Chờ...

6 tác dụng của gạo nếp cẩm với sức khỏe – 'bí mật' ít ai biết

(VOH) – Từ xa xưa, gạo nếp cẩm vốn đã vang danh là loại ‘gạo bổ huyết’ hay ‘gạo trường thọ’. Vậy thật sự tác dụng của gạo nếp cẩm với sức khỏe có đúng như lời đồn?

Có thể nói rằng gạo nếp cẩm dường như không còn quá xa lạ trong văn hóa ẩm thực của người Việt, thế nhưng rất nhiều tác dụng của gạo nếp cẩm với sức khỏe vẫn còn là “bí mật” với chúng ta. Hãy cùng nhau khám phá thêm về loại gạo nếp đặc biệt này ngay sau đây nhé!

1. Gạo nếp cẩm là gì?

Gạo nếp cẩm là giống gạo nếp thuộc loài Oryza sativa L. Ở nước ta, giống gạo nếp cẩm được canh trồng chủ yếu ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, điển hình như Điện Biên.

Nhiều người thường lầm tưởng gạo nếp cẩm và gạo lứt là một nhưng thực tế hai loại này khác nhau về hình dáng, màu sắc và cả chất lượng. Gạo nếp cẩm có hình hạt tròn, tím sẫm, phần bụng của hạt hơi vàng, độ dẻo cao, dễ dính, tương đối mềm, còn gạo lứt thì hạt thon hơn, tròn, có màu đỏ hoặc màu hơi vàng, độ dẻo ít và cảm giác khi ăn hơi cứng và khô. Hiện nay giá gạo nếp cẩm dao động từ 40.000 - 50.000 VNĐ/kg.

6-tac-dung-cua-gao-nep-cam-voi-suc-khoe-bi-mat-it-ai-biet-voh-0
Gạo nếp cẩm là giống gạo nếp đặc biệt, khác hoàn toàn gạo lứt (Nguồn: Internet)

2. Tác dụng của gạo nếp cẩm với sức khỏe

Không chỉ có màu sắc hấp dẫn, so với gạo nếp trắng thông thường, hàm lượng chất dinh dưỡng cũng được đánh giá là “nhỉnh” hơn. Vì thế, bạn có thể sử dụng xen kẽ gạo nếp cẩm trong thực đơn để nhận được những lợi ích sức khỏe tuyệt vời này:

2.1 Tốt cho hệ tiêu hóa

Sở hữu hàm lượng chất xơ dồi dào (cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan) nên gạo nếp cẩm thường được dùng làm nguyên liệu chế biến các món ăn giúp ngăn ngừa táo bónđầy hơi và các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa khác.

2.2 Ngăn ngừa thiếu máu

Giống như gạo đen hay gạo lứt, gạo nếp cẩm cũng chứa hàm lượng khoáng chất sắt vô cùng dồi dào. Nhóm chất này khi vào cơ thể sẽ tham gia cấu thành nên huyết sắc tố hemoglobin, nhằm tăng sinh tế bào hồng cầu và hạn chế tình trạng thiếu máu xảy ra.

Xem thêm: Tất tần tật về bệnh thiếu máu, chủ động nhận biết để điều trị kịp thời và đúng cách

2.3 Phòng chống ung thư

Các phân tích dinh dưỡng nhận thấy rằng, hoạt chất chống oxy hóa anthocyanin được tìm thấy khá nhiều ở phần vỏ cám (lớp ngoài cùng) của hạt gạo nếp cẩm. Nhóm chất này chính là thành tố tạo nên màu tím đặc trưng của gạo, đồng thời cũng giúp gạo nếp cẩm trở thành siêu thực phẩm chống ung thư.

2.4 Bảo vệ tim mạch

Theo các chuyên gia, tác dụng của gạo nếp cẩm còn hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ngăn chặn các cơn đau tim và đột quỵ. Theo đó, men nếp cẩm có chứa hai hoạt chất ergosterol và lovastatin với đặc tính phá vỡ sự tích tụ cholesterol xấu ở thành mạch, đảm bảo dòng tuần hoàn máu thông suốt và củng cố thành mạch bền vững.

6-tac-dung-cua-gao-nep-cam-voi-suc-khoe-bi-mat-it-ai-biet-voh-1
Gạo nếp cẩm là thực phẩm rất tốt cho tim mạch (Nguồn: Internet)

2.5 Tốt cho phụ nữ sau sinh

Gạo nếp cẩm là thực phẩm khá lành mạnh dành cho các chị em phụ nữ sau sinh. Ở giai đoạn này, nếu duy trì ăn nếp cẩm với liều lượng hợp lý sẽ giúp cho dạ dày cơ bóp tốt, ngoài ra còn thúc đẩy lưu thông khí huyết, chống suy nhược, kích thích tiết sữa cho con.

