1. Hội chứng không dung nạp đường Lactose là gì?
1.1. Lactose là gì?
Lactose là đường chính (hoặc carbohydrate) tự nhiên có trong sữa. Thành phần của lactose là một phân tử đường lớn được tạo thành từ hai phân tử đường nhỏ hơn là glucose và galactose.
Để cho đường sữa được hấp thụ vào ruột và cơ thể, trước tiên nó phải được tách thành glucose và galactose. Hai loại đường này sau đó được hấp thụ bởi các tế bào lót ruột non. Cơ thể chúng ta có một loại enzym đặc biệt, có nhiệm vụ phân tách đường sữa lactose thành glucose và galactose được gọi là lactase.
1.2. Không dung nạp đường Lactose là gì?
Khi cơ thể không thể hấp thụ đường lactose điều đó có nghĩa là khi uống sữa hay các chế phẩm sữa như váng sữa, bánh mì, bơ thực vật, kem tươi…, quá trình tiết ra enzym lactase để hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu đường sẽ diễn ra không đầy đủ.
Thay vào đó, lượng đường trong sữa sẽ được đưa tới ruột già. Tại đây, các vi khuẩn sẽ lên men lactose gây nên các triệu chứng khó chịu.
Hội chứng này phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Nếu con bạn không thể dung nạp lactose, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng khi bé bắt đầu đi học hoặc trong độ tuổi thiếu niên, tuy nhiên, với trẻ dưới 2 tuổi thì hội chứng này hiếm gặp.
1.3. Phân loại các dạng không dung nạp đường Lactose
Các yếu tố khác nhau gây ra sự thiếu hụt enzyme lactase dẫn đến các dạng khác nhau của hội chứng không dung nạp đường Lactose. Hãy lưu ý 3 dạng phổ biến dưới đây của hội chứng:
Không dung nạp lactose nguyên phát
Đây là dạng không dung nạp lactose phổ biến nhất, nguyên phát từ khi sinh ra.
Những người thuộc nhóm không dung nạp lactose nguyên phát, việc sản xuất lactase sẽ tụt giảm theo tuổi tác, khiến clactose trở nên kém hấp thu hơn khi chúng ta già đi.
Không dung nạp lactose nguyên phát có liên quan đến yếu tố di truyền.
Không dung nạp lactose thứ phát
Dạng không dung nạp lactose này xảy ra khi ruột non giảm sản xuất lactase sau khi bị chấn thương hoặc phẫu thuật liên quan đến ruột non hoặc bị bệnh.
Các bệnh điển hình thường liên quan đến không dung nạp lactose thứ phát là bệnh bệnh Crohn, loạn khuẩn và bệnh celiac. Điều trị bệnh này về cơ bản có thể khôi phục mức độ lactase, tuy nhiên khá mất thời gian.
Không dung nạp đường sữa bẩm sinh
Dạng này có thể xảy ra nhưng rất hiếm, chỉ xảy ra đối với những đứa trẻ được sinh ra không có men lactase. Sự thiếu hụt này có thể do đột biến gen gây ra và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác theo cơ chế gen lặn.
Nếu cả hai bố mẹ đều có gen bệnh và cả hai đều truyền cho trẻ thì trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ cao bị hội chứng không dung nạp đường lastose.
2. Triệu chứng không dụng nạp đường Lactose thường gặp
Phản ứng khi không dung nạp lactose thường bắt đầu từ 30 phút đến 2 giờ sau khi ăn hoặc uống thực phẩm có chứa đường lactose. Một số triệu chứng không dung nạp đường lactose thường gặp là:
2.1. Đau bụng và sình bụng
Đau bụng và sình bụng là hai triệu chứng thường gặp nhất khi bạn mắc phải hội chứng này. Như đã nói, khi mắc hội chứng này lượng đường trong sữa sẽ đi thẳng tới ruột già, và tại đây các vi khuẩn phân hủy lactose thành chất lỏng và khí, chính điều này khiến chúng ta cảm thấy đau bụng, khó tiêu, sình bùng.
