốn vỡ.

 

Bấy lâu soi bóng mặt hồ xinh

Chút sóng lăn tăn cũng rợn mình

Bây giờ tám hướng trời tung sóng

Như cuốn người bay thành vệ tinh.

 

Tôi tắm gió, tắm trời, tắm sóng

Biển khơi ơi! Lồng lộng gió đông

Thịt da tôi ngấm đầy gió mặn

Như cánh buồm nâu ngấm gió nồng.

Anh chủ nhiệm

Nắng chiều thấp thoáng ngọn cây tre

Sóng lúa mênh mông cuộn đổ về

Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ

Áo nâu bạc màu bay với gió

Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh

Vẽ cả ngày mai thành bức tranh

Kìa dòng mương chảy cầu đương bắc

Lò gạch xây cao, đường thẳng tắp

Nơi đây kho thóc nhà chăn nuôi

Tiền đã lo xong đất cắm rồi

Chân vẫn bước đều miệng vẫn nói

Phơi phới lòng anh như gió thổi.

 

Anh làm chủ nhiệm đã ba năm

Ba năm vật lộn cùng khó khăn

Có mùa mạ cháy đồng khô cạn

Mười bậc nước leo lên ruộng hạn

Có mùa lúa chín lụt tràn qua

Lại phải nghiêng đồng hắt nước ra

Người nhiều, ruộng ít trâu bò ít

Chạy ngược chạy xuôi lo rối rít

Ngoài ba mươi tuổi máu đương sôi

Không chịu khoanh tay đứng ngó trời

Xoay mùa, chuyển vụ, tăng năng suất

Thiếu đất lên rừng tay vỡ đất

Còn nhiều nếp cũ thói riêng tây

Trăm miệng, trăm người, trăm cái gay

Hõm mắt thâu đêm lo việc xã

Gió rét đường trơn, chân bấm đá

Hết làng, hết ruộng thôi đi về

Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe

Cùng bao đồng chí, anh đi trước

Đứng mũi chịu sào đầu gió ngược

Có đêm nằm nghĩ cảnh gieo neo

Vợ yếu, con đông, chưa hết nghèo

Nhưng rồi thấy rõ đường đi tới

Nước nổi lo chi bèo chẳng nổi

Lại lao vào việc lòng say sưa

Hết sớm thôi chiều nắng lại mưa

“Ơi anh chủ nhiệm! Anh chủ nhiệm”

Bao tiếng thân thương, lời cảm mến

Tay anh nắm chặt tay xã viên

Xốc cả phong trào vững tiến lên.

 

Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ

Áo nâu bạc màu bay với gió

Mắt tôi ôm hết cả đồng xanh

Cả dáng hình anh thành bức tranh.

voh-tho-hoang-trung-thong-3
 

Bài ca vỡ đất

Chúng ta đoàn áo vải

Sống cuộc đời rừng núi bấy nay

Ðồng xanh ta thiếu đất cày

Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng

Tháng ngày ta góp sức chung

Vun từng luống đất cuốc từng gốc cây.

 

Ðường xa ta tới đây

Trên đồi cây khát nắng

Giữa hai dòng suối vắng

Ðoàn ta vui cấy cày.

 

Bàn tay lao động

Ta gieo sự sống

Trên từng đất khô

Bàn tay cần cù

Mặc dù nắng cháy

Khoai trồng thắm rẫy

Lúa cấy xanh rừng

Hết khoai ta lại gieo vừng

Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta.

 

Suối chảy quanh ta

Tiếng suối ngân nga

Hòa theo gió núi

Ta đào mương mở suối

Tuổi ta là những tuổi đấu tranh

Cho dù bạc áo nông binh

Vẫn còn vỡ đất cấy xanh núi đèo.

 

Chim reo trong lá

Hòn đá cheo leo

Chúng ta một lớp người nghèo

Giữa chiều nắng gió

Ðào cây cuốc cỏ

Tỉa đỗ trồng khoai.

 

Ngày còn dài

Còn dai sức trẻ

Cuốc càng khỏe

Càng dễ cày sâu

Hát lên! Ta cuộc cho mau

Nhanh tay ta cuốc ta đào đất lên

Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

 

Ta vui mùa lúa thơm

Ta mừng ngày quả chín

Gửi ra người tiền tuyến

Diệt quân thù, gối đất nằm sương.

