Viêm cột sống dính khớp là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

(VOH) - Viêm cột sống dính khớp nếu không phát hiện và chữa trị sớm sẽ để lại hậu quả khó lường. Nhẹ thì gây đau âm ỉ, hạn chế vận động, nặng thì gây dính khớp, biến dạng khớp, gù vẹo cột sống...

1. Viêm cột sống dính khớp là gì?

Viêm cột sống dính khớp là tình trạng viêm nhiễm mãn tính ở các khớp của cột sống. Bệnh có thể khiến một số đốt sống trong cột sống dính lại với nhau và sưng lên, khiến cột sống khó cử động hơn và có thể dẫn đến còng lưng.

viem-cot-song-dinh-khop-la-gi-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-voh-1

Hình ảnh viêm cột sống dính khớp (Nguồn: Internet)

Ở một số bệnh nhân, bệnh viêm cột sống dính khớp cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp trên cơ thể như vai, xương sườn, hông, đầu gối, bàn chân, gân và dây chằng. Đôi khi, bệnh ảnh hưởng đến các bộ phận khác như mắt, ruột, tim và phổi nhưng rất hiếm khi xảy ra.

Viêm cột sống dính khớp là một bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Triệu chứng viêm cột sống dính khớp thường xuất hiện trước 35 tuổi, chỉ 5% có triệu chứng sau 45 tuổi. Bệnh xảy ra phổ biến ở nam giới hơn là nữ giới.

2. Nguyên nhân viêm cột sống dính khớp

Nguyên nhân gây viêm cột sống dính khớp vẫn chưa được xác định rõ hoàn toàn, nhưng các nghiên cứu đã xác định rằng đây là một bệnh tự miễn.

Các nhà khoa học cũng tìm được rằng, những người mang gen HLA-B27 có nhiều khả năng mắc bệnh viêm cột sống dính khớp hơn những người không có gen này.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, ở những cặp sinh đôi cùng trứng, tỉ lệ đồng mắc bệnh là 63%, ở các cặp sinh đôi khác trứng, tỉ lệ đồng mắc là 13%. Nếu người thân trong gia đình (cha, mẹ, anh chị em, con cái) mắc bệnh viêm cột sống dính khớp thì khả năng bạn mắc phải căn bệnh này tăng 6 – 16 lần.

3. Triệu chứng viêm cột sống dính khớp

Việc chẩn đoán và điều trị sớm viêm cột sống dính khớp sẽ giúp người bệnh thoát khỏi biến chứng biến dạng viêm khớp, tàn phế,…Do đó, bạn đừng bỏ qua những dấu hiệu nhận biết viêm cột sống dính khớp sau đây:

  • Đau lưng mạn tính kéo dài trên 3 tháng, khởi phát ở người trẻ, đặc biệt là nam giới. Triệu chứng đau lưng thường nặng hơn khi về đêm.
  • Đau từ khớp xương vùng chậu (giữa xương chậu và cột sống). Theo thời gian, cơn đau có thể lan ra một phần hoặc tất cả các vùng ở cột sống.
  • Phần dưới xương sống của bệnh nhân trở nên kém linh hoạt. Theo thời gian, bệnh nhân có thể bị khòm lưng về phía trước.

Các bộ phận khác của cơ thể bệnh nhân cũng có thể bị đau nhức và tê cứng, bao gồm:

  • Các khớp giữa xương sườn và xương ức.
  • Sưng và đau ở các khớp vai, đầu gối và mắt cá chân.
  • Sưng ở mắt.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể mệt mỏi khi mắc bệnh viêm cột sống dính khớp.

Khi có những triệu chứng trên, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa nội khớp hoặc miễn dịch lâm sàng để chẩn đoán xác định và có biện pháp điều trị thích hợp.

4. Viêm cột sống dính khớp có nguy hiểm không?

Bệnh viêm cột sống dính khớp nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến những biến chứng như:

  • Dính khớp cột sống và các khớp ngoại biên.
  • Dính khớp cột sống gây ra gù.
  • Dính khớp háng, khớp gối gây khó khăn cho việc đi lại.
  • Dính khớp xương ức với các sụn sườn gây cứng lồng ngực làm giảm dung tích và chức năng của phổi.