2.2. Tiêu chảy
Khi cơ thể không dung nạp lactose, phân của chúng ta sẽ chủ yếu ở dạng lỏng do quá trình lên men lactose tại ruột già đã tạo ra một loại axit, tích trữ thêm nước trong phân. Triệu chứng tiêu chảy cũng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
2.3. Đầy hơi
Quá trình lên men đường lactose trong ruột già có thể dẫn đến tăng đầy hơi và mức độ xảy ra có thể khác nhau đáng kể ở mỗi người. Lượng khí sinh ra khác nhau do sự khác biệt về hiệu quả của hệ vi sinh, cũng như tốc độ tái hấp thu khí của ruột già.
Điều thú vị là khí sinh ra từ quá trình lên men lactose không có mùi. Trên thực tế, mùi của chứng đầy hơi xuất phát từ sự phân hủy của protein trong ruột.
2.4. Táo bón
Táo bón xảy ra có thể là do sự gia tăng sản xuất khí mê-tan trong ruột già, làm chậm thời gian vận chuyển trong ruột. Tuy nhiên đây là triệu chứng ít gặp và cần nghiên cứu thêm khi cơ thể không dung nạp lactose.
3. Nguyên nhân và nhóm đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng
Nguyên nhân gây ra hội chứng không dung nap đường lactose là do cơ thể không sản xuất đủ enzyme lactase để hấp thụ đường lactose. Một số loại bệnh, chấn thương hoặc viêm cũng có thể làm giảm lượng lactase trong cơ thể. Trong khi đó, một số trẻ có thể bị hội chứng này từ khi mới sinh ra (bẩm sinh).
Bên cạnh đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng không dung nạp đường lactose là:
- Tuổi cao: Không dung nạp Lactose thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành và ở nhóm người lớn tuổi.
- Sinh non: Trẻ bị sinh non có khả năng giảm nồng độ lactase vì enzyme này tăng lên trong bào thai muộn ở kỳ thứ 3.
- Những bệnh liên quan đến ruột non: Những vấn đề về ruột non có thể gây tình trạng kỵ lactose bao gồm vi khuẩn phát triển, bệnh Crohn hay bệnh Celiac.
- Điều trị ung thư: Nếu bạn từng xạ trị để chữa trị ung thư vùng bụng hoặc từng bị các biến chứng tiêu hóa do hoá trị, nguy cơ mắc chứng không dung nạp đường lactose của bạn sẽ cao hơn.
4. Không dung nạp đường Lactose và dị ứng sữa khác nhau thế nào?
Trường hợp dị ứng sữa là cơ thể chúng ta dị ứng với các Protein trong sữa, không phải với đường Lactose trong sữa. Dị ứng sữa cũng có thể do sử dụng các Protein được tách ra từ sữa. Dị ứng sữa thực tế là trái ngược với hiện tượng không dung nạp Lactose.
Cơ thể có thể bị dị ứng với một hoặc nhiều loại protein khác nhau, trong đó alpha protein S1-casein có trong sữa bò là tác nhân dị ứng phổ biến nhất.
Dị ứng sữa làm phát sinh các triệu chứng điển hình khi dùng sữa xong như phát ban, sưng mặt, môi và lưỡi, dị ứng da.
Ở trẻ em, các triệu chứng thường là đau bụng dữ dội, nôn mửa và bệnh chàm quanh miệng hoặc nơi quấn tã. Em bé cũng có thể ho, thở khò khè và trong trường hợp phản ứng nghiêm trọng, cổ họng và thanh quản có thể sưng lên, khó thở và da dẻ bắt đầu chuyển màu hơi xanh.
Xem thêm: Cách giải quyết khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, ai làm mẹ cũng nên đọc qua 1 lần
5. Chẩn đoán hội chứng không dung nạp đường Lactose
Nếu cơ thể có những phản ứng sau khi sử dụng các sản phẩm từ sữa như đã nêu ở trên, cần liên hệ ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác, tránh việc nhầm lẫn giữa dị ứng sữa và hội chứng không dung nạp đường Lactose. Một số phương pháp dưới đây hiện đang được áp dụng để chẩn đoán hội chứng.
5.1. Xét nghiệm dung nạp Lactose
Xét nghiệm dung nạp lactose xác định phản ứng của cơ thể với các dạng chất lỏng có chứa hàm lượng lactose cao. Thông qua việc thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đo lượng glucose trong máu để xác nhận nguy cơ mắc hội chứng.
Trong vòng hai giờ sau khi uống, bác sĩ sẽ lấy máu để đo lượng glucose. Nếu mức glucose không tăng, như vậy là cơ thể người bệnh gặp khó khăn trong việc tiêu hóa và hấp thụ đúng cách lactose.