 

Máu ai nhuộm thắm sao vàng

Mồ hôi ta đổ xuống hàng rau tươi

Rừng xanh xanh cả máu người

Còn màu lúa tốt còn tươi áo chàm.

Những cánh buồm

Hai cha con bước đi trên cát

Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh

Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch.

 

Sau trận mưa đêm rả rích

Cát càng mịn, biển càng trong

Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng

Nghe con bước, lòng vui phơi phới.

 

Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:

“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,

Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”

 

Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:

“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,

Sẽ có cây, có cửa, có nhà

Vẫn là đất nước của ta

Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”

 

Cha lại dắt con đi trên cát mịn,

Ánh nắng chảy đầy vai

Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời

Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:

“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,

Để con đi!”

 

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì

Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm

Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận

Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.

Bao giờ trở lại

Các anh đi

Ngày ấy đã lâu rồi

Xóm làng tôi còn nhớ mãi

Các anh đi

Bao giờ trở lại

Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong

Làng tôi nghèo

Nho nhỏ bên sông

Gió bấc lạnh lùng

Thổi vào mái rạ

Làng tôi nghèo

Gió mưa tơi tả

Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi

Các anh về mái ấm nhà vui

Tiếng hát câu cười

Rộn ràng xóm nhỏ

Các anh về tưng bừng trước ngõ

Lớp đàn em hớn hở theo sau

Mẹ già bịn rịn áo nâu

Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về

Từ lưng đèo

Dốc núi mù che

Các anh về

Xôn xao làng tôi bé nhỏ

Nhà lá đơn sơ

Nhưng tấm lòng rộng mở

Nồi cơm nấu dở

Bát nước chè xanh

Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau

Anh giờ đánh giặc nơi đâu

Chiềng Vàng, Vụ Bản, hay vào Trị Thiên

Làng tôi thắng lợi vụ chiêm

Lúa thêm xanh ngọn, khoai lên thắm vồng

Giảm tô hai vụ vừa xong

Đêm đêm ánh đuốc dân công rực đường

Dẫu rằng núi gió đèo sương

So anh máu nhuộm chiến trường thấm chi.

 

Bấm tay tính buổi anh đi

Mẹ thường vẫn nhắc: biết khi nào về?

Lúa xanh xanh ngắt chân đê

Anh đi là để giữ quê quán mình

Cây đa, bến nước, sân đình

Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường

Hoa cau thơm ngát đầu nương

Anh đi là giữ tình thương dạt dào.

 

Các anh đi

Khi nào trở lại

Xóm làng tôi

Trai gái vẫn chờ mong

Chờ mong chiến dịch thành công

Xác thù chất núi bên sông đỏ cờ

Anh đi chín đợi mười chờ

Tin thường thắng trận, bao giờ về anh?

Trên hồ Ba Bể

Tặng Nông Quốc Chấn

 

Thuyền ta chầm chậm vào Ba Bể

Núi dựng cheo leo, hồ lặng im

Lá rừng với gió ngâm se sẽ

Họa tiếng lòng ta với tiếng chim.

 

Thuyền ta lướt nhẹ trên Ba Bể

Trên cả mây trời trên núi xanh

Mây trắng bồng bềnh trôi lặng lẽ

Mái chèo khua bóng núi rung rinh.

 

Thuyền ta vòng mãi trên Ba Bể

Cây chạy theo thuyền thuyền vẫy đi

Phải ta vượt khỏi nơi trần thế

Tới giữa mông lung, giữa diệu kỳ.

 

Nghe đồn xưa có thần Ba Bể

Vì giận nhân dân giết mất bò

Nửa đêm nổi sấm làm giông tố

Dìm bản làng vui xuống đáy hồ.

 

Thuyền ta lại lướt trên Ba Bể

Chuyện cũ tan dần như khói sương

Ta đẩy mái chèo xua lặng lẽ

Sáng ngời mặt nước ánh vầng dương.

 

Đẹp sao du kích hồ Ba Bể

Chồng Nhật kiên cường lại đánh

Tây Rẽ đá chèo mây chân bước nhẹ

Vụt chém quân thù như chặt cây.

 

Thuyền ta quanh quất trên Ba Bể

Đỏ ối vườn cam, thắm bãi ngô

Nhộn nhịp trâu về, vang tiếng trẻ

Đâu còn giông bão hung thần xưa.

 

Thuyền ơi chầm chậm chờ ta nhé

Chim hót trên đầu ta lắng nghe

Một lần đã tới, ôi Ba Bể

Muốn ở đây thôi chẳng muốn về.

voh-tho-hoang-trung-thong-4
 

Nếu tôi chết

Nếu tôi chết

Đừng có ai

Khóc lóc làm gì

Thế là hết

Đừng có ai bi.

 

Nằm dưới mồ

Tôi ngượng ngùng

Chỉ nhớ khúc tình si

Nếu tôi chết

Đắp điếm ngôi mồ tôi

Và anh hay chị sẽ viết

Giữ lòng trong suốt đời.

 

Đã hơn sáu mươi tuổi

Tôi chỉ cười thôi

Đỗ Phủ đã từng nói

Nhân sinh thập cổ lai hy.

 

Tôi sống hơn ông nhiều tuổi

Còn mơ màng chi

Tôi viết còn ít quá

Thì đi là phải đi.

 

Ấy đó món nợ đời

Đã vay thì phải trả

Xong một cuộc đời tôi

Nghĩ bụng thì bảo dạ.

 

Nếu tôi chết

Có ai

Đưa vòng hoa xuống mộ

Thì thôi đừng tiếc hoài.

Nếu em muốn tìm anh

Nếu em muốn tìm anh

Đừng nhìn cây mê mải

Đừng hát lời êm ái

Đừng lang thang trong đêm.

 

Hãy nhắn gửi nỗi niềm

Vào bầu trời sâu thẳm

Hãy mở đôi mắt thắm

Hứng trọn vì sao rơi.

 

Sao chi chít trên trời

Có một ngôi sao biếc

Với tình yêu da diết

Sẽ rơi trong mất em.

Đồng bằng, quê hương chiến đấu

Đêm nay chúng ta đi

Đêm sau còn đi nữa

Băng qua vùng đạn lửa,

Làng tiếp theo làng,

Qua những bến đò ngang,

Những nẻo đường khét mùi xe giặc chạy

Băng qua đồn,

Đi rồi đi mãi,

Vào sâu giữa ruột đồng bằng.

 

Các anh các chị nhớ chăng?

Đồng chiêm cuồn cuộn sóng

Sông Hồng Hà như cánh tay mở rộng

Ôm hai miền đất ruộng phì nhiêu

Bát ngát xanh màu lá mạ thân yêu,

Lòng xúc động, ứa trào nước mắt.

 

Ơi đồng bằng!

Quê hương chúng ta,

Lúa vàng rợp đất,

Đường làng lát gạch

Bờ tre sáng xanh

Trăng dọi mái gianh

Mái nhà san sát

Ngân nga điệu hát

Đò đưa, sa mạc, trống quân

Những điệu hát quen thân

Như tự trong lòng bốc dậy.

 

Ơi đồng bằng!

Quê hương chúng ta,

Ruộng đất bao la

Dân cày vẫn khổ.

 

Bán máu, bán mồ hôi cho địa chủ,

Nhặt từng hạt lúa củ khoai,

Khổ kiếp kiếp đời đời

Mỗi năm mùa nước lũ

Nước sông Hồng như máu đỏ chảy xuôi

Vỡ đê! Vỡ đê!

Trống thúc đổ hồi

Nhà cửa lúa khoai

Theo dòng nước cuốn

Không nhà không ruộng

Dân cày còn biết đi đâu?

Người ở làng chết khổ bên nhau

Người lên phố, dãi dầu kiếp thợ

Còn địa chủ, còn Tây,

Đời đời vẫn khổ,

Ngày lại như đêm

Nghèo lại nghèo thêm

Chết nhiều còn cứ chết

Ôi! Mùa đông giá rét

Mùa đông 45

Hai triệu người chết đói giữa đồng bằng

Nhớ lại, lòng như dao cắt.

 

Ơi đồng bằng!

