Tìm hiểu tác dụng của nhộng tằm và những lưu ý trước khi ăn

(VOH) – Không chỉ là món ăn ngon, bổ dưỡng, nhộng tằm còn rất có lợi cho sức khỏe. Một số tác dụng của nhộng tằm có thể kể đến như chống còi xương, tốt cho người bệnh thận, đau nhức xương khớp...

1. Nhộng tằm là gì ?

Nhộng tằm là pha thứ ba của con tằm dâu – loại côn trùng biến thái hoàn toàn với vòng đời trải qua 4 giai đoạn: Trứng – sâu tằm – nhộng tằm – Ngài (tằm trưởng thành).

tac-dung-cua-nhong-tam-voh-6
Những lợi ích sức khỏe mang lại khi ăn nhộng tằm

Nhộng tằm có đầy đủ các phần như đầu, ngực, bụng, râu, chân, cánh... nhưng các phần phụ còn ngắn nên được xếp gọn vào trong mặt bụng, chưa có lỗ miệng và hậu môn. Nhộng tằm không ăn uống, chúng sống nhờ vào chất dinh dưỡng dự trữ từ pha sâu tằm.

2. Những tác dụng của nhộng tằm đối với sức khỏe

Nhiều người xem nhộng tằm như một món ăn bổ dưỡng bởi các thành phần có trong loại thực phẩm này có thể cung cấp cho cơ thể con người nhiều hàm lượng dinh dưỡng thiết yếu.

Trong 100g nhộng tằm có 79.7g nước, 13g protein; 6,5g lipid và cung cấp tới 206 calo. Bên cạnh đó, nhộng tằm còn là một loại thức ăn nhiều vitamin (vitamin A, B1, B2, PP, C... Đặc biệt, thực phẩm này còn có nhiều acid amin thiết yếu như valin, tyrosin, tryptophan... và các chất khoáng, nhất là canxi (40mg) và photpho (109mg).

Chính vì thế, ăn nhộng tằm có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, cụ thể như:

2.1 Có lợi cho người bệnh thận

Người cao tuổi bị yếu thận, hay tiểu tiện són hoặc bị táo bón nếu ăn nhộng tằm thường xuyên có thể giúp cải thiện tình hình sức khỏe.

2.2 Tốt cho người bị bệnh khớp

tim-hieu-tac-dung-cua-nhong-tam-va-nhung-luu-y-can-nho-truoc-khi-an-1-voh

Ăn nhộng tằm có tác dụng giảm các triệu của bệnh về xương khớp (Nguồn: Internet)

Nhộng tằm không chỉ là một món ăn ngon, bổ dưỡng mà còn rất hữu ích trong việc chữa trị các chứng bệnh như: đau nhức xương khớp hay bị chứng phong thấp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thường xuyên ăn nhộng tằm có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh rõ rệt.

2.3 Tăng cường sinh lực phái mạnh

Trong nhộng tằm chứa hàm lượng cao acid amin arginine – một tiền chất giúp tổng hợp nên oxit nitric, vì thế nam giới ăn nhộng tằm có khả năng tăng cường sinh lực và điều đó rất có lợi cho chuyện “chăn gối”

2.4 Chống còi xương ở trẻ em

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tác dụng của nhộng tằm rất tốt cho trẻ em vì có thể chống lại bệnh còi xương và suy dinh dưỡng. Trong nhộng tằm chứa nhiều canxi và photpho, đây đều là những chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

So với các loài thịt cá thường dùng, nhộng tằm được đánh giá là không hề thua kém về hàm lượng canxi.

3. Công dụng của nhộng tằm trong Đông y

Trong y học cổ truyền, nhộng tằm có tên thuốc là tàm dũng, có vị mặn, ngọt, bùi béo, tính bình, không độc. Tác dụng của nhộng tằm là giúp nhuận tràng và bổ dưỡng như sâm nhung.

Đông y cho rằng, khi dùng nhộng tằm nên dùng nguyên con, để có thể nhận được đầy đủ nguyên khí và chất dinh dưỡng.

