Chờ...

3/12 là ngày gì? Tìm hiểu ngày Quốc tế Người khuyết tật

VOH - Là một trong những sự kiện ý nghĩa của tháng 12, những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc ngày 3/12 là ngày gì?

Những ngày qua, các người trẻ đang đua nhau tìm hiểu ý nghĩa ngày 3/12 trên TikTok. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đang thắc mắc ngày 3/12 là ngày gì mà cả thế giới đã và đang tất bật chuẩn bị các hoạt động để chào mừng sự kiện này. Tất cả những câu hỏi liên quan đến ngày 3/12 sẽ được VOH giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.

Ngày 3/12 là gì?

Ngày 3/12 hàng năm là ngày Quốc tế Người khuyết tật, được ra đời dưới sự bảo hộ của Liên Hợp Quốc.

Người khuyết tật thường do bẩm sinh, nhưng cũng có thể bị mắc phải trong cuộc sống sinh hoạt. Khuyết tật hiện được chia thành 6 loại gồm: Khuyết tật vận động, khuyết tật nghe nói, khuyết tật nhìn, khuyết tật thần kinh - tâm thần, khuyết tật trí tuệ và khuyết tật khác.

3/12 là ngày gì? Tìm hiểu ngày Quốc tế Người khuyết tật 1
Ngày 3/12 hàng năm là ngày kỷ niệm ngày Quốc tế Người khuyết tật - Ảnh: Internet

Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2022 trên thế giới ước tính có khoảng 1 tỷ người bị khuyết tật, tương đương với khoảng 15% dân số thế giới. Trong đó có tới 190 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Khuyết tật là một vấn đề nhân quyền, bởi người bị khuyết tật phải chịu nhiều hành vi vi phạm nhân quyền như:

  • Bạo lực
  • Lạm dụng
  • Định kiến
  • Thiếu tôn trọng
  • Các hình thức phân biệt đối xử khác dựa trên tuổi tác và giới tính.

Ngày Quốc tế Người khuyết tật có tên tiếng Anh là International Day of Persons with Disabilities. Đây là ngày kỷ niệm mang tính toàn cầu, kể từ năm 1992.

Nguồn gốc ngày Quốc tế Người khuyết tật

Vào năm 1976, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã ra công bố năm 1981 chính là Năm quốc tế dành cho người khuyết tật. Trong sự kiện này, Liên Hợp Quốc kêu gọi những kế hoạch hành động từ cấp quốc gia, khu vực và cả quốc tế, với trọng tâm là bình đẳng hóa các cơ hội, phục hồi chức năng và phòng ngừa khuyết tật.

Để cung cấp khung thời gian trong đó các Chính phủ và Tổ chức có thể thực hiện các hoạt động được khuyến nghị trong Chương trình Thế giới Hành động về Người khuyết tật, Đại hội đồng đã tuyên bố 1983 - 1992 là Thập kỷ Người khuyết tật của Liên hợp quốc.

Vào năm 1992, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chính thức chọn ngày 3/12 là ngày Quốc tế Người khuyết tật, theo Nghị quyết 47/ của Đại hội đồng.

Tính đến năm 2023, đã có 166 nước trên thế giới phê chuẩn về Công Ước Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD). Ngày 28/11/2014 Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức phê chuẩn CRPD tại Việt Nam.

Xem thêm:
Tổng hợp tất cả các ngày lễ trong năm
Tháng 12 có ngày lễ gì? Tổng hợp sự kiện nổi bật trong tháng 12
Ngày Quốc tế Hạnh phúc: Yêu thương và chia sẻ để hạnh phúc tròn đầy

Ý nghĩa ngày Người khuyết tật thế giới

Ngày 3/12 là ngày Người khuyết tật thế giới. Đây là một sự kiện diễn ra thường niên nhằm công nhận, tuyên dương những đóng góp của người khuyết tật trên toàn cầu. Đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết của mọi người về những vấn đề liên quan đến khuyết tật và huy động hỗ trợ cho nhân phẩm, quyền và phúc lợi người khuyết tật.

Ngày Quốc tế Người khuyết tật cũng giúp nâng cao nhận thức lợi ích của người khuyết tật ở mọi khía cạnh trong đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và cả văn hóa.

3/12 là ngày gì? Tìm hiểu ngày Quốc tế Người khuyết tật 2
Ngày Quốc tế Người khuyết tật được tổ chức với mục đích tôn vinh những người khuyết tật trên toàn cầu - Ảnh: Internet

Ngày Người khuyết tật Việt Nam là ngày nào?

Nhằm hưởng ứng lời kêu gọi từ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1976, Chính phủ Việt Nam đã thành lập ra Ủy ban Năm quốc tế dành cho người tàn tật tại Việt Nam vào ngày 18/4/1980.

Đến ngày 30/7/1998, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 06/1998/PL-UBTVQH10 dành cho người tàn tật. Tại điều 31 của Pháp lệnh có quy định lấy ngày 18/4 hàng năm là Ngày để bảo vệ và chăm sóc những người tàn tật.

Năm 2010, khi Luật Người khuyết tật tại Việt Nam được ban hành, tại Điều 11 đã chính thức ghi nhận ngày 18/4 hàng năm là Ngày Người khuyết tật Việt Nam.

Chủ đề ngày Quốc tế Người khuyết tật năm 2023 là gì?

Hàng năm, WHO sẽ đưa ra một chủ đề và phát triển các tài liệu vận động dựa trên bằng chứng như tài liệu quảng cáo, tờ rơi, áp phích, biểu ngữ, đồ họa thông tin và các bài thuyết trình, trong số những tài liệu khác. Sau đó, chúng sẽ được chia sẻ với các đối tác trong chính phủ, xã hội dân sự trên toàn thế giới.

