Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

10 tác dụng của rau má và 5 lưu ý khi dùng

(VOH) - Rau má có thể là loại rau quen thuộc với rất tất cả chúng ta, nhưng khi nói về tác dụng của rau má đối với sức khỏe như thế nào thì có thể nhiều người còn chưa rõ.

Rau má là một loại rau chứa nhiều dưỡng chất, không chỉ dùng trong ẩm thực mà còn có nhiều công dụng trong điều trị bệnh.

1. Nguồn gốc, đặc điểm của rau má

Rau má có tên khoa học là Centella asiatica. Cây có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á, cụ thể là ở các vùng đất ngập nước tại Đông Nam Á.

tac-dung-cua-rau-ma-voh-0
Rau má là loại rau hoang dại mọc khắp mọi nơi (Nguồn: Internet)

Rau má thuộc cây thân thảo, mềm và khá mỏng manh, có màu xanh lục (hoặc lục ánh đỏ), mọc hoặc bò khắp nơi trên mặt đất, có rễ mọc ở các mấu. Lá rau má có hình thận, phần đỉnh lá tròn và mọc ra từ cuống. Hoa có màu trắng hoặc hồng nhạt. Quả có hình mắt lưới dày và thường chính sau khoảng 3 tháng.

2. Những tác dụng của rau má đối với sức khỏe

Rau má không chỉ là một loại rau được sử dụng hàng ngày mà còn được dùng phổ biến trong y học cổ truyền Trung Hoa và y học Ayurveda. Người ta sử dụng rau má để giúp chống viêm, tăng cường sức khỏe tổng thể.

Dưới đây là một số công dụng của rau má đối với sức khỏe:

2.1 Thanh lọc giải nhiệt

Trong y học cổ truyền, rau má được sử dụng nhiều vì có tác dụng lợi tiểu, kích thích việc thải độc tố, muối và thậm chí là lượng chất béo dư thừa trong cơ thể. Từ đó, giảm gánh nặng cho thận trong việc loại bỏ độc tố ra ra bên ngoài.

Ngoài ra, nước rau má cũng là loại thức uống giúp thanh nhiệt, giải quyết chứng nóng nảy bứt rứt trong người. Ăn rau má còn giúp chữa rôm sảy, mẩn ngứa, mụn nhọt,…

2.2 Giải độc

Theo sách Cây rau làm thuốc của Tiến sĩ Võ Văn Chi, nếu ăn nhầm lá ngón, nấm độc hay bị say nắng thì hãy dùng rau má và rễ rau muống để giã nát, hòa với nước sôi uống để giải độc. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng cách này để sơ cứu, sau đó hãy đến ngay bệnh viện để điều trị kịp thời.

2.3 Cầm máu

Một trong những tác dụng của rau má là giúp cầm máu trong các trường hợp như chảy máu chân răng, chảy máu cam, thổ huyết, đi tiểu ra máu, đại tiện ra máu vì kiết lỵ, phụ nữ bị băng huyết sau sinh.

Xem thêm: 5 biểu hiện giúp nhận biết băng huyết sau sinh, các mẹ bầu cần nhớ kỹ

2.4 Tăng cường chức năng nhận thức

Ăn rau má có thể giúp bạn tăng cường trí nhớ và khả năng nhận thức. Các chất chống oxy hóa có trong rau má thể giúp kích thích được các đường dẫn thần kinh, có khả năng xóa bỏ các gốc tự do và các mảng bám trong não. Điều đó có nghĩa, rau má có tác dụng trong việc điều trị bệnh Alzheimer.

tac-dung-cua-rau-ma-voh-1
Ăn rau má có thể giúp tăng cường trí nhớ và khả năng nhận thức (Nguồn: Internet)

Nhiều nghiên cứu cũng ghi nhận, chiết xuất từ rau má có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhận thức cũng như tác động tích cực để hệ tuần hoàn trong cơ thể vì giúp đẩy oxy lên não để não hoạt động tốt hơn.

2.5 Làm lành vết thương

Một vài báo cáo khoa học cho thấy công dụng của rau má trong việc hỗ trợ làm lành vết thương. Chính hợp chất triterpenoids (là hợp chất tự nhiên trong thực vật, vị đắng) trong rau má mang đến tác dụng phục hồi các vết thương nhẹ, giảm viêm nhiễm cũng như tăng cường chất chống oxy hóa ở vùng da bị thương để giúp vùng da đó nhanh chóng được phục hồi và khỏe hơn.

2.6 Giảm lo lắng và căng thẳng

Hoạt chất triterpenoid trong rau máu không chỉ có tác dụng làm lành vết thương nhanh chóng mà còn giúp cơ thể giảm bớt được chứng rối loạn lo âu, bồn chồn và căng thẳng.

2.7 Giảm bớt chứng mất ngủ

Với khả năng điều trị lo âu, căng thẳng và trầm cảm, rau má cũng có thể được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ đi kèm với những tình trạng rối loạn lo âu hay trầm cảm. Một số người sử dụng rau má như một sự thay thế an toàn cho các loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ và các chứng rối loạn giấc ngủ khác.

