Chờ...

Nghề truyền thông là gì trong con mắt của những người làm truyền thông?

(VOH) - Truyền thông không phải là một nghề “truyền thống” mà là nghề đầy tính hiện đại chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây khi nhu cầu thông tin và quảng bá thông tin ngày càng đa dạng và cần thiết.

Nghề truyền thông là gì? Có khó khăn không? Có vất vả không? Thu nhập tốt không?... là những câu hỏi mà nhiều bạn trẻ đang “lăn tăn” khi đứng trước cánh cửa lựa chọn nghề nghiệp.

Google có thể cho các bạn hàng triệu câu trả lời khác nhau từ những câu hỏi này. Nhưng để hiểu thực sự về nghề, các bạn trẻ cần có sự chia sẻ của chính những người trong nghề.

Dưới đây, Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc sẽ chia sẻ cụ thể về nghề truyền thông từ chính trải nghiệm công việc và giảng dạy của mình.

ngành truyền thông, nghề truyền thông, quan hệ công chúng, pr, voh.com.vn, hướng nghiệp
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc hiện là Trưởng Ban Truyền thông của Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM), đồng thời cũng là giảng viên thỉnh giảng cho một số trường đại học tại TPHCM có đào tạo chuyên ngành Báo chí và Truyền thông.

Tuyển sinh 2021: Trường Đại học Quốc tế mở thêm 2 ngành mới, tuyển sinh theo 6 phương thức

Nghề truyền thông là gì?

Nhân viên truyền thông (PR) đôi khi còn được gọi là nhân viên quan hệ công chúng. Đây là công việc phù hợp với những người trẻ có khả năng giao tiếp, năng động và có sức khoẻ tốt.

Trong ngành Truyền thông sẽ tạm thời chia ra PR in house (PR nội bộ) và PR agency (PR dịch vụ). Nhân viên truyền thông (NVTT) làm việc trong một đơn vị, doanh nghiệp, công ty, tổ chức nhất định hoặc làm việc cho một công ty bán dịch vụ về truyền thông.

Với công việc NVTT dịch vụ thì có rất nhiều công việc khác nhau tuỳ lĩnh vực công ty truyền thông mà bạn có thể đầu quân.

Nếu là công ty truyền thông về truyền hình thì bạn có thể đảm nhiệm công việc tổ chức sản xuất chương trình truyền hình, biên tập viên, trợ lý sản xuất, thư kí chương trình…

Nếu là công ty truyền thông về dịch vụ quảng bá thương hiệu thì bạn sẽ làm việc với rất nhiều công ty đối tác (là khách hàng) của công ty bạn với nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, tài chính cho đến giáo dục, bất động sản…

Nếu là công ty truyền thông về tổ chức sự kiện thì bạn sẽ chịu trách nhiệm tổ chức các sự kiện khác nhau theo hợp đồng với khách hàng; Có khi khách hàng nhỏ như một gia đình thuê công ty bạn tổ chức sinh nhật, đám cưới, đám hỏi… hoặc cũng có những khách hàng lớn hơn, tổ chức tiệc Tổng kết năm, Lễ Khai trương, Lễ Cất nóc… 

Với NVTT nội bộ (như tôi từng làm) thì bạn có thể sẽ làm tất cả những mảng trên của NVTT dịch vụ nhưng chỉ cho riêng đơn vị bạn đang làm mà thôi.

Công việc của một nhân viên truyền thông

Là một chuyên viên truyền thông của trường Đại học, tôi là người lập Kế hoạch chính về mảng Truyền thông - Marketing cho trường trong một năm học.

