Thắp hương ngày Tết thế nào cho đúng?

VOH - Thắp hương bàn thờ là nghi thức không thể thiếu trong những ngày lễ Tết. Tuy nhiên bạn đã biết thắp hương thế nào để đảm bảo ý nghĩa tâm linh đồng thời bày tỏ lòng thành kính của mình chưa?

Trong văn hóa thờ cúng và tín ngưỡng của người Việt Nam, thắp hương là cách để “kết nối”, bày tỏ lòng biết ơn, thành tín với thần linh, gia thần, tổ tiên. Dịp Tết Nguyên đán, bàn thờ của các gia đình không thể thiếu những nén hương thơm.

Trong bài viết này, VOH sẽ cùng với bạn đọc tìm hiểu về tục thắp hương nói chung và thắp hương ngày Tết nói riêng. Hy vọng có thể giúp mọi người giải đáp một vài thắc mắc cũng như hiểu thêm về phong tục của người Việt.

Tục thắp hương có từ bao giờ? Có ý nghĩa gì?

Thắp hương (nhang) và dâng hương là hành động thắp và cắm hương vào bát hương. Chưa rõ tục đốt hương ở nước ta có từ bao giờ nhưng hương đã len lỏi vào tâm thức của người Việt và chiếm một vị trí quan trọng.

Ngộ truyện nói: “Trương Tân làm Thứ sử Giao Châu, thường đốt hương ở nhà Các Lập tịnh sá để đọc đạo thư. Tục ta có lẽ khởi từ đó”.

Vào các ngày lễ, Tết, mùng 1, ngày Rằm… bàn thờ của các gia đình luôn có sự hiện diện của nén hương thơm. Đây là “cầu nối” giữa cuộc sống hiện hữu của con người với cõi tâm linh của trời đất. Thắp hương giúp con người bày tỏ tấm lòng tri ân, gửi gắm những điều thành tâm, ước vọng và cũng là điểm tựa tâm linh của người Việt.

Thắp hương ngày Tết thế nào cho đúng? 1
Người Việt luôn thắp hương vào lễ Tết, các dịp quan trọng - Ảnh: Internet

Với dịp Tết Cổ truyền, thắp một nén hương là cách bày tỏ lòng thành kính với thần linh, gia thần, tổ tiên cũng như cầu mong bình an, hạnh phúc, tài lộc, may mắn… Không khí của những ngày đầu Xuân năm mới nhờ đó mà thêm phần ấm áp.

Theo quan niệm của người xưa, trong dịp Tết, gia thần và gia tiên luôn ngự trên bàn thờ. Cho nên, việc đèn hương của các gia đình thường được duy trì đến khi hóa vàng. Việc thắp hương, thờ cúng trong những ngày này vì vậy mà rất được chú trọng. 

Xem thêm:
Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ
Cây nêu là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của phong tục dựng cây nêu ngày Tết
Chúc thọ, mừng thọ đầu năm - phong tục đẹp trong ngày Tết Cổ truyền

Nên thắp bao nhiêu nhiêu nén hương trên bàn thờ?

Tại sao thắp hương số lẻ, kiêng số chẵn?

Thắp hương số lẻ hay số chẵn? Số lượng nén hương có ý nghĩa gì? Đây là những vấn đề mà không phải ai cũng rõ.

Dân gian quan niệm, âm dương cách biệt, số lẻ thể hiện cho tính dương còn số chẵn thể hiện cho tính âm. Thắp hương là cách người sống (dương) tưởng nhớ người đã khuất (âm) nên dùng số nén hương lẻ như 1, 3, 5, 7, 9. Vì lẽ này mà người Việt kiêng thắp hương số chẵn.

Số lượng nén hương có ý nghĩa gì?

Xoay quanh ý nghĩa số lượng nén hương, có rất nhiều quan niệm khác nhau. Ví như có ý kiến cho rằng 1 nén hương là nhất tâm; 2 nén hương thường thắp lúc viếng linh cữu, trong thời gian để tang, đốt cho người cõi âm; 3 nén hương thì có khá nhiều ý nghĩa.

Cách lý giải phổ biến nhất là 3 nén hương tượng trưng cho sự hòa hợp của Thiên - Địa - Nhân, 5 nén hương tượng trưng cho Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Còn 7 hoặc 9 nén hương tượng trưng cho “vía” vì dân gian cho rằng “nam thất nữ cửu” (nam thắp 7 nén, nữ thắp 9 nén).

Theo quan niệm của Phật giáo, 3 nén hương tượng trưng cho Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng); Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới); Tam thời (quá khứ, hiện tại, tương lai).

Cũng có ý kiến cho rằng thắp 3 nén hương thể hiện ý nghĩa là tâm nhang (lòng thành), giới nhang (theo lời răn dạy của Phật thánh tổ đường) và định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ).  Hay số lượng nén hương thắp càng nhiều thì chứng tỏ việc cần kính cáo càng quan trọng.

Thắp hương ngày Tết thế nào cho đúng? 2
Khi thắp hương, chúng ta cũng cần quan tâm đến số lượng nén hương - Ảnh: Internet

Hiện nay, đa phần chúng ta đều thắp 1 nén hoặc 3 nén hương. Đây là con số phổ biến nhất được áp dụng trong nhiều dịp từ cúng giỗ, động thổ cho đến cưới xin, lễ Tết…

Thông thường thắp 1 hoặc 3 nén hương là thắp cho gia tiên. Còn thắp hương cho thần linh và các thần là 5 nén. Thắp 7 nén hương ngụ ý mời gọi thần linh, thiên tướng.

đình, chùa, miếu… người ta thường thắp 1 nén hương để vừa thể hiện tâm thành vừa giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường.

Thắp hương ngày Tết thế nào cho đúng?

Nghi thức thờ cúng của mỗi vùng miền có thể có sự khác biệt. Nhưng về cơ bản, chúng ta có thể tham khảo hướng dẫn sau:

  • Châm hương, hai tay cầm hương đặt trước mặt, cung kính hàng lễ, bắt đầu xá 3 vái.
  • Đưa hương lên ngang tầm trán, xá thỉnh Phật (nếu có bàn thờ Phật), thỉnh thần linh, gia tiên. Khấn sau đó xá 3 vái.
  • Cắm từng nén hương vào bát hương.
  • Làm lễ khấn nguyện cúng dường chư Phật Bồ tát xong xá 3 vái nữa.

Ngoài ra, bạn cũng có thể xem thêm nghi lễ thắp hương que dưới đây:

Thắp hương tại nhà

  • Đốt hương, cầm hương bằng hai tay.
  • Cắm hương vào giữa bát hương, cố gắng dùng hai tay. Nếu bát hương đặt hơi xa thì dùng tay phải.

Thắp hương tại chùa

  • Đốt hương, cầm hương bằng hai tay, dùng ngón giữa và ngón trỏ giữ hương, ngón cái tì vào cuối chân hương.
  • Đặt hương gần với tim, tượng trưng cho “tâm hương”. Để hương ngang mày, lễ kính, quán tưởng bảo tướng của chư Phật, Bồ tát hiện ra trước mắt tiếp nhận cúng dường.
  • Dùng hai tay cắm hương vào giữa lư hương.

Xem thêm:
10 bài văn khấn mùng 1 Tết chi tiết và đúng chuẩn
Tổng hợp các bài văn khấn mùng 2 Tết
6 bài văn khấn mùng 3 Tết chuẩn và đầy đủ nhất

Có nên thắp hương hàng ngày không?

Theo quan niệm dân gian, bàn thờ trong ngày Tết phải luôn đỏ hương. Tuy nhiên, xét đến việc thắp hương liên tục có thể gây ảnh hưởng sức khỏe cũng như nguy cơ cháy nổ, ngày nay chúng ta đã giản lược.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc thắp hương liên tục trong dịp Tết là không cần thiết. Lên hương vào những thời khắc quan trọng như giao thừa, dâng mâm cỗ cúng… cũng như sự thành tâm, tôn trọng với thần linh, tổ tiên, ông bà mới là điều quan trọng. 

Thắp hương ngày Tết thế nào cho đúng? 3
Dịp Tết, các gia đình không cần thắp hương nhiều và liên tục - Ảnh: Internet

Những lưu ý, điều kiêng kỵ khi thắp hương

  • Người thắp hương tắm gội sạch sẽ, rửa tay trước, chú ý ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc gọn gàng, thể hiện thái độ nghiêm cẩn, sự thành tâm, tôn trọng với thần linh, tổ tiên.
  • Sắp xếp các vật phẩm, lễ cúng trước khi thắp hương.
  • Bật sáng đèn, mở hết cửa khi thắp hương để đón ông bà tổ tiên, đón tài lộc vào nhà đồng thời tạo sự thoáng đãng cho không gian.
  • Khi lấy hương phải cẩn thận, không nên để hương rơi vãi hoặc đổ xuống đất. 
  • Châm hương xong dùng bàn tay phẩy hoặc cầm hương vẩy lên xuống để dập lửa, không dùng miệng thổi.
  • Cầm hương với tư thế tay trái ở bên ngoài, tay phải ở bên trong, hai tay giơ cao ngang mày, cung kính hành lễ.
  • Khi dâng hương không nên nói chuyện với người khác, không nên đưa mũi lại gần để ngửi trong thời gian thắp hương.
  • Dù thắp hương ở nhà hay đền chùa thì cũng cần có lời cầu khấn. Khấn cầu phải liền mạch, không ngắt quãng.
  • Việc thắp hương cần được thực hiện một cách nhẹ nhàng, cắm từng nén, cắm hương thẳng, không ngả nghiêng. Không nên cầm cả bó hương cắm vào bát hương.
  • Nếu hương bị tắt thì nên để nguyên vị trí và đốt tiếp cho đến khi cháy hết. Lưu ý thắp hương ở nơi kín gió để để tránh bị tắt giữa chừng.
  • Không nên cắm hương vào đồ cúng để tránh nguy cơ ngộ độc cho người ăn.
  • Không dùng hương giả cắm vào lư hương, không nên dùng lại lễ vật cũ để dâng hương.
  • Nên chọn và dùng hương có nguồn gốc từ hương liệu thiên nhiên để vừa thể hiện lòng thành vừa tránh tổn hại sức khỏe.
  • Để hương ở nơi khô ráo, sạch sẽ, không để trên bàn thờ. Các đồ vật tiếp xúc với hương cũng cần được lau dọn thường xuyên.

Thắp hương nói chung và thắp hương ngày Tết nói riêng là nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa của người Việt. Nó không chỉ đi vào đời sống văn hóa tín ngưỡng mà còn góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật thêm kiến thức thú vị và bổ ích bạn nhé!

(*) Thông tin bài viết chỉ mang tính chất chiêm nghiệm, tham khảo.

Bình luận