Tía tô được xem là thực phẩm ăn kèm với nhiều món ăn quen thuộc của người Việt như bún chả, cháo trứng, chuối nấu ốc,…Theo y học cổ truyền, tía tô còn là một vị thuốc chữa bệnh và phòng bệnh tuyệt vời mà có thể bạn chưa biết.
1. Tìm hiểu về lá tía tô
Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens, thuộc họ Hoa môi, gần giống với rau húng, được trồng phổ biến khắp nơi, từ Ấn Độ sang các nước ở khu vực Đông Nam Á.
Tía tô là cây thân thảo, chiều cao từ 0.5-1m, có thể mọc quanh năm. Thân cây mọc thẳng đứng, lông mềm. Lá mọc đối, hình dạng trứng, có răng cưa, có màu tím hoặc màu xanh tím. Hoa nhỏ mọc thành chùm. Quả rất bé hình cầu và có màu nâu.
Hầu như các bộ phận của cây tía tô đều được sử dụng với nhiều mục đích, nhưng chủ yếu nhất là làm rau gia vị và làm thuốc.
Tía tô có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam thường gặp nhất là 2 loại:
- Loại tía tô có mép lá răng cưa, màu tím nhạt và ít thơm.
- Loại tía tô có mép quăn, màu tím sẫm và khá thơm. Loại này thường có giá trị sử dụng cao hơn.
2. Tác dụng của lá tía tô trong chữa bệnh
Trên thực tế, lá tía tô không chỉ là loại rau ăn hàng ngày mà còn được sử dụng để trị bệnh. Theo các nghiên cứu y học cổ truyền, tía tô là vị thuốc được xếp vào loại kích thích ra mồ hôi, nước sắc và chiết xuất lá tía tô đều có tác dụng giãn mạch ngoài da, hạ sốt, trừ cảm mạo. Hạt có thể chế thành trà uống và thuốc hạ khí.
Ngoài ra, với y học hiện đại, nhiều nghiên cứu cũng ghi nhận các thành phần dinh dưỡng có trong tía tô có thể giúp hỗ trợ “giải quyết” một số vấn đề sức khỏe như:
2.1 Có lợi cho người bị bệnh đường hô hấp
Theo các nghiên cứu, lá tía tô có lợi cho người bệnh về đường hô hấp, bởi có tác dụng làm giảm co thắt cơ trơn phế quản, ngăn chặn sự sản xuất leukotriene - chất chống viêm có liên quan đến giảm chức năng hô hấp.
2.2 Chống dị ứng
Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh, lá tía tô có tác dụng trong điều trị chứng nhạy cảm, dị ứng theo mùa và hen suyễn. Trong lá tía tô có chứa các chất như: quercetin, axit alpha-linolenic, luteolin và rosmarinic axit, perilla có thể ức chế trực tiếp sự phóng thích histamin từ tế bào, giảm cytokine gây viêm và viêm da tiếp xúc.
2.3 Chống oxy hóa
Một trong những tác dụng của lá tía tô là ngăn ngừa hình thành các gốc tự do gây hại.Tinh dầu lá tía tô có chứa chất chống oxy hóa aldehyde, có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành và tổn thương do các gốc tự do gây ra đối với tế bào và DNA.
2.4 Chữa bệnh gout
Một công dụng khác của lá tía tô là có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh gout. Nhờ có chứa tinh dầu nguyên chất và các hoạt chất như hydrocarbon, aldehyde, xeton, furan,… nên lá tía tô có tác dụng giảm đau, chống viêm, giãn mạch, ngăn chặn quá trình nhiễm khuẩn ở những người mắc bệnh gout.
Xem thêm: Hướng dẫn chữa bệnh gút bằng lá tía tô
2.5 Ngộ độc thực phẩm
Tác dụng của lá tía tô khi được dùng làm rau thơm ăn kèm không chỉ giúp tăng hương vị món ăn mà đồng thời cũng là vị thuốc giúp giải độc đối với thức ăn.
2.6 Giảm đau dạ dày – khó chịu dạ dày ruột
Lá tía tô có tác dụng giúp giảm bớt sự khó chịu trong dạ dày và ruột. Nhờ vào thành phần trong lá tía tô như tanin và glucosid mà thực phẩm này có tác dụng chống viêm, chữa lành vết loét và giảm sự gia tăng lượng axit trong dạ dày.
Nghiên cứu cho thấy tía tô có thể giúp cải thiện tình trạng đầy bụng, bụng sôi… giúp tăng cường cơ vòng thực quản dưới, do đó ngăn ngừa trào ngược axit và chống co thắt hiệu quả.
Ngoài ra, nếu bị đau bụng ngoài và nôn mửa do hệ tiêu hóa có vấn đề, bạn có thể giã một ít lá tía tô để lấy nước cốt uống, hoặc ăn kèm lá tía tô trong bữa cũng có thể giúp cải thiện tình trạng này.
2.7 Cầm máu
Khi vết thương bị chảy máu, bạn có thể lấy lá tía tô non tán nhỏ, đắp trực tiếp lên chỗ máu đang chảy rồi buộc lại sẽ giúp cầm máu vết thương, không gây mủ và hạn chế để lại vết sẹo khi lành.
