Nếu như trước đây bà nội trợ thường phải cất công mua gà nguyên con thì ngày nay, tùy theo khẩu vị còn có thể lựa chọn từng bộ phận riêng lẻ của gà như cánh gà, đùi gà, ức gà hay chân gà để dễ dàng “biến tấu” hơn. Trong đó các món ngon từ chân gà vốn rất được yêu thích, thậm chí chúng không chỉ đơn thuần là món “nhấm nháp” mà còn có công dụng như những bài thuốc cải thiện sức khỏe nữa đấy!
1. Chân gà chiên mắm
Vẫn là chân gà giòn sần sật nhưng được tẩm ướp với mắm đường đậm vị rồi chiên vàng ươm, làm nên món chân gà chiên mắm vô cùng hấp dẫn.
1.1 Nguyên liệu
- Chân gà: 6 – 8 chiếc (tùy theo nhu cầu)
- Hành tím
- Tỏi
- Gia vị: dầu mè, nước mắm, đường, hạt tiêu
1.2 Cách làm chân gà chiên mắm
- Ngâm rửa sạch chân gà, làm sạch bằng với hột, giấm hoặc rượu trắng rồi để ráo nước, cắt bỏ móng. Tiếp đến đem ướp với tỏi băm nhỏ, hạt tiêu, dầu mè và trộn thật đều.
- Cho dầu vào chảo, bật bếp, khi dầu nóng thì tiến hành chiên chân gà cho đến khi chín vàng đều thì gắp ra.
- Phi thơm hành tím, tỏi băm nhỏ rồi trút hỗn hợp đường và nước mắm vào chưng. Đợi hỗn hợp sôi thì trút chân gà vào đảo đều, tới khi nước mắm đường quyện dính trên chân gà là có thể tắt bếp.
- Rắc hạt tiêu lên rồi thưởng thức.
Xem thêm: Tìm hiểu những tác dụng của hạt tiêu, đâu phải cứ cay nóng là có hại
2. Chân gà ngâm sả tắc
Một trong những món ngon từ chân gà đang “làm mưa làm gió” và khiến bao người mê mẩn chắc hẳn phải nhắc tới chân gà ngâm sả tắc. Với vị chua dịu của trái tắc, thêm chút cay thơm từ cây sả với vài lát ớt, lát gừng – tất cả hòa quyện lại tạo nên món ăn ngon khó cưỡng.
Xem thêm: Chân gà ngâm sả tắc - món ăn mới nhắc đã gây thèm!
3. Chân gà rang muối
Chân gà rang muối với lớp da giòn rụm, thấm vị muối mằn mặn, phần sụn bên trong mềm vừa đủ độ, nhâm nhi hoài không chán.
3.1 Nguyên liệu
- Chân gà: 10 – 14 chiếc (tùy nhu cầu)
- Gạo tẻ: 20g
- Gạo nếp: 20g
- Đậu xanh không vỏ: 20g
- Lá chanh
- Bột năng: 10g
- Trứng gà: 1 quả
- Gia vị: muối, hạt nêm, nước mắm, đường, hạt tiêu
3.2 Cách làm chân gà rang muối
- Làm sạch chân gà với rượu trắng, để ráo nước và cắt bỏ móng. Sau đó đem ướp chân gà nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu đường, lòng đỏ trứng gà, lá chanh và sả đập nhỏ, để khoảng 20 – 30 phút.
- Vo sạch gạo nếp, gạo tẻ trong nước ấm 15-20 phút. Còn đậu xanh thì ngâm từ 7 – 8 tiếng.
- Lần lượt rang các loại hạt trên riêng với muối tới khi khô giòn. Chú ý đừng rang chung vì độ chín giòn của mỗi hạt sẽ khác nhau.
- Cho toàn bộ gạo, đậu, muối vào cối xay nhuyễn mịn.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, đợi dầu sôi bạn cho sả và lá chanh vào chiên dậy mùi thơm thì vớt ra để riêng.
- Lăn chân gà đã ướp qua bột năng rồi cho vào chảo dầu nóng chiên vàng giòn.
- Tiếp đến cho chân gà, lá chanh, sả vào chảo mới, rắc muối gạo đậu đã vào xốc đều để bột muối bám đều lên chân gà, duy trì lửa vừa, đảo đều đến khi gà vàng ruộm nhưng không bị quá khô thì có thể tắt bếp và thưởng thức món.
4. Chân gà xào sả ớt
Nếu không muốn ngâm chua ngọt với tắc, bạn có thể kết hợp xào chân gà với sả ớt, đảm bảo không kém phần hấp dẫn đâu nhé!
4.1 Nguyên liệu
- Chân gà: 6 – 8 chiếc (tùy nhu cầu)
- Sả: 1 – 2 cây
- Tỏi
- Ớt tươi
- Gia vị: nước mắm, hạt tiêu, hạt nêm
4.2 Cách làm chân gà xào sả ớt
- Làm sạch chân gà với rượu trắng hoặc giấm ăn, sau đó vớt để ráo, chú ý cắt bỏ móng. Đem luộc sơ chân gà khoảng 2 – 5 phút, tránh luộc quá lâu làm mất độ giòn.
