Đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc trong năm 2022?

(VOH) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra báo cáo thứ 3 về khả năng đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc sớm trong năm 2022 trừ phi xuất hiện biến chủng mới có độc lực và lây truyền cao.

Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định COVID-19 sẽ giảm dần mức nghiêm trọng theo thời gian.

Đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc trong năm 2022? 1
"Kế hoạch chuẩn bị chiến lược, sẵn sàng và ứng phó" là báo cáo thứ ba của WHO về COVID-19. Đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc trong năm 2022?

Ông Tedros nêu ra 3 viễn cảnh COVID-19 có thể xảy ra trong năm nay, trong lúc số ca nhiễm toàn thế giới đang tăng lên nhanh chóng do biến chủng Omicron đang lây lan nhanh.      

Trong đó, kịch bản đầu tiên, dễ xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 có thể sẽ tiếp tục tiến hóa, song mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm xuống theo thời gian do khả năng miễn dịch của con người tăng lên nhờ vaccine và miễn dịch tự nhiên. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng cảnh báo về những đợt gia tăng số ca nhiễm và tử vong sẽ xảy ra theo giai đoạn khi miễn dịch suy giảm. Cho nên việc tiêm mũi tăng cường cho nhóm dân số dễ bị tổn thương là điều cần thiết.

Ở kịch bản lạc quan nhất, thế giới sẽ ghi nhận thêm các biến chủng ít nghiêm trọng hơn. Khi đó, con người sẽ không cần tiêm nhắc lại hoặc phát triển các loại vaccine mới.

Trong trường hợp xấu nhất, biến chủng virus có độc lực và khả năng lây truyền cao hơn sẽ xuất hiện. Nó sẽ làm suy yếu hiệu quả của vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên. Đây là kịch bản không ai mong muốn.

Từ báo cáo trên, WHO đã khuyến nghị các quốc gia cần đầu tư vào 5 yếu tố phòng chống.

Thứ nhất là giám sát, xét nghiệm và báo cáo tình trạng sức khỏe cộng đồng.

Thứ hai là tiêm chủng và thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng.

Thứ ba là chăm sóc lâm sàng cho những người mắc COVID-19 và thúc đẩy sự phục hồi của hệ thống y tế.

Thứ tư, giới khoa học cần nghiên cứu, phát triển, tạo điều kiện tiếp cận công bằng với các trang thiết bị và vật tư y tế.

Và thứ 5, các quốc gia nên phối hợp, điều chỉnh phản ứng từ chế độ khẩn cấp sang coi COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu.   

Tiêm chủng vẫn là công cụ chính yếu nhất để cứu sống sinh mạng con người. Báo cáo của WHO cũng chỉ ra trong khi các quốc gia có thu nhập cao bắt đầu chủng ngừa mũi tăng cường thứ 4 cho dân số của họ thì 1/3 dân số thế giới vẫn chưa được tiêm mũi đầu, trong đó châu Phi chiếm đến 83%.

Hơn 2 năm chống chọi với COVID-19 đến nay nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang chao đảo với số ca mắc. Để chấm dứt tình trạng khẩn cấp của đại dịch, WHO kêu gọi các quốc gia tiếp tục hoặc tăng cường khả năng giám sát virus để phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm sớm, ví dụ sự biến đổi của virus ở cả quần thể người và động vật.

"Kế hoạch chuẩn bị chiến lược, sẵn sàng và ứng phó" là báo cáo thứ ba của WHO về COVID-19 và có thể sẽ là báo cáo cuối cùng, theo tổng giám đốc WHO. 

Bình luận