Xem thêm: 9 cách kích sữa về nhiều cho bé yêu no nê, bụ bẫm

2.6 Làm đẹp da

Ngoài các lợi ích được kể trên, không thể quên nhắc đến tác dụng của nếp cẩm trong “công cuộc” làm đẹp của chị em. Hấp thu hàm lượng vitamin E cùng vitamin nhóm B ở lớp màng đen của hạt gạo sẽ giúp dưỡng ẩm và làm mờ nếp nhăn trên da.

3. Gạo nếp cẩm bao nhiêu calo?

Nếu bạn đang xây dựng chế độ ăn kiêng giảm cân hoặc cần cải thiện tình trạng béo phì thì gạo nếp cẩm là gợi ý rất đáng để thử đấy. Bởi trung bình 100g gạo nếp cẩm chỉ chứa khoảng 356kcal, nếu bạn ăn khoảng 2 chén cơm gạo nếp cẩm trong ngày thì hoàn toàn không khiến bạn tăng cân. (1)

Ngoài ra, khi ăn gạo nếp cẩm, bạn cần nhai chậm và kĩ hơn so với gạo nếp thường, nên sẽ cảm thấy no lâu cũng như giảm cảm giác thèm ăn các thực phẩm khác.

4. Gạo nếp cẩm nấu món gì ngon?

Để thưởng thức trọn vẹn hương vị và tận dụng tối đa nguồn dinh dưỡng từ gạo nếp cẩm, bạn có thể tham khẩu chế biến thành các món ăn vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng sau:

4.1 Sữa chua nếp cẩm

6-tac-dung-cua-gao-nep-cam-voi-suc-khoe-bi-mat-it-ai-biet-voh-2
Sữa chua nếp cẩm - món tráng miệng rất được yêu thích (Nguồn: Internet)

Sữa chua nếp cẩm có lẽ là món ăn chẳng còn “lạ lẫm” gì với giới trẻ. Món tráng miệng độc đáo này kết hợp hài hòa vị nếp cẩm dẻo mềm, thơm phức cùng vị chua dịu của sữa chua, ăn một lần mà ghiền mãi!

Xem thêm: Mách bạn cách làm sữa chua nếp cẩm thơm ngon, hấp dẫn tại nhà cho 5 người ăn

4.2 Rượu nếp cẩm

6-tac-dung-cua-gao-nep-cam-voi-suc-khoe-bi-mat-it-ai-biet-voh-3
Rượu nếp cẩm tốt cho tiêu hóa (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Gạo nếp cẩm: 1kg
  • Men gạo: 50g
  • Rượu trắng: 2 lít

Cách làm rượu nếp cẩm

  • Rửa sạch gạo nếp cẩm, sau đó ngâm trong nước từ 7 – 8 tiếng. Có thể ngâm qua đêm để tiết kiệm thời gian.
  • Đem gạo nếp cẩm đã vo sạch đi nấu chín như nấu cơm gạo thường. Khi cơm chín, lấy cơm ra và trải đều để cơm nhanh nguội.
  • Giã hoặc xay nhuyễn men rượu, sau đó rải đều lên cơm nếp cẩm. Sau đó đem ủ cơm rượu trong khoảng 7 ngày.
  • Sau thời gian trên, cho cơm rượu nếp cẩm vào bình, rốt rượu trắng vào và tiến hành ngâm rượu khoảng 1 – 2 tháng.

Lưu ý: Rượu nếp cẩm khá tốt cho hệ tiêu hóa song bạn nên chú ý uống với liều lượng vừa phải, mỗi lần uống khoảng 1 – 2 chén nhỏ (5 – 10ml) là tốt nhất.

4.3 Xôi nếp cẩm

6-tac-dung-cua-gao-nep-cam-voi-suc-khoe-bi-mat-it-ai-biet-voh-4
Xôi nếp cẩm dẻo mềm (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Gạo nếp cẩm: 200g
  • Gạo nếp thường: 100g
  • Đậu xanh (đã chà vỏ): 100g
  • Nước cốt dừa
  • Đậu phộng rang
  • Mè trắng (vừng trắng)
  • Cơm dừa nạo
  • Đường
  • Muối tinh

Cách làm xôi nếp cẩm

  • Rửa sạch gạo nếp cẩm và gạo nếp thường, sau đó đêm ngâm nước từ 7 – 8 tiếng (tốt nhất nên ngâm qua đêm để tiết kiệm thời gian).
  • Rửa sạch đậu xanh, cũng ngâm nước từ 4 – 5 tiếng.
  • Cho chút muối vào hỗn hợp gạo nếp rồi đem hấp chín (hoặc có thể nấu bằng nồi cơm điện).
  • Nấu chín đậu xanh, sau đó đem xay nhuyễn cùng nước cốt dừa. Đem sên đậu xanh đã xay nhuyễn tới khi đậu kết dính, sền sệt lại là được.
  • Đập dập đậu phộng.
  • Múc xôi nếp cẩm ra chén, thêm đậu xanh, rắc đậu phộng, mè và cơm dừa nạo lên trên là có thể thưởng thức.

