Vì một ASEAN gắn kết

(VOH) - Từ ngày 2 đến ngày 8/8/2017 tại thủ đô Manila, Philipines diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) và các hội nghị liên quan. Đây là hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng nhất trong năm của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước (10 nước ASEAN và 17 đối tác của ASEAN).

Diễn ra đúng vào thời điểm ASEAN kỉ niệm 50 năm hình thành và phát triển ( 8/8/1967-8/8/2017) và bước vào năm thứ 2 của Cộng đồng chung ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 đánh dấu một chặng đường hợp tác mới với nhiều nội dung thảo luận quan trọng. Dự kiến, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50, các Bộ trưởng Ngoại giao sẽ kiểm điểm lại những gì đã thực hiện được thời gian qua, kể từ hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 tại Phillipines vào tháng 5/ 2017, đặt ra một số phương hướng tiếp tục triển khai hoạt động hợp tác ASEAN trên cả 3 cộng đồng từ nay cho đến  Hội nghị cấp cao ASEAN 31 vào tháng 11 tới đây. Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng thảo luận tình hình quốc tế và khu vực, trong nội bộ ASEAN và giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài trong khuôn khổ cuộc họp với các đối tác, giữa Ngoại trưởng ASEAN với từng nước đối tác, ASEAN+3 (với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc), Diễn đàn Khu vực ASEAN, Cấp cao Đông Á.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Sau 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được thế giới nhìn nhận như một tổ chức hợp tác khu vực năng động, một thực thể chính trị - kinh tế đa dạng nhưng gắn kết, đóng góp to lớn vào quá trình kết nối toàn cầu. ASEAN cũng đã tạo lập được vai trò và vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á -Thái Bình Dương. Thế nhưng, sau 50 năm hình thành, ASEAN cũng đang đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài.

Biển Đông là một ví dụ. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp với các hoạt động tôn tạo, bồi đắp các thực thể trên biển, tạo ra tình huống có thể dẫn tới quân sự hóa Biển Đông, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực, làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, hơn lúc nào hết, ASEAN cần một sự đồng thuận và đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa. Việc ASEAN và Trung Quốc triển khai nhiều bước đi làm giảm căng thẳng trong khu vực và tăng cường xây dựng lòng tin, trong đó có sáng kiến xây dựng Đường dây nóng giữa các Bộ Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về các tình huống khẩn cấp trên biển và áp dụng Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển, từng bước tạo dựng đối thoại về vấn đề Biển Đông. Đáng chú ý, việc tháng 5 vừa qua, ASEAN và Trung Quốc hoàn tất đàm phán về dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), trình lên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc trong  khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 lần này xem xét, đã tạo dựng sự khởi đầu cho tiến trình đàm phán tiếp theo về xây dựng văn kiện Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông thực chất, có tính ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực. Đây được cho là một bước tiến lớn, nhưng để hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, rất cần có thêm sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm từ cả hai phía.

Một thách thức nữa phải tính đến, đó là sự gia tăng các hoạt động khủng bố và tư tưởng cực đoan ở khu vực cũng như trên thế giới, đặc biệt là việc tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang chuyển dần hoạt động sang khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, trong bối cảnh ASEAN sẽ mở rộng quan hệ đối ngoại để đóng một vai trò lớn hơn tại các diễn đàn khu vực, thì nhiều đối tác chính và quan trọng của ASEAN đang trở lại hoặc trỗi dậy tư tưởng dân tộc cực đoan cũng như chủ nghĩa dân túy. Cùng với đó là sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các quốc gia, sự khác biệt về quan điểm trong một số vấn đề, cách thức đối phó với các thách thức chung, như vấn đề an ninh hàng hải. Điều này đòi hỏi ASEAN phải nỗ lực để đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, thúc đẩy sự đồng thuận và nhất trí mới có thể đối mặt với khó khăn trước mắt.

Chính vì vậy, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dự kiến sẽ xem xét và thông qua nhiều văn kiện. Trong đó, có 2 dự thảo tuyên bố về chống rửa tiền và chống tuyên truyền tư tưởng cực đoan. Cùng với vấn đề chống khủng bố, ASEAN cũng sẽ xem xét thông qua các giải pháp đối phó với nạn cướp biển và các hoạt động tấn công có vũ trang trên biển. ASEAN nhận thức rõ được những thách thức này và tin tưởng rằng với sự đồng thuận và gắn kết, ASEAN sẽ tiến lên phía trước. Trả lời báo chí trước thềm hội nghị, Thứ  trưởng Ngoại giao Philipines Enrique Manalo nhấn mạnh “Lễ kỉ niệm ASEAN tròn 50 năm vào ngày 8/8 tới sẽ là cơ hội vàng để ASEAN cùng nhau tiếp tục  thúc đẩy chương trình nghị sự chung để giải quyết những thách thức trong tương lai”.

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 50 lần này, với nhiều sáng kiến thúc đẩy đoàn kết đồng thuận trong khối - phù hợp với lợi ích của Việt Nam, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế vai trò của Việt Nam trong ASEAN, tại khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Cùng với các thành viên khác, Việt Nam tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua việc cam kết đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng và đóng góp sáng kiến thúc đẩy triển khai, góp phần vào việc tăng cường hợp tác, củng cố đoàn kết nội khối, tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.

Có thể nói, nửa thế kỷ qua là một giai đoạn phát triển quan trọng, sôi động và toàn diện của ASEAN với những thành công và dấu ấn đậm nét. Bước vào giai đoạn phát triển mới, hơn bao giờ hết, ASEAN đang tăng cường hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa. Qua đó, xây dựng lòng tin chiến lược, nhằm đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh ổn định trong khu vực và trên thế giới, đồng thời củng cố, nâng cao vị thế của một tổ chức hợp tác khu vực gắn kết, năng động và thành công sau 50 năm hình thành và phát triển.