2.8 Điều trị giãn tĩnh mạch

Một số nghiên cứu cho thấy, rau má có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch và suy tĩnh mạch, nhất là những người đang có bệnh lý nền là bệnh tiểu đường.

2.9 Giảm đau khớp

Nhờ có đặc tính chống viêm nên thường xuyên ăn rau má có thể hữu ích trong việc điều trị viêm khớp .

2.10 Giảm sự xuất hiện của các vết rạn da

Rau má có tác dụng làm giảm sự xuất hiện của các vết rạn da. Chất terpenoids có trong rau má sẽ làm tăng sản xuất collagen trong cơ thể. Điều này có thể giúp ngăn ngừa các vết rạn da mới hình thành, cũng như giúp chữa lành các vết rạn da hiện có.

Xem thêm: ‘Bỏ túi’ 7 cách ngăn ngừa tối đa tình trạng rạn da ở tuổi dậy thì và khi mang thai

3. Bà bầu ăn rau má được không?

Nhiều người cho rằng, bà bầu ăn rau má trong thai kỳ sẽ không tốt cho sức khỏe, thậm chí gây nguy hiểm đến thai nhi. Tuy nhiên, thực tế các chuyên gia chỉ khuyến cáo mẹ bầu không ăn rau má trong tam cá nguyệt đầu tiên. Bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu hoàn toàn có thể ăn rau má với lượng hợp lý.

tac-dung-cua-rau-ma-voh-2
Bà bầu có thể ăn rau má khi bước vào tam cá nguyệt thứ 2 (Nguồn: Internet)

Rau má là thực phẩm giàu dinh dưỡng, có thể mang đến cho mẹ bầu rất nhiều các lợi ích sức khỏe như: giảm lo âu căng thẳng, cai thiện tuần hoàn, ngừa táo bón....

Xem thêm: Giúp mẹ đi tìm lời giải đáp "bà bầu ăn rau má được không?"

4. Rau má làm món gì ngon?

Vốn là nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực, nên rau má có thể làm ra được rất nhiều những món ăn ngon, từ các món canh, xào hay ăn rau má sống...

Bên cạnh đó, các loại nước ép từ rau má cũng luôn được lòng nhiều người, nhất là vào những ngày thời tiết oi bức.

Xem thêm: Tổng hợp 10 + món ăn, thức uống từ rau má giúp bạn giải tỏa băn khoăn “rau má nấu gì ngon?”

5. Ăn nhiều rau má có tốt không?

Mặc dù là loại rau ăn có mặt trong hầu hết các bữa ăn gia đình Việt, tuy nhiên, vì rau má có dược tính cho nên việc sử dụng loại rau này cần phải đảm bảo nằm trong giới hạn an toàn.

Ăn hoặc uống quá nhiều rau má có thể khiến bạn gặp phải rất nhiều nguy cơ sức khỏe như:

  • Gây sảy thai
  • Tăng lượng đường trong máu
  • Nhức đầu
  • Tiêu chảy
  • Làm giảm tác dụng của thuốc

Xem thêm: Những tác hại không ngờ của rau má khi dùng sai cách

Ngoài ra cần lưu ý, rau má có thể được dùng như một chất bổ sung, pha như trà hoặc được sử dụng như một chất chiết xuất. Đối với các tình trạng da, nó cũng có thể được áp dụng tại chỗ. Do đó, sử dụng rau má với mục đích chữa bệnh bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn sức khỏe.

6. Thành phần dinh dưỡng của rau má

Các thành phần dinh dưỡng có trong rau má sẽ khác nhau tùy thuộc vào mùa thu hoạch và khu vực trồng trọt. Tuy nhiên, cơ bản vẫn chứa các dưỡng chất như vitamins B1, B2, B3, C, K, hợp chất beta carotene, saccharide, flavonoid, sterol, saponin, alkaloid và nhiều chất khoáng (phốt pho, kali, canxi, sắt, magie,…),…

tac-dung-cua-rau-ma-voh-3
Rau má chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Trung bình, cứ trong 100g chiết xuất rau má thường chứa:

  • Nước: 88.2 g
  • Năng lượng: 20 Kcal
  • Chất đạm: 3.2 g
  • Chất đường bột: 1.8 g
  • Chất xơ: 4.5 g
  • Canxi: 229 mg
  • Sắt: 3.10 mg
  • Photpho: 2 mg
  • Vitamin C: 37 mg
  • Vitamin B1: 0.15 mg
  • Vitamin B2: 0.14 mg
  • Vitamin PP: 1.2 mg

Như vậy, rau má không chỉ đơn thuần là một loại rau ăn mà chúng còn có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi sử dụng rau má bạn cần rửa sạch với nước để phòng tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Ngoài ra, bạn nên chọn mua loại rau má tự nhiên, tốt nhất bạn nên dùng rau má tự trồng tại nhà.