Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ăn gạo đen có tác dụng gì mà nổi danh ‘gạo của hoàng đế'?

(VOH) - Thời gian gần đây nhiều bà nội trợ đang ‘truyền tai nhau’ tìm mua gạo đen để thêm vào thực đơn bồi bổ cho gia đình. Tuy nhiên gạo đen có tác dụng gì với sức khỏe và thật sự tốt hay không?

Gạo trắng, gạo lứt,…đều là những loại gạo rất quen thuộc với chúng ta. Tuy nhiên, còn có một loại gạo cũng vô cùng quý giá về mặt dinh dưỡng, đó chính là gạo đen. Cùng lắng nghe những chia sẻ từ PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) về loại gạo đặc biệt này nhé.

1. Gạo đen là gạo gì?

Gạo đen là gạo có màu đen sẫm hoặc tím đậm, rất dễ bị nhầm lẫn với gạo nếp cẩm hoặc gạo lứt đen. Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay, gạo đen không thuộc giống gạo cổ truyền của nước ta mà di thực từ nơi khác tới. Một số tài liệu ghi chép lại cho thấy từ xa xưa, tại một số nước châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản, giống gạo này đã rất được “nâng niu”, thường dùng dâng lên hoàng tộc.

Hiện nay tại Việt Nam, có hơn 300 mẫu gạo đen đang được đưa vào nuôi cấy và canh trồng hữu cơ ở Cà Mau. Tuy nhiên, giá thành của gạo đen được cho là “đắt đỏ” hơn so với những loại gạo khác. Bác sĩ Bay cho biết, giá gạo đen ở Mỹ trên thế giới trung bình là 50 đô la/1kg, còn ở nước ta dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg.

an-gao-den-co-tac-dung-gi-ma-noi-danh-gao-cua-hoang-de-voh-0
Gạo đen có giá thành cao nhưng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

2. Ăn gạo đen có tác dụng gì với sức khỏe?

Hạt gạo “đen xì” tưởng không mấy hấp dẫn, song khi đem nấu chín thì cơm dẻo mềm, không dính ướt và hương thơm rất cuốn hút. Đặc biệt, gạo đen còn cung cấp nguồn chất dinh dưỡng vô cùng dồi dào, đem đến những lợi ích sức khỏe tuyệt vời dưới đây:

2.1 Phòng chống ung thư

Không phải ngẫu nhiên mà gạo đen lại được xếp vào nhóm gạo hảo hạng mà nhiều người “săn đón” như vậy. Theo đó, các nghiên cứu thành phần dinh dưỡng nhận thấy trong loại gạo này có chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa anthocyanin. Hoạt chất này chính là thành tố tạo nên màu đen đặc trưng của hạt gạo, đồng thời có đặc tính kháng viêm mạnh, giúp củng cố vững chắc màng tế bào và phòng chống các bệnh ung thư.

2.2 Ăn gạo đen tốt cho hệ thần kinh

Giống như các loại gạo khác, gạo đen cũng thuộc nhóm thực phẩm giàu vitamin B, điển hình như vitamin B1, vitamin B3 hay vitamin B6. Đây đều là những hoạt chất gần như không thể vắng mặt trong các mô tế bào não, trực tiếp tham gia kết nối các dây thần kinh và kích thích sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng, tăng khả năng ghi nhớ.

Xem thêm: 4 nguyên nhân khiến giới trẻ dễ mắc chứng hay quên

2.3 Kích thích tiêu hóa

Nhờ có hàm lượng chất xơ tương đối lớn, gạo đen được đánh giá là thực phẩm khá lành mạnh với hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, gạo đen cũng không chứa gluten nên rất phù hợp với khẩu phần ăn của nhóm người mắc các chứng rối loạn tiêu hóa như bệnh Celiac.