Quê hương chúng ta,

Căm thù vót sắc,

Căm thù khắc sâu,

Người trước ngã, có người sau

Chỉ một con đường: Cách mạng,

Đây đồng bằng

Quê hương tháng Tám

Cờ đỏ sao vàng

Trên chợ, trên sông, trên phố, trên làng,

Như ánh mặt trời cháy đỏ

Cả đồng bằng

Ngẩng đầu lên hớn hở,

Hướng về tương lai

Cách mạng là đây,

Hạnh phúc đây rồi,

Nắm chặt bàn tay giữ lấy.

 

Đêm nay chúng ta đi

Đêm sau còn đi mãi

Qua những vùng lửa cháy

Vào sâu giữa ruột đồng bằng,

Vào sâu trong những xóm làng

Mái rạ, lều tre đổ nát

Đêm đêm từng tràng đại bác

Từ trong bốt giặc,

Dội về xóm thôn,

Những bà mẹ bế con

Chạy Tây càn cực nhọc

Những bé em gào khóc

Trong quán lạnh bên đường

Mỗi tấc ruộng bờ nương

Mỗi gốc cây hòn đá

Đều nói lên tất cả

Tội ác của quân thù

Nói mãi đến nghìn thu

Vẫn còn chưa hả,

Bốt Đởm, Cầu Bo, Quỳnh Lang, Phương Xá

Nhắc tên lên, cũng đủ ghê người

Nhắc tên! Máu bỗng trào sôi,

Gan ruột tím bầm căm giận.

 

Ôi đồng bằng!

Quê hương anh dũng

Ngày đêm không ngớt súng

Bộ đội ta công đồn.

Vút tiếng mìn vút lại tiếng bom

Nổ trên đường cái

Những con đường nát mình phá hoại

Những chiếc cầu mặt gác xuống lòng sông

Những hầm ngầm, những chiến lũy giao thông

Như hang chuột chạy dài dưới đất

Mỗi mảnh ruộng

Mỗi góc hầm bí mật,

Những bóng người du kích hiện lên

Người dân cày địch hậu ngày đêm

Cầm giáo mác

Giữ gìn xóm mạc.

 

Đây đồng bằng lúa vờn xanh bát ngát

Vùng căn cứ chúng ta

Hai bờ sông Hồng Hà

Như vành cung rộng mở

Ta thọc sâu vào ruột gan chúng nó

Phá vỡ vòng đai

Làng xóm lại phục hồi

Lúa mọc lên đồng chiêm ngập nước

Dân cày ta

Bàn tay thay cuốc,

Vai người thay trâu,

Nắm chặt tay nhau

Giữ làng chiến đấu

Đông bằng ta

Thịt da còn rớm máu

Nhưng thép luyện tinh thần

Giặc càn đi quét lại quanh năm

Vùng căn cứ vẫn như đồng như thép

Chúng ta về đồng bằng

Giữa những đêm trăng

Mùa đông lạnh buốt

Từng đoàn dân công cuộn đi như nước

Vượt sông Hồng Hà

Từng đoàn bộ đội vào ra

Lá rung rinh đầu súng

Ôi đồng bằng anh dũng

Đồng bằng quê hương mến yêu

Trên mảnh đất phì nhiêu,

Bên những tấm lòng phơi phới,

Đều nghe rõ ngàn muôn tiếng nói:

Giải phóng quê hương!

Giải phóng đồng bằng!

Ánh đèn quê hương

Đường dài vun vút xe đêm

Trên xe bỗng thấy ánh đèn quê hương

Mắt trông còn vướng bụi đường

Mà sao ánh lửa đã vương trong lòng.

 

Xe đi, ánh lửa đi cùng

Hàng cây lá ngọn, gió đồng hương bay

Bộn bề công tác hôm nay

Trên xe chỉ đúng giơ tay vẫy chào.

 

Ánh đèn thấp thoáng ánh sao

Lòng mang ánh lửa đã bao năm rồi

Chân đi khắp biển cùng trời

Bao nhiêu lửa đỏ, bao người mến yêu.

 

Quê hương ơi! Ánh lửa chiều

Lòng sao khơi dậy bao điều nhớ mong

Nhịp nhàng khung dệt đêm đông

Đèn soi mắt mẹ, lửa hồng má con.

