Chờ...

Ăn chân gà có tốt không và lưu ý cần biết khi thưởng thức

(VOH) – Từ lâu, chân gà đã trở thành món nhấm nháp ‘khoái khẩu’ của nhiều người, thậm chí còn là ‘biểu tượng’ món ăn đường phố tại nhiều đất nước trên thế giới. Vậy ăn chân gà có tốt không?

So với các bộ phận khác của gà, cấu trúc của chân gà khá “khẳng khiu” và chỉ toàn da bọc xương. Thế nhưng thành phần dinh dưỡng cùng tác dụng của chân gà với sức khỏe như thế nào mà lại có “chỗ đứng” vững chãi trong văn hóa ẩm thực của các quốc gia? Cùng tìm hiểu rõ hơn về thực phẩm đặc biệt này trong bài viết dưới đây nhé!

1. Ăn chân gà có tốt không?

Tuy không có hình dáng “mập mạp” hay tập trung nhiều lượng thịt gà, song theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguồn chất dinh dưỡng từ chân gà cũng vô cùng “đáng nể”. Vì vậy, nếu biết chế biến đúng cách và cân đối liều lượng thì ăn chân gà có tốt cho sức khỏe, mang đến những lợi ích tuyệt vời như:

1.1 Củng cố xương khớp

Một trong những tác dụng của chân gà được ghi nhận trong cả y học cổ truyền và hiện đại đó là củng cố xương khớp chắc khỏe.

Cụ thể, bó sợi gân ở chân gà cung cấp hàm lượng vô cùng dồi dào các khoáng chất cần thiết cho hệ vận động, điển hình như canxi, kẽm, photpho hay magie. Chúng sẽ trực tiếp “góp mặt” vào quá trình hình thành tế bào xương mới, tăng kết nối khớp xương và phòng ngừa nguy cơ bị loãng xương sớm.

an-chan-ga-co-tot-khong-va-luu-y-can-biet-khi-thuong-thuc-voh-0
Các khoáng chất từ phần gân của chân gà rất tốt cho xương khớp (Nguồn: Internet)

1.2 Ngăn ngừa lão hóa da

Nhắc đến các nhóm thực phẩm giàu collagen có lẽ không nên bỏ qua chân gà. Theo đó, lượng collagen “hội tụ” ở phần da lẫn sợi gân của chân gà cao hơn rất nhiều những bộ phận còn lại của gà. Collagen sẽ tăng độ đàn hồi cho lớp biểu bì dưới, hỗ trợ tái tạo vùng da bị tổn thương, từ đó ngăn ngừa tình trạng thâm sạm hay lão hóa da.

Xem thêm: Collagen – không chỉ giúp đẹp da, mượt tóc mà còn phòng ngừa được bệnh tật, bạn đã biết chưa?

1.3 Cải thiện sức khỏe móng

Cùng với các khoáng chất và collagen, các phân tích dinh dưỡng còn nhận thấy trong chân gà có chứa glycine, hidroksipolin cùng proline. Các hoạt chất này đều để lại tác động tích cực tới sự phát triển và độ bền khỏe của móng tay, móng chân.

1.4 Làm lành vết thương

Không chỉ giúp duy trì làn da sáng khỏe, collagen cùng protein trong chân gà còn kết hợp với nhau hồi phục các tế bào và vùng mô bị tổn thương. Từ đây đẩy nhanh tốc độ lành vết thương, xóa mờ sẹo cũng như tái tạo lớp da mới.

Xem thêm: Không chỉ làm tăng nguy cơ bị sẹo, những loại thực phẩm này còn cản trở tốc độ chữa lành vết thương hở trên da

1.5 Bảo vệ răng miệng

Tác dụng của chân gà với việc bảo vệ răng miệng cũng được đánh giá rất cao. Điều này là bởi collagen từ chân gà sẽ tham gia cấu thành nên răng và nướu, đồng thời kích thích sản sinh men răng để hạn chế các cơn đau răng hay tình trạng viêm nha chu.  

1.6 Giải tỏa căng thẳng

Nếu đang trải qua khoảng thời gian mệt mỏi, áp lực bạn có thể sẽ cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn khi có cơ hội nhâm nhi những món ngon từ chân gà. Không đơn thuần là “món ăn chơi”, hoạt chất arginine được tìm thấy trong chân gà sẽ tác động tới não bộ, ức chế quá trình sản sinh các hormone gây căng thẳng.

an-chan-ga-co-tot-khong-va-luu-y-can-biet-khi-thuong-thuc-voh-1
Nhấm nháp chân gà cũng là cách giải tỏa căng thẳng hữu hiệu (Nguồn: Internet)

1.7 Tốt cho tim mạch

Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng nếu bổ sung chân gà với lượng hợp lý trong khẩu phần ăn, bạn có thể chủ động giữ gìn một trái tim khỏe mạnh. Lượng collagen mà chân gà mang lại khi vào cơ thể sẽ góp phần tăng độ dày và độ bền của thành mạch máu, ngặn chặn những tổn thương đứt hoặc vỡ mạch máu, đảm bảo duy trì dòng tuần hoàn máu mang oxy tới tim.

Xem thêm: Những giải pháp phòng tránh bệnh tim mạch mà bạn nên biết

1.8 Tăng cường sức đề kháng

Nhờ chứa đa dạng khoáng chất quan trọng với cơ thể, ăn chân gà có tác dụng cải thiện thể trạng và tăng cường sức đề kháng khá hữu hiệu.

1.9 Kiểm soát đường huyết

Các thí nghiệm kiểm tra tác động của những dưỡng chất từ chân gà với điều hòa đường huyết ổn định tới nay mới chỉ dừng lại trên động vật. Dù vậy, lợi ích này rất tiềm năng và nhận nhiều kì vọng vì protein từ chân gà có thể kích thích peptide-1 để hạn chế hiện tượng kháng insulin ở người bệnh tiểu đường.