5.2. Xét nghiệm hơi thở hydro
Ở người, chỉ có vi khuẩn - đặc biệt là vi khuẩn kị khí ở đại tràng - có khả năng tạo ra hydro. Khi tiếp xúc với thực phẩm không hấp thụ như đường và carbohydrate, vi khuẩn sẽ tạo ra hydro.
Để tiến hành xét nghiệm, bệnh nhân thổi vào một quả bóng. Nồng độ hydro được đo trong một mẫu hơi thở được lấy ra từ quả bóng. Tiếp ăn một lượng nhỏ đường thử, có thể là lactose, sucrose, sorbitol, fructose, hoặc lactulose. Các mẫu hơi thở bổ sung được thu thập và phân tích hydro trong vòng năm giờ, cứ 15 phút sẽ tiến hành một lần.
5.3. Kiểm tra độ axit phân
Phương pháp này thường áp dụng với các em nhỏ. Nếu lactose không được tiêu hóa, lactose sẽ được lên men, quá trình này tạo ra axit lactic và các axit khác. Thông qua thực hiện kiểm tra, bác sĩ có thể được xác định được loại axit cũng như nồng độ trong phân.
6. Điều trị hội chứng không dung nạp đường Lactose
Khi mắc hội chứng không dung nạp lactose sẽ buộc chúng ta phải giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm từ sữa, tuy nhiên việc cắt giảm này có thể khiến bạn thiếu canxi và một số chất quan trọng.
Hiện tại không có phương pháp điều trị dứt điểm vì không có cách nào để tăng sản xuất enzyme lactase của cơ thể người bệnh. Chính vì vậy, cách điều trị tốt nhất là người bệnh cần có những điều chỉnh phù hợp trong thực đơn ăn uống hàng ngày.
6.1. Một số thực phẩm thay thế cần biết
Bông cải xanh
Vitamin K và canxi trong bông cải xanh sẽ giúp thúc đẩy sức khỏe của xương, ngăn ngừa loãng xương. Hơn nữa, việc cũng cấp nhiều vitamin K cho cơ thể còn làm giảm nguy cơ gãy xương.
Cải kale
Cây cải kale có phần lá xoăn tít màu xanh hoặc tím, chính vì vậy, chúng còn có tên là cải xoăn hay cải xoăn xanh, cải xoăn tím. Cải kale có chứa rất nhiều vitamin K. Ngoài ra, lượng kali cùng với vitamin C trong cải xoăn cũng giúp cải thiện kết cấu xương, đồng thời có thể bảo tồn mật độ xương, giúp hệ xương chắc khỏe hơn.
Đậu nành/Đậu phụ
Một cốc 155g edamame đậu nành cung cấp 10% nhu cầu canxi hàng ngày. Đậu phụ cũng có lượng canxi đặc biệt cao. Chỉ tiêu thụ 126g đậu phụ là bạn có thể nhận được 86% nhu cầu hàng ngày.
Xem thêm: Sữa đậu nành có thể ‘thay thế sữa bò’ trong công thức nấu ăn, vì những lợi ích sau đây
Khoai lang
Một củ khoai lang cung cấp khoảng 55 mg canxi và một bát khoai lang chín có khoảng 76 mg chất này.
Cam
Cam nổi tiếng vì khả năng cung cấp vitamin C, nhưng 1 quả cam lớn cũng chứa 74mg canxi, 7% nhu cầu canxi hàng ngày của bạn.
Chuối
Chuối cung cấp kali và chất điện phân giúp ngăn ngừa sự thoái hóa của xương và tăng lượng canxi của cơ thể lên mức hợp lý. Chuối cũng giúp tăng cường độ nhạy bén của hệ thần kinh, tăng khả năng miễn dịch và trao đổi chất của cơ thể.
Hạt dẻ
Trong các loại quả hạch, hạt dẻ chứa hàm lượng canxi cao nhất, hàm lượng canxi trong 100g hạt dẻ lên tới 815mg, có thể đáp ứng đủ nhu cầu canxi mỗi ngày cho người trưởng thành. Nhưng lượng calo trong các loại quả hạch khá cao, nên hạn chế ăn nhiều.
Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến hội chứng không dung nạp đường Lactose. Lưu ý rằng, khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, không nên chủ quan mà cần đến khám chuyên khoa để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn!