- Hạt mè là gì?
- Một số công dụng của hạt mè
- Tốt cho hệ tiêu hóa
- Giảm cholesterol và chất béo trung tính
- Cung cấp protein cho cơ thể
- Giảm huyết áp
- Giúp chắc khỏe xương
- Chống viêm
- Giàu vitamin nhóm B
- Hình thành tế bào máu
- Kiểm soát lượng đường trong máu
- Tăng cường hệ miễn dịch
- Cải thiện tuần hoàn máu
- Giàu chống oxy hóa
- Cải thiện chức năng gan
- Hỗ trợ sức khỏe tuyến giáp
- Cân bằng hormone trong thời kỳ mãn kinh
- Chống lão hóa, trẻ trung hơn
- Tác dụng của dầu mè có tốt như hạt mè không?
- Cách thêm hạt mè vào chế độ ăn uống
Mè (vừng) là loại cây trồng lấy dầu trong hạt. So với các loại cây trồng như lạc, đậu tương và hạt cải dầu, hạt vừng được cho là có nhiều dầu nhất. Ngoài ra, loại hạt này cũng chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
1. Hạt mè là gì?
Hạt mè (hạt vừng) là loại hạt nhỏ, chứa nhiều dầu, có tên khoa học là Sesamum indicum, được tìm thấy nhiều ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.
Hạt mè thường có 3 loại chính, đó là mè đen, mè trắng và mè vàng (loại hạt mè khá giống với hạt kê).
Trong Đông y, mỗi loại hạt mè sẽ có “quy kinh” khác nhau. Ví dụ như mè vàng thì quy kinh tỳ, tức là bổ tỳ, mè đen thì bổ thận,… Về mặt nghiên cứu khoa học, cả mè trắng, mè đen, mè vàng đều chứa các thành phần sau đây:
- Protein – chất đạm (chiếm 20%)
- Lipid – chất béo
- Chất xơ
- Các khoáng chất, đặc biệt là canxi (canxi có trong hạt mè gấp 11 lần canxi trong sữa)
Vì hạt mè trắng, mè đen hay mè vàng đều có các thành phần dinh dưỡng khá giống nhau nên các loại hạt mè đều có công dụng tốt cho sức khỏe. Bạn có thể ăn hoặc uống nước mè rang, thêm chúng như một thành phần trong bữa ăn hoặc sử dụng dầu mè trong nấu ăn để nhận về những lợi ích của hạt mè.
2. Một số công dụng của hạt mè
Thêm hạt mè hoặc sử dụng dầu mè trong chế biến thức ăn là cách tốt nhất để có thể nhận được những dưỡng chất có trong hạt mè. Một số lợi ích bạn sẽ nhận được khi ăn hạt mè có thể kể đến là:
2.1 Tốt cho hệ tiêu hóa
Hạt mè trắng, hạt mè đen hay hạt mè vàng đều chứa nhiều chất xơ. Chất xơ là chất được được biết đến nhiều trong việc hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa, điển hình nhất là ngăn ngừa táo bón.
Ngoài ra, một số bằng chứng còn ghi nhận, chất xơ có thể đóng một vai trò trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, một số bệnh ung thư, béo phì và tiểu đường loại 2 (1)
2.2 Giảm cholesterol và chất béo trung tính
Hạt mè chứa khoảng 15% chất béo bão hòa, 41% chất béo không bão hòa đa, và 39% chất béo không bão hòa đơn. Vì thế, tiêu thụ hạt mè giúp giảm cholesterol có hại LDL, chất béo trung bình tăng cao và nguy cơ mắc bệnh tim.
2.3 Cung cấp protein cho cơ thể
Một trong những tác dụng của hạt mè là giúp cung cấp một lượng lớn protein cho cơ thể. Trong mỗi 30g hạt vừng sẽ cung cấp khoảng 5g protein. Protein là chất cần thiết cho sức khỏe của bạn, vì nó giúp sửa chữa và xây dựng các mô của cơ thể, cho phép các phản ứng trao đổi chất diễn ra và điều phối các chức năng của cơ thể.
Xem thêm: 9 chức năng và nhu cầu protein hàng ngày của cơ thể
2.4 Giảm huyết áp
Giảm huyết áp cơ thể là một trong những công dụng của hạt mè vì chúng chứa nhiều magie. Ngoài ra, hạt mè còn có chất lignans, vitamin E và các chất chống oxy hóa khác có tác dụng duy trì huyết áp khỏe mạnh, ngăn ngừa sự bám tụ trong động mạch.
2.5 Giúp chắc khỏe xương
Hàm lượng canxi trong hạt mè là rất lớn. Canxi trong hạt mè cao gấp 11 lần canxi có trong sữa. Chính vì vậy, những người bị thiếu canxi, hoặc muốn bẹ xương thêm chắc khỏe thì đừng nên bỏ qua loại thực phẩm này.
2.6 Chống viêm
Ăn hạt mè có tác dụng chống viêm nhờ có chứa chất sesamin có tác dụng chống lại gốc tự do (gốc tự do là ‘tác nhân’ gây ra tình trạng viêm).
2.7 Giàu vitamin nhóm B
Hạt mè là một nguồn cung cấp vitamin B tuyệt vời cho cơ thể. Vitamin B rất cần thiết cho nhiều quá trình của cơ thể, bao gồm chức năng tế bào và sự trao đổi chất thích hợp.
2.8 Hình thành tế bào máu
Trong hạt mè giàu chất sắt, đồng và vitamin B6, đây đều là những thành phần thiết yếu để tạo ra hemoglobin. Vì thế, nếu muốn tạo ra các tế bào hồng cầu, ngăn ngừa bệnh thiếu máu bạn có thể ăn hạt mè.
