Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bà bầu ăn ốc được không? Ăn bao nhiêu và từ tháng thứ mấy?

VOH – Theo quan niệm dân gian, người mẹ khi mang thai nếu ăn ốc con sinh ra sẽ bị rớt dãi, thậm chí ít nói. Vậy sự thật thế nào, liệu bà bầu ăn ốc được không?

Bước vào thời kì mang thai, chế độ dinh dưỡng của bà bầu sẽ thay đổi khá nhiều, thậm chí phải đảm bảo sự đa dạng và phong phú các nhóm thực phẩm để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể mẹ cũng như thai nhi. Tuy nhiên với một loại hải sản dồi dào khoáng chất như ốc, mẹ có nên bổ sung vào khẩu phần ăn hay không? Cùng tìm lời giải đáp ngay sau đây nhé.

1. Bà bầu ăn ốc được không?

Có thể nói rằng ốc là một trong những nguyên liệu ẩm thực dân dã, chẳng mấy đắt đỏ nhưng lại mang đến cho cơ thể rất nhiều chất dinh dưỡng quý như vitamin E, khoáng chất sắt, canxi, magie hay selen. Vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng nếu như mẹ không có tiền sử dị ứng hải sản hay các loại ốc thì sau kì tam cá nguyệt thứ nhất, bà bầu hoàn toàn có thể ăn ốc.

ba-bau-an-oc-duoc-khong-nen-an-tu-thang-thu-may-va-bao-nhieu-la-tot-voh-0
Nếu bà bầu không có tiền sử dị ứng với ốc, thì sau tam cá nguyệt thứ nhất hoàn toàn có thể ăn ốc (Nguồn: Internet)

2. Lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn ốc

Duy trì ăn ốc với lượng hợp lý và khoa học trong chế độ dưỡng thai sẽ giúp mẹ chủ động cải thiện được một số vấn đề sức khỏe dưới đây:

2.1 Giảm đau nhức xương khớp

Phần lớn các loại ốc đều được xếp vào nhóm thực phẩm giàu canxi, trung bình trong 100g thịt ốc chứa tới hơn 1000mg canxi. Khoáng chất này khi vào cơ thể sẽ trực tiếp tham gia hình thành tế bào xương mới, tăng kết nối các khớp xương và giảm các cơn đau nhức mẹ bầu thường gặp trong thai kì.

Xem thêm: Cách bổ sung canxi cho bà bầu trong thai kỳ và những điều đặc biệt cần lưu ý

2.2 Thúc đẩy phát triển hệ vận động của thai nhi

Không chỉ hỗ trợ xoa dịu cơn đau nhức xương khớp ở mẹ mà khoáng chất canxi cũng là một trong những thành tố cực kì cần thiết thúc đẩy sự phát triển hệ vận động của thai nhi, góp phần hình thành xương sụn và hoàn thiện hình dáng của tay chân.  

2.3 Ngăn ngừa dị tật bẩm sinh

Bổ sung các món ăn từ ốc vào bữa ăn hàng ngày còn giúp mẹ tiếp nạp thêm vi chất kẽm – thành tố đảm nhiệm vai trò ngăn chặn tình trạng biến dị ADN xảy ra, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ em bé mắc các dị tật bẩm sinh. Bên cạnh đó, hấp thu đủ lượng dưỡng chất này cũng giảm thiểu tỉ lệ sinh nontiền sản giật nguy hiểm.

Xem thêm: 'Điểm mặt' 6 dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gặp và các nguyên nhân gây bệnh

2.4 Phòng chống thiếu máu thai kì

Trong thịt ốc có chứa hàm lượng lớn khoáng tố sắt, tương đương với hơn 20% nhu cầu hàng ngày của cơ thể mẹ bầu. Theo đó, việc hấp thu đủ lượng chất sắt sẽ đảm bảo hoạt động sản sinh tế bào hồng cầu diễn ra ổn định, phòng chống nguy cơ bị thiếu máu thai kì.

2.5 Kiểm soát cân nặng ổn định

Đối với mẹ bầu thừa cân khi mang thai, ăn ốc là một lựa chọn tuyệt vời, bởi tuy chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng năng lượng ốc cung cấp cho cơ thể không nhiều. Trung bình 100g ốc chỉ cung cấp khoảng 90 calo, vì thế mẹ bầu có thể ăn thoải mái nhưng không phải lo lắng nhiều về cân nặng.

ba-bau-an-oc-duoc-khong-nen-an-tu-thang-thu-may-va-bao-nhieu-la-tot-voh-1
Bà bầu ăn ốc trong thai kì không gây tăng cân (Nguồn: Internet)

3. Bà bầu ăn ốc con sinh ra bị rớt dãi?

Trong dân gian thường “đồn thổi” rằng bà bầu ăn ốc thì con sinh ra bị rớt dãi nên khiến nhiều mẹ bầu khá e dè và gần như không dám ốc trong suốt thai kì. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một chứng cứ khoa học nào chứng minh điều này là đúng.

Mối lo duy nhất mà các bà bầu cần chú ý tới đó là vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm. Vì sinh trưởng chủ yếu trong ao, hồ, nên trong ốc chứa nhiều vật ký sinh là các loại giun, sán và nếu không được chế biến đúng cách thì lúc này tỉ lệ gặp phải những rủi ro sức khỏe mới tăng cao.  

4. Một số món ngon từ ốc dành cho bà bầu

Có thể nói rằng chỉ từ nguyên liệu là các loại ốc nhưng có vô vàn món ngon hấp dẫn và độc đáo đã ra đời, gồm món hấp, món xào và cả món canh. Do vậy, để “biến tấu” bữa ăn đa dạng hơn, mẹ hãy tham khảo chế biến những món ngon từ ốc dưới đây xem sao nhé:

  • Ốc móng tay xào rau muống
  • Ốc bươu nhồi thịt
  • Ốc mỡ xào tỏi
  • Ốc nhồi hấp sả
  • Ốc nhồi xào nấm hương

Xem thêm: Chưa biết ốc nấu gì ngon sao không thử 18 món độc đáo này!

5. Những lưu ý an toàn khi bà bầu ăn ốc

Để bảo đảm an toàn vệ sinh, tốt nhất mẹ bầu nên mua ốc và tự chế biến tại nhà. Một số lưu ý mẹ bầu cần nhớ:

  • Ốc nên được ngâm trong nước vo gạo khoảng 1 tiếng để ra hết chất bẩn và loại bỏ những ký sinh trùng trong ốc. Ngoài nước vo gạo, mẹ bầu có thể ngâm ốc trong nước chanh, giấm hoặc nước ớt để ốc nhanh nhả hết các chất bẩn.
  • Mẹ bầu tuyệt đối không nên ăn ốc chưa được nấu chín kỹ.
  • Dù ốc chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng mẹ bầu cũng không nên ăn quá nhiều. Trung bình chỉ nên ăn từ 1 - 2 bữa/ tuần, mỗi bữa chỉ nên ăn khoảng 300 – 500g là tốt nhất.
  • Những mẹ bầu đang gặp vấn đề về tiêu hóa, tiêu chảy hay bị lạnh bụng thì không nên ăn ốc.

Như vậy, với những thông tin trên đây chắc chắn đã giúp các chị em giải đáp được thắc mắc “bà bầu ăn ốc được không”. Tuy nhiên, với những bà bầu bị ốm nghén và không thích mùi vị của món ốc thì cũng không nhất thiết phải ăn ốc, nhất là giai đoạn 3 tháng đầu. Chỉ nên ăn khi cảm thấy ngon miệng, như thế mới tốt cho sức khỏe, mẹ nhé!

Bình luận