Áp lực sau đại dịch

(VOH) - ​​​​​​​Mới đây, tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân TPHCM khóa X, Giám đốc Sở Y tế thành phố Tăng Chí Thượng đã phát biểu chia sẻ những thách thức, khó khăn của ngành y tế TPHCM hiện nay.

Đó là 3 nguy cơ: nguy cơ dịch chồng dịch; nguy cơ thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế; nguy cơ khủng hoảng nguồn nhân lực y tế. 

Về nguy cơ thứ nhất: dịch chồng dịch. Theo đó, dịch Covid-19 có thể tái phát, dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát, dịch đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở Việt Nam, dịch tay chân miệng, dịch cúm đang gia tăng. Đối với dịch Covid-19, vắc xin thành phố có đủ nhưng người dân không đi tiêm. Để rồi khi thông tin biến chủng mới BA.4, BA.5 xuất hiện thì người dân mới ùn ùn đi tiêm ngừa. Nói đúng hơn là người dân đi tiêm vì sợ, chứ không hẳn vì tin tưởng vào hiệu quả của vắc-xin. Giám đốc Sở Y tế thành phố cũng đã nhấn mạnh: “Với Covid-19, chúng ta không chủ quan. Nếu có dấu hiệu gì, chúng tôi sẽ kích hoạt lại hệ thống trước đó”.

Mặt khác, hiện nay, bệnh sốt xuất huyết ngày càng đáng ngại và đã tăng gần 200% so với cùng kỳ. Từ đầu năm tới nay đã có 11 trường hợp tử vong. Ngành y tế mặc dù đã dự báo được và có nhiều biện pháp chuẩn bị từ quý 1 năm nay, nhưng đến nay qua hết quý 2 thì số liệu vẫn chưa có gì khả quan. Theo người đứng đầu Sở Y tế thành phố, lo nhất là tình trạng dịch chồng dịch, nhưng có thể ngăn ngừa được nếu nỗ lực tối đa. Covid-19 thì tiêm vắc xin, sốt xuất huyết thì diệt lăng quăng. Nói thì dễ nhưng làm là cả một quá trình cần sự đồng bộ, quyết tâm.

Áp lực sau đại dịch 1
Người khám bệnh nhận thuốc tại bệnh viện quận Bình Thạnh. Ảnh minh họa: PN

Nguy cơ thứ 2 là nguy cơ thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Theo Sở Y tế thành phố, hiện nay, hầu hết cơ sở khám chữa bệnh đã đấu thầu xong các loại thuốc điều trị các bệnh phổ biến. Trong tháng 7 này, TPHCM sẽ có Trung tâm mua sắm tập trung để hỗ trợ các cơ sở y tế không đủ năng lực tổ chức đấu thầu. Sở sẽ ưu tiên đấu thầu thuốc cho y tế cơ sở trước. Tuy nhiên, người dân vẫn còn có tâm lý e ngại khi đi khám tại bệnh viện. Vẫn còn tình trạng kê toa ngoài, mua thêm thuốc, hoặc tự đi mua vật tư lặt vặt do bệnh viện không có. Áp lực, tâm lý sợ dịch bệnh chưa hết, lại áp lực việc tự mua, tự cung, tự cấp vật tư y tế cho mình.

Nguy cơ thứ ba, đó là trong tình hình hiện nay có quá nhiều dịch, quá nhiều loại bệnh, nỗi sợ hãi đã gây ra hoang mang tâm lý cho người dân nói chung và cho các bệnh nhân nói riêng. Chính những người làm trong ngành y cũng cảm thấy lo lắng, cũng cảm thấy sợ, có lẽ vì vậy mà dẫn đến nhiều nhân viên y tế ở các bệnh viện nghỉ việc, và số lượng chuyển từ y tế công sang tư ngày càng nhiều.

Trong cao điểm đại dịch Covid-19, chúng ta thấy rất rõ đội ngũ nhân viên y tế thành phố đã làm việc hiệu quả như thế nào, tận lực, tận tâm với bệnh nhân, phát huy cao độ tinh thần “lương y như từ mẫu”. Lúc này đây, người dân cũng rất cần ngành y tế phải có những giải pháp, định hướng cụ thể để người dân biết và thực hiện làm sao cho đúng, cho trúng, cho nghiêm và thực sự hiệu quả. Phải nói cho người dân hiểu: dịch nào phòng ngừa trước, dịch nào phòng ngừa sau, tập trung vào đâu tùy vào từng thời điểm. Đừng để người dân, bệnh nhân phải bơ vơ, thiếu thông tin hoặc có thông tin nhưng chưa đủ, chưa đúng đối tượng.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần kịp thời tuyên truyền, tăng cường phổ biến thông tin y tế, vì nếu người dân càng hiểu đúng, càng hiểu đủ thì sẽ càng tuân thủ và làm theo hướng dẫn của ngành y tế. Sau đại dịch, gánh nặng mưu sinh càng lớn, nên nếu có thể, hãy giảm bớt áp lực về tinh thần để người dân chung tay cùng chính quyền thành phố xây dựng lại cuộc sống bình thường mới.