Đổi mới dạy học - thử thách từ những bước đi

(VOH) - Giới hạn nào cho sự sáng tạo của người học cũng như con đường nào cho việc đổi mới phương pháp dạy học trong bối cảnh hiện nay?

Mới đây, một giáo viên môn Ngữ văn đã bị kỷ luật vì tổ chức sân khấu hoá một số  tác phầm văn học, trong đó có một số cảnh được cho là "nhạy cảm", không phù hợp, đã làm dư luận nảy sinh nhiều ý kiến trái triều.

Nên hay không để học sinh sân khấu hoá những cảnh "nóng", dù với mục đích và hình thức như thế nào? Giới hạn nào cho sự sáng tạo của người học cũng như con đường nào cho việc đổi mới phương pháp dạy học trong bối cảnh hiện nay?

Sự việc bắt đầu vào học kỳ 1 của năm học, khi thầy giáo Phạm Quốc Đạt, Trường Trung học phổ thông Võ Trường Toản, Quận 12 cho học sinh lớp 11 sân khấu hoá một số cảnh trong trích đoạn "Hạnh phúc của một tang gia" từ tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng và tác phẩm "Bỉ vỏ" của Nguyên Hồng.

Điều đáng nói là trong quá trình tái hiện tác phẩm, một số cảnh được cho là "nhạy cảm" vượt quá khuôn khổ của sự sáng tạo, không phù hợp với môi trường học đường như: cảnh ân ái giữa Xuân tóc đỏ và cô Tuyết, cảnh nhân vật Tám Bính bị hãm hiếp…

Cho học sinh đóng cảnh ân ái khi sân khấu hóa văn học, thầy giáo bị đình chỉ 1 năm. 

Cho học sinh đóng cảnh ân ái khi sân khấu hóa văn học, thầy giáo bị đình chỉ 1 năm. Ảnh: VNN 

Vì vậy, tháng 1/2019, lãnh đạo trường ra quyết định kỷ luật giáo viên này vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nội dung là cho học sinh diễn kịch “không phù hợp với lứa tuổi”, “diễn những cảnh nhạy cảm”…Mặc dù, các phân cảnh được thực hiện với hình thức hắt bóng qua bức màn, các bạn nam đóng thay vai nữ và không có sự đụng chạm thực sự nhưng khi được cắt rời ra khỏi mạch xuyên suốt của tác phẩm với hiệu ứng của sân khấu, đoạn clip đã tạo nên sự phản đối từ phía các giáo viên và phụ huynh trong nhà trường.

Hình thức kỷ luật là cảnh cáo, không được giảng dạy, làm chủ nhiệm trong thời gian 12 tháng, chuyển thầy giáo về làm công tác thư viên của nhà trường.

Sự tranh cãi được dấy lên khi nhiều ý kiến cho rằng xử phạt như vậy là quá nặng với những nỗ lực đổi mới dạy học của giáo viên và cả với những sự sáng tạo của chính các em học sinh. Chính giáo viên này cũng cho biết sẽ kiện lại nhà trường vì những hình thức  kỷ luật trên.

Thực tế thời gian qua, sân khấu hoá là hình thức dạy học được nhiều trường và nhiều giáo viên áp dụng với mong muốn mang đến những hiệu quả tích cực cho người học. Không chỉ giúp học sinh hiểu và yêu thích tác phẩm mà còn làm giờ học sinh động hơn, đặc biệt là trong bối cảnh học trò có khuynh hướng ngại học môn Văn như hiện nay.

Việc đổi mới phương pháp là một yêu cầu cấp thiết, nhất là khi xã hội đang nỗ lực đổi mới giáo dục, khi mà lâu nay học sinh Việt Nam vẫn được sự đánh giá cao về học thuật nhưng lại nhận sự đánh giá hạn chế về khả năng sáng tạo, và khi mà tố chất quyết định sự thành công của con người trong bối cảnh xã hội cách mạng 4.0 chính là sự sáng tạo. 

