4 cách chữa đau răng cho bà bầu đơn giản tại nhà

(VOH) – Bà bầu bị đau răng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ trong thai kỳ, thậm chí là dẫn đến sinh non. Để hạn chế những ảnh hưởng trên, mẹ cần phải biết những cách chữa đau răng cho bà bầu.

Đau răng khi mang thai là vấn đề mà có khá nhiều mẹ bầu gặp phải khi mang thai. Những cơn đau nhức khó chịu làm ảnh hưởng đến niềm vui thai kỳ của mẹ. Hơn thế, những trường hợp nghiêm trọng có thể còn gây ảnh hưởng đến thai nhi. Cụ thể, trẻ sơ sinh dễ mắc phải nguy cơ sinh non nếu mẹ bầu bị đau răng và bệnh nướu răng.

1. Nguyên nhân vì sao đau răng khi mang thai?

Đau răng có thể phát sinh do mất cân bằng nội tiết tố, nhu cầu canxi của em bé và các yếu tố khác. Một số nguyên nhân thường gặp có thể khiến mẹ bầu bị đau răng là:

  • Ốm nghén đôi khi sẽ trở thành lý do khiến mẹ bầu gặp rắc rối về răng miệng khi mang thai. Các axit từ dạ dày trào lên khoang miệng, có thể dẫn đến sâu răng và đau răng.
  • Các rối loạn nội tiết tố trong cơ thể thường tạo điều kiện cho việc mẹ bầu dễ bị viêm lợi, từ đó tạo ra các vấn đề răng và nướu khác nhau.
  • Chế độ ăn uống của mẹ bầu trải qua những thay đổi thất thường. Chẳng hạn như, nếu mẹ bầu thường xuyên nạp vào cơ thể các món như sữa hoặc thực phẩm có đường nhiều hơn mức quy định thì chúng có thể làm tăng nguy cơ khiến mẹ bị đau răng khi mang thai.
  • Trong thai kỳ, nhu cầu canxi trong cơ thể mẹ bầu tăng sẽ cao để giúp thai nhi phát triển. Do đó, nếu trong giai đoạn này mẹ bầu không bổ sung đủ lượng canxi sẽ dẫn đến việc khử khoáng trên men răng (bề mặt men răng bị làm mềm) và gây đau răng.
  • Ngoài ra, khi thai nhi trong bụng lớn lên cũng dễ làm cho nướu và răng của mẹ bầu trở nên nhạy cảm, khiến việc vệ sinh răng miệng cũng khó khăn hơn như: mẹ không thể chải răng mạnh, ít chải răng hoặc chỉ súc miệng qua loa,... từ đó làm tăng khả năng gặp phải các vấn đề về răng miệng.

4-cach-chua-dau-rang-cho-ba-bau-don-gian-tai-nha-voh

Có nhiều nguyên nhân khiến bà bầu bị đau răng (Nguồn: Internet)

2. Đau răng ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?

Các nhà khoa học đã xác định, có một mối liên hệ trực tiếp giữa các bệnh về nướu nghiêm trọng ở phụ nữ mang thai cũng như nguy cơ sinh non. Trong một nghiên cứu được thực hiện trên 100 thai phụ, có 18 trường hợp mắc các bệnh nha chu mạn tính được ghi nhận đã sinh non.

Ngoài ra, khi mang thai mẹ bị viêm lợi sẽ khiến lượng canxi bé hấp thụ từ mẹ giảm sút, đây là nguyên nhân khiến bé bị nhẹ cân và không khỏe mạnh. Không những thế, vi khuẩn sâu răng có thể lây từ mẹ sang con thông qua việc hôn bé, bón thức ăn cho bé (từ ống hút, đũa hay thìa mà người lớn đã sử dụng).

3. Cách chữa đau răng cho bà bầu  

Một số mẹ bầu có thể muốn trì hoãn điều trị nha khoa cho đến khi sinh nở, tuy nhiên một số mẹ bầu khác sẽ cần phải được can thiệp y tế ngay để tránh các biến chứng nặng hơn. Dưới đây là một số biện pháp mà bác sĩ sẽ gợi ý khi mẹ bầu đi khám:

3.1 Chụp X-quang

Đôi khi bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ chụp X-quang để xác định mức độ thiệt hại của răng. Nhiều mẹ bầu lo sợ biện pháp này có thể sẽ ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Tuy nhiên, trên thực tế chụp X-quang chỉ diễn ra khi thực sự cần thiết cho việc điều trị và bác sĩ cũng sẽ cung cấp những dụng cụ hỗ trợ để bảo vệ thai nhi khỏi tác động của tia X-quang.

