Ngày 9/11 là ngày gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam

VOH - Ngày 9/11 là Ngày Pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam, nhằm tôn vinh vai trò quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội.

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây vừa là công cụ quản lý nhà nước, vừa là hành lang pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Công tác phổ biến và giáo dục pháp luật trong đời sống trở thành vấn đề cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả. 

Để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, cùng VOH tìm hiểu ngày 9/11 là ngày gì, nguồn gốc và ý nghĩa ngày 9/11 trong bài viết dưới đây.

Ngày 9/11 là ngày gì? Chủ đề Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 là gì?

Ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong Điều 8, Chương I, Luật số 14/2012/QH13 của Quốc hội: Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định:

"Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Chính phủ quy định chi tiết Điều này."

Ngày 9/11 là ngày gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam 1
Ngày 9/11 là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Ảnh: Canva

Đã trở thành thường lệ, Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm luôn được bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc. 

Theo đó, chủ đề Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 là "Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường công tác truyền thông, phản ứng chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Nguồn gốc Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11

Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta được ban hành, đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước.

Chính vì thế, tháng 6/2012, Quốc hội đã chọn ngày 9/11 làm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013. 

Bộ luật trên đã quy định và khẳng định quyền được thông tin về pháp luật, trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân. Đây vừa là quyền lợi, vừa là quy định mà mỗi công dân cần phải chấp hành.

Xem thêm:
Tổng hợp tất cả các ngày lễ trong năm
Nguồn gốc ngày Quốc tế Đàn ông 19/11 có thể bạn chưa biết
Tháng 11 có ngày lễ gì? Tổng hợp sự kiện đặc biệt trong tháng 11

Ý nghĩa ngày 9/11

Ngày Pháp luật còn là một sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, xã hội sâu sắc. Đây là ngày để nhân dân thể hiện tinh thần tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống. Đồng thời giúp nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nhắc nhở và giáo dục mọi người tự giác tuân thủ, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Ngày Pháp luật còn là dịp vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước. Điều này giúp phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, tích cực hành động vì một Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh

Không chỉ nhằm hưởng ứng ngày 9/11, toàn dân hãy thực hiện xuyên suốt khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” để trở thành công dân gương mẫu của đất nước.

Ngày 9/11 là ngày gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam 2
Toàn dân nên chấp hành sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật - Ảnh: Canva

Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức như thế nào?

Về vấn đề tổ chức, trong Nghị định 28/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định Ngày Pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức như: Mít tinh; Hội thảo; Tọa đàm; Thi tìm hiểu pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm và các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Đến nay, Ngày Pháp luật đã trở thành một ngày hội, được bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tích cực hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc. Điều này góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong xã hội,

Để hưởng ứng ngày 9/11, các trường đại học, trung học các cấp cũng tổ chức các hoạt động “Ngày hội pháp luật” để tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tạo môi trường để học sinh, sinh viên giao lưu và phổ cập kiến thức về pháp luật Việt Nam.

Ngày 9/11 là ngày gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam 3
Mỗi cá nhân nên tự nâng cao kiến thức pháp luật để đón cơ hội, phòng rủi ro cho chính mình - Ảnh: Canva 

Một số sự kiện nổi bật diễn ra ngày 9/11

Bên cạnh Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm, còn một số sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra trong ngày 9/11 mà bạn nên biết.

  • Ngày 9/11/1831 (nǎm Tân Mão), vua Minh Mạng đổi tên Thǎng Long thành tỉnh Hà Nội. Bao gồm 4 phủ là: Hoài Đức, Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín.
  • Ngày 9/11/1920: Nguyễn Ái Quốc tham dự một cuộc mít tinh do Đảng Xã hội tổ chức để kỷ niệm 3 năm ngày thành lập nước Nga Xô viết.
  • Ngày 9/11/1946: Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam.
  • Ngày 9/11/1964, Bác Hồ đến thăm đoàn không quân Sao Đỏ với những lời căn dặn đầy quý báu.
  • Ngày 9/11/2013: Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay gọi ngắn gọn là Ngày Pháp luật được ra đời.

Trên đây là những thông tin về ngày 9/11 là gì, nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Pháp luật Việt Nam mà VOH cung cấp đến bạn. Mỗi công dân đều nên bổ sung các kiến thức về pháp luật để đón cơ hội, phòng rủi ro cho chính mình trong các lĩnh vực trong đời sống. Hiểu biết và tuân thủ pháp luật chính là góp phần xây dựng một xã hội văn minh và phát triển hơn.

Đừng quên theo dõi VOH - Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất. 

Bình luận