Năm 2023, chủ đề của ngày Quốc tế Người Khuyết tật là “Các giải pháp chuyển đổi để phát triển toàn diện: Vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy một thế giới bình đẳng và dễ tiếp cận”.

Trước đó, một số chủ đề dành cho Ngày Người khuyết tật thế giới đã được thực hiện là:

  • Năm 2022: Không phải tất cả các khuyết tật đều có thể nhìn thấy được.
  • Năm 2021: Lãnh đạo và sự tham gia của người khuyết tật hướng tới một thế giới hòa nhập, dễ tiếp cận và bền vững sau Covid-19
  • Năm 2020: Bắt đầu lại tốt hơn: Hướng tới một thế giới sau Covid-19 hòa nhập, tiếp cận và bền vững.
  • Năm 2019: Thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của người khuyết tật: Hành động theo Chương trình nghị sự phát triển 2030.
  • Năm 2018: Tăng cường năng lực của người khuyết tật, đảm bảo tính toàn diện và bình đẳng.
  • Năm 2017: Thay đổi để hướng tới một xã hội bền vững và tiến bộ cho tất cả mọi người.
  • Năm 2016: Hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững! Cho một Tương Lai Chúng Ta Mong Muốn.
  • Năm 2015: Vấn đề hòa nhập: Tiếp cận và tăng cường năng lực/trao quyền cho những người có khả năng.
  • Năm 2014: Phát triển bền vững: Lời hứa của công nghệ.
  • Năm 2013: Phá bỏ rào cản, mở rộng cửa: Vì một xã hội hòa nhập và phát triển cho tất cả mọi người.
  • Năm 2012: Xóa bỏ rào cản để xây dựng một xã hội hòa nhập, tiếp cận cho tất cả mọi người.
  • Năm 2011: Cùng nhau vì một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả: Bao gồm người khuyết tật trong phát triển.
  • Năm 2010: Giữ lời hứa: Lồng ghép vấn đề khuyết tật vào Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ hướng đến năm 2015 và xa hơn nữa.
  • Năm 2009: Đưa các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trở nên toàn diện: Trao quyền cho người khuyết tật và cộng đồng của họ trên toàn thế giới.
  • Năm 2008: Công ước về quyền của Người khuyết tật: Nhân phẩm và công bằng cho tất cả chúng ta.
  • Năm 2007: Tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật.
  • Năm 2006: Khả năng tiếp cận điện tử.
  • Năm 2005: Quyền của người khuyết tật: Hành động vì sự phát triển.
  • Năm 2004: Không có gì về chúng tôi nếu không có chúng tôi.
  • Năm 2003: Tiếng nói của riêng chúng ta.
  • Năm 2002: Sống tự lập và sinh kế bền vững.
  • Năm 2001: Sự tham gia đầy đủ và bình đẳng: Lời kêu gọi những cách tiếp cận mới để đánh giá tiến độ và đánh giá kết quả.
  • Năm 2000: Làm cho công nghệ thông tin có ích với tất cả mọi người.

Các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Người khuyết tật

Thông thường, trong ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12, Cục Trợ giúp pháp lý sẽ kết hợp cùng Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh/thành phố tiến hành triển khai và thực hiện việc hỗ trợ vấn đề tài chính cho những người khuyết tật gặp khó khăn nói riêng và thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý nói chung.

Ở một số nơi còn tổ chức các hoạt động vui chơi thể thao dành cho người khuyết nhằm nâng cao sức khỏe cũng như tinh thần gắn kết, hòa nhập với cộng đồng.

3/12 là ngày gì? Tìm hiểu ngày Quốc tế Người khuyết tật 3
Các hoạt động tổ chức vào ngày Quốc tế người khuyết tật góp phần gắn kết, hòa nhập với cộng đồng - Ảnh: Internet

Một số sự kiện khác diễn ra vào ngày 3/12 có thể bạn chưa biết

Ngày 3/12 không chỉ là ngày Quốc tế Người khuyết tật mà đây còn là ngày diễn ra rất nhiều những sự kiện tiêu biểu tại Việt Nam và trên thế giới. Cùng điểm qua một vài sự kiện nổi bật đã diễn ra vào ngày này trong quá khứ nhé!

  • Ngày 3/12/1908: Là ngày sinh của nhà cách mạng Ngô Gia Tự tại làng Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
  • Ngày 3/12/1925: Nguyễn Ái Quốc dùng bí danh “Nilovki” viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông Dân.
  • Ngày 3/12/1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam.
  • Ngày 3/12/1953: Bác Hồ dự kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa I.
  • Ngày 3/12/1954: Bác Hồ dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về công tác đấu tranh nhằm thi hành Hiệp định Giơnevơ.
  • Ngày 3/12/1998: Việt Nam tham gia vào đàm phán để gia nhập nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO.
  • Ngày 3/12/1910: Những chiếc đèn ống đầu tiên không dùng dây tóc đã được sử dụng để chiếu sáng đường phố Pháp. Phát minh này đến từ nhà khoa học Georges Claude.
  • Ngày 3/12/1993: Chính phủ Angola và quân phiến loạn đồng ý kết hiệp định ngừng bắn trong cuộc chiến tranh kéo dài suốt 18 năm.

Trên thế giới và tại Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều người đang sống chung với khuyết tật. Tuy bị khiếm khuyết về thể xác, tinh thần nhưng họ vẫn cố gắng nỗ lực và vươn lên, đó là một tinh thần rất đáng được trân trọng, tôn vinh. Mong rằng với tất cả sự quan tâm, chia sẻ của các cấp tổ chức, cộng đồng sẽ giảm bớt những rào cản mà người khuyết tật đang phải đối mặt trong cuộc sống.

Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức.