Sài Gòn những ngày tháng 6/1911

(VOH) - Vào ngày 2/6 của 105 năm về trước, chiếc tàu Amiral Latouche Tréville của hãng Năm Sao từ Đà Nẵng cập bến cảng Sài Gòn. Một chàng trai trẻ đã đến hỏi xin việc. Dù chàng thanh niên có vẻ của một anh học trò hơn là một người lao động, vị thuyền trưởng ấn tượng với nét cương nghị và thông minh, đã nhận anh vào làm. Khi ông hỏi “Anh tên là gì?”, chàng thanh niên đáp “Tôi tên là Văn Ba”.

Nghe nội dung bài viết:

Ngày 3/6/1911, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên Văn Ba, chàng thanh niên bắt đầu ngày đầu tiên làm phụ bếp. Trong hồ sơ lưu về con tàu có sổ lương và sổ thủy thủ, ghi lương tháng 6/1911 của Văn Ba là 50 Francs. Trưa ngày 5/6/1911, tàu Amiral Latouche Tréville rời bến cảng Sài Gòn với 72 thủy thủ có mặt trên tàu. Hành trình của tàu là đi Singapore, qua Colombo, Sa’id, rồi đến Marseille, sau đó cập bến Le Harve, cảng chính ở miền Bắc nước Pháp. Như vậy là chàng trai Nguyễn Tất Thành, với tên Văn Ba, đã ra đi tìm đường cứu nước trên chính mảnh đất Sài Gòn ngày ấy.

Rời Sài Gòn ngày 5/6/1911, Văn Ba theo tàu Pháp đến các nơi. Tháng 10 năm đó, tàu có quay lại Sài Gòn và nhờ Khâm sứ Trung Kỳ chuyển giúp số tiền 15 đồng cho cụ Phó bảng Nguyễn Sinh sắc. Rồi anh lại theo chuyến tàu đến các nơi, bắt đầu vòng quanh nhiều nước để nghiên cứu, khảo nghiệm.

Tàu Admiral Latouche Tréville, nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước tháng 6/1911. Ảnh tư liệu

Hành trình của người lao động Văn Ba trên chuyến tàu đi sang châu Âu, châu Phi và châu Mỹ, lại trở về châu Âu, nghề phụ bếp làm dưới gầm tàu, bên cạnh những người đầu bếp, xung quanh là chất đốt, thực phẩm, nồi niêu xoong chảo,... Lao động và hiểm nguy, hành trình nghề phụ bếp trên tàu lênh đênh và trôi dạt, Văn Ba cùng bao người lao động chẳng quản thụ hưởng, chỉ cần có cái ăn để sống và đi. Anh lao động khổ cực cùng với bao người lao động khổ cực, cảm thông với họ, và cùng chứng kiến những gì họ chứng kiến.

Vào lúc mà Văn Ba mà sau này là Nguyễn Ái Quốc đang bôn ba ở nhiều nước, thì quê hương anh, xứ Nghệ và Trung Kỳ vẫn chìm đắm trong tối tăm nô lệ, còn Sài Gòn, nơi anh vừa cất bước ra đi, đang được Pháp đầu tư cho “xứng đáng” hơn với xứ thuộc địa. Sài Gòn – Gia Định - Chợ Lớn trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, giao thông vận tải.

Bấy giờ ở Sài Gòn, công việc tu bổ, mở rộng Bến Khánh Hội được hoàn thành vào năm 1912. Bên cạnh đó, còn có bến Tam Hội. Năm 1912, Pháp cho đào kênh Kinh Đôi, từ chỗ tiếp giáp Kinh tẻ và Kênh Tàu Hủ theo hướng Đông Tây, song song với kênh Tàu Hủ, làm lợi cho việc đi lại giữa các sông như Sài Gòn, Rạch Cát nhanh chóng. Trong năm đó, Pháp cũng chủ trương mở rộng đường dây vô tuyến điện từ Sài Gòn xuống các nơi, trong đó có đường dây Sài Gòn – Mỹ Tho vào ngày 24/10/1912. Cũng năm đó, Hội đồng TP quyết định xây dựng chợ Bến Thành mới. Công việc mất đến 3 năm.

Năm 1912, toàn bộ tuyến xe lửa Sài Gòn – Nha Trang hoàn thành và được đưa vào khai thác, vận chuyển. Tuyến xe lửa này dài hơn 400 km, qua 1 số ga lớn như Biên Hòa, Xuân Lộc, Mương Mán, Sông Mạo Phan Rang, Ba Ngòi, Suối Dầu. Các tuyền xe lửa khởi đầu từ Sài Gòn đều xuất phát từ đầu đường Hàm Nghi ngày nay. Sau khi chợ Bến Thành mới được khánh thành vào  năm 1914, đồng thời 2 tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho và sài Gòn – Nha Trang cũng đi vào khai thác, ngành xe lửa cho xây dựng một nhà ga trung tâm gần chợ Bến Thành.

Nhìn lại Sài Gòn những ngày tháng Sáu của 105 năm trước để TPHCM hôm nay thêm tự hào là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi đầu cuộc hành trình tìm đướng cứu nước. Trong mỗi tấm lòng của người dân Sài Gòn- Gia Định-TPHCM luôn có Bác Hồ kính yêu. Kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tăng cường đoàn kết, Thành phố nhất định mãi mãi xứng đáng là Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Thành phố Anh hùng.