Chờ...

Động lực từ lá chuối  

(VOH) - Những ngày qua, dư luận hưởng ứng rất tích cực về thông tin một số hệ thống cửa hàng, siêu thị ở TPHCM và Hà Nội bắt đầu sử dụng lá chuối để gói rau, thực phẩm khi bán cho khách hàng.

Chuyện lấy lá chuối gói đồ ăn, thực phẩm... vốn không hề mới. Thế nhưng, với những nơi kinh doanh - mua bán có lượng khách lớn như cửa hàng, siêu thị mà chịu trưng dụng lá chuối - Một nông phẩm thân thiện, dễ phân hủy sẽ tạo hiệu ứng tích cực, giúp lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường thay vì dùng túi nhựa - nilông, thủ phạm gây nguy hại cho cuộc sống chúng ta.

Nghe bài viết nhấn vào đây

Có lẽ tuổi thơ của nhiều người đã từng trải nghiệm những buổi chợ quê mộc mạc, giản dị, thân thiện đến khó quên. Hình ảnh những gói xôi, gói bánh được bọc bằng lá chuối hoặc đơn giản là miếng thịt, con cá bán ngoài chợ được cột - buộc lại bởi sợi dây chuối để người mua mang về nhà, có lẽ còn in đậm trong ký ức của những ai xa quê.

Nhưng xã hội ngày càng hiện đại, đồ nhựa xuất hiện ngày càng nhiều, gói xôi ngày xưa ở chợ quê không còn được bao bọc bằng lá chuối nữa mà thay bằng bao ni - lông. Hình ảnh các bà, các mẹ đi chợ xách theo cái giỏ đệm cũng ngày một ít dần, mà thế vào là các bao nhựa, túi ni-lông chứa tất tần tật các loại thực phẩm, mớ rau, con cá...

Dư luận hưởng ứng rất tích cực về thông tin một số hệ thống cửa hàng, siêu thị ở TPHCM và Hà Nội bắt đầu sử dụng lá chuối để gói rau, thực phẩm. 

Chợ quê đã vậy, nhưng với hệ thống cửa hàng, siêu thị, túi ni-lông còn được sử dụng đại trà hơn! Hàng quán vỉa hè thì càng không ngoại lệ! Bánh mì, gói xôi, rồi đến cả những thứ như nước lèo, cháo, phở, hủ tíu... cũng được người ta cho vào túi ni- lông. Đó là chưa kể “vấn nạn” ống hút nhựa xuất hiện khắp nơi.Uống nước dừa người ta cũng lấy ống hút cắm vào; uống nước suối, người bán cũng kèm theo ống hút nhựa. Hoặc vào bất kỳ hàng-quán giải khát nào, chủ quán cũng mặc định “ đính kèm” thêm 1 ống hút nhựa. Có thể thấy, vật liệu nhựa đã hiện diện, chiếm lĩnh về không gian trong đời sống, sinh hoạt của mọi người.

Nhưng thế giới có biết bao sinh vật từ trên cạn đến đại dương đã phải bỏ mạng vì rác thải nhựa. Cho đến khi những cá thể được gọi là “chúa tể” của biển cả như cá voi, cá mập... chết một cách thương tâm vì nuốt phải hàng chục ký rác thải nhựa vào bụng mới làm cho nhiều người phải thức tỉnh.

Chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng số lượng sinh vật đại dương chết ngày càng nhiều vì nuốt phải rác thải nhựa chính là hồi chuông báo hiệu cho các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam phải hành động thiết thực hơn nữa nhằm ngăn chặn thảm họa này. Bởi theo thống kê, các nước thuộc Châu Á Thái Bình Dương, nhất là các quốc gia Đông Nam Á, là nơi xả ra môi trường nhiều rác thải nhựa nhất thế giới ( khoảng 13 triệu tấn/năm) và đại dương cùng với sinh vật sống ở môi trường này phải gánh chịu hậu quả lớn nhất.

Cuối năm 2018, Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc từng công bố thông tin trong một Hội thảo quốc tế diễn ra tại Hà Nội khiến các chuyên gia giật mình: “Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về xả rác thải nhựa ra biển với khối lượng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm”. Nhưng con số mới nhất, mỗi ngày Việt Nam thải ra môi trường khoảng 19.000 tấn rác nhựa buộc chúng ta phải nghiêm túc suy ngẫm về trách nhiệm và hành động của mình với môi trường sống, với thế hệ con cháu mai sau.

Rác thải nói chung vốn đã là một mối bận tâm quá lớn vì vấn đề xử lý rác ở Việt Nam hiện còn nhiều thứ phải bàn cãi. Nhưng với rác thải nhựa thì càng phức tạp hơn nhiều. Thử hỏi chỉ với 1 túi ni lông, sẽ phải mất từ 200 đến 500 năm mới phân hủy thì hàng triệu triệu tấn rác nhựa, ai có thể tính được chúng sẽ gây ra bao nhiêu hệ lụy cho môi trường sống?

Thành ra thật dễ hiểu khi lá chuối được sử dụng để gói rau xanh, thực phẩmlập tức được dư luận, người dân bày tỏ sự đồng tình, thể hiện thái độ rất tích cực hưởng ứng hành động này. Đó cũng là cách chúng ta nhắc nhở nhau nhanh chóng thay đổi thói quen “văn hóa ni lông, túi nhựa” sang sử dụngvật phẩm - chất liệu an toàn, dễ phân hủy, thân tiện hơn với môi trường. 

Phải thừa nhận, đồ nhựa là một phát kiến mang lại khá nhiều hữu ích cho cuộc sống đương đại. Nhưng người ta cũng sớm nhận ra mặt trái của nó có thể kéo theo thảm họa cho môi trường nếu không được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ.

Gần đây, chúng ta đã thấy xuất hiện nhiều nhóm hoạt động kêu gọi hạn chế hoặc thay thế dần việc sử dụng túi nhựa bằng những vật liệu thân thiện hơn, dễ phân hủy. Đã có không ít cửa hàng cà phê, ăn uống, giải khát tăng cường sử dụng ống hút tre, ống hút cỏthay cho ống hút nhựa dẻo. Ngoài ra, nhiều loại túi xách thân thiện môi trường cũng được bày bán dù giá thành vẫn còn cao. Thế nhưng mọi thứ chỉ là những nỗ lực riêng lẻ, chưa tạo được hiệu ứng để chuyển biến nhận thức, hành vi của mọi người.

Bây giờ chúng ta đang có được động lực mới từ việc sử dụng lá chuối để gói thực phẩm, rau xanh... Từ lá chuối, các nhà khoa học, nhà sản xuất có thể tiếp tụcnghiên cứu sử dụngnhững nông, vật phẩm tương tự trong ngành nông nghiệp và xem đó như nguồn nguyên vật liệu cơ bản để làm ra những loại túi xách, ống hút.v.v nhằm thay thế cho sản phẩm cùng loại làm từ nhựa.Việc này không chỉ có lợi cho môi trường mà còn giúp ích cho bà con nông dân có thêm nơi để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đó phải là một chiến dịch nghiêm túc, được thực hiện thường xuyên, liên tục, được các cấp, các ngành vào cuộc kêu gọi, phát động, tuyên truyền, giúp chuyển biến nhận thức để mọi người có hành động tích cực hơn bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Có thể hành động ban đầu chỉ là sự tự nguyệnmột cách đơn thuần. Nhưng với một đất nước được liệt vào “nhóm đầu” trong xả thải rác nhựa ra biển như Việt Nam thì hành động ấy dần phải được nâng cấp thành trách nhiệm như một sự chủ động cam kết với cộng đồng quốc tế trước những mối nguy hại sinh ra từ rác thải nhựa mà chúng ta đã tham gia rất nhiều công ước .

Bây giờ câu chuyện sử dụng lá chuối có thể chỉ là sự đánh động, một hiện tượng tích cực ban đầu để kêu gọi bảo vệ môi trường. Nhưng khi chúng ta cùng quyết tâm, nỗ lực nhân rộng, cụ thể hóa nhiều hơn nữa cái “hiện tượng ban đầu” đó, chắc chắn về sau sẽ tạo ra thành quả lớn hơn nhiều, mang đến những lợi ích thiết thực cho môi trường sống! Để điều đó thành sự thật, mỗi người hãy cố gắng thay đổi thói quen cá nhân, bắt đầu bằng hành động bỏ dần việc sử dụng những sản phẩm khó phân hủy từ nhựa như túi ni-lông, ống hút nhựa. Hãy lấy động lực từ câu chuyện sử dụng lá chuối để hành động vì môi trường, tránh lạm dụng sử dụng túi ni-lông hay ống hút nhựa.

Bình luận