 

Trâu về bước nặng đường thôn

Ngọn đèn mới thắp, nồi cơm đang vần;

Ánh đèn lớp học bình dân

Mênh mông trang sách những vần ngân nga.

 

Đèn treo lơ lửng gian nhà

Chưa xong hội nghị tiếng gà gáy ran

Bờ tre ngả bóng đầu làng

Biết bao năm tháng đã mang ánh đèn.

 

Xe đi, nhưng mắt vẫn nhìn

Lung linh ánh lửa, cây đêm chập chùng

Xe đi, ánh lửa đi cùng

Còn mang theo cả gió đồng quê hương.

voh-tho-hoang-trung-thong-8
 

Mời trăng

(Tặng Xuân Diệu)

 

Đã đến lung linh một ánh trăng rằm

Thu thực thu, trăng thực trăng, trăng nguyệt cầm còn đó

Bạn sẽ cứ sống thêm; cứ làm việc thêm, dù thêm được một năm

Nâng chén thưởng trăng, trăng tỏ.

 

Ai rõ lòng ta đang nhớ tới xa xăm

Ai rõ trăng vẫn soi lòng ta thế đó

Thế rồi ta cất chén cùng tri âm

Không phải chén quỳnh đâu đừng trầm ngâm.

 

Một mình ta mời trăng mời bạn

Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm

Bạn uống rượu lòng ta không thể chán

Ta thương ta, thương người xa thương thầm.

 

Bạn như biết mà không nói hết

Bạn cùng ta chén trước chén sau

Bạn uống cạn thì ta cũng cạn

Tửu lượng ta nào kém ai đâu.

Ta đọc Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu

Bạn đọc Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu.

(Khuyên anh uống cạn một chén rượu

Cùng tôi quên hết sầu muộn xưa.)

Đường chúng ta đi

Tôi đi trong muôn dặm trời xuân

Nghe quê xa hòa điệu với quê gần;

Nghe lúa thở rì rào trên đất rộng

Nghe gió chạy bao la, nghe biền gào tiếng sóng.

 

Ôi trong sao màu nước biếc sông Lam

Như màu mưa trên, đỉnh sóng Trường Giang

Tôi nhớ mãi cánh buồm nâu của biển

Cũng phất phới như hàng dương xao xuyến.

 

Tôi nghe vui từng giọt nắng quê ta

Cũng xôn xao như mảnh tuyết rừng Nga

Tôi mang nắng mang mưa mang gió

Mang tiếng ca vui, mang lời phẫn nộ.

 

Mang nửa bầu trời nhức nhói mù sương

Mang cả mùa trăng trải mộng trên đường

Chân bước mãi không kể gì năm tháng

Dù tội nặng mưa rơi, dù ngày trần ánh sáng.

 

Tôi ươm hồn trên những nẻo đường đi

Như đồng quê ươm hạt giống thần kỳ

Đường ta đó, hàng cây đang tỏa biếc

Cảm ơn Đảng, mùa xuân bất tuyệt.

 

Đường ta đi chưa nhổ hết chông gai

Nhưng hoa thơm đã ngát nửa bầu trời

Đích đã đến dù bao nhiêu gió bão

Như vệ tinh ta nhất định vào quỹ đạo.

 

Đường ta đi người tiếp bước chân người

Đợt sóng gần tiếp đợt sóng xa khơi

Đi đi mãi, trái tim mang điệu hát

Đi đi mãi dưới trời xanh bát ngát

Gieo những mùa vàng, gieo những mùa thơ.

Về thăm quê

Tôi trở lại quê hương

Như gió xuân rong ruổi ngàn phương

Đang trở lại hàng cây mơn mởn lộc

Nắng chiều vàng vờn trên mái tóc

Tim phập phồng theo tiếng hát chơi vơi;

Xa quê hương đã mấy năm trời

Nay trở lại, sóng hồn rung điệu hát.

 

Quê hương ơi! Có những gì đổi khác?

Con đường ơi! Còn nhớ tôi không?

Hỡi cây đa nghiêng bóng trên đồng

Tôi nhớ mãi đỏ bay cờ tháng Tám

Bức tường đình rỗ nhăng hố đạn

Mảnh ao làng ôm bóng rủ hàng tre

Bao nhiêu ký ức vụt quay về

Bao khao khát hiện lên thành bóng dáng.

