Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

7 tác dụng của củ kiệu và những lưu ý khi sử dụng

(VOH) - Khi nhắc đến củ kiệu, mọi người đều nghĩ đến nó như 1 loại rau dưa để ngâm chua ngọt, làm gỏi hoặc xào. Tuy nhiên, ít ai biết rằng tác dụng của củ kiệu còn rất tốt đối với sức khỏe con người.

1. Củ kiệu là gì?

Củ kiệu có tên khoa học là allium chinense, là một loại rau củ ăn được của họ Allium. Củ kiệu có nguồn gốc từ trung Quốc và được trồng ở nhiều nước khác với nhiều tên gọi như: tiểu toán (tỏi nhỏ), tiểu căn toán, dã toán, đại đầu thái tử, hỏa thông,...  Củ kiệu là “họ hàng” gần với hành tây, hẹ tây, tỏi tây, hẹ và tỏi.

Cây củ kiệu thuộc cây thân thảo nhỏ, có thân hành màu trắng, hình trái xoan thuôn. Lá mọc ở gốc, hình dải hẹp, nửa hình trụ, dài 15 - 60cm, rộng 1,5 - 4mm. Cụm hoa hình tán kép trên một cuống hoa dài 15 - 60cm, mang 6 - 30 tán hoa màu hồng hay màu tím), củ có màu trắng, hình tròn hoặc tròn dài giống củ hành nhưng thường nhỏ hơn, củ có nhiều vảy mỏng bọc bên ngoài. 

7-tac-dung-cua-cu-kieu-va-nhung-luu-y-khi-su-dung-voh-7
Hình dáng cây củ kiệu

Kiệu được trồng phổ biến để lấy củ và lá ăn. Với hương vị rất nhẹ và “tươi” nên củ kiệu thường được dùng để làm dưa kiệu muối, lá dùng làm gia vị như một loại rau thơm.

Ngoài ra, củ kiệu còn được dùng để làm thuốc phòng và chữa nhiều loại bệnh, nhất là những người dân ở nơi rừng núi, rét mướt, ẩm thấp.

2. Tác dụng của củ kiệu đối với sức khỏe

Theo nhiều nghiên cứu y học hiện đại, trong củ kiệu chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất. Chính vì thế, thêm củ kiệu vào trong chế độ ăn sẽ mang đến bạn nhiều lợi ích như:

2.1 Giảm cholesterol, tăng cường lưu thông máu

Củ kiệu khi muối chua chứa nhiều acid lactic, chất này có tác dụng giảm đi cholesterol trong máu. Từ đó sẽ giúp giảm đi các mảng bám trong thành mạch máu, tăng cường lưu thông máu tốt hơn. Các bệnh liên quan tới tim mạch, đột quỵ sẽ được giảm đi đáng kể. Đây là tác dụng của củ kiệu được nhiều người tin tưởng nhất.

2.2 Giải cảm, tăng sức đề kháng

Củ kiệu nói riêng hay họ nhà hành nói chung đều có khả năng giải cảm rất tốt. Đó là bởi củ kiệu có vị cay, nóng, tính ấm, kèm theo các hợp chất và vitamin có tác dụng trong việc chữa cảm cúm vô cùng công hiệu. Ngoài ra, sử dụng củ kiệu thường xuyên có thể tăng sức đề kháng của cơ thể do nó có chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng với sức khỏe.

Xem thêm: Nạp nhiều vitamin C bằng viên sủi, cam, chanh.. có phải là cách tăng sức đề kháng nhanh và an toàn ?

2.3 Chống oxy hóa và kháng viêm

Tác dụng của củ kiệu giúp chống oxy hóa và kháng viêm rất tốt. Chất Quercetin dồi dào trong củ kiệu sẽ giúp làm chậm sự phát triển của các tế bào gây hại, ngăn ngừa ung thư xảy ra, tiêu diệt các gốc tự do có hại. Ngoài ra các flavonoid trong củ kiệu còn thúc đẩy cơ thể sản sinh glutathione, đây là chất chống oxy hóa rất mạnh và cực kỳ có lợi cho sức khỏe.