Xem thêm: Tổng hợp 10 món ngon từ đậu đen dễ nấu mà cực bổ dưỡng

4.4 Chè nếp cẩm

6-tac-dung-cua-gao-nep-cam-voi-suc-khoe-bi-mat-it-ai-biet-voh-5
Chè nếp cẩm ngọt ngào (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Gạo nếp cẩm: 300g
  • Đường cát trắng: 200g
  • Nước cốt dừa: 150ml
  • Cơm dừa nạo

Cách làm chè nếp cẩm

  • Ngâm rửa sạch gạo nếp cẩm, trước khi nấu nên ngâm gạo trong nước khoảng 8 tiếng.
  • Đem nấu chín gạo nếp cẩm, chế nước cao hơn mặt gạo khoảng 3 – 4cm là được, không cho ít quả ít nước nhưng cũng không cho quá nhiều để chè không bị loãng. Khoảng 15 – 20 phút sau, cơm bắt đầu xôi thì cho nước cốt dừa và chút đường vào.  
  • Múc chè ra tô, rắc cơm dừa nạo lên trên và thưởng thức.

4.5 Sữa nếp cẩm

6-tac-dung-cua-gao-nep-cam-voi-suc-khoe-bi-mat-it-ai-biet-voh-6
Sữa nếp cẩm giàu dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Gạo nếp cẩm: 200g
  • Nước lọc: 1 lít
  • Sữa đặc (tùy thích)
  • Lá dứa

Cách làm sữa nếp cẩm

  • Rửa sạch gạo nếp cẩm và ngâm gạo trong nước khoảng 8 tiếng.
  • Ngâm rửa lá dứa rồi thái thành khúc nhỏ.
  • Đem xay gạo nếp cẩm cùng 1 lít nước, rồi dùng rây lọc lấy nước và bỏ bã.
  • Bật lửa nhỏ đun sôi nước gạo nếp cẩm, liên tục khuấy đều tay. Khi sôi lần đầu thì cho lá dứa vào, đun khoảng 5 – 10 phút thì thêm chút sữa đặc, tiếp tục khuấy đều khoảng 2 phút thì có thể tắt bếp.

Xem thêm: Hướng dẫn bạn tỉ mỉ 5 cách làm sữa gạo lứt tại nhà

4.6 Nước gạo nếp cẩm rang

6-tac-dung-cua-gao-nep-cam-voi-suc-khoe-bi-mat-it-ai-biet-voh-7
Nước gạo nếp cẩm rang thanh mát (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Gạo nếp cẩm: 100 – 200g
  • Nước lọc: 700ml – 1 lít

Cách làm nước gạo nếp cẩm rang

  • Vo sạch gạo nếp cẩm, có thể ngâm gạo khoảng 30 – 40 phút.
  • Vớt đậu đen và để ráo nước xong đem bỏ lên chảo rang, nhớ đảo liên tục để không bị cháy, rang tầm cỡ 15 – 20 phút.
  • Nấu nước sôi, cho hết đậu vừa rang chín vào, đun trong khoảng 20 – 30 phút.
  • Có thể dùng rây lọc để bỏ xác đậu hoặc giữ lại tùy ý, lọc lấy nước uống. Chú ý đậy kín và bảo quản trong tủ lạnh nếu không sử dụng hết.

Xem thêm: Chăm uống nước hạt é bạn sẽ nhận được 7 công dụng tuyệt vời này

5. Thành phần dinh dưỡng của gạo nếp cẩm  

Dưới đây là bảng thành phần dinh dưỡng có trong 100g gạo nếp cẩm:

  • Canxi: 12mg
  • Sắt: 0.2mg
  • Magie: 147mg
  • Photpho: 179mg
  • Kali: 256mg
  • Natri: 7.1mg
  • Kẽm: 3.8mg
  • Đồng: 0.15mg
  • Selen: 3.2μg
  • Vitamin A: 19μg
  • Vitamin C: 32mg
  • Vitamin B1: 0.41mg
  • Vitamin B2: 0. 33mg
  • Vitamin B3: 2. 3mg
  • Vitamin B5: 0.2mg
  • Vitamin B6: 0.54mg
  • Vitamin B12: 104pg
  • Vitamin E: 0.6mg
  • Folat: 15μg

So với các loại gạo khác, gạo nếp cẩm chứa đa dạng chất dinh dưỡng rất có lợi cho sức khỏe con người, lại có thể “biến tấu” được thành nhiều món ngon hấp dẫn. Vì thế, hy vọng rằng với những thông tin về gạo nếp cẩm trên đây bạn đã có thêm lý do để bổ sung vào thực đơn hàng ngày nhé!