Viêm phần phụ là gì ? Triệu chứng bị bệnh và cách điều trị hiệu quả

(VOH) – Viêm phần phụ là một căn bệnh phụ khoa khá phổ biến ở chị em. Bệnh nếu không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe phụ nữ như mang thai ngoài tử cung, vô sinh...

1. Viêm phần phụ là gì?

Phần phụ ở phụ nữ bao gồm: buồng trứng, vòi tử cung (vòi trứng), hệ thống dây chằng rộng. Viêm phần phụ được hiểu đơn giản là một bệnh phụ khoa gây nên hiện tượng viêm nhiễm xảy ra ở phần phụ. Viêm phần phụ thường khởi phát ở vòi trứng sau đó lan ra xung quanh.

Viêm phần phụ là hậu quả của việc quan hệ không an toàn, nhất là trong những trường hợp có nhiều bạn tình, giữ vệ sinh vùng kín không sạch sẽ.

Việc thực hiện các thủ thuật như: đặt vòng và tháo vòng tránh thai, nạo phá thai không an toàn, nạo sót rau, chụp tử cung vòi trứng không đảm bảo vô trùng... cũng có thể gây viêm phần phụ.

1.1 Tác nhân gây bệnh

Đa số các trường hợp bị viêm phần phụ thường do các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu cầu, Chlamydia trachomatis. Cũng có khi do các vi khuẩn khác như Bacterial Vaginalis, Haemophilus influenza, Streptococcus agalactiae, Mycoplasma hominis, E. coli,… gây ra.

Ngoài ra, tất cả các phần phụ như vòi trứng, buồng trứng, dây chằng đều có thể bị viêm do các nguyên nhân gặp trong viêm cổ tử cung, âm đạo khi không được điều trị sớm, đúng cách.

2. Triệu chứng khi bị viêm phần phụ

Viêm phần phụ ở phụ nữ thường có 2 hình thái chính là: viêm phần phụ cấp tính và viêm phần phụ mãn tính. Tuy nhiên, khi hình thái mãn tính bùng phát sẽ gây nên hình thái bán cấp.

2.1 Dấu hiệu viêm phần phụ cấp tính

Viêm phần phụ cấp tính thường có diễn tiến rầm rộ. Triệu chứng thường gặp là:

  • Đau vùng bụng dưới đột ngột, cơn đau tăng lên khi đi lại và thường đau cả hai bên (chiếm 90% các trường hợp).
  • Rối loạn kinh nguyệt (chiếm 50% các trường hợp).
  • Nặng nề ở vùng bụng dưới gây ra tình trạng mót rặn, đi phân lỏng, khó tiểu hoặc tiểu không hết nước tiểu (chiếm 15 – 25% các trường hợp).
  • Dấu hiệu kèm theo: sốt cao có khi trên 39 độ C, có thể bị nôn hoặc buồn nôn.

bieu-hien-viem-phan-phu-o-phu-nu-la-gi-co-cach-nao-dieu-tri-voh

Viêm phần phụ cấp tính nếu không được điều trị đúng cách sẽ tiến triển thành mãn tính (Nguồn: Internet)

2.2 Dấu hiệu viêm phần phụ mãn tính

Là hậu quả của viêm phần phụ cấp tính không được điều trị đầy đủ, kịp thời. Triệu chứng thường gặp:

  • Đau vùng hạ vị hoặc hai bên hố chậu, thường có một bên đau nhiều hơn.
  • Cơn đau thường có sự thay đổi về cường độ, thời gian, có thể xuất từng cơn hoặc liên tục. Khi đi lại nhiều hoặc làm việc nặng cơn đau sẽ tăng, khi nghỉ ngơi cơn đau sẽ giảm.
  • Khí hư không nhiều hoặc không đặc hiệu.
  • Một số trường hợp phụ nữ bị viêm phần phụ có thể ra máu bất thường trước hoặc sau khi hành kinh, có khi bị rong kinh.

Viêm phần phụ mãn tính tuy không rầm rộ nhưng lại gây cho bệnh nhân rất nhiều khó chịu và khó điều trị khỏi hoàn toàn. Vi khuẩn vẫn còn tồn tại và thỉnh thoảng lại bùng phát một đợt bán cấp.

