Bế tắc vẫn hoàn bế tắc

(VOH) - Tất cả các cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine luôn không đạt được bất kỳ một giải pháp tháo gỡ bế tắc. Vì sao lại xảy ra tình trạng này?

Bầu không khí của cuộc hội đàm cấp Ngoại trưởng giữa Nga và Mỹ hôm 21/01 được chính các nhà ngoại giao hai nước đánh giá là thiện chí, cởi mở, thắng thắn và thực chất, khác hẳn với những gì được mô tả trong cuộc đối thoại an ninh Nga-Mỹ diễn ra trước đó chỉ hơn chục ngày. Trong bối cảnh tình hình Ukraine đang “căng như dây đàn”, một sự hòa dịu trong đối thoại Nga- Mỹ và những hứa hẹn rằng hai bên sẽ tiếp tục đàm phán vào tháng tới có tác dụng như một liều thuốc hạ nhiệt, giúp tháo ngòi xung đột tại chảo lửa Ukraine, ít nhất là vào thời điểm này.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định vấn đề Washington ủng hộ quyền của Ukraine theo đuổi tư cách thành viên NATO là một trong những nguyên tắc.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định vấn đề Washington ủng hộ quyền của Ukraine theo đuổi tư cách thành viên NATO là một trong những nguyên tắc.

​Tuy nhiên, điều mà dư luận trông đợi là Mỹ sẽ có câu trả lời như thế nào về đề xuất an ninh của Nga thì vẫn chưa được làm sáng tỏ. Hồi tháng 12 năm ngoái, Nga đưa ra hai bản đề xuất về an ninh, một gửi cho Mỹ và một gửi cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong đó, trọng tâm yêu cầu của phía Nga là Mỹ và NATO phải cam kết bằng văn bản không mở rộng về phía biên giới của Nga, không cho Ukraine gia nhập NATO và yêu cầu NATO ngừng các hành động quân sự mà Nga cho là “gây hấn” ở khu vực sát vách với Nga. NATO thì đã chính thức bác bỏ các đề xuất của Nga. Giới quan sát có lý khi cho rằng, với những hứa hẹn thiện chí, các bên đang muốn chờ đợi để tiến hành các bước đi chiến lược của mình. Dư luận đều hiểu Mỹ không dễ dàng chấp thuận các yêu cầu an ninh của Nga bởi có những vấn đề đụng chạm đến nguyên tắc của Mỹ. Vì thế, Mỹ cần thêm thời gian để cân nhắc nhữngnhượng bộ có thể, hoặc là những đòn trừng phạt để sẵn sàng gia tăng sức ép đối với Nga nếu kế hoạch ngoại giao đổ bể. Đối với Mỹ, những bước đi chưa tính kỹ dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Afghanistan khi Taliban lên nắm quyền ngày 15/8/2021 vẫn là bài họcnhãn tiền và chính quyền Mỹ đang nỗ lực để không bị “mất điểm” một lần nữa trong vấn đề Ukraine. Thêm vào đó, Mỹ chắc chắn cũng muốn kêu gọi sự thống nhất trong lập trường của NATO đối với vấn đề Ukraine, khi mà khối này đang ngày càng chia rẽ vì lợi ích của từng thành viên NATO trong quan hệ với Nga có sự khác biệt.

​Trong khi đó, Nga cũng đang tranh thủ thời gian cho các kế hoạch gây áp lực với Ukraine và phương Tây. Việc Nga rút bớt người khỏi các cơ quan ngoại giao Nga tại Ukraine trong tuần này làm dấy lên lo ngại Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự. Song đây cũng có thể là thông tin của Nga để Mỹ và các đồng minh phải xem xét nghiêm túc các yêu cầu an ninh mà Nga đưa ra. 

​Trong một diễn biến khác, tuyên bố chung sau cuộc đàm phán theo thể thức Normandy tại Paris (Pháp), ngày 26/1, các đại diện chính trị của Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã tái khẳng định cam kết duy trì thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Thông báo chung nêu rõ: " Các bên ủng hộ việc tuân thủ vô điều kiện lệnh ngừng bắn, bất chấp những bất đồng trong các vấn đề liên quan đến thực thi thỏa thuận Minsk”. Trong khi đó, đại diện của Nga, Phó Chánh Văn phòng Điện Kremlin, ông Dmitry Kozak cho biết cuộc đàm phán theo thể thức Normandy đã diễn ra không suôn sẻ nhưng thẳng thắn. Ông Dmitry Kozak nêu rõ: “Chúng tôi đã đối thoại khá khó khăn nhưng có thể, đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên để đánh giá tất cả những vấn đề liên quan tới việc thực thi thỏa thuận Minsk”. Theo ông Kozak, cuộc đàm phán tiếp theo theo thể thức Normandy với sự tham gia của các đại diện chính trị sẽ diễn ra ở Berlin (Đức) trong 2 tuần nữa.

​Căng thẳng trong quan hệ Nga và phương Tây đã leo thang trong những ngày gần đây khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Mới đây, Tổng thống Mỹ Biden cho biết ông sẽ xem xét trừng phạt cá nhân ông Putin nếu Tổng thống Nga quyết định tấn công Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng việc Nga tấn công nước láng giềng sẽ đánh dấu cuộc xâm lấn lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ 2 và điều này sẽ làm thay đổi thế giới. Tuy nhiên, phía Nga luôn bác bỏ và cho rằng đây là động thái làm leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa với bất cứ quốc gia nào. Moskva cũng cảnh báo mưu toan dùng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine sẽ có hậu quả nghiêm trọng. Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã phát biểu trước Duma Quốc gia (Hạ viện) rằng Nga sẽ không công bố văn bản trả lời của Mỹ về đảm bảo an ninh, nếu được yêu cầu, nhưng sẽ tiết lộ ý nghĩa chung các câu trả lời. 

Trong mọi cuộc đối thoại, khúc mắc nhất vẫn là vấn đề lòng tin. Nga không tin các hành động quân sự của phương Tây ở Ukraine và Đông Âu chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Còn Mỹ và châu Âu luôn nghi ngờ Nga chờ thời điểm để tấn công Ukraine, nhất là khi Nga từng ra đòn bất ngờ bằng việc sáp nhập Crimea vào năm 2014. Sự nghi kỵ sẽ khiến các cuộc đàm phán mất thời gian mà không có bước đột phá. Và trong khi các bên “câu giờ” để thu vén lợi ích chiến lược, thì điểm nóng xung đột Ukraine vẫn chưa thể sớm tìm lại hòa bình.

Sau các cuộc đàm phán trên, trong các nỗ lực mới nhất, Tổng thống Pháp Macron cũng cho biết ông sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 28/1. Hiện cả Đức và Pháp đều bày tỏ lo ngại về các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga. Thủ tướng Đức trước đây đã nói rằng các nước châu Âu cần phải xem xét giá phải trả của các lệnh trừng phạt chống lại Nga và tác động của điều này có thể gây ra đối với nền kinh tế của chính họ.