Dân gian từ lâu đã truyền tai nhau về công dụng chữa trị phong thấp từ nhộng tằm. Khi thấy tứ chi, gân cốt bị nhức mỏi, tế hoặc bị chứng đầu phong, chóng mặt thì người nhiều thường dùng nhộng tằm nấu với rượu để ăn chữa bệnh. Người không ăn được nhộng tằm thường cùng chúng nấu với rượu, sau đó dùng rượu để xoa bóp.

tim-hieu-tac-dung-cua-nhong-tam-va-nhung-luu-y-can-nho-truoc-khi-an-voh

Nhộng tằm có nhiều công dụng trong y học (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, còn có một số bài thuốc chữa bệnh từ nhộng tằm như:

  • Bổ thận, trị liệt dương, tiểu nhiều: Cách dùng thông thường là cho nhộng tằm vào cháo nóng, nhất là cháo nấu chim sẻ, chim cút (dùng cho người liệt dương, yếu sinh lý); rang nhộng tằm với hành mỡ hay xào nhộng tằm với lá hẹ, mộc nhĩ, ăn với cơm (dùng cho người già yếu). Liều dùng hằng ngày: 50 - 100g chia làm 2 - 3 lần.
  • Bồi bổ cho người lớn tuổi, thận khí suy yếu: Nhộng tằm 200g, hoa hẹ 10g, nước mắm, dầu ăn vừa đủ. Nhộng tằm rửa sạch cho vào nồi, cho nước mắm vừa đủ, đun nhỏ lửa cho tới khi khô, cho dầu ăn vào, bật to lửa và cho hoa hẹ đã rửa sạch vào. Sau đó lấy ra ăn ngay.

4. Cách chế biến nhộng tằm thành nhiều món ăn ngon

Nhộng tằm là món ăn có tính hàn, vị béo, bùi rất lạ miệng. Gợi ý bạn một số món ngon từ nhộng tằm để tham khảo và thử áp dụng:

4.1 Nhộng tằm măng chua

Nguyên liệu: 200g nhộng tằm, 200 măng chua, ngò gai, hành, tỏi, ớt sừng, gia vị (đường, tiêu, nước mắm, hạt nêm, dầu ăn), giấm gạo lên men.

Cách chế biến nhộng tằm măng chua:

  • Nhộng tằm rửa sạch, để ráo, trộn với giấm gạo lên men trong vài phút rồi chắt bỏ nước giấm. Ướp 1 thìa hành, tỏi băm, một chút tiêu, đường, hạt nêm.
  • Măng chua vớt ra xả nước, vắt ráo, cắt miếng nhỏ vừa ăn. Rau ngò gai cắt nhỏ. Tiếp theo rang hành tỏi trên chảo cho thơm, cho nhộng vào rang cho ráo nước và thấm gia vị. Tiếp tục cho dầu ăn vào, đảo đều.
  • Cho măng chua vào, nêm 1 chút nước mắm, đảo đều cho măng thấm gia vị, nêm nếm vừa ăn rồi tắt lửa, thêm ngò gai và ớt sừng vào trộn đều.

4.2 Nhộng tằm rang lá chanh

tim-hieu-tac-dung-cua-nhong-tam-va-nhung-luu-y-can-nho-truoc-khi-an-2-voh

Món ăn ngon - nhộng tằm rang lá chanh (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu: 300g nhộng tằm, 10 lá chanh, 3g hành tím, ¼ thìa cà phê muối, ½ thìa cà phê hạt niêm, ½ thìa cà phê bột ngọt, ½ thìa tiêu xay, 1 thìa súp dầu ăn.

Cách chế biến nhộng tằm rang lá chanh

  • Rửa sạch nhộng tằm, ngâm với nước muối pha loãng khoảng 5 phút, đổ vào rổ thưa để ráo nước. Ướp nhộng với muối, hạt nêm, nước mắm, bột ngọt trước khoảng 15 phút cho nhộng thấm gia vị.
  • Rửa sạch và cắt nhuyễn lá chanh. Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành tím băm. Sau đó, trút nhộng tằm vào xào nhanh tay, xào cho nhộng săn lại.
  • Tiếp theo, cho lá chanh vào, đảo thêm khoảng 2 phút nữa cho lá chanh dậy mùi thơm. Nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn rồi tắt bếp.