- Rửa sạch sả, băm nhuyễn nhỏ. Tỏi cũng đem băm nhuyễn nhỏ.
- Phi thơm tỏi và sả, cháy xém, có mùi thơm thì cho chân gà vào đảo cùng, để lửa nhỏ, nêm nếm gia vị vừa ăn và đảo đều tay khoảng 5 phút là được.
Xem thêm: Tỏi ‘xứng danh’ gia vị tuyệt hảo, vị thuốc tuyệt vời nhờ 12 công dụng cực tốt cho sức khỏe
5. Chân gà luộc
Nói đến cách chế biến chân gà đơn giản và dễ dàng thực hiện thì có lẽ không thể bỏ qua món chân gà luộc. Thế nhưng để phần da không bị nứt cũng như vẫn giữ được độ dai, giòn của gân gà bạn cần phải biết một mẹo nhỏ dưới đây.
5.1 Nguyên liệu
- Chân gà: 6 – 8 chiếc (tùy nhu cầu)
- Sả
- Gừng
- Lá chanh
5.2 Cách làm chân gà luộc
- Sơ chế sạch chân gà với rượu trắng hoặc giấm ăn, cắt bỏ móng. Sau đó đập dập sả, gừng và lá chanh rồi ướp chân gà khoảng 20 phút.
- Xếp chân gà vào nồi, đong lượng nước vừa đủ (cao hơn mặt chân gà khoảng 1 – 2 đốt ngon tay là được). Khi nước sôi thì hạ lửa nhỏ dần, luộc thêm khoảng 5 – 6 phút thì tắt bếp, ngâm khoảng 2 phút. Sau đó, cắt lá chanh vào, đun chân gà thêm 2 phút nữa là hoàn thành.
- Sau khi vớt chân gà ra, hãy ngâm trong nước lạnh từ 3 – 5 phút, đảm bảo giữ độ giòn.
6. Chân gà nướng sa tế
Đối với những tín đồ mê mẩn hương vị cay nồng của sa tế, chân gà nướng sa tế đích thị là gợi ý cực kì lý tưởng nên thêm ngay vào thực đơn. Đặc biệt, để tận hưởng trọn vẹn nhất, đừng quên dùng quen với sốt muối ớt xanh.
Xem thêm: Cách làm chân gà nướng sa tế cay cay, dai dai chiêu đãi bản thân
7. Chân gà sốt cay
Tại các quốc gia châu Á khác, điển hình như Hàn Quốc, các món ăn từ chân gà cũng có “độ phủ sóng” rất rộng rãi. Theo đó, chân gà sốt cay là một lựa chọn ngon hết sảy nhờ vào vị chua dịu từ tương cà, chút cay thơm từ tương ớt và cả vị ngọt dịu hài hòa của đường.
7.1 Nguyên liệu
- Chân gà: 10 chiếc (tùy theo nhu cầu)
- Tương ớt Hàn Quốc (hoặc ớt bột): 50g
- Tương cà
- Mè trắng
- Tỏi
- Hoa hồi: 2 – 3 bông
- Quế: 1 thanh
- Gia vị: đường, nước tương, hạt tiêu
7.2 Cách làm chân gà sốt cay
- Sơ chế sạch chân gà với rượu trắng, để ráo nước rồi cắt thành các miếng vừa ăn hoặc giữ nguyên tùy ý nhưng phải cắt bỏ móng.
- Rửa sạch hoa hồi và quế. Cho chân gà vào nồi, thả hoa hồi, quế và đong lượng nước vừa đủ, đun sôi khoảng 20 phút, không cần luộc chân gà quá chín.
- Phi thơm tỏi băm nhỏ, trút hỗn hợp sốt gồm tương ớt, tương cà và đường, đun sôi rồi trút chân gà vào. Đảo đều tay tới khi sốt quyện dính với chân gà là được.
- Rắc mè trắng đã rang thơm lên gà rồi thưởng thức.
Xem thêm: Khám phá 16 công dụng của hạt mè - loại hạt 'nhỏ nhưng có vỏ'
8. Chân gà hấp tàu xì
Chân gà sốt cay nổi tiếng tại Hàn Quốc thì chân gà hấp tàu xì lại là món khai vị tạo nên thương hiệu cho ẩm thực Trung Hoa. Chân gà được hầm chín nhừ, nước sốt sánh đặc, thơm phức mùi tương đậu, quế hồi, lạ mà rất ngon.
8.1 Nguyên liệu
- Chân gà: 6 – 8 chiếc (tùy nhu cầu)
- Banking soda: 15g
- Bột năng: 100g
- Tương đậu đen
- Tỏi
- Gừng
- Quế: 1 – 2 thanh
- Hoa hồi
- Gia vị: nước tương, dầu hào, hạt tiêu, dầu mè
8.2 Cách làm chân gà hấp tàu xì
- Sơ chế sạch chân gà với giấm ăn hoặc rượu trắng, ngâm khoảng 15 phút để sạch hết nhớt, cắt bỏ móng.
