Thời học sinh, hẳn ai cũng đã từng nghe đến khái niệm "học vẹt". Đây là một cách học phổ biến và có thể hữu ích trong một vài trường hợp. Tuy nhiên, cách học này lại mang nhiều tác hại về lâu dài. Cùng VOH tìm hiểu học vẹt là gì? Biểu hiện, tác hại của học vẹt mà chúng ta cần thay đổi để học tập hiệu quả hơn.
Học vẹt là gì?
Theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, học vẹt là động từ chỉ hành động học thuộc lòng từng câu, từng chữ, nhưng không hiểu gì, giống như con vẹt học nói.
Thành ngữ Việt Nam cũng có câu thành ngữ “Học như vẹt”, “Học như cuốc kêu” để nói về phương pháp học này.
Học vẹt cũng là phương pháp học được sử dụng phổ biến trên thế giới. Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) định nghĩa học vẹt là “ghi nhớ bằng cách lặp đi lặp lại mà không cần hiểu…”
Có hai bước để học vẹt chính là:
- Ghi nhớ: Bước đầu tiên là ghi thông tin vào bộ nhớ thông qua việc đọc, nói, nghe, hình dung,...
- Lặp lại: Bước tiếp theo là nhắc lại và tiếp thu thông tin theo từng khoảng thời gian cho đến khi ghi nhớ.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu nói 'Học, học nữa, học mãi' của Lenin
Những câu nói truyền cảm hứng học tập, tạo động lực mạnh mẽ
60 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về học tập, học hành rèn luyện
Nguồn gốc của cụm từ "học vẹt"
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh, học vẹt có xuất xứ từ một câu chuyện rất thú vị. Câu chuyện như sau:
Xưa có một con vẹt được người nuôi, dạy cho nói tiếng người. Con vẹt học được vài ba tiếng, suốt ngày ra rả, lặp đi lặp lại tiếng nói đã bắt chước được, làm huyên náo cả khu vườn.
Con vẹt tỏ vẻ hãnh diện với các loài chim, nó mới lên giọng:
- Từ nay, ta toàn nói bằng tiếng người, chẳng đả động đến tiếng chim nữa.
Loài chim thấy chú vẹt hợm hĩnh mới họp nhau lại bàn cách dạy cho con vẹt một bài học.
Con quạ nói:
- Vẹt học lỏm được tiếng người, nhưng lại tỏ ra thông thái, quên cả ngôn ngữ, âm thanh của loài chim, như thế nó rất ngu!
Con sáo hưởng ứng lời của quạ, nó mới nhảy lên cành cây cao gần nơi chú vẹt ở, nói to lên rằng:
- Chú vẹt à, bác đây cũng giỏi tiếng người, bác sẽ bày thêm cho chú học thật giỏi để nói chuyện thông thạo được với người.
Vẹt vui mừng ra mặt. Sáo bèn dạy:
- Vẹt là tên ngu. Vẹt ngu, vẹt ngu!
Vẹt lặp lại tiếng sáo:
- Vẹt là tên ngu. Vẹt ngu, vẹt ngu!
Vẹt cứ bắt chước lời dạy của sáo, mà lặp lại cho đến thuộc. Cả bầy chim trong vườn được một trận cười thỏa thích.
Quả là học vẹt thì chẳng hiểu sâu xa cái gì. Thế gian cũng lắm kẻ học vẹt, cố tình bắt chước người khác mà lại tỏ ra hãnh diện hợm đời, thì cũng đáng thương như con vẹt kia tự chửi mình mà thôi.
Thực trạng hiện nay
Chúng ta có thể thấy được tình trạng học vẹt của học sinh, sinh viên diễn ra rất phổ biến. Các bạn chỉ thuộc lòng lý thuyết suông nhưng lại không hiểu hay có thể áp dụng vào thực tế.
Học vì điểm số và thành tích suy cho cùng không sai. Đó là một sự lựa chọn an toàn và phù hợp với xu hướng xã hội đang đề cao thành tích cá nhân. Nhưng nếu học mà không hiểu, học một cách sáo rỗng và để mọi thứ phai mòn theo thời gian thì sẽ lãng phí công sức và kiến thức.
Nguyên nhân dẫn đến học vẹt
Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến tình trạng học vẹt. Cùng tìm hiểu nguyên nhân khách quan và chủ quan để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.
Nguyên nhân khách quan
Việc giáo dục chạy đua với thành tích là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh, sinh viên phải cố gắng học thuộc kiến thức càng nhiều càng tốt. Học nên đi đôi với hành. Lý thuyết sẽ vẫn mãi là những con chữ trên trang giấy nếu như chưa được tích lũy thông qua việc hiểu và vận dụng những điều đó vào cuộc sống thực tiễn.
Trong gia đình, việc đáp ứng những kỳ vọng của cha mẹ cũng khiến tình trạng học vẹt được đẩy mạnh. Các bạn cố gắng học thuộc lòng tất cả kiến thức mà không cần biết có hiểu hay không. Đó cũng là cách học chống đối. Về lâu dài sẽ mất dần cảm giác hứng thú trong học tập và có thể gây stress.
Nguyên nhân chủ quan
Bản thân mỗi người sẽ có một khả năng tiếp thu, xử lý và ghi nhớ kiến thức khác nhau. Đôi lúc, để có thể hoàn thành tốt hơn những môn học không phải sở trường của mình, việc học vẹt là điều dễ dàng xảy ra.
Chưa tìm thấy phương pháp học tập đúng đắn và phù hợp cũng dễ khiến các bạn học sinh rơi vào trạng thái chán nản việc học hoặc không thể tiếp thu kiến thức. Với trường hợp này, việc thử nhiều phương pháp học tập khác nhau để hiểu sâu hơn về lý thuyết là điều cần thiết.
Hậu quả của việc học vẹt
Học vẹt có thể gây ra những ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Dưới đây là một số hậu quả mà thói quen học vẹt gây ra.
Thông tin được tiếp thu tạm thời
Một hạn chế quan trọng của việc học thuộc lòng mà không hiểu là thông tin chỉ được ghi nhớ tạm thời. Thông tin đó chỉ được lưu trữ trong trí nhớ ngắn hạn nên sau khi vượt qua kỳ thi, thông tin sẽ bị mất và không giúp ích được gì trong tương lai.
Có thể dẫn đến căng thẳng và lo âu
Lượng thời gian cần thiết để ghi nhớ lượng lớn kiến thức trong thời gian ngắn có thể gây căng thẳng và dẫn đến lo lắng. Đặc biệt khi phải ghi nhớ kiến thức nhiều lần cho đến khi thuộc.
Trở thành người học thụ động
Những người học vẹt không bao giờ học cách đặt câu hỏi và tìm hiểu gốc rễ vấn đề. Họ được rèn luyện để tiếp nhận thông tin và nhớ lại nó vào đúng thời điểm. Học vẹt ưu tiên nhớ lại các sự kiện hoặc chi tiết thay vì hiểu các khái niệm hoặc áp dụng các kỹ năng tư duy phản biện.
Mặc dù việc ghi nhớ thông tin có thể hữu ích trong một số trường hợp, nhưng việc sử dụng phương pháp này quá thường xuyên có thể khiến học sinh thiếu khả năng tư duy phản biện hoặc giải quyết vấn đề.
Xem thêm:
Thụ động là gì? Làm thế nào để khắc phục tính thụ động?
11 cách xả stress hiệu quả, 60 câu nói xả stress để đăng status
10 cách sắp xếp thời gian biểu học tập và làm việc hiệu quả hợp lý
Biện pháp khắc phục tình trạng học vẹt
Để khắc phục tình trạng học vẹt, sau đây là một số gợi ý có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này.
Tìm phương pháp học tập hiệu quả
Khi học tập, bạn phải tìm ra phương pháp học tập đúng đắn và phù hợp thì mới có thể đạt được kết quả cao nhất. Học đi đôi với hành, học theo sơ đồ tư duy hoặc cùng bạn bè thảo luận phân tích vấn đề chính là những cách học thông minh và hiệu quả.
Không nên quá đặt nặng vấn đề điểm số
Như đã trình bày, điểm số vẫn luôn là một trong những mục tiêu mà các bạn học sinh đặt ra để cố gắng. Tuy nhiên,việc đặt nặng vấn đề điểm số về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến mục đích ban đầu của việc học, chính là tiếp thu, hiểu rõ và áp dụng kiến thức vào đời sống.
Học vẹt liệu có hoàn toàn xấu?
Học vẹt là một phương pháp học "mì ăn liền", tức là có tác dụng trong thời gian ngắn. Người học có thể sử dụng phương pháp này để đối phó với số lượng kiến thức lớn trong một giới hạn thời gian nhất định. Hoặc cần ghi nhớ ngày tháng, tên, con số và những thông tin khác không có ý nghĩa thì học vẹt vẫn hữu ích để ghi nhớ nhanh chóng.
Tùy vào mục đích cá nhân mà mỗi người sẽ lựa chọn cách học phù hợp với mình. Tuy nhiên, học vẹt vẫn không phải là một phương pháp học mang giá trị về lâu dài.
Để những thông tin trở nên hữu ích và việc học tập có ý nghĩa hơn, chúng ta nên tìm hiểu gốc rễ trong khả năng có thể để có được cho mình những kiến thức bền vững nhất.
Trên đây là phần lý giải của VOH về học vẹt là gì cũng như phân tích những nhược điểm, ưu điểm của phương pháp học này. Hy vọng bài viết đã cung cấp được cho các bạn những góc nhìn bổ ích để có được những cách học hiệu quả và phù hợp nhất với bản thân. Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.