“Canh bạc lớn” của Tổng thống Pháp Macron

(VOH) - Những ngày gần đây, sự kiện Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp tổng thống Nga Putin tại lâu đài Versailles; mời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến dự Quốc Khánh Pháp và mời Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou dự lễ tưởng niệm các nạn nhân Do Thái… đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế.

Còn trong một báo cáo vừa được công bố, Paris đã dẫn đầu bảng xếp hạng các quốc gia có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong lĩnh vực quyền lực mềm, vượt qua cả Hoa Kỳ. Giới phân tích nhận định: việc Tổng thống Macron áp dụng một chính sách ngoại giao mở và sáng tạo không chỉ mang lại một hình ảnh tươi mới cho nước Pháp, mà còn cho thấy những nỗ lực hiện thực hóa tham vọng “đưa nước Pháp trở lại vị trí trung tâm” của thế giới.

Cuộc gặp thượng đỉnh Pháp - Mỹ mới đây tuy không phải là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng nó lại gây ấn tượng đặc biệt với công chúng bởi không khí thân mật, sự sang trọng và lời hứa “Mỹ-Pháp sẽ không bao giờ phá vỡ quan hệ đồng minh” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra với nhà lãnh đạo Pháp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) trong cuộc họp báo chung tại Paris ngày 13/7. (Ảnh: Host TV)

Đáng chú ý, hình ảnh 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Pháp và phu nhân ăn tối ở nhà hàng sang trọng nhất Paris trên tầng 2 tháp Eiffel đã lan truyền chóng mặt trên các trạng mạng xã hội với nhiều bình luận tích cực về quan hệ Washington-Paris. Theo tờ Le Monde, đây là tín hiệu tốt cho thấy cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Mỹ không chỉ diễn ra suôn sẻ mà còn giúp chấn hưng quan hệ Pháp-Mỹ sau những sóng gió gần đây. Quan trọng hơn, nó còn cho thấy một hình ảnh tươi mới và lịch lãm về nền chính trị Pháp, vốn bị coi là cổ lỗ và già cỗi với các đời tổng thống trước đây.

Giới phân tích nhận định rằng với những thành công kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5 đến nay, nhà lãnh đạo Pháp Macron đã ghi điểm với việc xây dựng một chiến lược khác, một hình ảnh mới hoàn toàn cho nước Pháp.

Nếu như trong cuộc gặp Tổng thống Nga Putin hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Macron đã chứng tỏ được sự khôn khéo của mình khi tận dụng hiệu quả các yếu tố lịch sử và những biểu tượng lịch sử của nước Pháp gắn bó mật thiết với nước Nga để chuyển tải thông điệp “Pháp muốn xích lại với Nga”, thì nay với việc mời Tổng thống Donald Trump sang dự lễ diễu binh quốc khánh và kỷ niệm lần thứ 100 ngày Mỹ tham chiến trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1917, và việc mời Thủ tướng Israel Netanyahou dự lễ tưởng niệm nạn nhân Do thái hôm thứ 2 đầu tuần, cho thấy một thông điệp khác. Đó là “nước Pháp có thể kết nối thế giới và nước Pháp có vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu”.

Với những gì thể hiện gần đây, rõ ràng ông Macron đã gặt hái được thành công rực rỡ khi vừa thân thiết với Thủ tướng Đức Merkel, vừa có thể đối thoại với Tổng thống Nga Putin lại vừa có thể lắng nghe Tổng thống Donald Trump. Bình luận về những động thái ngoại giao của Pháp, tờ Le Monde dẫn lại lời của nhà vua Đức  Frédéric Đệ Nhị “Nghệ thuật chính trị không phải là làm nẩy sinh các cơ hội mà là biết khai thác các cơ hội đó” và lý giải Tổng thống Pháp Macron đã áp dụng đúng các chính sách này. Ông Macron cũng đã chứng minh được rằng sự mạnh dạn và quyết liệt có thể bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm. Thứ hai, đối thoại vẫn là phương thức tối ưu trong việc giải quyết tất cả các vấn đề và thứ ba là nước Pháp, một cường quốc ngoại giao và quân sự, nay đã quay trở lại và khẳng định vị trí của mình trên sân khấu chính trị quốc tế.

Một nghiên cứu do Trung tâm Ngoại giao, Đại học Nam California, Hoa Kỳ công bố hôm thứ 3 (18/ 07) cho biết việc ông Emmanuel Macron trở thành tổng thống đã giúp nước Pháp dẫn đầu bảng xếp hạng các quốc gia có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong lĩnh vực quyền lực mềm, vượt qua cả Hoa Kỳ. Rõ ràng, dù mới nhậm chức nhưng Tổng thống Macron đã chủ động dẫn dắt cuộc chơi ngoại giao nhờ đề cao vai trò của nước Pháp, tận dụng khả năng thuyết phục của mình và sự thẳng thắn trong đối thoại.

Tuy nhiên, báo chí Pháp cũng đã thận trọng phân tích “Thành công bước đầu của cuộc chơi chưa có nghĩa là sẽ thành công trên cả chặng đường dài trước mắt”. Trật tự quốc tế đang thay đổi nhanh chóng bởi các cuộc khủng hoảng quốc tế và các thách thức toàn cầu. Và vì thế, nước Pháp có thể lấy lại vị trí lãnh đạo toàn cầu hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đó không chỉ là sức mạnh về kinh tế, quân sự, chiến lược ngoại giao mà rộng hơn còn là việc mở rộng quyền lực mềm và ảnh hưởng của nước Pháp. Đây là điều không dễ dàng đối với nhà lãnh đạo trẻ tuổi.

Tất nhiên, Tổng thống Macron ý thức rõ điều ấy. Lời hứa về việc xây dựng một nước Pháp “hùng mạnh”, trở thành một trong những cường quốc lớn nhất trong bài diễn văn nhậm chức hồi tháng 5 vẫn còn đó và được cử tri Pháp dõi theo. Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Macron tuyên bố Paris sẽ trở  thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Âu đồng thời khởi động một chính sách ngoại giao mới ở Trung Đông.

Giới phân tích nhận định Tổng thống Macron đang chơi một canh bạc với một chiến lược đầy táo bạo. Dù thời gian chưa nhiều, nhưng những bước đi của nhà lãnh đạo Pháp đều chắc chắn và được tính toán cẩn trọng. Vì thế, mặc dù chưa hết ván nhưng dư luận nhận định Tổng thống Pháp Macron gần như sẽ thắng lớn với canh bạc này.