2.4 Ăn gạo đen giảm cân

Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết, trung bình 1 cốc gạo đen chỉ chứa khoảng 195 calo, do vậy một trong những tác dụng của gạo đen không thể bỏ qua đó là ăn gạo đen giảm cân.

an-gao-den-co-tac-dung-gi-ma-noi-danh-gao-cua-hoang-de-voh-1
Cơm gạo đen rất thích hợp cho chế độ ăn kiêng giảm cân (Nguồn: Internet)

2.5 Ngăn ngừa thiếu máu

Bổ sung gạo đen trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày có thể giúp bạn chủ động hấp thu thêm lượng chất sắt, góp phần giảm thiểu tỉ lệ mắc chứng thiếu máu. Điều này là bởi khoáng chất sắt sẽ đi tới các tế bào huyết sắc tố hemoglobin để cấu thành nên những tế bào hồng cầu khỏe mạnh trong máu, đảm bảo luân chuyển oxy tới khắp hệ cơ quan của cơ thể.

Xem thêm: Những biểu hiện ‘tố cáo’ bạn đang bị thiếu máu, tuyệt đối không nên bỏ qua

2.6 Bảo vệ tim mạch

Hoạt chất chống oxy hóa anthocyanin được tìm thấy trong gạo đen còn có khả năng “phá vỡ” lượng cholesterol xấu tích tụ ở thành mạch, đồng thời bảo vệ thành mạch không bị xơ hóa. Từ đây hạn chế nguy cơ mắc cách bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, trụy tim hay đột quỵ.

2.7 Cải thiện thị lực

Cùng với anthocyannin, gạo đen cũng chứa một lượng nhỏ hoạt chất lutein và zeaxanthin cực kì cần thiết cho đôi mắt. Theo đó, khi vào cơ thể, chúng sẽ hoạt động như một “màng lọc” ánh sáng xanh, bảo vệ võng mạc và thủy tinh thể không bị tổn thương hay lão hóa sớm, nhằm duy trì tốt thị lực.

Xem thêm: Sự thật về đục thủy tinh thể? Các dấu hiệu và cách điều trị bệnh tốt nhất

2.8 Kiểm soát đường huyết

Theo bác sĩ Bay, nếu bạn đang điều trị bệnh tiểu đường và muốn tìm kiếm loại gạo thay thế cho gạo trắng thông thường, thì bên cạnh gạo lứt, bạn cũng có thể tham khảo sử dụng gạo đen.

2.9 Tốt cho gan

Mặc dù cần nghiên cứu chuyên sâu hơn về tác dụng của gạo đen với việc cải thiện sức khỏe của lá gan, song các nhà khoa học nhận thấy khá nhiều tiến triển tích cực ở đối tượng mắc bệnh gan (như gan nhiễm mỡ) nếu duy trì ăn gạo đen với lượng hợp lý.  

Xem thêm: Bác sĩ chia sẻ về mức độ nguy hiểm của bệnh gan nhiễm mỡ

3. Một số lưu ý cần biết khi ăn gạo đen

Để hấp thu hiệu quả nguồn chất dinh dưỡng từ gạo đen, trong quá trình chế biến và sử dụng, đừng quên thực hiện một số lưu ý nhỏ này:

  • Trước khi nấu nên vo gạo để loại bỏ bụi bẩn và tiến hành ngâm gạo trong khoảng 30 phút.
  • Đong lượng nước vừa đủ để cơm không chín nhão cũng như mất đi hương vị thơm ngon vốn có.
  • Nên kết hợp ăn xen kẽ gạo đen và gạo trắng, tránh tập trung ăn quá nhiều gạo đen trong thời gian dài.
an-gao-den-co-tac-dung-gi-ma-noi-danh-gao-cua-hoang-de-voh-2
Nên nấu gạo đen với lượng nước vừa đủ để không chín nhão (Nguồn: Internet)

4. Thành phần dinh dưỡng của gạo đen

Hàm lượng chất dinh dưỡng trong khoảng 45g gạo đen được tính toán như sau:

  • Lượng calo: 160
  • Chất béo: 1.5 gam
  • Chất đạm: 4 gam
  • Carbs: 34 gram
  • Chất xơ: 1 gram
  • Sắt: 6% giá trị hàng ngày (DV)

Nhìn chung, gạo đen là loại gạo rất tốt cho sức khỏe. Ở các nước châu Âu hay Hoa Kì cũng đã nghiên cứu và ghi nhận những tác dụng hữu ích của gạo đen. Ở Việt Nam, đây cũng là một loại gạo quý vì nó tốt cho sức khỏe lại được trồng tự nhiên, không dùng hóa chất để chăm sóc, chỉ dùng rơm, rạ để làm phân bón.

Bình luận