Triệu chứng viêm phần phụ bán cấp:

  • Đau âm ỉ vùng hạ vị hoặc thắt lưng, có khi đau nhói.
  • Thường bị rong kinh
  • Khí hư có mùi hôi hoặc không đặc hiệu.
  • Sốt nhẹ từ 37.5 – 38 độ C.

Bên cạnh đó, một số chị em phụ nữ còn gặp các hiện tượng đau rát vùng kín, đau khi giao hợp, đau ngang thắt lưng, rối loạn tiêu hóa... Những dấu hiệu này thường khá giống với các bệnh phụ khoa khác. Do vậy, nếu gặp phải các triệu chứng trên các chị em cần đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác bệnh.

3. Viêm phần phụ ở phụ nữ gây ra những hậu quả gì?

Khi không được điều trị sớm và đúng cách, tình trạng viêm nhiễm phần phụ có thể gây ra nhiều hậu quả như: viêm phúc mạc đáy chậu, áp xe phần phụ, áp xe buồng trứng, viêm tấy lan tỏa đáy chậu, viêm phúc mạc toàn thể...

bieu-hien-viem-phan-phu-o-phu-nu-la-gi-co-cach-nao-dieu-tri-1-voh

Viêm phần phụ có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe phụ nữ (Nguồn: Internet)

Không dừng lại ở đó, viêm nhiễm phần phụ còn có thể có các đợt tái phát nặng hoặc nhẹ khi có nhiễm khuẩn ở cơ quan sinh dục hoặc ngoài cơ quan sinh dục. Di chứng có thể gặp phải là:

  • Mang thai ngoài tử cung: Khi phần phụ bị viêm thì vòi trứng là nơi có nguy cơ viêm cao nhất. Vòi trứng bị viêm có thể dẫn tới tắc và chít hẹp làm trứng không đi sâu vào bên trong tử cung làm tổ. Do đó, trứng có thể làm tổ ở bên ngoài tử cung và gây ra hiện tượng mang thai ngoài tử cung, rất nguy hiểm cho người phụ nữ.
  • Vô sinh: Viêm phần phụ sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trứng, làm chất lượng trứng bị giảm. Đồng thời, viêm nhiễm vòi trứng có thể làm vòi trứng tắc hoàn toàn khiến trứng không thể gặp được tinh trùng và khiến cho quá trình thụ thai bị cản trở.
  • Ảnh hưởng đến những bộ phận khác trong cơ thể, đặc biệt là bộ phận sinh dục. Viêm phần phụ kéo dài sẽ khiến vi khuẩn lây lan sang các bộ phận xung quanh và gây ra hàng loạt các bệnh phụ khoa khác như viêm âm đạo, âm hộ, viêm tử cung thậm chí là ung thư cổ tử cung,...
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Viêm phần phụ kéo dài khiến cho cơ thể người bệnh bị suy nhược, thường xuyên mệt mỏi, ốm vặt... ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.

4. Cách điều trị viêm phần phụ và phòng ngừa

Viêm phần phụ thường do nhiều loại vi khuẩn gây ra nên rất khó điều trị. Có nhiều phác đồ điều trị khác nhau tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh.

Thông thường, các bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm (dạng uống hoặc đặt ở âm đạo) để điều trị. Các loại thuốc này có tác dụng diệt khuẩn, diệt các tác nhân gây viêm nhiễm. Ngoài ra, có thể phẫu thuật nội soi khi điều trị nội khoa khối viêm giảm ít hoặc khối viêm đã chuyển sang mãn tính.

Phòng ngừa các bệnh viêm phụ khoa nói chung và bệnh viêm phần phụ nói riêng là điều mà các chị em cần phải đặc biệt lưu tâm. Cách phòng ngừa đơn giản và dễ thực hiện nhất chính là:

  • Vệ sinh vùng kín mỗi ngày bằng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, đặc biệt là trong thời gian hành kinh và sau khi giao hợp. Không lạm dụng các chất tẩy rửa mạnh vùng kín.
  • “Quan hệ vợ chồng” an toàn. Sử dụng bao cao su để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Cần điều trị dứt điểm các bệnh phụ khoa như viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm âm đạo... để tránh tình trạng nhiễm khuẩn ngược dẫn đến viêm phần phụ.
  • Đi khám phụ khoa định kỳ. Quan tâm, chăm sóc và lắng nghe cơ thể mỗi ngày, nếu phát hiện có những biểu hiện bất thường như rối loạn kinh nguyệt, vùng kín có mùi, đau bụng thường xuyên... hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám.