Khoai môn với thành phần dinh dưỡng lý tưởng nên phù hợp cho mọi lứa tuổi. Hơn thế khoai môn khá ngon và cũng có nhiều công thức chế biến đa dạng nên được nhiều người yêu thích. Vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi, bạn có thể lên kế hoạch chế biến những món ngon từ khoai môn để chiêu đãi cả nhà.
1. Chè khoai môn
Bên cạnh các món chè phổ biến như chè bưởi, chè đậu xanh, chè bắp.... thì chè khoai môn cũng mang đến một sức hấp dẫn đặc biệt. Ăn chè khoai môn bạn sẽ cảm nhận được cái vị bùi bùi của khoai môn, dẻo dẻo thơm thơm của nếp và đậu xanh khiến bạn không thể chối từ.
1.1 Nguyên liệu
- Nếp: 200gr
- Khoai môn: 300gr
- Sữa tươi: 100ml sữa tươi
- Nước dão dừa: 900ml
- Nước cốt dừa: 400ml
- Đường, muối
- Nước cốt lá dứa
- Bột năng: 1 muỗng
1.2 Cách làm chè khoai môn
Nước đem ngâm với nước lạnh hoặc nước ấm qua đêm cho nở.
Khoai môn gọt hết vỏ, rửa sạch cắt thành miếng cỡ ngón tay hoặc hình vuông tùy ý, sau đó ngâm trong nước khoảng 2 tiếng rồi vớt ra để ráo.
Cho khoai môn vào nồi cùng 170gr đường và 100ml sữa tươi (đây là cách tăng vị ngọt và vị béo của khoai). Bắc nồi lên bếp nấu cho khoai môn chín rồi tắt bếp. Bạn có thể cho thêm 1 ít muối vào nồi khoai để khoai thêm đậm đà.
Dừa vắt lấy nước cốt, để riêng. Sau đó, tiếp tục vắt để lấy nước dão (lấy khoảng 900ml nước dão), cho nước dão của dừa vào nồi nấu chung với gạo nếp. Khi nếp chín, thêm 100gr đường cùng với nước cốt lá dứa để tạo mùi thơm.
Đun gạo nếp với lửa đến khi toàn bộ nếp nở đều, sánh mịn thì cho khoai môn vào. Sau đó khi thấy nếp nở và sệt lại thì bạn tắt bếp.
Cho nước cốt dừa, 1 muỗng đường và ½ muỗng muối, 1 muỗng bột năng hòa thêm 1 ít nước cho tan. Bắt nồi lên bếp cho hỗn hợp nước cốt dừa vào, nấu sôi, đảo đều rồi tắt bếp.
Múc chè ra chén, chan thêm nước cốt dừa lên trên mặt chè và thưởng thức.
Xem thêm: Trổ tài vào bếp với cách nấu chè bắp thơm ngon, đơn giản tại nhà
2. Bánh khoai môn hấp nước dừa
2.1 Nguyên liệu
- Khoai môn: 300g
- Bột gạo: 185g
- Bột năng: 75g
- Lá cẩm: 50g
- Nước cốt dừa: 400ml
- Muối, đường
2.2 Cách làm bánh khoai môn hấp nước dừa
Khoai môn gọt vỏ, đem đi ngâm với nước muối loãng tầm 10 phút rồi vớt ra để ráo nước một lát thì cắt thành nhiều lát mỏng.
Lá cẩm rửa sạch với nước nhiều lần, bỏ những lá bị sâu, hư rồi vớt để ráo nước.
Bắc chảo lên bếp, cho khoảng 300ml và lá cẩm vào để đun sôi tầm 5 phút thì tắt bếp. Lọc nước lại qua rây và bỏ lá, chỉ giữ lấy nước.
Trộn 150g bột gạo, 50g bột năng, khoảng 120g đường, 1 ít muối, nước lá cẩm khuấy thật đều cho hòa tan bột rồi mới cho tiếp 200ml nước cốt dừa và khuấy tiếp cho hỗn hợp tan đều.
Sau khi khuấy xong thì đổ phần khoai môn đã cắt vào trộn đều cho thấm gia vị. Đổ phần hỗn hợp vào khuôn tròn cho vào nồi hấp khoảng 40 phút cho phần bánh chín đều.
Pha phần bột còn lại: bột năng, bột gạo. nước cốt dừa, đường và khuấy đều cho hòa tan.
Sau khi phần khoai môn chín hẳn thì chế hỗn hợp vùa pha lên trên rồi hấp tiếp khoảng 15 phút thì lấy ra để nguội.
Kiểm tra bánh chín chưa bằng cách dùng tăm xăm nhẹ trên mặt bánh, nếu thấy còn dính thì hấp thêm cỡ 5 phút nữa còn nếu không dính là chín rồi.
Cắt bánh thành hình tam giác cho ra dĩa, chế nước cốt dừa lên dĩa và thưởng thức.
3. Bánh khoai môn lệ phố
Nếu muốn thay đổi khẩu khẩu vị cho cả nhà, bạn có thể thử làm món bánh khoai môn lệ phố - một món ăn vặt khá nổi tiếng. Món bánh này là một sự kết hợp của nhiều nguyên liệu như khoai môn, đậu xanh,.... vô cùng kích thích thị giác mà bất cứ ai khi đã thưởng thức một lần rồi sẽ không thể nào quên được.
3.1 Nguyên liệu
- Khoai môn: 200gr
- Khoang lang tím: 100gr
- Đậu xanh: 100gr
- Đường: 400gr
- Bột nếp: 10gr
- Trứng gà
- Bột mì và bột chiên giòn: mỗi thức 1 chút
- Dầu ăn
3.2 Cách làm bánh khoai môn lệ phố
Khoai môn và khoai lang tím gọt sạch vỏ, rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ, hấp chín. Sau đó, cho khoai ra thau cùng với bột nếp đường, dùng nĩa nghiền nhuyễn khoai khi còn nóng rồi trộn đều để tạo thành một khối bột mềm mịn, dẻo dai. Đây là phần tạo thành vỏ bánh.
Cho đậu xanh đã đồ chín vào thau sạch, cho thêm đường vào rồi trộn đều. Nghiền nhuyễn hỗn hỗn hợp đậu xanh với đường bằng nĩa rồi chia nhân bánh thành nhiều phần nhỏ có trọng lượng bằng nhau, vê tròn nhân bánh xếp ra đĩa.
Vỏ bánh sẽ được chia thành các phần nhỏ, bạn tiến hành ấn dẹt bột ra rồi đặt nhân đậu xanh vào bên trong. Túm bột lại sao cho vỏ bánh bọc kín phần nhân bên trong. Ở bước này, bạn có thể tạo hình bánh theo sở thích của mình.
Bắc chảo lên bếp, đổ dầu ăn vào. Trong thời gian đợi dầu nóng bạn cho bột mì vào một tô riêng. Trứng gà cũng cho vào một tô riêng, đánh đều. Khi dầu nóng, bạn thả từng viên bánh lăn qua từng tô rồi cho bánh vào chảo chiên đến khi vàng giòn đẹp mắt thì vớt ra để trên giấy thấm dầu.
Bánh nguội xếp ra đĩa là có thể thưởng thức.
4. Khoai môn viên chiên xù
4.1 Nguyên liệu
- Khoai môn: 500g
- Trứng gà: 1 quả
- Bột năng: 80g
- Bột gạo: 30g
- Bột chiên xù: 70g
- Đường, dầu ăn, muối
4.2 Cách làm khoai môn viên chiên xù
Khoai môn gọt bỏ vỏ, ngâm với nước muối loãng rồi vớt ra để ráo. Cắt khoai môn thành những miếng nhỏ.
Cho khoai môn vào nồi hấp, hấp cho chín mềm rồi để nguội. Cho khoai môn đã hấp vào tô rồi dùng muỗng để nghiền nhuyễn. Trộn khoai môn với 50g đường và 1 ít muối rồi trộn thật đều tay.
Sau khi trộn xong thì cho bột gạo, bột năng, nhào đều tay cho đến khi các nguyên liệu đồng nhất với nhau thành một khối. Nặn và vo khoai môn thành từng viên nhỏ.
Đập trứng gà vào chén rồi đánh đều lòng đỏ. Cho phần bột chiên xù ra tô.
Cho từng viên khoai môn vào chén trứng gà rồi lăn lại qua với bột chiên xù. Làm lần lượt cho đến khi hết phần bột khoai môn.
Bắc chảo dầu lên bếp, khi dầu nóng thì cho viên khoai môn đã tẩm bột chiên xù vào để chiên. Chiên chín vàng đều các mặt thì vớt ra dĩa để ráo, có thể dùng giấy để lót thấm dầu khi ăn sẽ ít bị ngán.
Ăn khoai môn viên chiên xù với tương ớt, tương cà tùy theo sở thích mọi người.
5. Canh khoai môn sườn non
Canh khoai môn là món ăn phổ biến của nhiều gia đình. Món canh này có hương vị thơm ngon vô cùng hấp dẫn để bạn và gia đình thưởng thức.
5.1 Nguyên liệu
- Khoai môn: 400gr
- Sườn heo: 400gr
- Nước lọc: 1 lít
- Bột canh: 1 muỗng canh
- Hạt nêm: ½ muỗng canh
- Hành lá, ngò gai
- Gia vị
5.2 Cách làm canh khoai môn
Khoai môn mua về gọt sạch vỏ, rửa sạch và cắt miếng vừa ăn.
Sườn heo rửa sạch, ngâm với nước muối loãng khoảng 5 phút, cắt miếng vừa ăn, để ráo.
Bắc một nồi nước sôi, chần sườn heo khoảng 1 – 2 phút, sau đó vớt ra rửa sạch với nước.
Bắc một nồi to lên bếp, cho vào 1 lít nước lọc, sườn heo và 1 muỗng canh bột canh rồi hầm trong 30 phút. Sau đó, bạn cho khoai môn, ½ muỗng canh hạt nêm vào nồi, hầm trong khoảng 10 – 20 phút. Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, rồi cho hành lá và ngò gai vào, tắt bếp.
Múc canh ra tô, cho thêm 1 ít tiêu và ăn cùng cơm nóng.
Xem thêm: Tuyệt chiêu nấu canh chua cá hú rau muống thật đơn giản, cả nhà ăn mà thỉnh thoảng lại thèm!
6. Sữa khoai môn lá dứa
6.1 Nguyên liệu
- Khoai môn: 500g
- Lá dứa: 6 lá
- Sữa đặc: 380ml
- Muối: 1 ít
6.2 Cách làm sữa khoai môn lá dứa
Khoai môn gọt vỏ, đem đi ngâm với nước muối loãng rồi vớt lên để ráo và cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Cho khoai môn vào nồi hấp để hấp mềm. Sau khi hấp xong thì cho khoai môn cùng với 2 lít nước vào máy xay sinh tố để xay thật nhuyễn.
Tiếp theo cho hỗn hợp vừa xay vào nồi để nấu.
Lá dứa cho vào máy xay cùng với 150ml nước lọc để xay nhuyễn. Sau khi xay xong thì lọc lại qua rây loại bỏ cặn và vớt bọt để khi nấu sữa không bị đục.
Nấu phần nước khoai môn đến khi sôi, khuấy thật đều rồi chế thêm phần sữa đặc vào để nấu.Tiếp theo thì chế phần nước lá dứa vào nấu chung, nấu đến khi sôi thì tắt bếp.
Lọc sữa lại qua rây cho sữa mịn. Có thể bảo quản trong tủ lạnh để uống mát hơn.
