Suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân - Thời sự 5g30 31/08/2019

(VOH) - Cách đây 50 năm, vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ đã để lại cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và kiều bào ta ở nước ngoài bản Di chúc thiêng liêng.

Ðó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là những tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau. Bác đã chuẩn bị cho việc ra đi của mình thật là ung dung và thanh thản "để sẵn mấy lời" cho đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bè bạn khắp nơi khỏi thấy đột ngột.

Viết “Về việc riêng…” nhưng Bác không hề đề cập đến cá nhân hay bản thân mình. Bởi suốt đời Người phấn đấu cũng vì hạnh phúc của nhân dân, bởi mục đích của Người khi trả lời các nhà báo nước ngoài đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì trước, sau vẫn không hề thay đổi: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cái riêng của Người đã hòa quyện trong cái chung của dân tộc. Vì thế mà trước lúc đi xa, Bác “không có điều gì phải hối hận”, chỉ tiếc duy nhất một điều - một điều cao cả, là “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” cho dân, cho nước.

Xung quanh nội dung này, Phóng viên VOH có phỏng vấn ông Lê Công Đồng – Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VOH).

Ông Lê Công Đồng – Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VOH) kể câu chuyện về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

VOH: Thưa ông, đã 50 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Ðảng và của dân tộc để lại cho chúng ta bản Di chúc lịch sử. Đối với ông, điều mà ông tâm đắc nhất khi đọc bản Di chúc này là gì?

Ông Lê Công Đồng: Nhân 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ năm 2014, tôi đã có một bài viết về thực hiện Di chúc của Bác. Theo đó, tôi rất tâm huyết khi đọc được bản Di chúc với những từ Bác đã chắt lọc hết sức chắc, sắc và gọn. Mấy lời để lại đã chuyển tải một cách trọn vẹn, đầy đủ tấm lòng của Bác cũng như trách nhiệm của một người lãnh tụ trước khi đi xa. Năm nay, chúng ta tiếp tục kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác. Lần này bản thân tôi lại nghiền ngẫm một vấn đề mà vốn dĩ ai cũng muốn biết khi đọc một bản di chúc của ai đó, đó là di chúc để lại cho ai, để lại cái gì. Trong Di chúc của Bác, Bác có nói về việc riêng, và bản Di chúc công bố chỉ vỏn vẹn 78 từ. Có lẽ đây cũng là một sự tổng kết vì khi Bác bắt đầu đặt bút viết “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, Bác đã trải qua 78 mùa xuân. Đến mùa xuân thứ 79 khi Bác chỉnh lý lại Di chúc thì còn vỏn vẹn 78 từ. Về việc riêng, Bác tái khẳng định trọn đời của mình là vì nước, vì dân, hy sinh cống hiến cho nhân dân, đất nước. Bác không có một cái gì riêng tư. Bác còn dặn dò chúng ta phải tuyệt đối tiết kiệm, cho nên trong đám tang của Bác cũng không nên điếu phúng linh đình để tránh làm mất thời giờ và tiền bạ của nhân dân. Bác còn mong muốn hỏa táng, và có lẽ khi đặt bút viết những dòng này, Bác vẫn còn một lòng với dân với nước nên đã yêu cầu tro cốt tôi bỏ vào hũ rồi đưa cho nhân dân ở 3 miền, đặt tro cốt ở trên ngọn đồi, mỗi người đến viếng thì trồng một cây, nhiều người trồng nhiều cây thì sẽ thành rừng. Cho nên dù là việc riêng nhưng nó vẫn làm trong việc chung, Bác muốn dù Bác mất nhưng vẫn nằm trong trái tim của nhân dân ba miền.

VOH: Chúng ta đều biết Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt đối với nhân dân miền Nam. Điều này đã được thể hiện trong Di chúc của Người như thế nào?

Ông Lê Công Đồng: Sâu thẳm trong tim Bác và trong Di chúc thì Bác vẫn còn đau đáu về gia đình. Khi Bác viết Di chúc thì mẹ của Bác vẫn còn nằm ở Huế, cha của Bác còn nằm ở miền Nam, cho nên tro cốt của Người gửi ở ba miền cũng là tình yêu của Bác đối với nhân dân cũng như đối với gia đình. Sau này khi nghiên cứu sâu hơn về suy nghĩ của Bác trong những năm cuối đời thì Bác luôn tha thiết được một lần vào miền Nam. Mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng Bác vẫn thiết kế một con đường thoai thoải trong khu nhà sàn, hay thiết kế những bậc tam cấp rất thấp ở Ba Vì với mong muốn tập luyện hằng ngày để vào miền Nam theo con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Thậm chí cuối đời, theo đồng chí Vũ Kỳ, khi cảm nhận được sức khỏe của mình yếu đi, Bác lại một lần nữa tha thiết đề nghị cho Bác đi vào miền Nam. Nếu không đi được bằng đường bộ thì có thể đi bằng con đường ngày xưa Bác từng ra đi tìm đường cứu nước, đó là đưa Bác ra Hồng Kông rồi tìm cách vào lại miền Nam, để Bác một lần được quay lại miền Nam như Bác từng nói “Miền Nam trong trái tim tôi”. Đó là những điều hết sức giản dị, sâu sắc, gần gũi của một con người, một lãnh tụ, vĩ nhân viết về việc riêng nhưng tất cả cũng là việc chung.

VOH: Qua 50 năm thực hiện di chúc của Bác, TPHCM đã “cùng cả nước” không ngừng nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn để ổn định và phát triển. Ông nói rõ thêm về điều này?

Ông Lê Công Đồng: Chúng ta thực hiện việc học tập và làm theo Bác, cùng nhau thực hiện Di chúc của Bác, TPHCM rất vinh dự được mang tên Bác và từ khi đất nước độc lập đến nay, TP vẫn xứng danh là thành phố anh hùng, một thành phố đã dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn luôn là ngọn cờ đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. TP đã đi tiên phong và xứng đáng với lòng tin của nhân dân khi trên các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội TP luôn đi đầu, đóng góp nhiều công sức, vật lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không những vậy, TP còn đang vươn lên là đầu tàu về khoa học và công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm tài chính tiền tệ. TP còn luôn quan tâm chăm sóc nhân dân như tấm lòng của Bác. Những phong trào như xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa, vì người nghèo, những phong trào thanh niên tình nguyện luôn là bản sắc của người dân TP, chính quyền TP. Đó chính là những hành động thiết thực nhất, cụ thể nhất mà TP đang tiếp tục học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ.

Xin cảm ơn ông!

VOH

Bình luận

Đọc Báo