Góp ý sửa Luật Lao động

(VOH) - Ba thợ hồ gợi ý “mấy bữa rày anh chị em công nhân bàn tán rôm rả về góp ý sửa đổi Luật Lao động quá xá”. 

Tư hưu trí bổ sung thêm “đâu phải chỉ anh chị em công nhân lao động không đâu, mà ngay cả hưu trí như tụi tui cũng quan tâm. Nói chung mọi người ai cũng quan tâm vì sửa đổi Luật Lao động lần nầy bao quát nhiều nội dung quá, trong đó tui khoái nhứt là mỗi năm người lao động được nghỉ thêm một ngày, ngày 27/7 để tưởng nhớ công lao các thương binh liệt sĩ”. 

Nghe bài viết: 

Công nhân trong xí nghiệp

Mỗi năm người lao động được nghỉ thêm một ngày, ngày 27/7 để tưởng nhớ công lao các thương binh liệt sĩ. Ảnh minh họa: MĐ

Hai Sài Gòn hệ thống lại quá trình hình thành Luật Lao động nước mình “Bộ luật Lao động lần đầu được ban hành ngày 23/6/1994, có hiệu lực thi hành từ 01/01/1995, đã qua bốn lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Trong đó, lần sửa đổi năm 2012 là lần sửa đổi toàn diện. Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng thực hiện trên thực tế, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan, trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi Bộ luật Lao động (năm 2012) cần được tiếp tục hoàn thiện. Vì vậy Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trong đó dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến sửa đổi vào cuối năm nay. Hai Sài Gòn cho là việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là yêu cầu cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp tới quyền lợi của người lao động và hoạt động công đoàn.

Tư hưu trí bổ sung thêm “sửa gì thì sửa, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc không được làm mất quyền lợi của người lao động”. Ba thợ hồ bày tỏ niềm vui về khoản tiền làm thêm giờ được điều chỉnh tăng lên từ 200 tới 400%. Công nhân tụi tui “đê mê” khoản nầy đây.

Theo Ba thợ hồ phương án được đề xuất trong dự thảo này, người lao động làm thêm giờ được tính lương như ngày thường được trả ít nhất bằng 150% cho giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho các giờ tiếp theo. Vào ngày nghỉ hàng tuần được trả ít nhất 200% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 300% cho các giờ làm thêm tiếp theo. Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 400% cho các giờ làm thêm tiếp theo. Ba thợ hồ “bình” liền cách tính nầy tiền lương làm thêm giờ của người lao động tăng lên đáng kể so với quy định hiện nay.” 

Về dự thảo thêm 1 ngày nghỉ vào dịp ngày thương binh liệt sĩ Tư hưu trí cho là ngày 27/7 hằng năm đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam, biểu thị lòng tri ân, bày tỏ nghĩa tình sâu nặng của con cháu đối với những người có công với đất nước và thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam”. 

Hai Sài Gòn bổ sung so về số ngày nghỉ lễ, Tết trong một năm của người lao động Việt Nam hiện nay là ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực. Cụ thể Campuchia có số ngày nghỉ lễ mỗi năm là 28 ngày, Thái Lan 16 ngày, Indonesia 16 ngày, Brunei 15 ngày, Myanmar 14 ngày, Malaysia  12 ngày, Philippines 12 ngày, Singapore 11 ngày, trong khi tổng số ngày nghỉ lễ, Tết hiện tại của Việt Nam là 10 ngày. Nên dự thảo sửa đổi luật lao động bổ sung thêm 1 ngày nữa là 11 ngày. Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về thời gian nghỉ. Phương án 1 giữ như hiện nay: Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch, nếu trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Phương án 2, được nghỉ 5 ngày, nếu trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.

Tư hưu trí cho là phải tuân thủ nguyên tắc “không được làm thiệt thòi quyền lợi người lao động”. Hài Sài Gòn góp thêm “về tình cảm thì nghỉ ngày 27/7 là nhớ ơn thương binh liệt sĩ, cho nghỉ thêm ngày nầy mà cắt nghỉ bù vào dịp Tết nếu trùng ngày cuối tuần thì còn ý nghĩa gì nữa. Những ngày nghỉ theo luật thì người lao động vẫn hưởng lương, đây là quyền lợi của người lao động mà. Thứ hai xét về kinh tế ngày nghỉ càng kéo dài thì kích cầu tiêu dùng càng cao. Cụ thể như kỳ nghỉ 30/4, 1/5 vừa rồi các siêu thị ở TP sức mua tăng lên hơn 70%. Như thế có phải nhiều giới được lợi không?”

Hai Sài Gòn cho biết quá trình thảo luận và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự đồng thuận với phương án 1, tức là Tết nghỉ 5 ngày nếu trùng với ngày nghỉ hàng tuần được nghỉ bù ngày kế tiếp. Anh em ai cũng cho là chí phải, như thế mới vừa tỏ lòng biết ơn thương binh liệt sĩ vừa không thiệt quyền lợi người lao động.

Tư hưu trí cho là Ban soạn thảo dự thảo nầy “quởn” quá, biết là không ai chấp thuận phương án 2 tức nghỉ Tết ngày không nghỉ bù nếu trùng vào ngày nghỉ hàng tuần, vậy mà đưa vào dự thảo cho tốn giấy. Đó là tui mới nói nội dung dự thảo về tiền lương làm thêm và nghỉ ngày 27/7 chứ còn biết bao nội dung khác nữa, đúng là lãng phí thời gian và giấy mực.