Cần xử lý nghiêm những hành vi gian dối

(VOH) - Trong tháng 6 vừa qua, các cơ quan chức năng liên ngành trung ương và tỉnh Bạc Liêu đã kiểm tra và bắt quả tang 9 cơ sở kinh doanh thủy hải sản trên địa bàn như hộ ông Bùi Văn Minh, ngụ ấp 6, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, hộ bà Phạm Thị Mộng và hộ ông Lê Văn Bông cùng ngụ xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long đang bơm tạp chất agar vào tôm nguyên liệu gần 1,5 tấn, nhằm để tăng trọng cho tôm, thu lợi bất chính. 

Cứ 1 kg bột agar, giá chưa đến 300.000 đồng, có thể bơm cho hàng tấn tôm. Với giá tôm bình quân 200.000 đồng/kg thì số tiền tăng thêm ít nhất 32 triệu đồng.

Cơ quan chức năng đã lập biên bản hành chính và tạm giữ tang vật có liên quan, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương điều tra, làm rõ, nhằm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với các cơ sở này.

Bắt tôm tạp chất trong tháng 6/2017 tại tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Dantri)

Trong lĩnh vực phân bón, thời gian qua, doanh nghiệp và nông dân than phiền không ít về tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhưng chậm được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để. Ngành nông nghiệp đánh giá, phân bón giả gây thiệt hại trong sản xuất hiện nay khoảng 2 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 10% giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam, một con số không hề nhỏ.

Một vụ án phân bón giả được cơ quan chức năng phát hiện từ năm 2015 tại khu vực sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong, phường Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai sản xuất, sang chiết, đóng gói phân bón giả về nguồn gốc, xuất xứ, nơi sản xuất, đóng gói với số lượng lớn, giả phân bón của Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong. Vừa qua, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan liên quan phục hồi điều tra vụ án này để xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.

Một hành vi vi phạm làm hàng giả, hàng kém chất lượng vừa được dư luận và các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, đánh giá 17 chiếc tàu đánh cá đóng cho ngư dân Bình Định sử dụng chưa đến 1 năm đã bị rỉ sét, máy móc hư hỏng... Cơ quan chức năng vào cuộc giám định kết luận 2 công ty Đại Nguyên Dương và Nam Triệu sản xuất tàu bằng thép không đúng chủng loại, lắp ráp máy không chính hãng như hợp đồng ký với ngư dân.

Ngoài ra, hơn 10 chiếc tàu vỏ thép đánh cá của ngư dân tỉnh Thanh Hóa do Công ty Đại Nguyên Dương và Công ty cổ phần Đại Dương đóng theo nghị định số 67 của Chính phủ cũng bị hư hỏng nhiều bộ phận. Các cơ quan chức năng buộc các doanh nghiệp đóng tàu phải thực hiện theo hợp đồng ký với ngư dân, sửa chữa, thay máy mới đúng chủng loại... và đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để xử lý vi phạm.

Qua một số vụ vi phạm làm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vừa nêu, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, cần phải xử phạt nghiêm, không chỉ phạt tiền mà có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với những hành vi gian dối gây mất an toàn thực phẩm, mất an toàn cho ngư dân trên biển. Tùy trường hợp, cơ quan chức năng phải buộc đối tượng vi phạm bồi thường, thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký... Ngoài ra, phổ biến thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về những cơ sở, đơn vị vi phạm để người dân biết và có ứng xử phù hợp.

Nguyễn Thắng

Bình luận

Đọc Báo