3. Tác dụng của lá tía tô trong làm đẹp
Không chỉ có tác dụng chữa bệnh, tác dụng của lá tía tô còn tuyệt vời đối với làn da, vóc dáng của phụ nữ. Cụ thể, nó có những lợi ích sau đây:
3.1 Giúp trị mụn
Lá tía tô chứa lượng chất kháng khuẩn, chống viêm dồi dào. Do đó, nó có tác dụng điều trị, chữa lành và ngăn ngừa mụn, viêm da hay mẩn ngứa hiệu quả.
Ngoài ra, nhờ vào khả năng thanh lọc, giải độc vượt trội, bổ sung lá tía tô hoặc nước uống từ loại lá này hàng ngày sẽ làm sạch cơ thể, giảm thiểu tối đa tình trạng da xỉn màu, sần sùi và nổi mụn.
3.2 Trị nám
Uống nước lá tía tô mỗi ngày sẽ bổ sung cho cơ thể lượng dưỡng chất lớn có vai trò ngăn chặn sự hình thành sắc tố melanin – nguyên nhân gây nám, tàn nhang, đốm nâu trên da hữu hiệu.
Bên cạnh đó, nguồn kháng chất phong phú trong loại nguyên liệu tự nhiên này còn giúp cải thiện sắc tố, tẩy tế bào chết, từ đó xóa mờ nám, dưỡng trắng da cực kỳ nhanh chóng.
3.3 Giảm cân
Tía tô giàu protein thực vật, chất xơ cùng nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu có khả năng thúc đẩy dạ dày, tăng cường chuyển hóa, trao đổi chất. Từ đó, đốt cháy, đào thải chất béo ra ngoài nhanh chóng.
Uống nước lá tía tô thay thế nước lọc hàng ngày là phương pháp giảm cân cực kỳ hiệu quả. Đặc biệt, lượng chất xơ trong loại lá này còn có tác dụng tạo dựng cơ giúp vóc dáng săn chắc, thon gọn tương tự việc tập luyện thể dục, thể thao.
3.4 Ngăn ngừa lão hóa
Ngoài giàu vitamin, khoáng chất, tía tô còn chứa lượng chất oxy hóa dồi dào có khả năng làm chậm lão hóa, ngăn ngừa các dấu hiệu của tuổi tác như nám, sạm, tàn nhang, nếp nhăn, vết chân chim…cực kỳ hiệu quả.
Xem thêm: Thực hư hiệu quả của việc tắm trắng, dưỡng da sáng 'bật tone' bằng lá tía tô
4. Bà bầu ăn lá tía tô được không?
Không có nhiều nghiên cứu về những mặt lợi và hại khi bà bầu ăn lá tía tô. Do đó, bạn có thể sử dụng lá tía tô như một loại rau gia vị bình thường trong thai kỳ. Trong dân gian cho rằng, bà bầu ăn lá tía tô có thể giúp giải cảm, giảm sưng phù, giảm nghén và giúp làm đẹp da.
Tuy vậy, bạn không sử dụng loại rau này như một vị thuốc, vì không chắc nó sẽ an toàn cho sức khỏe của bạn cũng như sự phát triển của thai nhi.
5. Tía tô làm món gì ngon?
Lá tía tô vốn là loại rau gia vị vô cùng phổ biến. Trong ẩm thực, lá tía tô thường được dùng để nấu cháo tía tô, hoặc kết hợp với những nguyên liệu khác để làm thành các món chả, điển hình như: chả ức gà lá tía tô, chả ốc tía tô....
Xem thêm: Những món ăn từ lá tía tô vừa ngon vừa có tác dụng chữa bệnh
Ngoài ra, nước lá tía tô cũng là một loại thức uống vô cùng bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Đây không chỉ là một loại thức uống giúp giải khát mà còn có nhiều công dụng như: hạ sốt, làm đẹp da, giảm cân, giảm mề đay mẩn ngứa, hỗ trợ điều trị các bệnh về dạ dày, bệnh gout.
Xem thêm: Cách nấu nước uống giúp 'giữ dáng đẹp da' và nâng cao sức khỏe
6. Những lưu ý khi sử dụng lá tía tô
Lá tía tô là thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được lá tía tô. Một số vấn đề sau bạn cần lưu ý khi sử dụng lá tía tô:
- Dị ứng: Trong lá tía tô có chứa một lượng tinh dầu có thể gây dị ứng ở một số người
- Tiêu chảy: Những người đang bị tiêu chảy thì không nên ăn lá tía tô, vì loại thực phẩm tốt cho đường tiêu hóa sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn
- Không nên sử dụng lá tía tô quá nhiều sẽ gây các vấn đề như tăng huyết áp và đổ mồ hôi nhiều,....
- Không tiếp xúc ánh nắng mặt trời sau khi thoa tinh dầu lá tía tô ít nhất 1 tiếng.
Mặc dù các tác dụng của lá tía tô mang lại rất tốt cho sức khỏe nhưng nên sử dụng đúng cách và tránh lạm dụng quá mức để không bị rủi ro mang lại. Lá tía tô không chỉ là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, là nguyên liệu cho các món ăn ngon và còn có thể chữa bệnh, vì thế hãy bổ sung thực phẩm vào chế độ ăn hàng ngày.