7. Kem khoai môn
Vào những ngày thời tiết nóng nực, kem khoai môn chính là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Món kem này khá dễ làm, chỉ cần vài thao tác đơn giản là bạn đã có được món ăn vừa ngon, vừa mát lạnh để giải nhiệt mùa hè.
7.1 Nguyên liệu
- Khoai môn đã gọt vỏ: 300gr
- Sữa tươi: 200ml
- Kem tươi: 100ml
- Sữa đặc: 50ml
- Đường: 2 muỗng
- Hương vani
- Máy đánh trứng cầm tay
- Khuôn đựng kem
7.2 Cách làm kem khoai môn
Khoai môn gọt sạch vỏ, rửa sạch, cắt thành khúc. Sau đó đem khoai đi hấp chín. Khi khoai chín cho vào tô cùng với sữa đặc, dằm nhuyễn khoai.
Kem tươi và đường cho vào một chiếc thau sạch, dùng máy đánh trứng đánh cho hỗn hợp kem bông lên. Đỗ hỗn hợp kem tươi vào tô khoai môn đã nghiền nhuyễn cùng với sữa tươi, trộn thật điều. Cho vào 2 giọt hương vani rồi khuấy đều nguyên liệu.
Cho hỗn hợp vào khuôn kem, đậy nắp và cho vào ngăn đá tủ lạnh. Sau khoảng 2 – 3 tiếng bạn dùng thìa đảo đều 1 lần, thực hiện khoảng 2 – 3 cho kem được mềm mịn.
Khi thấy kem đã bông xốp là bạn có thể lấy ra để thưởng thức.
Xem thêm: Giới thiệu 3 cách làm kem chuối vừa đơn giản vừa ngon cho các bà nội trợ
8. Sinh tố khoai môn
8.1 Nguyên liệu
- Khoai môn: 300g
- Khoai lang tím: 1 củ
- Sữa tươi: 100ml
- Sữa đặc: 30ml
- Bạc hà: 2 lá
- Dừa khô: 2 muỗng cà phê
- Đường: 15g
8.2 Cách làm sinh tố khoai môn
Khoai môn gọt vỏ, ngâm với nước muối loãng rồi cắt thành hạt lựu.
Khoai lang tím cũng gọt vỏ rồi cắt thành hạt lựu.
Cho tất cả các khoai vào tô, thêm một ít nước lọc rồi bọc lại màng thực phẩm. Cho tô vào lo vi sóng để quay tầm 3 phút ở nhiệt độ 140 - 160 độ C.
Sau đó lấy tô khoai ra để trộn đều rồi quay tiếp 2 phút. Quay xong thì lấy để nguội tầm 15 phút thì cho vào máy xay sinh tố cùng với đường, sữa đặc, sữa tươi và một ít đá rồi xay đều nhuyễn.
Cho sinh tố ra ly và thêm 1 ít lá bạc hà lên trên để trang trí rồi thưởng thức.
9. Vịt nấu khoai môn
Vịt nấu khoai môn vừa ngon vừa dễ ăn, đây chắc chắn sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho thực đơn gia đình bạn vào những dịp cuối tuần.
9.1 Nguyên liệu
- Vịt: ½ con
- Khoai môn: 300gr
- 2 viên chao đỏ, 2 viên chao trắng
- Gia vị: đường, muối, nước mắm....
- Nước dừa, gừng, rượu trắng
- Bún, rau, xà lách ăn kèm, hành lá
- Nước chấm ăn kèm: 2 viên chao trắng, đường, chanh
9.2 Cách làm vịt nấu khoai môn
Củ gừng rửa sạch, giã nát trộn chung với rượu trắng.
Vịt rửa sạch, chặt thành khúc nhỏ, chà hỗn hợp rượu và gừng lên khắp thân vịt để khoảng 20 phút rồi rửa lại với nước sạch, để ráo.
