Nhớ về địa chỉ đỏ - Số 5, Châu Văn Liêm, Quận 5

(VOH) - Chúng tôi tìm về nơi Bác Hồ đã sống và làm việc trước khi bắt đầu cuộc hành trình vượt đại dương của mình. Đó là ngôi nhà số 5, Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5, TPHCM.

Thành phố Sài Gòn - Gia Định rất đỗi tự hào là nơi in đậm dấu chân của thanh niên Nguyễn Tất Thành trước khi lên tàu rời Tổ quốc, nơi đánh dấu sự chín muồi về nhận thức và hành động để Người quyết định dứt khoát sự lựa chọn của mình. Đó là đến các nước phương Tây tìm đường cứu nước dù Người chỉ sống ở Sài Gòn không lâu, từ tháng 9/1910 - 4/6/1911.

Cảng Nhà Rồng
Bến cảng Nhà Rồng và ngày 5/6/1911 là cột mốc đánh dấu hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Về thăm nơi Bác Hồ đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy, đây là một căn nhà phố, khoảng 35m2

, rộng 4m, dài 8,8m, có một tầng lầu, nền lót gạch bông, mái lợp ngói âm dương. Từ nền nhà đến trần cao 3m, chiều cao tầng lầu 4m, từ nóc đến mái cao 1m. Cầu thang lên lầu bằng gỗ.

Trên lầu có ban công rộng 2m x 4m, cửa ra ban công bằng gỗ. Hiện nay, toàn bộ không gian bên trong di tích được sử dụng trưng bày các tư liệu hình ảnh về Bác.

Trong đó, tầng 1 có bàn thờ Bác Hồ và hai bên vách tường trưng bày các hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, các lãnh tụ của các phong trào yêu nước, các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1911, hình ảnh Sài Gòn những năm 1910 - 1911, hình con tàu Đô đốc Latouche Treville...

Gian nhà phía sau có một cầu thang gỗ dẫn lên tầng 2.

Tầng 2 được bày trí các tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các hoạt động tiếp nối truyền thống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo tư liệu lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở đây 9 tháng trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Trong khoảng thời gian đó, Người ở tại cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán tại số 1-2-3 bến Testard - Chợ Lớn. Năm 1915 đổi thành đường Tổng Đốc Phương, nay là đường Châu Văn Liêm - quận 5.

Trong ba căn nhà đó, một căn được giữ lại di tích lưu niệm về Bác. Đó là căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm và được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988.

Trong thời gian ở tại Sài Gòn, Người vừa dạy học vừa đi làm ở Trường thợ máy (Escole des Mécaniciens), vừa đi bán báo ở khu vực cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn.

Đây là thời gian hết sức quan trọng để Người có bước chuẩn bị trực tiếp về vật chất, tinh thần, phương tiện và có quyết định cuối cùng cho việc ra đi tìm đường cứu nước.

Là người trực tiếp hướng dẫn, giới thiệu về di tích lịch sử, bà Trần Thị Quyên cảm thấy rất tự hào và vinh dự. Niềm vinh dự ấy không chỉ từ việc cảm nhận, kính phục cuộc đời và sự nghiệp của Bác mà còn là niềm vinh dự khi được là người đứng nói, truyền cảm hứng, niềm tin vào những gì học tập từ Bác cho những người đến đây tham quan, học tập.

“Mình vinh dự được đứng nói chuyện về Bác trong thời điểm rất đặc biệt là Bác Hồ đã ở Sài Gòn này và chuẩn bị thực hiện một cuộc hành trình rất lớn, vĩ đại đối với đất nước, dân tộc và thậm chí là đối với tất cả nước thuộc địa trên thế giới.

Thông qua câu chuyện về Bác, mình muốn nhắn gởi những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ, rất đời thường, rất giản dị. Mong là những người tới đây sẽ tiếp tục học tập tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác Hồ”, bà Trần Thị Quyên chia sẻ.

nhà số 5 CVL
Ngôi nhà số 5, Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5, TPHCM nơi Bác Hồ đã sống và làm việc trước khi bắt đầu cuộc hành trình vượt đại dương của mình. 

Hiện nay, Trung tâm văn hóa Quận 5 là đơn vị được UBND Quận 5 giao nhiệm vụ phụ trách di tích số 5, Châu Văn Liêm, phường 14, Quận 5.

Nhận nhiệm vụ cao quý này, đơn vị thường xuyên chăm sóc, tôn tạo, gìn giữ cho dích tích lúc nào cũng được sạch đẹp, trang nghiêm. Cùng với đó, nhiều hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ đã được tổ chức tại đây.

Ông Quách Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm văn hóa Quận 5 cho biết: “Trung tâm văn hóa Quận 5 thường xuyên phối, kết hợp với các ban ngành, đoàn thể đưa các đoàn là đoàn viên thanh niên, đội viên học sinh, học viên các lớp trung cấp chính trị…đến tham quan, tìm hiểu. Thông qua đó, giới thiệu với các bạn đặc trưng cũng như quá trình tham gia hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt là giai đoạn Bác dừng chân tại TPHCM, trước khi ra đi tìm đường cứu nước”.

Theo dòng chảy thời gian, di tích luôn được xem như nơi mở đầu cho trang sử cách mạng tại miền Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cho đến hôm nay, biết bao thế hệ Việt Nam luôn luôn ra sức và cố gắng học tập theo tấm gương của Người, và di tích ngôi nhà số 5 đường Châu Văn Liêm, quận 5 mãi là niềm tự hào, nguồn cảm hứng trong lao động, học tập, sáng tạo của người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Lê Hùng Dũng – một thanh niên sinh ra và lớn lên tại Quận 5 cho biết, cảm giác đầu tiên khi nói đến địa chỉ số 05, Châu Văn Liêm là tự hào. Sau niềm tự hào đó là thôi thúc muốn tìm hiểu về nơi Người đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước: “Với vai trò của một người trẻ, tôi học theo Bác ở tính xung kích, tình nguyện, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt là tính sáng tạo, tiên phong tình nguyện và sáng tạo đột phá, thực hiện tốt nhiệm vụ công tác đoàn, thứ hai là góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng giao để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Bác đã giao cho đoàn viên thanh niên”.

Di tích được mở cửa để đón du khách tham quan và là địa chỉ đỏ truyền cảm hứng cho mỗi người dân Việt Nam, nhắc chúng ta phải thực sự chủ động và sáng tạo từ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…góp phần phát triển đất nước giàu mạnh.