Sởi Rubella và những kiến thức cần biết

(VOH) - Sởi Rubella là bệnh truyền nhiễm, ai cũng có nguy cơ mắc phải, nó đặc biệt nguy hiểm khi phụ nữ mang thai mắc bệnh. Do đó, nắm rõ kiến thức về bệnh sởi Rubella là điều cần thiết.

1. Bệnh sởi Rubella là gì?

Sởi Rubella hay còn gọi là sởi Đức, là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan do virus Rubella gây ra. Sau khi mắc bệnh, người bệnh sẽ được miễn dịch suốt đời. Rubella còn được gọi là bệnh sởi Đức vì căn bệnh này lần đầu tiên được mô tả bởi các bác sĩ người Đức vào giữa thế kỷ 18.

soi-rubella-va-nhung-kien-thuc-can-biet-voh-1

Sởi Rubella thường gặp ở trẻ em (Nguồn: Internet)

1.1 Những ai dễ mắc bệnh sởi Rubella?

Virus Rubella chỉ gây bệnh cho người và bất kỳ ai cũng có thể bị sởi Rubella. Tuy nhiên, sởi Rubella thường gặp ở trẻ em dưới 12 tháng tuổi và đặc biệt nguy hiểm nếu xảy ra ở những phụ nữ mang thai.

Xem thêmPhụ nữ nhiễm rubella khi mang thai, vì sao nguy hiểm?

1.2 Bệnh sởi Rubella lây qua đường nào?

Sởi Rubella là bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan qua đường hô hấp khi người lành tiếp xúc với hạt nước bọt của người bệnh. Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị sởi Rubella cũng có thể lây sang cho thai nhi qua nhau thai. 

2. Triệu chứng bệnh sởi Rubella

Sau một thời gian ủ bệnh trong vòng 14 – 21 ngày, sởi Rubella sẽ gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh cúm. 

2.1 Triệu chứng khởi phát:

Người bệnh có thể sốt nhẹ, ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc, tiêu chảy,…tuy nhiên các triệu chứng này ít khi xuất hiện.

2.2 Triệu chứng toàn phát:

Người bệnh sốt cao khoảng 38 độ C, kèm theo nhức đầu, mệt mỏi, đau họng, chảy nước mũi, đôi khi đỏ mắt. 

Người bệnh có thể bị nổi hạch, phát ban. Ban đầu có thể thấy ở trên đầu, mặt rồi sau đó mọc khắp toàn thân, không theo quy luật. 

2.3 Thời kỳ lui bệnh:

Người bệnh hết sốt, ban biến mất không theo quy luật và không để lại dấu vết trên da.

3. Nguyên nhân gây bệnh sởi Rubella

Virus Rubella là nguyên nhân gây bệnh sởi Rubella. Virus truyền từ người sang người thông qua sự tiếp xúc với dịch tiết từ mũi và cổ họng của người bị nhiễm bệnh. 

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sởi Rubella:

  • Chưa từng bị sởi Rubella;
  • Chưa tiêm vắc xin liên phòng quai bị, sởi và Rubella;
  • Đi đến quốc gia khác hoặc các nơi đang có dịch Rubella;

4. Biến chứng bệnh sởi Rubella

Sởi Rubella là bệnh lành tính, tỷ lệ biến chứng rất thấp, bệnh không gây nguy hiểm cho trẻ em và người trưởng thành. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai mắc bệnh lại rất nguy hiểm. Các biến chứng có thể gặp khi phụ nữ mang thai bị nhiễm sởi Rubella gồm có:

  • Mẹ bị nhiễm Rubella trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, trẻ sinh ra có đến 80% mắc hội chứng Rubella bẩm sinh. Khi mắc hội chứng này trẻ có nguy cơ phát triển chậm, bị đục thủy tinh thể, điếc, khuyết tật tim bẩm sinh, khiếm khuyết ở các cơ quan khác trong cơ thể, thiểu năng trí tuệ…
  • Nguy cơ sảy thai hoặc thai chết lưu do mẹ bị nhiễm Rubella.

5. Cách điều trị bệnh sởi Rubella

5.1 Phương pháp chẩn đoán sởi Rubella

Virus Rubella được đặc trưng bởi sự có mặt của kháng thể IgM ở những người nhiễm bệnh. Xét nghiệm MAC-ELISA giúp phát hiện kháng thể IgM đặc hiệu với sởi trong huyết thanh. Đây là phương pháp phổ biến và duy nhất để chẩn đoán xác định ca bệnh. 

Tuy nhiên, kháng thể IgM có thể tồn tại kéo dài hơn 1 năm, do đó xét nghiệm dương tính thì cần phải kết luận một cách thận trọng. Sự xuất hiện của kháng thể IgM kèm theo phát ban đặc trưng thì có thể chẩn đoán khẳng định.

5.2 Điều trị bệnh sởi Rubella (sởi Đức) bằng phương pháp nào?