Xem thêm: Bệnh tiểu đường nên ăn gì để kiểm soát đường huyết hiệu quả?

2. Ăn chân gà bị run tay – đúng hay sai?

Bên cạnh các tác dụng của chân gà hỗ trợ phòng ngừa và cải thiện các vấn đề sức khỏe, có không ít “đồn thổi” ăn chân gà bị run tay hay làm gân xương yếu đi. Thế nhưng, chúng ta biết rằng run tay thường xảy ra do một số tế bào thần kinh điều khiển vận động bị tổn thương, khiến bạn khó kiểm soát bạn tay, run khi làm động tác có chủ ý hoặc rung lắc khi giơ tay lên.

Chính vì thế, cho tới nay, các chuyên gia sức khỏe đều nhận định rằng ăn chân gà bị run tay là không đúng và thiếu bằng chứng y khoa.

3. Gợi ý các món ăn từ chân gà

Không quá đắt đỏ, lại dễ dàng chế biến ngay tại nhà và thưởng thức vào mùa nào trong năm cũng đều hấp dẫn nên các món ăn chân gà luôn rất được ưa chuộng.

an-chan-ga-co-tot-khong-va-luu-y-can-biet-khi-thuong-thuc-voh-2
Các món ăn từ chân gà rất đa dạng, hấp dẫn (Nguồn: Internet)

Với nguyên liệu chính là chân gà, thêm thắt các gia vị quen thuộc, bạn hoàn toàn có thể “biến tấu” những món ngon độc đáo sau:

  • Chân gà ngâm sả tắc
  • Chân gà hầm đậu đen
  • Chân gà nướng sa tế
  • Chân gà luộc
  • Chân gà chiên mắm
  • Chân gà rang muối

4. Ăn chân gà có béo không?

Là một món ăn nhấm nháp “vui miệng” song chân gà cũng khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ mập lên sau khi ăn. Tuy nhiên, ăn chân gà có béo không thực tế còn phụ thuộc vào lượng chân gà bạn tiêu thụ và cách chế biến ra sao.

Dựa trên phân tích dinh dưỡng, trung bình 100g chân gà chỉ bổ sung cho bạn khoảng 215kcal (nhỏ hơn mức năng lượng mà cơ thể có thể hấp thu và chuyển hóa là 2000kcal/ngày) nên bạn có thể yên tâm dùng từ 100 – 200g chân gà (4 – 5 chiếc) trong ngày mà không e ngại cân nặng sẽ tăng lên. Ngoài ra, lời khuyên là bạn nên dùng các món chân gà hấp, luộc và chứa ít dầu mỡ để giữ dáng hiệu quả nhất.

Xem thêm: Điểm danh 15 thực phẩm giảm cân ăn 'thả ga' mà không sợ béo

5. Một số lưu ý cần biết khi ăn chân gà

Để chân gà thực sự trở thành một thực phẩm bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe, bạn phải đảm bảo thực hiện đúng các lưu ý an toàn dưới đây khi ăn:

5.1 Chọn mua từ nguồn uy tín

Thông thường nếu mua gà nguyên con, chúng ta chỉ “gom góp” được 2 chiếc chân gà nên sẽ không đủ để chế biến các món ngon. Do đó, khi cần chân gà với số lượng lớn, bạn phải tìm hiểu và lựa chọn nguồn cung cấp uy tín, tránh ngâm tẩm hóa chất hay tẩy trắng chân gà.

an-chan-ga-co-tot-khong-va-luu-y-can-biet-khi-thuong-thuc-voh-3
Nên chọn mua chân gà từ nguồn cung cấp uy tín, tránh bị tẩy trắng hoặc ngâm tẩm (Nguồn: Internet)

5.2 Không ăn quá nhiều chân gà

Các tác dụng của chân gà chỉ phát huy hiệu quả khi chúng ta ăn với liều lượng vừa đủ và hợp lý. Lời khuyên là mỗi bữa chỉ nên ăn tối đa 5 chiếc chân gà, tuyệt đối không ăn quá nhiều bởi có thể làm rối loạn chuyển hóa và tăng nồng độ mỡ trong máu.

Xem thêm: Biến chứng khôn lường từ rối loạn mỡ máu, chế độ ăn uống giúp phòng ngừa bệnh tật

5.3 Hạn chế cho trẻ nhỏ ăn chân gà

Thực tế thì các dưỡng chất trong chân gà rất thích hợp để “tẩm bổ” cho trẻ nhưng phần xương và gân ở chân rất dễ khiến trẻ hóc nghẹn. Trường hợp muốn thêm chân gà vào thực đơn ăn dặm của bé, tốt nhất cha mẹ hãy xé nhỏ rồi cho con dùng.

6. Thành phần dinh dưỡng của chân gà

Hàm lượng chất dinh dưỡng trong khoảng 70g chân gà (khoảng 2 chiếc) được ước tính như sau:

  • Lượng calo: 150
  • Chất đạm: 14g
  • Chất béo: 10g
  • Carb: 0.14g
  • Canxi: 5% giá trị hàng ngày
  • Photpho: 5% giá trị hàng ngày
  • Vitamin A: 2% giá trị hàng ngày
  • Folate (vitamin B9): 15% giá trị hàng ngày

Vậy là những chiếc chân gà tưởng chừng rất “còi cọc” lại đem đến nguồn chất dinh dưỡng đa dạng và dồi dào đúng không nào. Chỉ cần chúng ta biết cách chế biến khoa học, cân đối hàm lượng trong khẩu phần ăn thì thực phẩm này sẽ giúp bồi bổ sức khỏe đáng kể đấy!