2.9 Kiểm soát lượng đường trong máu
Trong hạt mè chứa rất ít carbs, giàu chất protein và các chất béo lành mạnh giúp hỗ trợ việc kiểm soát lượng đường trong máu dễ dàng. Hạt mè còn chứa chất pinosenol, một hợp chất ức chế hoạt động của enzym tiêu hóa giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
2.10 Tăng cường hệ miễn dịch
Hạt mè là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho hệ thống miễn dịch của bạn, bao gồm kẽm, selen, đồng , sắt, vitamin B6 và vitamin E. Cho nên ăn hạt mè, sử dụng dầu mè là một cách để giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch cơ thể.
2.11 Cải thiện tuần hoàn máu
Ăn hạt mè có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, đồng thời giúp cải thiện tình trạng xơ cứng và xơ vữa thành mạch.
Xơ cứng là hiện tượng thành mạch máu trong hóa trình lão hóa, các tế bào đàn hồi không còn đàn hồi khiến thành mạch không còn mềm mại để bóp nhằm đẩy máu lên não. Xơ vữa là tình trạng các mảng mỡ bám vào trong các thành mạch, làm giảm dòng chảy của máu trong lòng mạch.
2.12 Giàu chống oxy hóa
Các lignans trong hạt mè có chức năng như một chất chống oxy hóa, giúp chống lại stress oxy hóa - một phản ứng gây hại cho các tế bào và dễ bị mắc các bệnh mãn tính. Ngoài ra trong hạt mè còn có hàm lượng vitamin E, cũng hoạt động như chất oxy hóa chống lại bệnh tim.
2.13 Cải thiện chức năng gan
Hạt mè có tác dụng cải thiện chức năng gan rất tốt, nhờ tác dụng này của hạt mè mà chúng ta thấy trong một số thuốc điều trị xơ gan, người ta có sử dụng dầu mè hoặc hạt mè tươi trong thang thuốc.
2.14 Hỗ trợ sức khỏe tuyến giáp
Hạt mè là một nguồn cung cấp selen dồi dào, cho nên ăn hạt vừng có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tuyến giáp. Tuyến giáp chính là nơi chứa nồng độ selen trong cơ thể bạn. Khoáng chất này đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra các hormone tuyến giáp.
Ngoài ra, các thành phần như sắt, đồng, kẽm và vitamin B6 trong hạt mè cũng hỗ trợ sản xuất hormone tuyến giáp và hỗ trợ sức khỏe tuyến giáp.
2.15 Cân bằng hormone trong thời kỳ mãn kinh
Trong hạt mè có chứa phytoestrogen, hợp chất thực vật tương tự như hormone estrogen. Do đó, hạt mè có thể có lợi cho phụ nữ khi lượng estrogen giảm trong thời kỳ mãn kinh.
2.16 Chống lão hóa, trẻ trung hơn
Dầu mè là loại thực phẩm chống oxy hóa tuyệt vời, bởi nó có tác dụng chống gốc tự do, làm tươi mới lại các tế bào. Chính điều này mà người Nhật xem hạt mè là loại thực phẩm giúp “trường sinh bất lão”. Do đó, nếu để ý, bạn sẽ thấy trong các món ăn của người Nhật thường xuyên xuất hiện các món salad trộn sốt dầu mè hoặc salad bơ rưới dầu mè lên,…
3. Tác dụng của dầu mè có tốt như hạt mè không?
Dầu mè là một loại dầu thực vật được chiết xuất từ hạt mè, vì thế, ăn dầu mè cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như: chống viêm, ngăn ngừa bệnh tim mạch, giúp vết thương mau lành, giảm lượng đường trong máu....
Ngoài ra, dầu mè cũng được ứng dụng trong “công cuộc” chăm sóc sắc đẹp phụ nữ. Vì dầu mè chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin E nên được dùng để chống lão hóa, dưỡng tóc, dưỡng mi.... Một số người còn xem dầu mè nguyên chất là một loại “kem chống nắng tự nhiên” có thể ngăn ngừa tia UV gây hại cho làn da.
Xem thêm: 11 tác dụng của dầu mè đối với sức khỏe, làn da và cách dùng dầu mè đúng cách
4. Cách thêm hạt mè vào chế độ ăn uống
Hạt mè có hương vị hấp dẫn và độ giòn lạ miệng để bạn thêm vào nhiều món. Để tăng hương vị dưỡng chất có sẵn cho hạt mè, bạn cần rang chúng ở nhiệt độ khoảng 180 độ C trong vài phút trước khi thêm vào các món ăn khác.
Bạn có thể thêm hạt mè vào rất nhiều món ăn như:
- Bông cải hấp
- Ngũ cốc nóng
- Bánh mì và bánh nướng xốp
- Bánh quy giòn
- Sinh tố
- Sữa chua
- Salad
Đặc biệt, với hạt mè đen bạn còn có thể chế biến ra được rất nhiều loại chè, sữa và bánh ngọt vô cùng thơm ngon, hấp dẫn.
Xem thêm: Mách bạn cách nấu mè đen thành những món ăn chỉ có ngon và ngon hơn
Như vậy, ngoài các công dụng của hạt mè tốt cho sức khỏe thì loại hạt này còn là thực phẩm dinh dưỡng, giúp cơ thể bổ sung nhiều chất. Với những lợi ích này, bạn nên thường xuyên ăn hạt mè cũng như dùng dầu mè để có thể bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
Xem nội dung bài viết nhanh hơn qua video này: