Dù hạt ý dĩ vốn khá nổi tiếng và có mặt khá phổ biến trong đời sống nhưng có lẽ bạn sẽ khá bất ngờ khi biết được những “bật mí” thú vị về loại hạt này trong bài viết dưới đây đấy!
1. Hạt ý dĩ là hạt gì?
Hạt ý dĩ hay hạt y dĩ là hạt được thu hái từ cây ý dĩ, chủ yếu từ giai đoạn tháng 12 tới tháng 1 năm sau. Nếu nhìn “chớp nhoáng” hình dáng bên ngoài của hạt ý dĩ có lẽ phần lớn ta có thể dễ nhầm lẫn với hạt bo bo – hạt thường được “độn cơm” ở thời bao cấp, bởi thực tế chúng đều được là hạt ý dĩ, trong đó hạt bo bo là hạt ý dĩ nếp.
Hạt ý dĩ thường có màu trắng trong, kích thước nhỏ và đường rãnh trên hạt không sâu như hạt bo bo.
2. Hạt ý dĩ có tác dụng gì trong y học hiện đại?
Trước đây nếu như hạt ý dĩ chỉ được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền thì nay các nghiên cứu hiện đại cũng nhận thấy thành phần của hạt gồm nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe như hydrocacbon, chất protit, các axit amin, chất béo và tinh bột. Nhờ vậy mà dùng hạt ý dĩ với lượng hợp lý sẽ nhận được những lợi ích quan trọng này:
2.1 Hạt ý dĩ có tác dụng trị đờm, ho
Theo Đông y, hạt ý dĩ có tác dụng trị đờm, ho dai dẳng lâu ngày. Cụ thể, dưỡng chất từ hạt khi vào cơ thể sẽ hỗ trợ các nhánh khí quản giãn nở tốt hơn để đẩy dịch nhầy ra bên ngoài dễ dàng hơn.
Xem thêm: Ho dai dẳng, tái diễn liên tục là vì những căn bệnh này 'ám mãi không buông'
2.2 Tốt cho thận
Một trong những tác dụng quan trọng của hạt ý dĩ đó là cải thiện chức năng thận và thúc đẩy hoạt động bài tiết nước tiểu. Theo đó, sắc nước hạt ý dĩ với cam thảo được xem như một bài thuốc khắc phục chứng tiểu rắt, bí tiểu khá hiệu quả mà bạn có thể tham khảo áp dụng.
2.3 Phòng ngừa ung thư
Trong hạt ý dĩ có chứa coixenolid và a – monolinolein – hai hoạt chất có đặc tính chống oxy hóa tương đối mạnh. Chính vì thế, bổ sung ý dĩ vào thực đơn dinh dưỡng cũng là cách giúp bạn chủ động bảo vệ tế bào khỏi gốc tự do, hạn chế tỉ lệ hình thành khối u cũng như mắc các bệnh ung thư nguy hiểm.
Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư
2.4 Giảm đau nhức xương khớp
Hạt ý dĩ tươi có tác dụng lợi thủy trừ thấp. Có thể dùng phối hợp với xa tiền tử, phục linh, trạch quả... để chữa tiểu không thông, thủy thũng. Hạt ý dĩ kết hợp với mộc qua, ngưu tất, phòng kỳ, tử tô và quả cau dùng trong trường hợp chân gối, sưng đau.
2.5 Cải thiện tiêu hóa
Hạt ý dĩ vốn là dược liệu có vị ngọt, tính bình nên thích hợp với người thường gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa như đầy bụng khó tiêu. Lúc này, bạn có thể thêm hạt ý dĩ vào món cháo hoặc canh hầm rồi dùng thêm trong khẩu phần ăn để sớm khắc phục triệt để.
2.6 Phục hồi thể lực
Dù kích thước cực kì “khiêm tốn” song nếu bạn sử dụng hợp lý và hấp thu trọn vẹn chất dinh dưỡng từ hạt ý dĩ thì có thể tăng cường, phục hồi thể lực rất tốt, nhất là trong trường hợp mới ốm dậy.
3. Hướng dẫn cách nấu hạt ý dĩ
Hạt ý dĩ không phải là nguyên liệu khó chế biến, thậm chí còn phù hợp với cả món mặn lẫn món ngon. Dưới đây xin gợi ý cho bạn một vài cách nấu hạt ý dĩ đơn giản tại nhà.
3.1 Trà ý dĩ
Nguyên liệu
- Ý dĩ: 50g
- Nước cốt chanh
- Nước lọc: 400ml
- Đá viên
- Đường thốt nốt
Cách làm trà ý dĩ
- Rửa sạch hạt ý dĩ, ngâm nước khoảng 3 – 4 tiếng. Sau đó tiến hành đun sôi nước ý dĩ, khi thấy nước có màu trắng đục thì có thể tắt bếp.
- Rót nước ra ly, để nguội vừa đủ rồi thêm nước cốt chanh và đường vào, khuấy tan đều.
- Có thể thêm đá tùy thích.
Xem thêm: 'Khám phá' 8 lợi ích sức khỏe từ trà củ sen cùng những lưu ý khi uống
3.2 Chè ý dĩ
Nguyên liệu
- Ý dĩ: 20g
- Nấm ngân nhĩ: 20g
- Kỷ tử: 10g
- Đường phèn
Cách làm chè ý dĩ
- Rửa sạch hạt ý dĩ và kỷ tử.
- Nấm ngân nhĩ ngâm với nước ấm khoảng 10 phút, sau đó rửa sạch và xé nhỏ nấm ngân nhĩ.
- Cho hạt ý dĩ và nấm ngân nhĩ vào nồi nấu trước, đun lửa nhỏ trong khoảng 1 – 2 tiếng.
- Khi chè sôi thì trút kỷ tử vào, hòa đường phèn cho vừa ăn và đun thêm 10 phút là được.
3.3 Sữa hạt ý dĩ
Nguyên liệu
- Ý dĩ: 20g
- Hạt điều: 20g
- Khoai lang tím: 1 củ nhỏ
- Nước lọc: 1 lít
- Đường phèn hoặc mật ong
Cách làm sữa hạt ý dĩ
- Ngâm rửa sạch ý dĩ, sau đó vớt để ráo.
- Rửa sạch củ khoai lang tím, đem hấp chín rồi cắt thành các miếng nhỏ.
- Cho hỗn hợp vào hạt điều, hạt ý dĩ, khoai lang tím và nước vào máy xay sinh tố xay nhuyễn mịn.
- Bạn có thể dùng sữa luôn mà không cần lọc bớt bã. Nêm đường phèn hoặc mật ong tùy ý.
Xem thêm: Hướng dẫn 9 cách làm sữa hạt điều ngọt thơm đúng điệu
3.4 Cháo hạt ý dĩ
Nguyên liệu
- Hạt ý dĩ: 30g
- Đậu đỏ: 50g
- Thịt bò (không bắt buộc): 100 – 150g
- Hành tím
- Gạo tẻ: 50 – 70g
- Nước lọc: 1 – 1.5 lít
- Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu
Cách làm cháo hạt ý dĩ
- Ngâm rửa sạch hạt ý dĩ, vớt để ráo.
- Lọc bỏ hạt đậu đỏ bị mối mọt, sau đó đem rửa sạch và ngâm nước từ 7 – 8 tiếng.
- Sơ chế thịt bò với nước muối loãng rồi thái nhỏ và băm nhuyễn, ướp với chút gia vị, đem bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
- Vo sạch gạo tẻ, nên ngâm gạo từ 1 – 2 tiếng.
- Cho hỗn hợp gồm đậu đỏ, gạo tẻ, hạt ý dĩ vào nước rồi tiến hành hầm cháo khoảng 1 – 1.5 tiếng để cháo nhuyễn mềm.
- Phi thơm hành tím, cho thịt bò vào xào sơ, nêm chút gia vị và trút vào nồi cháo. Đun thêm khoảng 15 phút là có thể thưởng thức.
Xem thêm: Bạn sẽ tiếc hùi hụi nếu không biết 9 cách nấu đậu đỏ ngon lạ này
Lưu ý khi chế biến hạt ý dĩ:
- Hạt ý dĩ khá cứng nên khi chế biến cần phải ngâm thật lâu cho nở mềm hoặc hầm chín kỹ thì món ăn mới ngon.
- Cần ngâm hạt bo bo trong tô nước khoảng 4 - 5 giờ, sau đó vo sạch rồi rửa lại với nước 1 lần cho sạch và để ráo trước khi chế biến.
4. Lưu ý cần biết khi dùng hạt ý dĩ
Như đã chia sẻ, ý dĩ là một loại hạt khá lành mạnh và an toàn cho sức khỏe nếu chúng ta biết sử dụng đúng cách. Do vậy, bạn đừng quên thực hiện một số khuyến cáo quan trọng sau:
4.1 Dùng lượng hợp lý
Để hạn chế những rủi ro sức khỏe, tốt nhất mỗi lần bạn chỉ nên dùng tối đa 70g hạt ý dĩ, tránh “thêm thắt” qua nhiều dù chế biến bất cứ món ăn nào.
4.2 Hạn chế sử dụng buổi tối
Hạt ý dĩ có tính lợi tiểu nên thường được khuyến khích ăn vào bữa ăn ban ngày, hạn chế dùng vào buổi tối vì có thể gây tình trạng tiểu đêm nhiều và làm gián đoạn giấc ngủ.
4.3 Tránh dùng khi có tiền sử dị ứng
Cho tới nay tỉ lệ dị ứng hạt ý dĩ là rất thấp, song nếu cơ thể của bạn “nhạy cảm” hoặc từng có tiền sử dị ứng các thực phẩm khác thì cũng cần theo dõi sức khỏe. Nếu có dấu hiệu bất thường, phải tạm ngưng ăn và tới thăm khám chuyên khoa.
Ngoài ra phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, đang sử dụng thuốc điều trị không nên dùng
Mong rằng những thông tin về hạt ý dĩ được tổng hợp trên đây đã giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu về công dụng và cách sử dụng hiệu quả loại hạt này nhé!