Kỳ vọng vươn xa từ bệ phóng SEA Games

(VOH) - Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 2017 đã chính thức khai mạc vào tối qua, mở màn cho gần 2 tuần tranh tài trên đất Malaysia. Đoàn thể thao Việt Nam cũng sẵn sàng cho ngày hội thể thao lớn nhất khu vực lần thứ 29.

Đấu trường SEA Games không biết bao lần ghi dấu vinh quang, dậy lên niềm tự hào màu cờ sắc áo, cũng như đánh dấu hành trình lớn mạnh của thể thao Việt Nam từ khi hội nhập trở lại cùng khu vực. Nơi đó, còn là bệ phóng cho thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới.

Tham dự SEA Games 29 kỳ này, thể thao Việt Nam với hơn 450 vận động viên (VĐV), tranh tài ở 32/38 môn thi đấu - sẽ phải đối mặt với thách thức lớn. Đó là việc nhiều nội dung thế mạnh bị nước chủ nhà cắt giảm, một số môn trọng điểm bị khống chế, thay đổi nội dung thi đấu đáng kể so với các kỳ đại hội gần đây. Chính vì thế, không dễ hoàn thành mục tiêu đoạt hơn 50 huy chương vàng (HCV), nằm trong top 3 đoàn dẫn đầu như 8 kỳ SEA Games đã qua, tính từ SEA Games 22 trên sân nhà 14 năm trước.

Kiếm thủ Vũ Thành An là người cầm cờ cho đoàn thể thao VN tiến vào sân Bukit Jalil. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH/ TTO

Không kể Thái Lan có phần vượt trội so với các nước trong khu vực, cùng ưu thế chủ nhà của Malaysia, muốn hoàn thành nhiệm vụ, thể thao Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với các đoàn như Indonesia, Singapore hay Philippines. Đó là các đoàn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư mạnh mẽ các môn thể thao Olympic. Khi các nội dung thế mạnh không còn nhiều, để chạm cột mốc gần 60 HCV, Việt Nam cần tới khả năng gây bất ngờ ở các môn mà khả năng tranh chấp 5-5 so với các đối thủ. Nghĩa là cần sự nỗ lực hết mình, tâm lý ổn định của các tuyển thủ để phát huy tối đa khả năng. Và thậm chí còn cần tới cả sự may mắn. 

Mục tiêu lọt vào top 3 của đoàn thể thao Việt Nam không dễ dàng. Đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên, trong chiến lược dài hơi, còn một mục tiêu quan trọng khác là chất lượng ở những môn thể thao mũi nhọn. Sau nhiều kỳ đại hội đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, vài kỳ SEA Games trở lại đây, ngành thể thao đã có bước chuyển hướng đúng đắn khi tập trung cho chiến lược đầu tư trọng điểm. Các môn, nội dung mà Việt Nam có thế mạnh, các vận động viên xuất sắc, đặc biệt xuất sắc được tập trung đầu tư tối đa nhằm tạo đột phá thành tích.

Sau nhiều năm phụ thuộc chủ yếu vào các môn võ thuật, sự thay đổi nói trên nhanh chóng mang đến thành công ấn tượng. Điển hình như kỳ SEA Games 28 tổ chức tại Singapore 2 năm trước. Gần 90% trong tổng số 73 HCV mà Việt Nam giành được khi đó đến từ các môn thể thao cơ bản, những môn Olympic, ASIAD. Đó là điền kinh, bơi lội, là thể dục dụng cụ, bắn súng, đấu kiếm, rowing hay taekwondo, quyền anh... Những tấm huy chương “vàng mười” đúng nghĩa trong thể thao thành tích cao.

SEA Games 29 được tổ chức vào một thời điểm hết sức ý nghĩa. Đó là khối ASEAN vừa tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển. Một ASEAN đoàn kết, đồng thuận, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, cùng quan tâm chia sẻ và kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng… đã tạo dựng nên hình ảnh và vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.

Và chính SEA Games, ngày hội thể thao lớn của hơn 630 triệu người dân ASEAN đã góp phần thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực. Như lời Tư lệnh ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, các thành viên đoàn Thể thao Việt Nam không chỉ mang đến SEA Games tinh thần thể thao cao thượng, quyết tâm mang vinh quang về cho Tổ quốc, mà mỗi thành viên của đoàn còn là sứ giả quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè khu vực và quốc tế.

Đấu trường SEA Games từng được ví von như “ao làng”, nhưng thật ra, so sánh này chưa sát thực tế. Bởi SEA Games mang nhiều ý nghĩa lớn lao hơn gấp nhiều lần với các nước trong khu vực, đặc biệt là thể thao Việt Nam. Đó là nơi ghi dấu vinh quang và tự hào, là đấu trường mang đến nhiều bài học quý, đồng thời cũng là sân chơi đánh dấu hành trình lớn mạnh của thể thao Việt Nam từ khi hội nhập trở lại. Nơi đó, giấc mơ vàng bóng đá còn dang dở. Nơi đó, còn là bệ phóng cho những tài năng thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới. Có thể kể tên như Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống môn taekwondo, Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng môn điền kinh, Nguyễn Thị Ánh Viên môn bơi lội... và nhiều tên tuổi lớn khác của thể thao nước nhà.

Cũng từ bệ phóng SEA Games, chúng ta có Trần Hiếu Ngân mang về chiếc HCB Olympic đầu tiên trong lịch sử ở Sydney năm 2000, Hoàng Anh Tuấn tiếp nối tại Bắc Kinh năm 2008, và Hoàng Xuân Vinh bước lên đỉnh cao Olympic với 1 HCV, 1 HCB tại Rio 2016 vừa qua.

Cũng vì thế, SEA Games 29 với thể thao Việt Nam không chỉ là mục tiêu hơn 50 HCV, không chỉ là vị trí top 3. Đó còn là bệ phóng vươn cao, vươn xa của thể thao nước nhà, là nơi tìm lời giải cho bài toán 5-10 năm nữa, thể thao Việt Nam ở vị trí nào trên bản đồ ASIAD, Olympic.