Cho thịt vịt vào thau, thêm hành khô đã giã nhỏ, chao trắng, chao đỏ, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường, ½ muỗng cà phê hạt nêm, một ít tiêu, trộn đều gia vị rồi để yên trong 2 – 3 tiếng.
Bắc một chiếc nồi lên bếp, cho dầu vào, đợi dầu nóng phi tỏi thơm, cho hỗn hợp thịt vịt đã ướp vào nồi, xào cho săn với lửa lớn đến khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa, nấu trong 20 phút.
Trong khoảng thời gian này, bạn gọt khoai môn, rửa sạch và cắt miếng vừa ăn.
Pha nước chấm với các nguyên liệu: 2 viên chao trắng, 1 muỗng cà phê đường, vài giọt chanh, tán nhuyễn chao để hòa tan các nguyên liệu.
Khi nồi thịt vịt nấu đủ 20 phút, bạn thêm nước dừa hoặc nước sôi nóng vào cho ngang mặt thịt vịt, nấu trên lửa nhỏ. Nêm nếm gia vị vừa ăn, nấu tiếp khoảng 40 – 45 phút rồi cho khoai môn và nấu cùng.
Khi thấy khoai môn mềm, bạn nên nếm lại gia vị cho vừa khẩu vị, tắt bếp cho thêm hành lá thái nhỏ vào. Múc ra tô và ăn cùng với bún, rau ăn kèm và nước chấm.
Xem thêm: 2 cách nấu cà ri vịt ngon ngất ngây, thơm 'nứt mũi'
10. Bánh da lợn khoai môn
Bánh da lợn nhân khoai môn là loại bánh được làm từ khoai môn kết hợp với một số nguyên liệu khác để tạo ra một món ăn có hương vị thơm ngon, ngọt ngào. Đây là món ăn vặt yêu thích của trẻ nhỏ, cũng là món ăn tráng miệng thường thấy tại các gian hàng vỉa hè.
10.1. Nguyên liệu
- Khoai môn đã hấp chín: 300gr
- Bột năng: 400gr
- Bột gạo: 45gr
- Bột nếp: 45gr
- Đường; 400gr
- Nước cốt dừa: 700ml
- Nước cốt lá dứa: 200ml
- Nước lạnh: 150ml
- Muối: 1 muỗng cà phê
10.2. Cách làm bánh da lợn khoai môn
Khoai môn đã hấp chín cho vào tô, dùng nĩa hoặc dụng cụ chuyên dụng nghiền nát.
Cho vào tô lớn 400ml nước cốt dừa, 200gr đường, ½ muỗng cà phê muối, 150ml nước lạnh, 200gr bột năng, 25gr bột gạo 25gr bột nếp và khoai môn tán nhuyễn. Khuấy đều hỗn hợp, sau đó lọc qua rây cho mịn mượt.
Cho vào một tô khác 300ml nước cốt dừa, 200gr đường, ½ muỗng cà phê muối, 200ml nước lá dứa, 200gr bột năng, 20gr bột gạo, 20gr bột nếp. Khuấy đều và cũng lọc qua rây để lấy hỗn hợp mịn mượt.
Nấu sôi nước trong xửng hấp rồi đặt một khuôn đã quét dầu ăn vào. Tiếp theo, bạn đổ một lớp bột màu xanh và hấp trong 4 phút. Sau 4 phút, bạn đổ một lớp bột màu trắng và hấp tiếp 4 phút. Thực hiện lần lượt đến hết số bột còn lại.
Khi bánh chín, bạn lấy cắt thành miếng vừa ăn là có thể thưởng thức. Bánh da lợn sẽ càng ngon hơn khi được ăn cùng nước cốt dừa.
Nhìn chung, khoai môn là một loại thực phẩm phổ biến có thể làm ra nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng tốt cho sức khỏe. Do đó, nếu có sẵn khoai môn trong nhà mà không biết nấu món gì ngon thì hãy thử làm những món ăn trên để chiêu đãi cả nhà nhé!