Mức kỷ luật này liệu có làm cho những giáo viên tích cực sáng tạo chùn bước, mỗi khi cân nhắc áp dụng các hình thức đổi mới, họ lại lo rằng biết đâu kết quả công sức thời gian đầu tư của mình đôi khi lại là hậu quả.

Thế nhưng, góc độ ngược lại, người dạy triển khai các hoạt giáo dục nhưng chưa đánh giá đầy đủ những tác động của hiện tượng sẽ giống như phép thử và sai trong xây dựng nhận thức, thường dựa vào kinh nghiệm. Tuy nhiên, phương pháp này không được chấp nhận ứng dụng trong những trường hợp liên quan đến vấn đề đạo đức và con người. Hiệu quả của hình thức dạy học sân khấu hoá là điều không cần bàn cãi, nhưng việc chọn lựa đưa những phân cảnh nhạy cảm vào dạy học, lại là vấn đề không nên dựa trên kinh nghiệm hay chấp nhận sai lầm.

Ở lứa tuổi 16-17 tìm hiểu một vấn đề nhạy cảm trên các trang mạng xã hội là không khó, tuy nhiên môi trường học đường, nơi được xem là chuẩn mực, những nội dung này lại càng phải được cân nhắc cẩn trọng và phải mang những giá trị giáo dục nhất định. Như lời một giảng viên đại học sư phạm khẳng định "Chúng ta không được triệt tiêu sáng tạo nhưng sáng tạo phải có khuôn khổ. Chim bay tự do trên trời nhưng tách ra khỏi bầu trời là không thể tồn tại". Vậy nên các em phải học cách "tung cánh" trên trời xanh, sáng tạo trong những phạm vi an toàn của mình.

Thực tế, nhà trường hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về giới hạn cho dạy học sáng tạo. Người giáo viên phải dựa trên bản lĩnh, năng lực, sự nhạy cảm, tinh tế của mình để đồng hành và điều tiết những sáng tạo của học sinh. Vì vậy, mức độ đúng sai trước mỗi lựa chọn, mỗi vấn đề  phần lớn phụ thuộc vào góc nhìn của người trong cuộc, nhưng kết quả lại dựa trên phán xét của cộng đồng.

Khi kết quả vượt ngoài tầm kiểm soát của bản thân, mà lại không có sự khích lệ, tạo điều kiện, tâm lý chung của các thầy cô giáo là sẽ chọn giải pháp an toàn nhất, cụ thể là quay về dạy học theo cách truyền thống, không sáng tạo.

Việc dạy và học sẽ theo mô-tuýp như xưa, giảng bài - ghi bài, đọc chép một chiều. Và như vậy, những người công dân tương lai vẫn như những thế hệ công dân trước đây, học thật nhiều nhưng khả năng sáng tạo ứng dụng thực tiễn lại khá hạn chế.

Vì vậy, để thúc đẩy sự sáng tạo trong dạy học, đáng ứng yêu cầu đổi mới, ngành giáo dục cần có những quy chế đảm bảo sự an toàn cho giáo viên, trong đó xác định cụ thể các nguyên tắc, vùng cấm trong sáng tạo. Trước những vấn đề phải cân nhắc chọn lựa, người giáo viên cần trao đổi thảo luận cụ thể trước tổ chuyên môn, ban giám hiệu nhà trường để có hướng triển khai phù hợp. Và quan trọng hơn, rất cần sự khích lệ, đồng hành của cả hệ thống giáo dục, cũng như sự nỗ lực đổi mới của người giáo viên dù phải đối mặt với khó khăn.

Phương thức tuyển sinh năm 2019 của Đại học Y dược TPHCM - Năm 2019, Trường ĐH Y dược TPHCM tuyển sinh theo ba phương thức xét tuyển độc lập nhau. Thí sinh có thể đăng ký cả ba phương thức khi xét tuyển.
Thí sinh làm bài thi Đánh giá năng lực với tâm lý thoải mái - Hầu hết thí sinh tham gia bài thi với tâm lý tự tin, thoải mái, hoàn toàn không có áp lực như kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.