 

Tôi vẫn nghĩ đi làm cách mạng

Đâu cũng là nhà đâu cũng quê hương

Tôi vẫn nghĩ đi tìm ánh sáng

Bàn chân quen gót rỗ trên đường

Nhưng hôm nay trở về quê cũ

Một ngọn lá một mái nhà cũng nhớ

Một con đường, một dòng nước cũng nao nao.

Bao người thân tay bắt miệng chào

Câu chuyện râm ran pháo nổ

Chén nước đượm thơm tình mong nhớ

Niềm vui theo khói thuốc toà vờn

Chuyện trong nhà, chuyện xóm thôn

Mỗi tiếng nói, một nụ cười khấp khởi.

 

Quê hương ơi! Biết bao điều đổi mới

Mới con đường, mái rạ, vườn rau

Mới ruộng không bờ, lúa đứng kề nhau

Mới sôi nổi từng cánh tay hợp tác

Mới lớp học đàn em ca hát

Mới cửa hàng mậu dịch vải khoe tươi

Mới từ trong mỗi trái tim người

Mới đến cả mảnh trời xanh biếc

Tôi đi dưới hàng cây thân thiết

Yêu bao nhiêu thôn xóm ruột rà;

Trên đồng xanh cò trắng liệng bao la

Đang vẫy cánh về chân trời ánh sáng

Quê hương ơi! Đứng lên từ tháng Tám.

Hãy vững bàn chân dũng cảm đến tương lai.

Hái hoa sen

Nước đầm như thuỷ tinh

Lá sen xòe múa quạt

Hoa nghiêng dài rung rinh

Một trời hương dịu mát.

 

Ba cô con gái

Mái đầu nghiêng nghiêng

Một tay đẩy thuyền,

Một tay rẽ lá,

Nắng chờn vờn trên má

Thuyền đi quanh trong đầm.

 

Hái từng đoá sen hồng,

Hái từng bông sen trắng,

Thuyền chở đầy hoa thắm,

Tay ôm đầy hương thơm.

 

Thuyền đi trên lá biếc

Bóng người lồng bóng hoa

Nắng trên đầu không biết

Gió mát đưa lời ca:

 

Ờ ơ…

Ruộng sâu hợp tác ta trồng lúa

Đầm sâu hợp tác ta thả sen

Lúa nặng gánh, hoa đầy thuyền

Đời như hoa nở lúa lên từng ngày.

 

Ba cô con gái

Má hồng hây hây

Hoa lướt nhẹ trên tay

Thuyền đi êm trên lá

Tiếng hát bay ngời trong nắng hạ

Thuyền chở đầy hoa, đầy ước mơ.

voh-tho-hoang-trung-thong-6
 

Mảnh đất này

Mảnh đất này tên là Tiên Lãng

Mảnh đất này tên là dũng cảm

Mảnh đất này trải mấy nắng mưa

Lưng vẫn hằn sâu từng vết đạn.

 

Mảnh đất này như một cù lao

Sông biển tứ bề vây bọc khắp

Củ khoai, hạt muối, điếu thuốc lào

Bấm chí bền gan mà chống giặc.

 

Hỡi sông Văn Úc, sông Thái Bình

Ta hỏi dòng sông sao quá rộng?

Giặc dồn, giặc cắt, giặc vây quanh

Ta vẫn ngang nhiên đầu mũi súng.

 

Súng thì cứ súng tàu cứ tàu

Mày bắn sau lưng mày chặn đầu

Bẫy đạn hầm chông tao đặt khắp

Mày vào, tao chẳng để ra đâu.

 

Mảnh đất này tên là Tiên Lãng

Mảnh đất này tên là dũng cảm

Mảnh đất này không sợ hy sinh

Mảnh đất này mang dòng máu Đảng.

 

Mười chín ngày đêm càn lại càn

Máu ngập đường đi, lửa ngập làng

Giặc chết, chúng ta không chịu chết

Hòn cù lao vẫn đứng hiên ngang.