Tôi cũng là người chịu trách nhiệm chính về nội dung quảng bá, hình ảnh cũng như chiến dịch quảng cáo cho trường khi mùa tuyển sinh đến; là người chịu trách nhiệm chính về mặt Quản trị thương hiệu cho nhà trường cũng như hỗ trợ trường tổ chức các sự kiện khác nhau trong năm học từ Lễ Khai giảng, Lễ Tốt nghiệp, Kỷ niệm Ngày Thành lập trường, Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam…

Tôi, cũng như nhiều chuyên viên truyền thông nội bộ khác, có nhiệm vụ liên lạc truyền đạt thông tin chính thống trên các kênh truyền thông khác nhau của trường để tất cả các Khoa, Bộ môn, các Phòng, Ban, Trung tâm đều thông suốt tin tức.

Tôi cũng sẽ thực hiện những ấn phẩm truyền thông nội bộ như bản tin nội bộ, bản thông báo, thông tin trên website trường, fanpage, youtube, màn hình… để các Kênh truyền thông của trường có sức sống mỗi ngày.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của tôi đó là thực hiện Thông cáo báo chí để đưa những tin tức quan trọng nhất, chính thống của nhà trường đến các cơ quan báo đài vào các sự kiện lớn trong năm; Kết nối và giữ mối quan hệ với tất cả cơ quan báo đài trọng điểm của ngành Giáo dục để có thể kịp thời thông tin tin tức đến giới truyền thông chính thống là một nhiệm vụ quan trọng tôi đảm trách.

Ngoài ra, tôi còn có nhiệm vụ khác là kết nối với các trường THPT trọng điểm để hỗ trợ cho công tác tuyển sinh của nhà trường. Đây là một công việc đòi hỏi sự nhẫn nại, khéo léo và trí nhớ thật tốt để có thể đem duy trì và phát triển mối quan hệ kết nối này để phục vụ công tác tư vấn tuyển sinh.

Bên cạnh đó, công việc này cũng thể hiện được nhiệm vụ PR Cộng đồng của nhà trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của một trường Đại học.

Chuẩn bị hồ sơ xét học bạ cho kì tuyển sinh và những điều lưu ý để chắc chắn đậu đại học

Vậy rốt cuộc NVTT có nhiều việc vậy sao? Đọc đến đây nhiều bạn hoảng hốt đúng không? Xin trả lời, nếu bạn hoảng hốt thì đúng rồi đó. Thậm chí những công việc mà tôi kể trên chưa đi vào chi tiết và cũng chỉ là khái quát vài đường nét cơ bản mà thôi.

Tuy nhiên, khi một sự kiện được diễn ra, không chỉ có một mình NVTT chạy việc hay đảm đương hết khối lượng công việc đồ sộ mà nó sẽ được phân chia cho nhiều đơn vị, nhiều người khác nhau đảm nhiệm dựa theo chuyên môn của từng bộ phận, từng người.

NVTT cần phải nắm thông tin và nội dung để thực hiện các công việc truyền thông trước, trong và sau sự kiện. Ví dụ, chuẩn bị cho Lễ Tốt nghiệp thì trước hết NVTT cần nắm chủ đề của lễ năm nay muốn để triển khai việc thiết kế thiệp mời, backdrop sân khấu, banroll chào mừng. NVTT cần liên hệ với các bộ phận liên quan để nắm thông tin, số liệu để soạn Thông báo Báo chí chính thức gửi đến các cơ quan báo đài, các phóng viên biên tập viên và làm sao đưa được những thông tin hấp dẫn nhất, mời được các cơ quan báo đài cử phóng viên đến ghi nhận và đưa tin.

Khâu kịch bản chương trình cũng cần NVTT tham gia, NVTT cũng góp vào chương trình những video clip, hình ảnh tiêu biểu của nhà trường, phụ trách mục triển lãm hình ảnh nếu nhà trường yêu cầu…

Với sự kiện như Lễ Khai giảng, Lễ Tốt nghiệp NVTT cần nắm trước thông tin của những sinh viên, học viên xuất sắc để cung cấp cho báo đài và làm thông tin cho sự kiện thêm nổi bật…

NVTT cũng sẽ phụ trách các khách mời do mình được phân công bao gồm gọi điện, gửi thư mời khách, xác nhận việc khách tham dự, đón khách, hỗ trợ hướng dẫn đường đi, giờ giấc cho khách.

Chuẩn bị thông tin nội dung để khi Lễ vừa diễn ra thì thông tin, hình ảnh sự kiện được đăng tải trên các kênh truyền thông của nhà trường như website, fanpage, youtube… Đặc biệt phải có được những bài báo, phóng sự, tin tức về Lễ từ báo đài đã đến dự để tiếp tục truyền thông quảng bá sau sự kiện.

ngành truyền thông, nghề truyền thông, quan hệ công chúng, pr, voh.com.vn, hướng nghiệp
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc phỏng vấn Diễn giả Bruno Fux tại Lễ Tốt nghiệp của trường Đại học Quốc tế để làm video clip về sự kiện này.

NVTT nội bộ vẫn còn nhiều việc khác như tạo ra các ấn phẩm đặc biệt dùng để quảng bá thương hiệu tổ chức mình làm như bộ quà tặng có logo, slogan, thông tin cơ bản của tổ chức, các ấn phẩm video clip giới thiệu tất cả các đơn vị học thuật dùng để phối hợp quảng bá, các sản phẩm như thiệp chúc mừng, thiệp tri ân, brochure giới thiệu nhà trường cũng không thể thiếu trong nhóm công việc của NVTT đảm nhiệm thường xuyên trong năm.

Hàng ngày, hàng tuần phải theo dõi thông tin từ các đơn vị khác nhau để có được thông tin mới, từ đó không bỏ sót tin tức trên các kênh mình phụ trách.

Những thông tin hay phải linh hoạt và lựa chọn chính xác cơ quan báo đài cần để đưa thông tin đến công chúng rộng khắp từ đó góp phần quảng bá hình ảnh tích cực của đơn vị mình công tác, thu hút được nhiều sự quan tâm của phụ huynh, học sinh (là những khách hàng chính yếu của nhà trường).

NVTT nội bộ còn phải chủ động liên hệ, làm việc với các phóng viên để hỗ trợ các phóng viên báo đài triển khai các đề tài cần có ý kiến chuyên gia (từ các giảng viên chuyên môn cao của nhà trường) hoặc các chính sách mới của nhà trường để gắn bó hơn với giới truyền thông.

Dĩ nhiên, khả năng viết lách của NVTT được thể hiện rõ ở nhóm công việc này. Một NVTT giỏi cũng phải viết được những tin, phóng sự có thể đăng tải trên truyền thông đại chúng.

Nghe thì rất nhức đầu nhưng có thể tóm gọn lại công việc này trong một vài gạch đầu hàng như:

  • Phối hợp với ban quản lý để phát triển và thực hiện các chiến lược truyền thông hiệu quả sau khi phân tích đối tượng mục tiêu.
  • Viết, chỉnh sửa và phân phối nội dung, bao gồm các ấn phẩm, thông cáo báo chí, nội dung trang web, báo cáo hàng năm, bài phát biểu và tài liệu marketing khác, truyền đạt các hoạt động, thông tin sản phẩm/hoặc dịch vụ của công ty.
  • Trả lời các câu hỏi của giới truyền thông, sắp xếp các cuộc phỏng vấn và đóng vai trò là người phát ngôn trong một số trường hợp.
  • Thiết lập và duy trì mối quan hệ hiệu quả với các nhà báo và duy trì cơ sở dữ liệu truyền thông.
  • Tìm kiếm cơ hội để nâng cao danh tiếng của thương hiệu, điều phối các sự kiện công khai theo yêu cầu.
  • Duy trì hồ sơ truyền thông và đối chiếu phân tích số liệu.
  • Quản lý khủng hoảng truyền thông.

Yêu cầu trình độ và kỹ năng với nhân viên truyền thông?

Một lần nữa tôi khẳng định nhóm công việc truyền thông không dành cho những ai ù lì, chậm chạp và không chịu thay đổi tư duy, đặc biệt là sức khoẻ kém.

Đặc thù công việc của nhân viên truyền thông là năng động, sáng tạo và tiếp xúc với nhiều người nên đòi hỏi phải có kỹ năng cũng như kiến thức chuyên môn của ngành nghề. Một số công ty, doanh nghiệp khi tuyển nhân sự ngành này thường có yêu cầu nhẹ nhàng như bằng cử nhân chuyên ngành truyền thông, báo chí, marketing hoặc liên quan. Nhưng cũng có một số nơi đòi hỏi có kinh nghiệm làm việc trong vai trò nhân viên truyền thông từ 1-2 năm, có kỹ năng viết, tạo nội dung, chỉnh sửa hình ảnh và video. Họ còn nhấn mạnh yêu cầu về kỹ năng giao tiếp trong cả bằng văn bản và lời nói.

Rõ ràng, đây là kỹ năng quan trọng NVTT cần có bởi công việc đòi hỏi phải tiếp xúc với rất rất nhiều người để hoàn thành công việc về quảng bá, chuyển tải thông tin. Các kỹ năng mềm khác như quản lý thời gian, tổ chức công việc, thành thạo các phần mềm văn phòng, biết dùng các nền tảng truyền thông mạng xã hội… đặc biệt các kiến thức về Digital Marketing, tối ưu hoá Website, biết lập Kế hoạch Marketing online, AdWords, social marketing… sẽ giúp bạn có thêm nhiều lợi thế trong ngành này.

Dạy kỹ năng mềm cho sinh viên: dạy độc lập hay dạy tích hợp?

Sinh viên hãy đi làm thêm để tích lũy kỹ năng mềm

Với các bạn trẻ, có nhiều thời gian, thay vì lên mạng chém gió thì có thể luyện kỹ năng sử dụng các phần mềm đồ hoạ như Adobe Photoshop, Adobe Premiere… để dựng video clip.

Công việc truyền thông gắn với quảng bá hình ảnh, quảng cáo thương hiệu nên có thêm những kỹ năng này bạn chắc chắn sẽ không bao giờ thất nghiệp trong ngành này.

Thu nhập của ngành truyền thông có "đủ sống" hay không?

Nhiều bạn trẻ sẽ cảm thấy ngành này “ngon lành” quá, các anh chị mặc đồ “xịn xò”, mặt mũi rực rỡ hào quang quá nên tự tin nghĩ lương hay thu nhập ngành này sẽ rất tốt.

Thật ra, tuỳ vào hình thức làm việc, trình độ, kỹ năng và hiệu suất công việc, mức lương của nhân viên truyền thông có thể ở trong khoảng từ 5 - 20 triệu/tháng.

Thông thường, với vị trí toàn thời gian, một nhân viên truyền thông nhận khoảng 7 - 12 triệu/tháng trong thời gian 2 năm đầu làm việc sau khi tốt nghiệp.

Sau 3-5 năm làm việc bạn có thể lên vị trí quản lý với mức lương 25 - 30 triệu/tháng.

Nhiều công ty, tập đoàn lớn có thể trả mức lương cao hơn như 40 - 60 triệu/tháng nhưng dĩ nhiên chỉ dành cho người có kinh nghiệm lâu năm và năng lực cao trong ngành.

Làm sao để giỏi trong ngành truyền thông?

Tôi biết trong ngành có nhiều anh chị học những chuyên ngành khác nhau nhưng vẫn thành công trong giới truyền thông. Tuy nhiên, đa phần tôi thấy, yêu cầu tối thiểu đối với nhân viên truyền thông thường là bằng cử nhân về quan hệ công chúng, truyền thông, báo chí hoặc một lĩnh vực liên quan.

Khi học các ngành này, bạn sẽ được đào tạo khả năng viết, nói cũng như các kỹ thuật, nguyên tắc về quan hệ công chúng, sáng tạo thông điệp và chiến lược truyền thông. Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, nhân viên truyền thông thường phải học thêm về cách sáng tạo nội dung số để từ đó tiếp cận đối tượng rộng hơn. 

Kỹ năng thứ hai mà một NVTT cần rèn luyện thường xuyên chính là xử lý tình huống. Đối với bất kỳ vị trí công việc nào, kinh nghiệm là một trong những tiêu chí được các nhà tuyển dụng ưu tiên.

Trong trường hợp của nhân viên truyền thông, kinh nghiệm làm việc sẽ giúp bạn linh hoạt hơn, có khả năng xử lý tình huống tốt hơn nhất là những tình huống cấp bách, khó nhằn.

Vì thế, trước khi xin vào vị trí nhân viên truyền thông toàn thời gian, bạn có thể xin thực tập hoặc trợ lý truyền thông, cộng tác viên cho một vài nơi. Trong vai trò đó, bạn chủ yếu sẽ hỗ trợ cấp trên, tham gia hỗ trợ tổ chức các sự kiện, biết thêm các hoạt động quan hệ công chúng và theo dõi thông tin trên các kênh truyền thông…

Một NVTT giỏi thì kỹ năng quan trọng bậc nhất chính là kỹ năng giao tiếp. NVTT cần có kỹ năng giao tiếp tốt cả bằng văn bản và lời nói. Đặc thù công việc của bạn phải tiếp xúc với rất nhiều người - nhân viên trong công ty, sếp, phóng viên báo đài... Do đó, chỉ khi khéo léo trong giao tiếp, bạn mới có thể thực hiện công việc của mình một cách trơn tru.

Những người chọn theo học các ngành liên quan tới truyền thông thường thích nói chuyện, viết lách và tương tác với mọi người. Tuy vậy, trên thực tế, giao tiếp chuyên nghiệp có thể khác so với trao đổi thông thường. Bạn chỉ có thể cải thiện kỹ năng của mình qua học hỏi, rèn luyện và xử lý các tình huống thực tế trong công việc thực sự của ngành này.

Một điều quan trọng nữa đó chính là biết cách xây dựng mối quan hệ tốt. Bạn có thể bắt đầu xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp của mình bằng cách tham dự các sự kiện trong ngành và tiếp xúc dần với các nhà báo, phóng viên…

Ngành này đòi hỏi bạn làm việc quá giờ và đôi khi chạy sự kiện thì cần tăng ca, làm việc bất kể đêm ngày nên sức khoẻ là nền tảng để bạn sống lâu bền với nghề. Hãy lựa chọn một môn thể thao thật phù hợp để bắt đầu tập luyện nếu muốn thành danh nhé.

Và cuối cùng, tôi nghĩ, đây là kỹ năng quan trọng đối với một NVTT đó là rèn luyện tiếng Anh và các ngoại ngữ khác thật tốt. Không thừa nếu như bạn giỏi ngoại ngữ trong ngành công nghiệp dịch vụ này.

Cách học tiếng Anh hiệu quả ở bậc đại học

Ý kiến của 1 số chuyên viên truyền thông lâu năm

Anh Nguyễn Chung Hiếu - Chuyên viên truyền thông cấp cao

“Tốt nghiệp chuyên ngành Địa lý Du lịch của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM) năm 2007, tôi quyết định không theo cái nghề mà mình đã học để rẽ sang một hướng mới hoàn toàn.

Nhận thấy bản thân có một chút khả năng viết lách, tôi ứng tuyển vào một công ty truyền thông với công việc biên tập viên. Sau 3 năm tích lũy kinh nghiệm tại công ty truyền thông tôi tiếp tục chuyển hướng công việc của mình sang lĩnh vực PR.

ngành truyền thông, nghề truyền thông, quan hệ công chúng, pr, voh.com.vn, hướng nghiệp
Anh Nguyễn Chung Hiếu - Chuyên viên truyền thông cấp cao

Cách đây khoảng 10 năm thì truyền thông vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ, chưa nhiều người theo đuổi. Công việc này được xem là “ứng trong, hợp ngoài”, không chỉ đòi hỏi những kiến thức về nghề báo, không khác gì như một phóng viên thực thụ như viết, biên tập, chụp ảnh, quay phim… mà đòi hỏi phải cực kỳ khéo léo trong giao tiếp.

Nghề này cũng không có một kiến thức chung cố định mà được bồi đắp, tích lũy theo năm tháng bởi vì “bánh xe truyền thông” chuyển động không ngừng và luôn thay đổi một cách chóng mặt. Nếu bạn không theo kịp thì nhất định sẽ bị tụt lại phía sau.

Làm truyền thông có đôi lúc công việc nhàn tênh nhưng cũng lắm lúc vắt chân lên cổ mà chạy. Không chỉ là những deadline, những cuộc họp thâu đêm suốt sáng, những chiến lược truyền thông chạy bài cho sản phẩm sắp ra mắt. Chưa kể nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người làm truyền thông chính là xử lý khủng hoảng, bởi vậy luôn phải giữ “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Khi thời điểm mạng xã hội phát triển ồ ạt thì người làm lĩnh vực truyền thông còn phải rất nhạy bén với thông tin bởi vì chỉ cần một luồng thông tin bất lợi là có thể nhanh chóng dẫn đến khủng hoảng. Hơn 10 năm theo nghề truyền thông tôi thấy công việc này rất thú vị, hơn nữa giúp cho tôi có thêm nhiều mối quan hệ và thỏa mãn một phần ước mơ làm báo của mình”.

Chị Phạm Khúc Thụy - Chuyên viên truyền thông

“Tôi đã học và tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Marketing tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH). Tôi lựa chọn công việc này vì đó là định hướng & sở thích của mình ngay từ khi cấp 3. Hiện tại, tôi đang là Chuyên viên truyền thông tại Tập đoàn Giáo dục IGC.

Được học và làm việc trong ngành truyền thông tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời về cách làm thế nào để sáng tạo ra các nội dung thú vị qua nhiều góc nhìn trong cuộc sống, cách truyền đạt những giá trị từ sản phẩm, công ty đến với người tiêu dùng; cách xử lý hiệu quả các khủng hoảng truyền thông...

ngành truyền thông, nghề truyền thông, quan hệ công chúng, pr, voh.com.vn, hướng nghiệp

Chị Phạm Khúc Thụy - Chuyên viên truyền thông

Công việc này đôi khi đòi hỏi người làm phải dành nhiều thời gian cho công việc (có thể lên đến 12 - 15 tiếng/ngày) khi có các dự án, rồi phải luôn theo dõi các phản ứng của khách hàng 24/24 khi thực hiện các chiến dịch truyền thông.

Theo tôi, khi làm truyền thông bạn phải là người cẩn trọng, chi tiết, biết quan sát và thường xuyên cập nhật bản thân các xu hướng hiện đại. Thêm vào đó, người làm truyền thông cần sự linh động và xử lý tình huống nhanh.

Ngành truyền thông đòi hỏi những tố chất thiên bẩm như sự sáng tạo, óc quan sát... Tuy nhiên, để gắn bó và thành công với nghề này tôi nghĩ việc đầu tư nghiên cứu, học hành bài bản đúng chuyên ngành sẽ là nền tảng vững chắc để các bạn gắn bó và phát triển với nghề".

🔴 Hướng nghiệp 5.0 là series chuyên phỏng vấn thực tế các chuyên gia thực sự làm nghề giúp bạn có cái nhìn tổng quát và đầy đủ nhất về ngành nghề trước khi lựa chọn nghề nghiệp.

Theo dõi Hướng nghiệp 5.0 tại:

Fanpage hướng nghiệp: https://fb.me/huongnghiep50.voh

Group hướng nghiệp: https://fb.com/groups/huongnghiep50/

Đặt câu hỏi hướng nghiệp: https://forms.gle/AqBSL2uBCjkTAebp6

Các bài viết: https://voh.com.vn/huong-nghiep-835.html