Theo sự tích dân gian, Cô Bơ hay Cô Bơ Thoải Cung, Cô Bơ Bông, Cô Bơ Hàn Sơn, Cô Bơ Thác Hàn là con gái vua Thủy Tề dưới Thủy Cung. Vua cha thương con nên cho Cô giáng trần để giúp đỡ người dân như ban thuốc chữa bệnh, tình duyên và thường phù hộ cho dân chúng ở vùng ngã ba sông, thuyền bè qua lại được thuận buồm xuôi gió. Nhân dân vì tỏ lòng thành kính nên đã lập đền thờ. Trong bài viết sau, hãy cùng VOH tìm hiểu về cách dâng lễ và văn khấn Cô Bơ chi tiết.
Giới thiệu về đền thờ Cô Bơ
Đền thờ Cô Bơ nổi tiếng linh thiêng, được người dân đến chiêm bái, cầu xin nhân duyên, khoa cử và làm ăn. Thuyền bè dưới bến sông qua lại thường đốt vàng mã kêu Cô, dâng lên Cô nón trắng hài cườm, võng lụa thuyền rồng.
Sự tích về đền thờ Cô Bơ
Cô Bơ hay còn được gọi là cô Ba Bông, vốn là cô con gái cưng xinh đẹp, thông minh lại dịu dàng, lương thiện của vua Thủy Tề, tên thật là Thoải Cung công chúa, được vào Quảng Hàm cung.
Cô giáng sinh vào thời Lê Trung Hưng khi nước Việt bị giặc Minh xâm lược. Thấy người dân lúc đó lầm than, oán thán, đau khổ cùng cực cô không an lòng nên đã đầu thai thành người trần giúp dân đánh giặc, cứu nước.
Không chỉ có vậy, cô Bơ còn giúp dân bốc thuốc chữa bệnh, tạo điều kiện cho dân chúng an cư lạc nghiệp sau chiến tranh.
Theo đó, khi quân Minh xâm lược nước ta thì quân dân ta vẫn yếu kém về lực lượng. Trong năm đầu cuộc khởi nghĩa, vua Lê Lợi đã bị giặc rượt đánh mà tháo chạy về bờ sông Thác Hàn. Khi ấy, cô Bơ đang tỉa ngô bên bờ sông thì được vua nhờ cứu giúp.
Cô nhanh trí đưa cho vua mặc bộ đồ thường dân, chôn hoàng bào dưới ruộng ngô và giả vờ làm anh trai của mình cùng tỉa ngô bên sông. Giặc đi qua không nhận ra nên vua thoát nạn. Vì quá cảm kích tấm lòng của cô, vua Lê Lợi hẹn hứa: “Ta có một cháu trai tuấn tú, khôi ngô, văn võ song toàn. Sau này kháng chiến thành công ta sẽ gả cháu ta cho cô”.
Người mà Lê Lợi nhắc đến chính là tướng quân Lê Khôi, cháu trai của Lê Lợi (Tướng Lê Khôi chính là một trong các hiện thân của Quan Hoàng Mười được thờ tại đền Củi ngày nay).
Khi đất nước đã yên bình, cô Bơ trở về làm công chúa ở thủy cung, nhưng vẫn hiển linh ở vùng ngã ba sông giúp người dân trị thủy, phòng chống lũ lụt và cứu vớt nhiều người không may gặp nạn đuối nước.
Tuy nhiên sau khi thắng lợi, nhớ về cô gái năm xưa thì cô đã mất từ lâu. Như vậy lời hứa gả cô cho tướng Lê Khôi đã không được thực hiện. Cũng có người cho rằng cô trở về Thủy cung đi theo nỗi buồn được sánh đôi với cháu trai của Lê Lợi, cô cũng không kết duyên với bất kỳ một ai kể từ đó.
Vào khoảng năm 1432, vua Lê Lợi có một đêm mộng thấy một nữ thủy thần báo mộng: "Ta là con gái vua Thủy tề đây. Nhà vua còn nhớ là nợ ta một lời hẹn ước hay không? Bây giờ nghiệp đế vương đã thành sao chưa thấy trả".
Vua Lê Lợi giật mình tỉnh dậy mới nhớ lại chuyện cũ, biết cô gái tỉa ngô từng cứu mình chính là con gái vua Thủy tề, hiện thân lên cõi trần để giúp vua xây dựng nghiệp lớn, Lê Lợi đã phong cô là “Thượng Đằng Thần” và cho xây dựng đền để tưởng nhớ công lao của cô.
Theo một sự tích khác về cô Bơ, trong thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), Lê Thọ Vực được giao trấn giữ biên ải Ba Bông. Trong một trận chiến kéo dài, tình thế nguy cấp, có lần Lê Thọ Vực đã mơ thấy một tiên nữ mặc xiêm y trắng trên mây giáng xuống ngã Ba Bông, rẽ nước bước lên kiệu võng mà nói rằng: “Hãy lui quân về Nhị Sơn hạ thủy mà vây hãm, lên núi Thạch Bàn mà cầu Mẫu thoải tất ứng linh”.
Nghe theo những lời chỉ dẫn này, Lê Thọ Vực đã dẫn quân xuôi về Thác Hàn Sơn dâng lễ cầu Mẫu rồi bố trí quân binh mai phục. Ứng báo của Mẫu cho kế phá giặc là lấp đá chặn dòng, lấy thủy triều dâng, làm nghi binh nhử giặc vượt qua bãi đá ngầm, khi nước thủy triều xuống thì tổng lực phản công, thuyền giặc rút chạy bị vấp vào bãi đá ngầm, lật nhào chìm đắm rất nhiều, quân mai phục đổ ra đánh úp, quân giặc chết nhiều vô kể. Sau thất bại thảm hại này chúng không còn dám quấy nhiễu nữa.
Để đáp lại ân đức của thánh thần, tướng quân Lê Thọ Vực tâu vua, vua Lê cho lập đền thờ cô Bơ và đền thờ mẫu Đệ Tam ở vùng này.
Trong Tứ Phủ, Cô Bơ là ai?
Theo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, Tứ Phủ thánh cô gồm 12 cô tiên đoan trang, xinh đẹp thường đi theo hầu cận Thánh Mẫu, Chúa Mường, Chầu Bà. Các Thánh Cô cũng có công với giang sơn xã tắc nên được người dân suy tôn và lập đền thờ phụng.
Trong đó, Cô Bơ Thoải Cung là Thánh Cô thứ ba trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô. Hầu hết các đền điện đều có ban thờ Cô.
Nhân dân tương truyền về công ơn của Cô Bơ như sau:
“Ghế cô đức độ hơn người
Khi leo núi dựng lúc bơi sông dài
Giúp đời nào tính một hai
Như thuyền chở đạo miệt mài tháng năm”.
Đền thờ Cô Bơ ở đâu?
Theo truyền thuyết, Cô Bơ là người ở đất Hà Trung, Thanh Hóa, ngã ba Bông bến đò Lèn. Vì vậy, đền chính của Cô hiện ở Đền Ba Bông tại xã Hàn Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa.
Hiện nay, Đền Cô Bơ là di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 1992 và cấp Quốc gia từ năm 1996, được Nhà nước bảo tồn.
Ngoài Thanh Hóa, Đền Cô Bơ còn tọa lạc ở:
- Đền cô Bơ Tuyên Quang: Nằm bên bờ sông Lô, với phong cảnh núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình.
- Đền cô Bơ Hà Nam: Đền Lảnh Giang hay Lảnh Giang linh từ, thuộc thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, nổi tiếng với các hiện vật thờ cúng quý giá, như tượng Tiên Dung công chúa, khánh long đình, khám đặt tượng thờ 3 vị tướng thời Hùng vương được chạm khắc công phu theo phong cách đời Lê. Ngoài ra đền còn giữ được hai kiệu bát cống long đình, một sập thờ và nhiều hoành phi, câu đối, nhang án. Kề bên đền Lảnh Giang về phía bờ sông là ngôi đền thờ cô Bơ Thoải Phủ.
Kinh nghiệm đi lễ đền cô Bơ
Một số kinh nghiệm đi lễ đền thờ cô Bơ sau sẽ giúp bạn có một chuyến đi suôn sẻ.
Thời gian đi lễ
Lễ hội chính đền Cô Bơ được tổ chức hằng năm vào ngày 8/2 Âm lịch với các hoạt động như rước kiệu, dâng hương, cầu may...
Bên cạnh đó, khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 Âm lịch là lúc du xuân đầu năm, thích hợp cho việc đi vãn cảnh và cầu nguyện.
Ngoài ra, vào mùa thu từ khoảng tháng 8 đến tháng 10 Âm lịch, đền thờ Cô Bơ càng được tô điểm trong tiết khí mát mẻ, khung cảnh thơ mộng.
Cách sắm lễ
Trước khi thực hiện nghi lễ và đọc văn khấn xin Cô Bơ, bạn cần chuẩn bị sắm sửa một số lễ vật. Các lễ vật này có thể to, nhỏ, nhiều, ít, sang, mọn tùy tâm, quan trọng nhất là tấm lòng thành kính.
- Hoa: Chọn hoa tươi, thường là hoa sen hoặc hoa cúc, tượng trưng cho sự thanh tịnh và cao quý.
- Trái cây: Lựa chọn trái cây tươi ngon, đẹp mắt, thể hiện sự hiếu khách và lòng hiếu thảo của người Việt.
- Đồ chay: Có thể chuẩn bị xôi, bánh chưng, bánh tét tùy vùng miền.
- Đồ thắp sáng: Nhang, đèn dầu hoặc nến, tượng trưng cho ánh sáng soi đường dẫn lối, đem lại may mắn và sáng suốt.
Cách dâng lễ tại Đền Cô Bơ
Trước khi vào đền chính, bạn nên xin phép các vị quan cai quản đền. Tiến hành sắp mâm lễ và dâng lên tại một trong các đền rồi đọc văn khấn. Sau khi hết một tuần hương, bạn có thể hạ lễ và hóa sớ tại khu vực quy định.
Lưu ý, trong khi dâng lễ, bạn nên tập trung, giữ thái độ trang nghiêm và thành kính.
Văn khấn Cô Bơ
Dưới đây là văn khấn Cô Bơ ngắn gọn mà bạn có thể tham khảo.
Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương đất, con lạy chư phật mười phương, mười phương chư phật.
Con lạy toàn thể chư phật, chư tiên, chư thánh. Con lạy:… (tên thánh chủ bản đền)
Đệ tử con tên là:………. tuổi:………. Ngụ tại:……………………………
Hôm nay, (không cần nói rõ ngày tháng làm gì). Chúng con đến đây có chút hương hoa, phẩm quả, lễ mặn (chú ý dâng gì thì kêu đó – không có lễ mặn mà kêu lễ mặn là phải tội, nên nhớ không bày lễ mặn ở cung Phật) xin dâng lên các chư tiên, chư thánh để cảm tạ ơn đức của các ngài đã phù hộ độ trì cho chúng con suốt thời gian qua.
Vừa qua, được sự lưu tâm độ trì của các ngài mà công việc (Nếu đã xin việc gì cụ thể mà thành công thì xin trình bày) của con đã hành thông vẹn tròn. Chúng con xin được cảm tạ và lễ tạ tất cả các Ngài.
Hôm nay, chúng con tới đây với tất cả lòng thành kính xin các ngài phù hộ độ trì cho con các việc sau: (Nêu cụ thể các việc cần xin, các khó khăn có thể gặp phải và có thể cả hướng định giải quyết).
Một lần nữa, thay mặt gia chung chúng con, con xin các ngài giang tay cứu giúp cho chúng con. Chúng con xin đa tạ… ( tên vị thánh bản đền) và toàn thể các chư tiên, chư thánh.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Lưu ý khi đi lễ khấn Cô Bơ
Trước khi đi lễ đền Cô Bơ, bạn cần chú ý một số vấn đề sau.
- Trang phục lịch sự: Chọn trang phục kín đáo, nhã nhặn, phù hợp với không gian linh thiêng.
- Sắm lễ dâng hương: Chuẩn bị lễ vật như hoa, quả, oản... với chất lượng tốt và giá hợp lý.
- Sớ cầu may mắn: Khi viết sớ cần ghi rõ họ tên, tuổi tác, địa chỉ của người cầu nguyện; sử dụng ngôn ngữ trang trọng, lịch sự và tránh viết những mong muốn không thực tế.
Trên đây là một số lưu ý về cách chuẩn bị, dâng lễ cúng và văn khấn Cô Bơ. Khi đến nơi linh thiêng này, bạn nên giữ một tâm hồn thanh tịnh và lòng thành kính tối đa.
*Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.