7-tac-dung-cua-cu-kieu-va-nhung-luu-y-khi-su-dung-voh-1
Ăn củ kiệu giúp chống oxy hóa và kháng viêm (Nguồn: Internet)

2.4 Ngăn ngừa nguy cơ ung thư

Củ kiệu có thể được sử dụng để phòng ngừa ung thư phổi, ung thư dạ dày.  Đó là nhờ vào hoạt chất laxogenin có trong củ kiệu có khả năng chống lại các tế bào ung thư vô cùng hiệu quả. Bên cạnh đó các chất chống oxy hóa mạnh trong củ kiệu cũng sẽ tiêu diệt các gốc tự do gây hại, ngăn chặn nguy cơ ung thư phát triển. 

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.5 Cải thiện sức khỏe tim mạch 

Một nghiên cứu khoa học đã cho thấy, tác dụng của củ kiệu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh về tim mạch hơn 60%. Đó là bởi các hợp chất chống oxy hóa trong củ kiệu như Quercetin sẽ giúp ngăn chặn các mảng bám tích tụ trong thành mạch máu. Từ đó sẽ ngăn nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra, bảo vệ hệ tim mạch tốt hơn. 

2.6 Điều trị tiêu chảy, táo bón

Củ kiệu khi muối chua thì sẽ có tác dụng trong điều trị bệnh tiêu chảy và táo bón, đầy bụng khó tiêu thường gặp. Bởi khi được lên men, củ kiệu sẽ có thêm nhiều lợi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa của con người. Kết hợp với các hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn với các lợi khuẩn này sẽ giúp cơ thể ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa.

2.7 Cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cơ thể

Trong củ kiệu có chứa rất nhiều loại vitamin có lợi cho cơ thể như vitamin A, D, E và vitamin K. Ngoài ra còn có các khoáng chất như canxi, sắt, magie,... giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Các acid trong củ kiệu khi được muối chua sẽ giúp việc hấp thụ các khoáng chất trở nên dễ dàng hơn.

3. Củ kiệu có tác dụng gì trong Đông y?

Trong Đông y, củ kiệu có vị cay đắng, tính ấm vào ba kinh phế, vị và đại tràng. Củ kiệu có tác dụng thông dương, hoạt lợi, tán kết, hành khí, giảm đau, làm ấm bụng. Có thể dùng để chữa viêm mũi mạn tính, nôn khan, sưng đau cơ khớp, đau bụng, khó thở....

7-tac-dung-cua-cu-kieu-va-nhung-luu-y-khi-su-dung-voh-0
Củ kiệu được dùng như một vị thuốc trong đông y (Nguồn: Internet)

Trong sách Cây rau làm thuốc của PGS.TS Võ Văn Chi (NXB Đồng Tháp) có nêu một số cách chữa bệnh từ củ kiệu sau đây:

  • Phụ nữ có thai bị lạnh bụng, động thai: Dùng củ kiệu (32gr), đương quy (8gr), sắc uống.
  • Chữa kiết lỵ: Dùng một nắm củ kiệu nấu cho ăn.
  • Chữa bị bỏng: Dùng củ kiệu giã nhỏ, hòa với mật ong, vắt lấy nước bôi vào vết bỏng.
  • Nôn khan: Dùng củ kiệu 1 nắm, nước 500ml, đem sắc còn 250ml, uống ngày 3 lần. Uống trong 3 ngày.

4. Bà bầu ăn củ kiệu được không?

Mặc dù không phải là món ăn phổ biến nhưng một số mẹ lại cực kỳ thích ăn của kiệu trong thai kỳ, nhất là khi củ kiệu được ngâm muối (dưa kiệu muối). Có một số bà bầu chỉ thèm củ kiệu muối ở những tháng nhất định, trong khi một số khác thì lúc nào cũng thèm.

Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng khi bỗng nhiên bạn cảm thấy mình thèm món ăn này quá mức, bởi bạn không phải là người duy nhất trải qua tình trạng này. Nếu bạn chỉ ăn một ít và bản thân không bị dị ứng với món ăn này thì việc dùng nó trong thời gian mang thai sẽ không gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

7-tac-dung-cua-cu-kieu-va-nhung-luu-y-khi-su-dung-voh-2
Bà bầu có thể sẽ rất thích món củ kiệu muối (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một vài lợi ích về sức khỏe khi bà bầu ăn rau củ kiệu muối chua trong khoảng thời gian mang bầu:

  • Giúp cân bằng điện giải;
  • Không có cholesterol và chất béo;
  • Hỗ trợ hệ tiêu hóa;
  • Giàu chất chống oxy hóa;
  • Giàu vitamin và khoáng chất.

Xem thêm: Bà bầu ăn củ kiệu được không? Ăn 'nhanh tiêu' nhưng phải cẩn trọng 3 mối nguy này?

4. Ai không nên ăn củ kiệu?

Củ kiệu rất tốt cho sức khỏe nhưng không vì thế mà bạn ăn quá nhiều. Đặc biệt là những đối tượng sau đây:

  • Người bị khí hư không nên sử dụng củ kiệu vì dễ bị tổn thương khí huyết nặng hơn, ảnh hưởng lục phủ ngũ tạng
  • Người bị đau đầu cũng không nên sử dụng củ kiệu vì có thể làm tình trạng trở nên nặng hơn
  • Người mắc bệnh dạ dày không nên sử dụng quá nhiều có thể gây ra dư thừa axit trong dạ dày, tăng nguy cơ loét dạ dày và trào ngược dạ dày.

5. Cách phân biệt củ kiệu và củ hành

Nhiều người cứ lầm tưởng củ kiệu và củ hành 1 một nhưng thực tế 2 loại củ này cùng họ hàng nhưng khác nhau các hình dáng và kích thước:

  • Củ kiệu: Phần củ thon, dài và nhỏ hơn hành củ, có màu tím nhạt, hương vị hơi nồng và cay gắt.
  • Củ hành: Thân màu trắng, to và tròn hơn củ kiệu, hương vị hăng cay

6. Cách mua củ kiệu ngon

Để có thể làm món dưa món củ kiệu ngon thì khâu lựa chọn mua cũng hết sức quan trọng, bạn nên lựa nhưng củ kiệu dựa vào 2 tiêu chí sau:

  • Kích thước củ kiệu: Nên quan sát lựa các củ có thân nhỏ vừa phải, tránh lựa các củ có thân quá to vì dễ hăng cay nồng và ăn sẽ rất khó chịu. Những củ có thân nhỏ thì khi làm sẽ dễ thấm đều gia vị, vừa ăn, có độ thơm và giòn hơn.
  • Hinh dáng củ: Nên chọn những củ không bị dập, màu trắng tươi, không bị úng và trầy xước.

7. Giá trị dinh dưỡng của củ kiệu 

Như đã nói, củ kiệu là thực phẩm có nhiều lợi ích với sức khỏe con người. Để có được những công dụng tốt này củ kiệu phải chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. Theo nghiên cứu, cứ 100g củ kiệu sẽ chứa các thành phần sau đây: 

  • Nước: 89.5 g
  • Năng lượng: 24 Kcal
  • Chất đạm: 1.3 g
  • Chất đường bột: 4.7 g
  • Chất xơ: 1.2 g
  • Canxi: 50 mg
  • Sắt: 1.20 mg
  • Photpho: 35 mg
  • Vitamin C: 12 mg
  • Vitamin B1: 0.05 mg
  • Vitamin B2: 0.10 mg

Như vậy, tác dụng của củ kiệu giúp thông hoạt lợi, thông dương, tán kết, hành khí, giảm đau. Ngoài ra, củ kiệu còn giúp bữa ăn thêm phần ngon miệng nhờ vào vị chua chua ngọt ngọt, vô cùng dễ ăn. Tuy nhiên, bạn cũng cần ghi nhớ những lưu ý trên đây và hạn chế ăn khi đói hay quá nhiều món ăn này.

Bình luận