Một khi bị nhiễm bệnh Rubella, cơ thể người bệnh sẽ tự đề kháng và miễn dịch với bệnh. Nếu trẻ nhỏ cảm thấy khó chịu hoặc bị sốt thì bạn có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt hay thuốc giảm đau thông thường như paracetamol liều trẻ em. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến dược sĩ để mua kem bôi ngoài da nếu trẻ bị ngứa.

Nếu đang mang thai, bác sĩ sẽ chỉ định kháng nguyên Rubella để giúp bạn tự đề kháng virus nhưng con bạn vẫn có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh.

6. Cách phòng bệnh sởi Rubella

Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Vắc xin thường được tiêm dưới dạng kết hợp 3 bệnh sởi – quai bị - Rubella. Các bác sĩ khuyến cáo trẻ em nên tiêm vắc xin 3 bệnh này từ 9 đến 18 tháng tuổi và tiêm nhắc lại từ 4 đến 6 tuổi trước khi bắt đầu nhập học.

soi-rubella-va-nhung-kien-thuc-can-biet-voh-2

Tiêm vắc xin đầy đủ để phòng ngừa sởi Rubella (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng cần tiêm vắc xin ngừa Rubella ít nhất 3 tháng trước khi mang thai. 

Một số triệu chứng có thể xuất hiện sau khi tiêm phòng từ 6 – 14 ngày bao gồm sốt nhẹ, phát ban, sưng hạch ở má hoặc cổ, đau nhức và cứng khớp. Trường hợp xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng như khó thở, khàn giọng hoặc thở khò khè, phát ban, xanh xao, suy nhược, tim đập nhanh hoặc chóng mặt,…thì cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và theo dõi.

6.1 Tiêm phòng sởi, quai bị, Rubella ở đâu?

Hiện nay, có rất nhiều cơ sở y tế thực hiện tiêm vắc xin sởi, quai bị, Rubella, hầu hết các tỉnh thành đều thực hiện chiến dịch tiêm chủng này. Trẻ em có thể tiêm chủng tại trường học hoặc trạm y tế xã/phường.

Dưới đây là một số gợi ý về địa chỉ tiêm vắc xin sởi, quai bị, Rubella ở trung tâm tiêm chủng vắc xin VNVC tại TPHCM và Hà Nội:

Tại TPHCM:

  • VNVC Hoàng Văn Thụ: 198 Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận
  • VNVC Cantavil An Phú: Lầu 1 TTTM Cantavil An Phú, Số 1 đường song hành, xa lộ Hà Nội, P. An Phú, Q.2
  • VNVC Lê Đại Hành: Tầng 2 TTTM, Cao ốc Bảo Gia, 184 Lê Đại Hành, P. 15, Q. 11, TP. HCM
  • VNVC quận 12: Số 8 đường Trung Mỹ Tây 2A, khu phố 5, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM
  • VNVC Thủ Đức: Tầng 2, Cao ốc chung cư Moonlight Residences, Số 102 Đặng Văn Bi, Phường Bình Thọ, Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh
  • VNVC Bình Chánh: Tầng 2, Cao ốc chung cư Saigon Mia, Số 9A chung cư cụm III,IV - Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh

Tại Hà Nội:

  • VNVC Trường Chinh: 180 Trường Chinh, Q. Đống Đa
  • VNVC Icon 4 Cầu Giấy: Số 3 Cầu Giấy, P. Láng Thượng, Q. Đống Đa (Cạnh ĐH Giao Thông Vận Tải)
  • VNVC Văn Quán Hà Đông: Tầng 3, tòa nhà NewSkyline, lô CC2 khu đô thị mới Văn Quán - Yên Phúc, Q.Hà Đông
  • VNVC Mỹ Đình: Tầng 2- Tháp R1 tòa nhà Florence, số 28 Phố Trần Hữu Dực, P. Nam Từ Liêm, Hà Nội

6.2 Bệnh sởi Rubella nên ăn và kiêng gì?

Triệu chứng của bệnh sởi chủ yếu là sốt, phát ban, ngứa…vì vậy, chế độ ăn của người bệnh nên ưu tiên và hạn chế những thực phẩm sau đây:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng gồm 4 nhóm chất là vitamin, khoáng chất, đường bột và chất béo. Luôn đa dạng nguồn thực phẩm là chế độ ăn tốt nhất để duy trì sức khỏe và tăng cường sức đề kháng để chống lại virus.
  • Bổ sung nước đầy đủ, có thể uống thêm oresol để bù nước do khi bị sốt sẽ dễ bị mất nước. Các loại nước ép trái cây vừa cung cấp nước vừa bổ sung nguồn vitamin thiết yếu.
  • Ưu tiên chọn các thực phẩm giàu vitamin A, C như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, quýt, bưởi,…
  • Hạn chế ăn hải sản có tính dị ứng cao.
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ như các món chiên, xào, nướng…
  • Đồ uống có gas, có cồn và caffein cũng nên kiêng khi đang điều trị bệnh sởi Rubella.