Bệnh viêm cột sống dính khớp làm tăng mất khoáng xương, do đó các bệnh nhân thường dễ bị loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Gãy xẹp hoặc gãy lún đốt sống là một trong những gãy xương bệnh lý thường gặp nhất ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp, góp phần làm nặng thêm tình trạng gù và biến dạng cột sống.

5. Điều trị viêm cột sống dính khớp bằng cách nào?

Nguyên tắc chung để điều trị viêm cột sống dính khớp bao gồm điều trị không dùng thuốc, điều trị nội khoa và ngoại khoa,…nhằm mục đích chống viêm, giảm đau, phòng chống cứng khớp, đặc biệt là phòng chống cứng ở tư thế xấu và khắc phục dính khớp (nếu có).

5.1 Điều trị không dùng thuốc

Không dùng thuốc là phương pháp chữa viêm cột sống dính khớp ở giai đoạn đầu. Người bệnh sẽ thực hiện các bài tập hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Người bệnh có thể tự tập tại nhà sau khi đã thuộc các bài tập mà bác sĩ đã hướng dẫn.

5.2 Điều trị bằng thuốc

Thuốc chống viêm không steroid là lựa chọn đầu tiên để chỉ định cho bệnh nhân viêm cột sống dính khớp có triệu chứng đau hoặc cứng khớp.

Lưu ý: Các loại thuốc chống viêm không steroid có thể gây tác dụng phụ không mong muốn trên tim mạch, dạ dày và thận. Do đó, người bệnh cần uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc trong thời gian dài.

Ngoài ra, người bệnh có thể dùng paracetamol để giảm đau và thuốc giãn cơ. Thuốc giãn cơ thường được chỉ định là eperisone, thiocolchicoside… Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc này, đặc biệt là nhóm thuốc giảm đau paracetamol cần chú ý tới liều lượng và thời gian sử dụng, nhằm tránh tác hại trên gan.

Ngoài ra, một số bệnh nhân viêm cột sống dính khớp còn được điều trị bằng thuốc thấp khớp (DMARD) hay nhóm glucocorticoid với những bệnh nhân bị viêm các điểm bám gân hoặc các khớp ngoại biên có tình trạng viêm kéo dài.

Nhìn chung, có nhiều loại thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp, tùy vào từ trường hợp viêm cụ thể mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có những chỉ định về thuốc khác nhau. Đôi khi, bác sĩ có thể phối hợp các loại thuốc để giúp bệnh nhân điều trị hiệu quả hơn.

viem-cot-song-dinh-khop-la-gi-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-voh-2

Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp (Nguồn: Internet)

5.3 Điều trị ngoại khoa

Khi các phương pháp nội khoa không mang lại hiệu quả điều trị thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Với bệnh nhân bị biến dạng cột sống thì sẽ được phẫu thuật chỉnh hình cột sống. Bệnh nhân viêm cột sống dính khớp có gãy đốt sống cấp tính sẽ xem xét phẫu thuật thay đốt sống.

6. Viêm cột sống dính khớp nên ăn gì và kiêng gì?

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị viêm cột sống dính khớp.

6.1 Viêm cột sống dính khớp nên ăn gì?

Trong quá trình điều trị viêm cột sống dính khớp, người bệnh nên bổ sung một số thực phẩm như:

  • Thực phẩm giàu omega-3: Hạt lanh, dầu hạt cải, cá ngừ, cá hồi,…rất tốt cho người bị viêm cột sống dính khớp.
  • Rau xanh và trái cây: Cà chua, rau cải, dâu tây, cam, bưởi,…
  • Thực phẩm giàu canxi: Đậu nành, sữa tươi, ngũ cốc,…
  • Vitamin D: Dầu gan cá, lòng đỏ trứng,…

6.2 Bệnh viêm cột sống dính khớp nên kiêng gì?

  • Thực phẩm chứa Gluten: Bột mì, lúa mạch, lúa mì đen,…
  • Đồ ăn nhanh: Gà rán, khoai tây chiên, xúc xích, hamburger,…
  • Chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá, cà phê, đồ uống có ga,…
  • Hạn chế đường, muối, chất béo.

Ngoài việc tuân theo chế độ ăn uống khoa học, người bệnh viêm cột sống dính khớp nên nghỉ ngơi, mỗi ngày vận động khớp nhẹ nhàng từ 1 – 2 lần để giúp giảm bớt co cứng cơ. Đặc biệt, hãy tránh mang vác nặng, ngồi lâu không thay đổi tư thế làm ảnh hưởng đến cột sống.