- Rửa sạch gừng, quế và hoa hồi.
- Trộn đều chân gà với bột năng, xóc thật đều rồi đem chiên vàng giòn khoảng 5 – 7 phút, rồi vớt ra, nhanh chóng vớt chân gà ra và thả vào 1 tô nước đá, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thêm 30 phút giúp da gà phồng lên sau khi nấu.
- Ướp chân gà với nước tương, dầu hào, hạt tiêu, tương đậu đen và dầu mè.
- Phi thơm gừng tỏi, trút chân gà vào đảo đều khoảng 2 phút tới khi sốt sệt quyện, đong lượng nước ngập chân gà, hầm với lửa nhỏ trong 10 phút. Sau đó cho hoa hồi, quế vào hầm cùng, nên mở nắp nồi, đảo chân gà liên tục để không bị dính đáy nồi.
- Duy trì hầm nhỏ lửa tới khi chân gà mềm nhừ là hoàn thành món.
Xem thêm: 10 lợi ích từ cây quế và những tác dụng phụ cần lưu ý khi sử dụng
9. Chân gà hầm đậu phộng
Trong thực đơn dinh dưỡng dành cho người bệnh đau nhức xương, chân gà hầm đậu phộng là món ngon từ chân gà cực kì nổi tiếng thường được các chuyên gia sức khỏe khuyến khích bổ sung.
9.1 Nguyên liệu
- Chân gà: 6 cái
- Đậu phộng: 300g
- Hành tím
- Hành lá
- Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu
9.2 Cách làm chân gà hầm đậu phộng
- Sơ chế sạch nhớt chân gà với rượu trắng, giữ nguyên hoặc chẻ thành miếng nhỏ tùy ý. Dùng kéo cắt bỏ móng.
- Đem ướp chân gà với nước mắm, hạt nêm và hạt tiêu khoảng 30 – 45 phút cho thấm vị.
- Phi thơm hành tím, trút chân gà vào đảo sơ trước, đong lượng nước vừa ăn rồi thêm đậu phộng vào.
- Hầm với lửa nhỏ tới khi đậu và chân gà đều chín mềm, cắt hành lá vào là hoàn thành món ăn.
Xem thêm: Tự làm 10 món ngon từ lạc (đậu phộng) khiến cả nhà mê tít
10. Chân gà hầm đậu đen
Bên cạnh chân gà hầm đậu phộng, trong Đông y, chân gà hầm đậu đen cũng được xếp vào nhóm món ăn bài thuốc thích hợp để bồi bổ cho người đang suy nhược cơ thể hay mắc chứng mất ngủ kéo dài. Đậu đen thơm bùi hầm nhuyễn mịn, chân gà mềm thơm thấm vị đậm đà, ăn ngon miệng mà còn tốt cho sức khỏe.
Xem thêm: Cách làm chân gà hầm đậu đen – món ăn vừa ngon vừa tẩm bổ ‘đủ đường’
11. Nộm chân gà
Để chế biến thành công món nộm chân gà, bạn cần “chịu khó” dành thời gian rút xương gà, rồi tẩm ướp và trộn đều với đậu phộng rang thơm, cà rốt cùng dưa leo thanh mát, cho ra đời món nộm đầy mới lạ.
11.1 Nguyên liệu
- Chân gà: 10 chiếc (tùy nhu cầu)
- Tỏi
- Gừng
- Ớt tươi
- Đậu phộng rang
- Cà rốt: 1 củ
- Dưa leo: 1 trái
- Nước cốt chanh
11.2 Cách làm nộm chân gà
- Làm sạch chân gà với giấm ăn hoặc rượu trắng để loại bỏ mùi tanh, cắt bỏ móng.
- Luộc chín chân gà từ 10 – 15 phút, rồi vớt ra ngâm trong nước lạnh khoảng 5 phút để chân gà giòn hơn.
- Sử dụng dao nhỏ khứa giữa các phần ngón chân và giữa chân. Sau đó rút từng phần khớp xương ra khỏi phần da gà.
- Gọt vỏ cà rốt rồi bào thành sợi nhỏ. Dưa leo cũng đem gọt vỏ, bào nhỏ.
- Trộn đều dưa leo và cà rốt, thêm chút muối, vắt bớt nước để giảm bớt vị hăng.
- Bóc vỏ đậu phộng, đập nhuyễn nhỏ.
- Hòa giấm, đường cát trắng cùng chút hạt nêm, sau đó rưới lên hỗn hợp chân gà rút xương, cà rốt, dưa leo. Rắc đậu phộng cùng hạt tiêu, ngò rí lên là có thể thưởng thức.
Không phải là phần tập trung nhiều thịt như các bộ phận khác song chính cái sần sật, giòn giòn của lớp da và gân mà những món ngon từ chân gà vẫn khiến nhiều người “khoái khẩu”. Mong rằng 11 công thức chế biến trên đây sẽ “cứu cánh” cho bạn khi chưa biết chân gà làm món gì ngon nhé!