Nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt

(VOH) - Có đôi khi gặp những phiền muộn trong cuộc sống, chúng ta từng mong ước được quay về sống một ngày trọn vẹn của tuổi thơ, nơi có tất cả các thành viên thân yêu của gia đình.

Nhà của thời thơ ấu” được đặt tại địa chỉ 280/10 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TPHCM, là dự án hướng về cộng đồng của các bạn trẻ do chị Đồng Lê Quỳnh Hương và người bạn đồng hành của mình anh là Nguyễn Anh Luân sáng lập. Tất cả mọi vật dụng trong nhà đều rất mộc mạc, của người Sài Gòn xưa và bố trí hài hòa tạo cảm giác an nhiên, góp phần tái tạo năng lượng tích cực cho bản thân, nơi làm sống lại những ngày tháng hồn nhiên, vô tư của thời thơ dại. 

Nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt 1
Rất nhiều người đến đây đều cảm nhận được sự nhẹ nhàng thư thái, một cảm giác dễ chịu.

Mỗi góc nhỏ trong ngôi nhà đều là những không gian rất đặc biệt và thú vị. Người lớn có thể ôn hoài niệm, tìm ký ức tuổi thơ tại “Tiệm cà phê nhà mình”. Bạn trẻ có thể thả lỏng tâm hồn qua những trang sách tại “Tiệm sách san sẻ” hay ghi vào cuốn nhật ký những suy nghĩ của mình. Trẻ em có thể tham gia vào những buổi học hát, học diễn kịch tại sân khấu nhỏ được dựng trong nhà, những buổi ngồi chiếu mà nghe các cô kể chuyện, hay các buổi chuyên đề giới thiệu và thưởng thức món hàng quê dân dã, kẹo me, bánh bò, đậu phộng luộc, khoai lang nướng...Chị Lê Huyền Trang, quản lý dự án “Nhà của thời thơ ấu” cho biết: “Phía trước có một bức tranh thể hiện cảnh sinh hoạt của một gia đình thời xưa. Có ông bà, cha mẹ ngồi quây quần sau bữa ăn tối. Không gian này tái hiện lại, với mong muốn gợi kỷ niệm thời thơ ấu của mình qua không gian sinh hoạt của người xưa trước năm 1975. Và trong thời gian đó, những đồ vật này đều mang dấu ấn của giai đoạn. Với những bạn trẻ sẽ chứng kiến được không gian thời đó ông bà mình sống như thế nào”.

Nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt 2
Nhà mang tình yêu văn chương tại “Tiệm Sách San Sẻ”

Là người đưa ra ý tưởng đầu tiên, chị Đồng Lê Quỳnh Hương chia sẻ: Do cuộc sống hiện nay rất bận rộn, mọi người hầu như không có thời gian dành cho bản thân, vì vậy chúng ta cần có một khoảng dừng để suy nghĩ về một tuần qua của mình như thế nào. Khi chúng ta tự đối thoại với bản thân và chiêm nghiệm nó thì sẽ thấy yêu cuộc sống hơn, lạc quan hơn. “Giá trị lớn nhất vẫn là một tình yêu thương rất lớn của cộng đồng tạo nên một không gian để cho người trẻ sống rực rỡ với thanh xuân trong sự hồn nhiên của thơ ấu. Cho đến thời điểm này mình có thể lan tỏa đến các bạn trẻ về một nơi rất an nhiên, rất thật. Khi nhắc về nhà của thời thơ ấu là nhắc về một không gian rất bình yên và ở nơi đó các bạn có thể thông qua các chương trình văn hóa nghệ thuật và cảm thấy yêu thích hơn về văn hóa Việt Nam mình. Những giá trị rất đơn giản, bình thường. Hoặc các bạn có thể đọc sách, vì sách như một người thầy của mình và sẽ tạo nên một không gian văn hóa mà cộng đồng trẻ cùng nhau xây dựng mà không chỉ đơn thuần của một cá nhân nào đó”, chị Hương nói.

Cũng theo chủ nhân của ngôi nhà này, sau 4 năm xây dựng thì giá trị lớn nhất nhận được, đó chính là tình yêu thương của cộng đồng. Đến tận bây giờ, sau khi trải qua thời gian dài đóng cửa do dịch Covid-19, “Nhà của thời thơ ấu” vẫn là nơi cho những người trẻ sống rực rỡ với thanh xuân trong sự hồn nhiên của tuổi thơ.

Đặng Quốc Huy, sinh viên năm nhất, Trường Đại học Hoa Sen khoe: Đến đây mọi đồ dùng trong nhà đều rất xưa, từ chiếc máy đánh chữ, cái chạn để úp chén, đến những bức tranh vẽ nhìn vào khiến mình có thể hình dung ra tuổi thơ khi còn ở quê trong căn nhà của ngoại. “Có mấy bức ảnh trò chơi rồng rắn lên mây, chơi ô ăn quan làm em nhớ thời nhỏ chơi chung với chị của mình. Em thấy hồi đó mọi người sống gần gũi hơn so với hiện tại, vì ngày xưa chưa có công nghệ, mình hay chơi xe đẩy, xích đu. Như bức tranh này làm em nhớ đến khi nhỏ ông bà ngoại hay dẫn em đi chợ, và em nhớ kỷ niệm nhiều hơn về ông bà của mình, những trò chơi ngày bé với rất nhiều kỷ niệm”, Huy chợt nhớ về kỷ niệm xưa.

Còn Trần Như Thảo Vy – ngụ quận Tân Bình chia sẻ, không gian ở đây thiên về văn hóa, những món đồ chơi, quà vặt, những chiếc ghế nhỏ xinh, con búp bê, con heo đất, siêu đất… Tất cả đều gợi lại cho mình cảm giác thân thương của thời thơ ấu. “Lần đầu tiên đến nhà em cảm thấy rất là gần gũi, thân thiện khi mình nhìn những đồ vật làm nhớ ngày xưa nhà cũng có món này, có món kia. Khi bước chân vào là mình có cảm giác như là một thành viên ở đây. Không gian rất yên tĩnh chứ không giống như những quán cà phê máy lạnh, phục vụ nước uống. Mà mình có thể đến đây để làm việc; ở đây có cảm giác như đang ở trong nhà và mình đang được làm việc trong nhà mình, và em tìm thấy hứng thú khai phá cảm hứng thiên về nghệ thuật của em”, Vy chia sẻ thêm.

Chị Lê Huyền Trang, quản lý dự án “Nhà của thời thơ ấu” cho biết: Tiệm sách là một nơi yên tĩnh, ở đây cũng ít sách nhưng điều thú vị là có những vật dụng chuyên về Sài Gòn xưa được trang trí. Khi ngồi nhìn từng món đồ sẽ nhớ lại thời ấu thơ của mình. Ví dụ như cái đồng hồ quả lắc, ngày xưa chỉ những nhà khá giả hoặc người trên thành phố mới dùng nhiều. Cả một tuổi thơ đầy tự hào nếu ai được sở hữu món đồ đó. “Tiệm sách san sẻ là một trong những dự án cộng đồng của bên nhà mình, qua đó mình muốn thúc đẩy văn hóa đọc. Mọi người có thể đến đây đọc sách miễn phí, nguồn sách ở đây cũng do các bạn san sẻ đến tặng cho nhà hoặc là của các diễn giả cũng muốn đem sách của mình đến đây để cho cộng đồng đến đọc sách thoải mái, miễn phí và có những buổi chia sẻ, trò chuyện về cách mình hình thành văn hóa đọc như thế nào”, chị Trang cho biết thêm.

Nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt 3
“Nhà của thời thơ ấu” giúp bạn trẻ có giây phút an nhiên giữa Sài Gòn nhộn nhịp.

Rất nhiều người đến đây đều cảm nhận được sự nhẹ nhàng thư thái, một cảm giác dễ chịu. Giúp mọi người lấy lại năng lượng và chuyên tâm đọc sách, thưởng thức các loại nước uống có thể do mình tự pha chế. Đôi khi không cần nói chuyện với ai hết, nhưng nếu có những thắc mắc thì kiến thức trong sách cũng giải đáp được cho mình, như chia sẻ của bạn Phạm Hoài Thương, ngụ quận 3: “Ngôi nhà của thời thơ ấu hấp dẫn mình bằng những món đồ vật của những người Sài Gòn ngày xưa, rất ý nghĩa. Ví dụ như chiếc đồng hồ quả lắc chỉ những người Sài Gòn khá giả ngày xưa mới có. Hay đến đây mình biết được cà phê vợt là gì? Vì cà phê vợt, cà phê siêu rất nổi tiếng của người Sài Gòn xưa, nhất là ở khu vực Quận 5, nhưng giờ đã mai một đi rất nhiều. Hay trên kệ còn có con búp bê ngày xưa, nhìn thấy nó tuổi thơ mình như ùa về. Vì con búp bê này không chỉ người Sài Gòn mới có, mà mình cũng có một con và mình rất thích con búp bê đó”.

Có đôi khi gặp những phiền muộn trong cuộc sống, chúng ta từng mong ước được quay về sống một ngày trọn vẹn của tuổi thơ, nơi có tất cả các thành viên thân yêu của gia đình. Nhưng sau những giây phút yếu lòng thì chúng ta vẫn phải bước tiếp. Vì vậy, việc tìm đến một góc sách chuyên về tâm lý, khích lệ tinh thần cho mọi người, các đầu sách hướng dẫn sống nhẹ nhàng, vui vẻ sẽ rất bổ ích trong cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực hiện nay…