Tiêu điểm: Nhân Humanity

5 tác dụng của hoa thiên lý dành cho sức khỏe

(VOH) – Thông thường người dân trồng hoa thiên lý để làm cảnh và lấy hoa ăn. Tuy nhiên, trong y học tác dụng của hoa thiên lý lại rất tốt trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị một vài bệnh lý.

Hoa thiên lý là thực phẩm phổ biến, góp mặt trong khá nhiều món ăn ngon. Hoa thiên lý không hề đắt đỏ nhưng giá trị dinh dưỡng và dược tính của nó thì không “nhỏ” một chút nào. Cùng tìm hiểu về loài hoa này để có thể tận dụng hết những công dụng của hoa thiên lý đối với sức khỏe.

1. Hoa thiên lý là gì?

Thiên lý (hay còn gọi là cây hoa lý, dạ lài hương) có tên khoa học là Telosma cordata, là một loài thực vật dạng dây leo. Cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ và được trồng phổ biến ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Thiên lý là loài cây thân thảo, có dây leo, không tua cuốn, thân dài từ 1 – 10m, màu lục ánh vàng, khi non có lông tơ và nhựa nước, khi già có màu xám nhạt, không lông, trên thân có các mấu xốp nhỏ thưa thớt.

tac-dung-cua-hoa-thien-ly-voh-0
Hoa thiên lý có tác dụng phòng và hỗ trợ chữa nhiều loại bệnh (Nguồn: Internet)

Lá thiên lý mọc đối, hình tim, mỏng mềm, màu xanh lục. Hoa thiên lý nhiều, mọc thành xim dạng tán ở nách lá, màu vàng lục nhạt, cánh hoa hợp thành ống dài, mùi thơm mát. Quả hạt dài.   

Cây thiên lý thường ra hoa vào mùa hè, nhiều nhất vào khoảng tháng 7. Người dân thường trồng thiên lý để làm cảnh và lấy hoa, lá làm nguyên liệu nấu ăn vừa có tác dụng phòng và chữa nhiều loại bệnh. Ngoài ra, các bộ phận của thiên lý đều có thể dùng làm thuốc, ở dạng tươi hoặc phơi, sấy khô đều được.

2. Tác dụng của hoa thiên lý đối với sức khỏe

Theo Đông y, hoa thiên lý có vị ngọt, tính bình, có tác dụng giải nhiệt, an thần, giảm đau lưng... Còn với y học hiện đại, hoa thiên lý có thành phần dinh dưỡng đa dạng gồm: chất xơ, chất đạm, vitamin C, vitamin nhóm B, canxi, sắt, kẽm... Chính vì thế, ăn hoa thiên lý có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe, chẳng hạn như:

2.1 Ngừa táo bón

Hoa thiên lý giàu chất xơ nên ăn hoa thiên lý có thể giúp bạn phòng ngừa tình trạng táo bón. Ngoài ra, chất xơ trong hoa thiên lý cũng giúp cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa.

Hơn thế, trong dân gian còn dùng hoa thiên lý để chữa bệnh trĩ bằng cách nấu canh hoa thiên lý với cua hoặc canh giò hoa thiên lý. Những món ăn này không chỉ có tác dụng giải nhiệt, tăng cường sức đề kháng mà còn hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.

2.2 Phòng ngừa rôm sảy mùa nóng

Để tránh rôm sảy mùa nóng, bạn nên nấu canh hoa thiên lý ăn thường xuyên vì hoa thiên lý có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Với trẻ nhỏ, có thể nghiền lá và hoa thiên lý ra nấu lẫn với bột hoặc cháo.

2.3 Hỗ trợ giảm cân

Do trong hoa thiên lý giàu hàm lượng chất xơ nhưng lại ít calo, có thể hỗ trợ giúp giảm cân rất tốt. Các chất dinh dưỡng của hoa thiên lý mang lại giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đốt cháy mỡ thừa và giảm hấp thụ các chất béo.

tac-dung-cua-hoa-thien-ly-voh-1
Hoa thiên lý giàu chất xơ (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, ăn hoa thiên lý còn giúp cơ thể cảm thấy no lâu hơn, kiềm chế sự thèm ăn. Tuy nhiên bạn cần kết hợp chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe và giảm cân hiệu quả.

2.4 Giảm đau nhức

Hoa thiên lý xào với thịt bò hoặc chấm với muối vừng ăn sẽ có tác dụng giảm đau nhức xương khớp hiệu quả.

2.5 Hỗ trợ chữa mất ngủ

Trong Đông y, hoa thiên lý cũng được dùng như một vị thuốc giúp an thần, dễ ngủ. Thông thường, bạn chỉ cần ăn canh hoa thiên lý với thịt heo nạc hay cá diếc là đã có thể giúp giảm mệt mỏi, an thần và ngủ ngon hơn.

Ngoài ra, hoa thiên khi kết hợp với các vị thuốc khác như ngải cứu, rau má, đinh lăng, bạch cúc... sẽ có tác dụng điều trị một số bệnh lý. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo thầy thuốc về liều lượng dùng để đạt được hiệu quả mong muốn.

3. Bà bầu ăn hoa thiên lý được không?

Hoa thiên lý ngon và bổ dưỡng, thích hợp để mẹ bầu thêm vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Khi được bổ sung một cách hợp lý, bà bầu ăn hoa thiên lý có thể cải thiện được rất nhiều vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Giảm tình trạng bị táo bón
  • Giúp ngủ ngon giấc hơn
  • Tình trạng đau nhức xương khớp được cải thiện
  • Cân nặng được giữ ở mức ổn định
  • Giải nhiệt cơ thể, ngăn ngừa rôm sảy

Tuy nhiên, khi bà bầu ăn hoa thiên lý cần đảm bảo nhiều yếu tố về lượng dùng và quá trình chế biến để không gặp phải những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.

Xem thêm: Lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn hoa thiên lý và những lưu ý cần nhớ khi ăn

4. Rễ và lá thiên lý có ăn được không?

Ngoài những tác dụng của hoa thiên lý thì những bộ phận khác của cây thiên lý cũng điều có thể làm thuốc chữa bệnh. Chẳng hạn như:

  • Lá thiên lý: Có vị cam, bình. Công dụng giúp tiêu viêm, giảm đau nhức xương khớp, chữa trĩ ngoại, viêm giác mạc, thúc đẩy quá trình lên da non diễn ra nhanh chóng. Một số người còn sử dụng lá thiên lý để nấu canh ăn nhưng không phổ biến như hoa thiên lý.
  • Rễ thiên lý: Thường được dùng như một vị thuốc có tác dụng chữa tiểu rắt, tiểu có cặn trắng, có máu.

5. Hoa thiên lý nấu gì ngon?

Sự đa dạng trong việc chế biến các món ngon từ hoa thiên đã giúp loài hoa này “ghi điểm” trong giới ẩm thực. Một số món ăn từ hoa thiên lý không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể mà còn có thể nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

tac-dung-cua-hoa-thien-ly-voh-2
Hoa thiên lý là nguyên liệu của nhiều món ăn hấp dẫn (Nguồn: Internet)

Bạn có thể sử dụng hoa thiên lý để xào với thịt bò, trứng gà, nấu canh hoa thiên lý với tôm, cua hoặc làm món nộm hoa thiên lý cũng vô cùng hấp dẫn.

Xem thêm: Tổng hợp 9 món ăn ngon, bổ, mát cho mùa hè từ hoa thiên lý

6. Một số lưu ý khi dùng hoa thiên lý

Hoa thiên lý dù được đánh giá là lành tính và an toàn cho sức khỏe, tuy nhiên bạn không nên lạm dụng hoa thiên lý. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chỉ nên tiêu thụ từ 1 đến 2 khẩu phần hoa thiên lý trong một tuần, không ăn liên tục mỗi ngày.

Bên cạnh đó, khi chế biến hoa thiên lý cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Không kết hợp hoa thiên lý với những thực phẩm giàu chất sắt như gan động vật, rau muống.... vì sẽ làm giảm tác dụng của hoa thiên lý.
  • Không nấu hoa thiên quá chín vì sẽ là giảm dinh dưỡng và không mang lại hiệu quả trong việc điều trị bệnh.

7. Thành phần dinh dưỡng của hoa thiên lý

Để có thể mang đến cho con người nhiều lợi ích sức khỏe, bên trong hoa thiên lý này phải chứa đựng một lượng thành phần dinh dưỡng khá cao. Theo tài liệu từ Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam – Bộ Y tế, một số chất dinh dưỡng điển hình trong hoa thiên lý như:

  • Nước: 90.5 g
  • Năng lượng: 23 Kcal, 95 KJ
  • Chất đạm: 2.9 g
  • Carbohydrate: 2.8g
  • Chất xơ: 3.0 g
  • Canxi: 52 mg
  • Sắt: 1.2 mg
  • Phot pho: 53 mg
  • Vitamin C: 48 mg
  • Vitamin B1: 0.19 mg
  • Vitamin B2: 0.13 mg
  • Vitamin PP: 0.11 mg

Như vậy, hoa thiên lý không chỉ là nguyên liệu dùng để chế biến nhiều món ăn ngon mà còn được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh nhờ chứa nhiều dưỡng chất tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết những tác dụng của hoa thiên lý, hãy sử dụng loại rau này một cách hợp lý và khoa học trong bữa ăn hàng ngày. Trong trường hợp dùng như một vị thuốc, hãy tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ.

Bình luận