4.3 Nhộng tằm chiên xù

Nguyên liệu: 500g nhộng tằm, 100g bột rán xù, 50g rau cải xanh, 1 gói bột cà-ri, 2 quả trứng gà, 1 thìa súp sốt tương cà chua, rau mùi, dầu ăn.

Cách chế biến nhộng tằm chiên xù

  • Nhộng tằm rửa sạch, vớt để ráo. Sau đó, đập trứng vào tô, cho hạt nêm, cà ri vào rồi đánh tan đều.
  • Nhúng nhộng vào trứng, lăn qua bột xù rồi thả vào chảo dầu chiên cho vàng, giòn. Khi nhộng chín cho vào lá cải xanh, quấn lại.
  • Có thể dùng kèm với tương cà chua. Khi bày ra đĩa có thể trang trí với rau mùi cho đẹp mắt.

5. Một số lưu ý khi ăn nhộng tằm

Ngày nay nhộng tằm được bán rộng rãi ở nhiều nơi như chợ và siêu thị. Giá nhộng tằm dao động từ khoảng 20.000 - 30.000 VNĐ/100gr đối với loại tươi còn loại đã luộc thì trung bình từ 15.000 - 20.000 VNĐ/100gr.

5.1 Nguyên nhân ăn nhộng tằm bị ngộ độc

Mặc dù tác dụng của nhộng tằm vừa có thể trị bệnh rất tốt vùa là loại thực phẩm bổ dưỡng. Tuy nhiên, có không ít trường hợp phải cấp cứu và điều trị tại bệnh viện do ngộ độc nhộng tằm với những nguyên nhân:

  • Do mua phải nhộng tằm để lâu đã bị ôi hỏng, chất đạm trong thực phẩm đã bị phân hoá không còn giá trị dinh dưỡng mà trở thành chất độc gây hại cho cơ thể.
  • Do nhộng tằm đã bị ngâm hoá chất..
  • Do cơ thể bị dị ứng với chất natri sunfit dùng để bảo quản nhộng tằm.
tac-dung-cua-nhong-tam-voh.com.vn-7
Những lưu ý khi ăn nhộng tằm

5.2 Các lưu ý khi ăn nhộng tằm để tránh ngộ độc

  • Mua nhộng còn tươi, có nguồn gốc rõ ràng. Nhộng tươi thường có màu vàng ươm, thịt trắng ngà, các đốt trên thân không bị rời ra. Không nên chọn loại nhộng tằm có kích thước quá to, vì rất có thể chúng đã bị tẩm các chất hóa học để được căng tròn nhằm thu hút người mua.
  • Nhộng tằm sau khi đã mua về tốt nhất nên chế biến, nấu chín ngay trong ngày hoặc bảo quản trong nhiệt độ từ 0 - 50
    C để đảm bảo không bị mất chất dinh dưỡng. Không nên ăn nhộng tằm sống.
  • Không nên ăn quá nhiều nhộng tằm vì sẽ dẫn đến dư thừa chất dinh dưỡng và có thể gây dị ứng thực phẩm. Chỉ nên ăn từ 2 - 3 bữa/tháng.
  • Không nên chế biến nhộng tằm chung với tôm, cá

5.3 Những người không nên ăn nhộng tằm:

  • Những người có cơ địa hay bị dị ứng không nên ăn nhộng tằm vì trong chúng cũng chứa một số histamin dễ gây mẩn đỏ, ngứa
  • Người có bệnh gout không nên ăn vì nhộng tằm chứa nhiều chất đạm nên khiến bệnh tái phát.

Nhìn chung, tác dụng của nhộng tằm tốt cho sức khỏe, đặc biệt với những người bị suy dinh dưỡng, bệnh thận, hay các bệnh về khớp. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý không nên ăn nhộng tằm quá nhiều và cần nắm rõ các trường hợp cần tránh để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.