Rắn là loài bò sát di chuyển rất nhanh, vận động nhiều, có hệ cơ săn chắc, khớp lưng mềm mại, dẻo dai. Dân gian từ lâu đã lưu truyền tác dụng của mật rắn trong điều trị bệnh.
1. Mật rắn có tác dụng gì?
Mật rắn còn gọi là đởm xà hay xà đảm. Theo sách Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở Việt Nam, mật rắn chứa cholesterin, các axit palmitic, stearic, cholic…
Mật rắn tươi (Nguồn: Internet)
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất Lợi, mật rắn có vị ngọt, cay, đặc biệt không đắng, có tác dụng giảm ho, giảm đau. Người ta thường dùng mật rắn trong các bài thuốc trị ho, đau lưng, nhức đầu khó chữa.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, kinh nghiệm thực tế cho thấy, chỉ cần người bệnh dùng mật rắn một vài lần là đã thấy có tác dụng giảm đau đầu, dễ ngủ.
Bên cạnh đó, người ta còn ứng dụng mật rắn trong điều trị viêm phế quản mãn tính, đờm nhiều vào buổi sáng, đau mỏi các khớp,…hiệu quả điều trị cũng rất tốt. Lương y Nghĩa cũng cho biết, mật rắn là vị thuốc đơn giản, dễ bào chế, dễ sử dụng nhưng hiệu quả rất thiết thực.
2. Nên dùng mật của loại rắn nào để chữa bệnh?
Từ điển Động vật và Khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam của tiến sĩ Võ Văn Chi đã thống kê được 19 loại rắn đã được dùng làm thuốc trong dân gian, có loài đã được ghi trong các thư tịch, có loài chỉ dừng ở mức độ truyền miệng. Ngoài ra, bộ phận dùng làm thuốc cũng khá phong phú, có loại chỉ dùng thịt, có loại chỉ dùng toàn thân bỏ nội tạng, có loại dùng thịt, da, mật,…
Còn theo sách Dược điển Việt Nam, có 3 loại rắn được chọn lấy mật làm thuốc là:
- Rắn hổ mang (Naja naja L.).
- Rắn cạp nong (Bungarus fasciatus Schneid.).
- Rắn ráo (Zamenis mucosus L.).
Ngoài ra, trên thực tế người ta còn dùng mật của rắn cạp nia (Bungarus candidus) và rắn hổ trâu (Plyas mucosus) để làm thuốc chữa bệnh, hiệu quả cũng tương tự các loại rắn trên.
Để mua được mật rắn làm thuốc, bạn có thể liên hệ với các cơ sở nuôi rắn được nhà nước cấp phép để đặt mua. Mua mật rắn tại những cơ sở này vừa có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng lại góp phần bảo vệ loài động vật hoang dã đang bị khai thác mất kiểm soát.
3. Cách sử dụng mật rắn
Mật rắn sau khi thu lấy có thể dùng tươi hoặc khô, thường thì người ta dùng mật rắn đã phơi khô để chế thuốc. Mật rắn khô là những túi mật nhỏ, khô, có màu nâu xám hay đen xám, hình dạng khác nhau, dẹt, to bằng hạt đậu hay hạt ngô. Khi cắt ngang thì trong ruột hơi dẻo, có màu nâu xám hay đen xám đồng nhất. Túi mật bao ngoài rất mỏng, vị có thể hơi đắng hoặc không đắng, ngọt, thơm.
Nên tham khảo ý kiến thầy thuốc để chọn loại mật rắn phù hợp trước khi sử dụng (Nguồn: Internet)
Dưới đây là những cách dùng mật rắn phổ biến:
- Mật rắn tươi có thể chích lấy dịch mật cho vào rượu rồi dùng.
- Đối với mật rắn khô thì cắt nhỏ, cho vào rượu 45 độ cồn ngâm cho tan, sau đó lọc sạch lấy rượu dùng. Ngoài ra, có thể cắt nhỏ mật khô, cho vào nồi nước, nấu cho tan hoàn toàn, thêm đường vào cô đặc thành siro thì dùng được.
4. Một số lưu ý khi dùng mật rắn
- Cũng như mật hay tạng phủ của các loài động vật khác, mật rắn nhiều khi cũng chứa các thành phần không có lợi cho sức khỏe con người, đặc biệt là ký sinh trùng và sỏi. Do đó, khi dùng chúng ta tuyệt đối không nên nuốt mật tươi nguyên cái, hay nhai mật khô rồi nuốt. Vì như thế chúng ta dễ dàng bị nhiễm những loài ký sinh trùng gây bệnh nguy hiểm.
- Mật rắn dùng được cho cả trẻ em và người lớn, liều lượng theo chỉ định của thầy thuốc hoặc người có chuyên môn tương đương.
- Trường hợp phụ nữ có thai, đang rong kinh, băng huyết không dùng.
- Mật rắn mới chỉ là một vị thuốc, khi điều trị cần kết hợp với một số vị thuốc khác để làm tăng tác dụng của mật rắn, như vậy việc điều trị mới có hiệu quả.