Tình trạng bệnh lý này rất phổ biến và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu cao.
Thường xuyên khát nước
Lượng đường trong máu tăng cao khiến thận phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến việc đi tiểu nhiều hơn bình thường. Việc đi tiểu thường xuyên có thể dẫn đến mất nước, gây ra cảm giác khát nước khi cơ thể cố gắng bổ sung lượng nước đã mất.
Mệt mỏi
Khi lượng đường trong máu cao, glucose trong cơ thể không được sử dụng đúng cách, theo đó các tế bào không có được năng lượng cần thiết. Điều này gây ra sự mệt mỏi thường xuyên.
Thường xuyên cảm thấy đói
Thường xuyên cảm thấy đói vì lượng đường trong cơ thể bị đào thải qua đường tiểu và lượng đường trong máu không thể vận chuyển đến các tế bào trong cơ thể.
Kết quả là một lượng lớn glucose bị mất khỏi cơ thể. Tuy nhiên, do năng lượng tế bào không đủ hoặc thiếu lượng đường kích thích nên các tín hiệu liên tục được truyền đến não, dễ khiến cơ thể có cảm giác đói.
Mờ mắt
Lượng đường trong máu cao có thể làm thủy tinh thể trong mắt bị sưng to, mất cân bằng chất lỏng trong mắt, dẫn đến những thay đổi thị lực, đặc biệt là mờ mắt.
Ngoài ra, đường huyết cao kéo dài có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh, mạch máu ở mắt làm giảm thị lực, thậm chí là mù lòa.
Đau đầu
Đau đầu có thể xảy ra do lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp. Sự thay đổi lượng đường trong máu có thể thay đổi lưu lượng máu và áp suất trong các mạch máu, đặc biệt là ở vùng đầu, gây ra chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu.
Sụt cân
Người bị tăng đường huyết có tình trạng giảm cân không chủ ý dù cảm giác thèm ăn không thay đổi hoặc tăng lên. Điều này xảy ra vì không có đủ insulin để đáp ứng với lượng glucose dư thừa trong cơ thể.
Để cung cấp năng lượng, cơ thể sử dụng cơ và chất béo dự trữ, gây ra hiện tượng giảm cân.
Khó tập trung
Mức đường huyết cao sẽ ngăn glucose đi vào các tế bào não, vì vậy não rất khó để lấy năng lượng. Ảnh hưởng đến tốc độ suy nghĩ và ra quyết định.
Nhiễm trùng
Lượng đường trong máu tăng cao và kéo dài thường gây suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Từ đó khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng hơn, tiêu biểu là nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng da.
Vết thương lâu lành
Hệ thống miễn dịch suy giảm và lưu thông máu kém do lượng đường trong máu cao có thể cản trở khả năng chữa lành vết thương của cơ thể, dẫn đến thời gian phục hồi chậm, thậm chí làm làm tăng khả năng nhiễm trùng.
Nếu bạn gặp phải một hoặc nhiều dấu hiệu trên, hãy xem xét kiểm tra đường huyết và tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn kịp thời.