 

Nhớ các chị các anh du kích

Hết đạn, tay không quần với địch

Nhớ bao em nhỏ chí anh hùng

Để giặc moi gan không chỉ hầm.

 

Nhớ các mẹ đồng khuya lặn lội

Vượt mưa đạn tiếp cơm cho bộ đội

Hời sông Văn Úc, sông Thái Bình

Mảnh đất này không biết sợ hy sinh.

 

Mười chín ngày mười chín đêm,

Giặc càn nắng hạn lại hùa thêm

Một tay cầm súng tay cầm cuốc

Khoai lúa trên đồng cú mọc lên.

 

Mảnh đất này tên là Tiên Lãng

Chẳng khó khăn nào đè nối ta

Mảnh đất này lưng vẫn hằn vết đạn

Và dòng sông hát mãi khúc hùng ca.

Trên võng tre

Tôi nằm trên võng tre đung đưa

Kẽo kẹt hai đầu tiếng buổi trưa

Tôi nằm trên võng, nằm trong mộng

Vắng tiếng ru hời mẹ hát ngày xưa.

 

Tôi nằm trên võng

Đứng bóng trưa hè,

Râm ran tiếng ve,

Sân nhà bên xã viên trang thóc

Cô giáo bình dân cao giọng đọc,

Mắt đã lim dim lòng vẫn nghe.

 

Tôi nằm trên võng

Rún nhẹ bàn chân

Như thuyền trên sóng,

Lúc xa, lúc gần

Ôi giấc ngủ sau giờ lao động,

Cái võng tre êm người bạn thân.

 

Đã mấy năm không nằm trên võng

Nhớ mùi hương lúa quyện hương cau

Nhịp võng đung đưa, trưa gió lặng

Chập chờn cánh mộng bay về đâu.

Thơ cho con

Năm xưa Tây càn về

Mẹ cõng chị con đi

Đường rừng dốc đá

Gió rét mưa bay đêm dày tháng giá

Tiếng súng thù nổ dội bên tai.

 

Năm nay xé rách chân trời

Máy bay giặc Mỹ dền gieo bom đạn

Mẹ dắt con đi đường dài sơ tán

Nam Hà, Hà Bắc, Hà Tây

Con đi bóng nhỏ chân gầy

Đôi mắt nhìn ngơ ngác.

 

Sóng lúa nhấp nhô, đồng ngô xào xạc

Đầm sen trong vắt thẳng tắp bờ đê

Những bước chân trâu chậm rãi nặng nề

Hàng vải nhãn quả sum sê tay với tới

Con đã sống những đêm hè gió thổi

Ngắm ông trăng chạy giữa hai hàng cau

Những đêm đông sương thẩm mái đầu

Ổ rơm quây tròn con với mẹ.

 

Con đã sống giữa trăm tình nghìn nghĩa

Đẵn mía già, quả chuối ngọt, củ khoai non

Tim đồng bào ấp ủ trái tim con

Con phải biết giữ lấy tình nghĩa đó.

 

Con đi sớm chiều sương gió

Chưa bằng ai mưa nắng nhọc nhằn

Đổ mồ hôi làm hạt gạo con ăn

Đồ máu giữ cho con tròn hạnh phúc.

 

Con ơi! Tiếng gì như phản lực

Ra hầm trú ẩn đi thôi!

Chao! Con cũng đã quen rồi

Quen cả tiếng bom rơi đạn nổ

Quen tiếng rú điên cuồng máy bay chúng nó

Quen tiếng gầm kiêu hãnh máy bay ta

Một trái tim lên bồn lên ba

Cũng đã biết yêu thương căm giận.

 

Thương những lúc con ngồi tha thẩn

Hát bài “Bé bé bằng bông”

Chiều chiều ngước mắt trông

Như có niềm mong nhớ

Yêu những lúc con cầm súng gỗ

Đầu đội mũ rơm vàng

Dáng đi quắc thước đường hoàng

Tập làm anh bộ đội.

 

Con đang sống những ngày bão nổi

Súng diệt thù lay động cả trời đêm

Lớn lên! Con hỡi! Lớn lên

Chân bước mạnh giữa dòng người chiến đấu.

Những chiều thứ bảy

Những chiều thứ bảy thủ đô

Từng đoàn xe vun vút ra ngoại ô

Thồ gạo, củi và thồ tất thảy

Tôi đi theo dòng người tuôn chảy.

