Nhiều công nghệ sinh học nông nghiệp Việt Nam cần phải học hỏi

(VOH) - Diễn ra từ ngày 18 - 25/8, Tuần lễ An ninh Lương thực APEC 2017 còn 2 ngày nữa sẽ bước vào phiên bế mạc.

Những ngày qua, đã có hơn 2 ngày thảo luận nhóm, tích cực để tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng cường phối hợp trong khu vực để giải quyết các thách thức liên quan chặt chẽ đến an ninh lương thực, phát triển, thích ứng biến đổi khí hậu và tiết kiệm lương thực.

Các đại biểu cũng nhìn nhận, công nghệ sinh học trong nông nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra những nguồn gen đặc hữu để thích ứng với những biến đổi ngày càng khắc nghiệt của thời tiết, nhưng vẫn đảm bảo sản lượng và an ninh lương thực toàn cầu.

Tuy nhiên, trình độ và phương thức tiếp cận công nghệ sinh học nông nghiệp của 21 nền kinh tế thành viên vẫn có những khoảng cách khá xa nhau, chưa kể chính sách pháp luật về vấn đề này còn chưa có sự đồng nhất. Việt Nam - với tư cách chủ nhà của năm APEC 2017 sẽ có sáng kiến hay tiếp thu gì từ hội thảo này.

Bên lề sự kiện, Phóng viên Hữu Nghị đã phỏng vấn bà Nguyễn Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

* VOH: Thưa bà, qua 2 ngày thảo luận, các nền kinh tế thành viên APEC nhìn nhận như thế nào về công nghệ sinh học nông nghiệp trước những thách thức của Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực hiện nay?

- Bà Nguyễn Thanh Thủy: Năm nay, tôi được giao chủ trì phiên họp đối thoại cao cấp về Chính sách trong công nghệ sinh học. Trong nhóm này đã có 2 ngày hội thảo và một ngày đối thoại với rất nhiều báo cáo của các nước thành viên APEC.

Các diễn giả đến từ các tổ chức liên kết quốc tế trong 2 ngày qua, các diễn giả đã trao đổi rất nhiều thông tin. Trong đó, có những thông tin liên quan đến vấn đề công nghệ và lộ trình phát triển công nghệ đến thời điểm hiện tại, từ thế hệ 1G cho đến thế hệ 5G.

Việt Nam hiện nay đang trong quá trình triển khai thế hệ 4G và sắp tới sẽ đến thế hệ 5G. Đây là thế hệ có những công nghệ rất mới, với trình độ về công nghệ sinh học phát triển, như giải trình tự gen; công nghệ về chỉnh sửa gen.

Trong ba ngày hội thảo và Mít tinh, các diễn giả cũng đưa ra rất nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề như sự chấp thuận của công nghệ ở các quốc gia khác nhau; các vấn đề về khung pháp lý của các quốc gia khác nhau; chia sẻ những thông tin…

Trong quá trình chia sẻ, cho thấy rằng khung pháp lý đối với từng nước còn rất khác biệt. Cũng có những nhận xét rằng: khung pháp lý về quản lý an toàn sinh học đối với các sản phẩm công nghệ sinh học hiện nay chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ. Chính vì vậy, cần có sự tham gia rất tích cực của các nền kinh tế trong nhóm APEC; đồng thời cũng tham gia vào việc kế thừa những kết quả khoa học, kế thừa những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, để làm sao đưa công nghệ sinh học một cách tốt nhất để bà con nông dân tiếp cận; ứng dụng nó vào thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở các nước thành viên APEC.

* VOH: Các nước thành viên tại cuộc hội thảo đánh giá ra sao về vai trò của công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Giữa các nước thành viên vấn đề này còn có cách quá xa nhau hay không?

- Bà Nguyễn Thanh Thủy: Về quan điểm chung, tất cả các nước đều thấy rằng: công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp có thể áp dụng một cách hiệu quả. Đây là một trong những công cụ hữu hiệu có thể mang lại năng suất, chất lượng đối với các lĩnh vực của nông nghiệp.

Đồng thời cũng góp phần tác động đến an ninh lương thực cũng như lĩnh vực khí hậu để tạo ra những sản phẩm mới thích ứng với biến đổi khí hậu, hoặc hỗ trợ để chống lại các tác động của biến đổi khí hậu.

Các nước cũng nhận định rằng: tất cả những sự khác biệt trong quy trình quản lý về công nghệ sinh học hay khung pháp lý đều tôn trọng sự khác biệt; phát triển khung pháp lý trên cơ sở khoa học và trên cơ sở công khai, minh bạch để làm sao công nghệ sinh học mang lại hiệu quả cao nhất.

* VOH: Ở Việt Nam, hiện nay việc phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp có được ủng hộ hay không và trong thời gian tới sẽ như thế nào?

- Bà Nguyễn Thanh Thủy: Thực ra tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc ứng dụng khoa học công nghệ; trong đó có công nghệ sinh học là một trong những phương pháp có thể hỗ trợ cho nông nghiệp. Trong chương trình trọng điểm ở lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản cũng đã được phê duyệt từ năm 2016 - 2020, hiện nay Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai tích cực, ủng hộ những nghiên cứu mới mang hàm lượng công nghệ sinh học cao, lai tạo những giống cây trồng, vật nuôi có hàm lượng công nghệ sạch; có những giống thích ứng được với tình trạng kháng sâu bệnh hay chống chịu với biến đổi khí hậu.

Đây cũng là một hướng đi mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất ủng hộ trong nhiều năm qua cũng như trong thời gian sắp tới. Tới đây, theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như kết luận 06 của Ban bí thư: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ tích cực Triển khai chương trình công nghệ sinh học Nông nghiệp ở lĩnh vực này và cả thủy sản; qua đó sẽ phát triển chương trình công nghệ sinh học để làm sao ứng dụng công nghệ sinh học được phát triển; trở thành thương mại hàng hóa, sản xuất ở quy mô công nghiệp để mang lại các sản phẩm tốt nhất cho người nông dân.

* VOH: Liên quan đến phiên họp hỗn hợp của 4 nhóm công tác diễn ra trong ngày hôm nay, Nhóm diễn đàn Đối thoại về phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp do bà làm Trưởng nhóm sẽ đóng góp kinh nghiệm gì tại phiên họp hỗn hợp này?

- Bà Nguyễn Thanh Thủy: Tôi nghĩ rằng, phiên họp hôm nay là phiên họp đầu tiên và cũng là sáng kiến của Việt Nam: họp liên kết 4 nhóm sáng kiến này để tạo điều kiện cho 4 nhóm ngồi lại với nhau để chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhóm. Qua đó, làm sao các hoạt động của nhóm được tổng hợp và kế thừa để tất cả cùng chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó, chúng ta sẽ có được nội dung chung để các nước APEC cùng tham gia, phát triển vì mục tiêu an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

* VOH: Cảm ơn bà! 

VOH

Bình luận

Đọc Báo