3.2 Dùng thuốc

4-cach-chua-dau-rang-cho-ba-bau-don-gian-tai-nha-1-voh

Đau răng liên tục và ngày càng nghiêm trọng hơn tốt nhất vẫn là nên đi khám nha sĩ (Nguồn: Internet)

Dùng thuốc là biện pháp chữa đau răng một một cách nhanh nhất, nhưng không phải là cách chữa đau răng phù hợp nhất cho mẹ bầu, bởi một số loại thuốc chữa đau răng có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh và các biến chứng khác ở em bé.

Vì thế, bất cứ khi nào đến nhi sĩ để giải quyết các vấn đề về răng miệng, mẹ hãy nhớ thông báo với bác sĩ mình đang mang thai, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ những loại thuốc chữa đau răng cho bà bầu an toàn, hiệu quả.

4. Chữa đau răng khi mang bầu bằng phương pháp tự nhiên

Mang thai có thể khiến mẹ bầu phải thận trọng hơn về sức khỏe của mình cũng như trong việc xử lý các vấn đề về răng miệng. Nếu mẹ lo lắng việc sử dụng các loại thuốc chữa đau răng thì mẹ cũng có thể thử áp dụng một số biện pháp tự nhiên, khá an toàn và lành tính như:

  • Cây đinh hương: Đây là một loại thảo dược lý tưởng có thể giúp hỗ trợ điều trị các tình trạng đau răng. Mẹ bầu có thể nhai một ít lá hoặc bôi dầu đinh hương lên răng bị đau và chờ cơn đau dịu dần.
  • Rau chân vịt: Nhai rau chân vịt cũng sẽ giúp mẹ bầu giảm đau răng khi mang thai.
  • Chất allicin trong tỏi cũng khá hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn. Ăn tỏi đúng liều lượng có thể giúp mẹ bầu ngăn ngừa sâu răng cũng như nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.
  • Súc miệng bằng nước đun sôi từ lá ổi hoặc nhai trực tiếp lá ổi cũng có thể giúp chữa đau răng cho bà bầu. Đây là một trong những mẹo dân gian khá hay và cách thực hiện cũng vô cùng đơn giản.

5. Chăm sóc răng miệng đúng cách để phòng ngừa các vấn đề về răng

Để làm giảm các nguy cơ về răng miệng có thể gặp phải, mẹ bầu cần nhớ một số lưu ý sau đây:

  • Đánh răng chậm rãi và từ tốn.
  • Sử dụng các loại kem đánh răng dành cho loại răng nhạy cảm.
  • Nên dùng các loại bàn chải đầu nhỏ để đánh răng, bởi trong thời kỳ này cả nướu và lợi của mẹ bầu khá nhạy cảm và cũng dễ bị tổn thương nếu dùng bàn chải quá thô và to.
  • Nếu mỗi lần đánh răng đều khiến mẹ cảm thấy buồn nôn, hãy thử đánh lạc hướng chú ý bằng cách nghe nhạc hoặc suy nghĩ về một vấn đề khác
  • Sau khi bị nôn, trào ngược axit dạ dày, hãy súc miệng ngay.
  • Trong chế độ dinh dưỡng nên bổ sung nhiều các thực phẩm giàu canxi, photpho, các vitamin C, B12 để tăng cường sức khỏe răng miệng. Đồng thời cũng nên hạn chế các thực phẩm nhiều đường, đánh răng sau khi ăn đồ ngọt để loại bỏ mảng bám.

Trên những cách trị đau răng cho bà bầu trong thời gian ngắn, nếu tình trạng vẫn kéo dài liên tục và ngày càng nghiêm trọng hơn tốt nhất vẫn là nên đi khám nha sĩ. Bởi đau răng khi mang thai có thể sẽ ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng, đặc biệt là làm tăng nguy cơ sinh non ở trẻ.