 

Như dòng sông xanh thắm hẹn hò

Ôi những chiều thứ bảy, những chiều

Người thân yêu tìm đến người thân yêu

Dưới mái dạ những xóm làng sơ tán.

 

Hương lúa đồng còn vương nồng khói đạn

Những đoàn xe nòng pháo xé hoàng hôn

Những hàng cây nghiêng ngả bồn chồn

Phủ bóng xuống những dãy dài tên lửa.

 

Những hố bom khoét sâu trên ruộng lúa

Bên con sông bình thản nước trôi êm

Tôi đi trên lối thuộc đường quen

Chiếc xe đạp lao vào trong bóng tối.

 

Nơi thấp thoáng bóng ai đón đợi

Những chiếc hôn nóng hổi dưới trời khuya

Không gian như rạn nứt những chia lìa

Bỗng gắn lại trong giờ phút ấy

Phút gặp gỡ những chiều thứ bảy

Sau đợi chờ phấp phỏng mấy yêu thương.

voh-tho-hoang-trung-thong-7
 

Hãy yêu anh

Trong anh bây giờ không chỉ có tiếng chim

Không chỉ có bài ca em hát

Không chỉ có màu xanh bát ngát

Và dịu êm của mỗi buổi chiều.

 

Em nói rằng: Tất cả... em yêu

Nhưng trong anh làm sao em thấy

Tiếng sóng sục sôi cồn cào biết mấy

Hơn cả cái gay gắt của mùa hạ chói chang.

 

Em có yêu thật không? Giữa một khoảng mênh mang

Cả mưa nắng hai mùa đi lại

Trong lòng anh bỗng thấy buồn tê tái

Ngay niềm vui cũng lặng lẽ trầm sâu.

 

Hãy yêu anh, như buổi ban đầu

Em vẫn thường yêu tiếng chim và màu xanh bình dị

Để anh được là phần hồn em nghĩ

Và bài ca của em mãi mãi ngân vang.

Dưới bóng hoè

Dưới gốc hoè

Trưa hè

Ta ngồi nghe

Tiếng ve ra rả

Ôi cây hoè mùa hạ

Gió đông nam quạt vào hồn ta

Và ta yêu cuộc đời

Dẫu còn bao đớn đau, xót xa, vất vả

Cây hoè xanh thẫm lá nở hoa vàng

Ta ngỡ ngàng như mình còn trẻ

Hãy im

Hãy im

Cây hoè nhé

Thổi cho mát hồn ta

Để ngày mai ta không còn được ngồi

Dưới gốc hòe

Nghe tiếng ve...

Khách ở quê ra chơi

Khách ở quê ra chơi

Cho tôi mấy cân lạc

Sẻ ngọt và chia bùi

Với nhà thơ kiết xác.

 

Khách hỏi: “Sống ra răng?”

Chủ nói: “Cũng nhì nhằng”

Khách bảo: “Về quê khá”

Chủ cười không nói năng.

 

Về quê quê còn ai

Chỉ còn bà chị ruột

Bảy mươi tuổi một đời

Sống với quê tạm được.

 

Nhưng nhớ em nhớ lắm

Hàng dừa nghiêng bóng trăng

Nhớ em chị chỉ nhắn

Nhìn trời nhìn xa xăm.

 

Khách ở quê ra chơi

Mắm gửi tôi một lọ

Nói là chị gửi cho

Cả nhà mặt hớn hở.

 

Nhớ chị như nhớ mẹ

Mong mãi khách ra chơi

Khách về rồi nhớ chị

Nói làm sao chị ơi.

Mặc dù sống trong cảnh nghèo nàn nhưng nhà thơ Hoàng Trung Thông rất yêu đời, tin đời. Đọc thơ ông, chúng ta có thể cảm nhận rõ, suốt đời thi sĩ luôn nhìn con người một cách đầy nhân ái và vị tha. Với những cống hiến to lớn cho nền văn học Việt Nam, ông đã để lại một dấu ấn khó phai trong lòng độc giả.

Đừng quên theo dõi chuyên mục Sống đẹp của voh.com.vn để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.