Trả lời cho bạn mình, Hai Sài Gòn lập lại nguyên văn lời Bộ trưởng Tài chính “nếu nhập tại thị trường ASEAN, thuế đối với dầu hỏa, diesel, nguyên liệu bay là 0%, còn với xăng là 20%. Vừa qua, anh em phát biểu với báo chí nói hai Bộ Tài chính, Công Thương đổ trách nhiệm cho nhau.
Thực tế, chúng tôi không đổ lỗi cho nhau, phải nói rõ là như thế. Bộ xin nhận trách nhiệm và sẽ rút kinh nghiệm để điều chỉnh. Bộ Tài chính, ban hành Thông tư, tuy nhiên qua thời gian, thông tư không còn phù hợp thực tế áp thuế xuất nhập khẩu hiện nay.
Ngoài ra, việc điều hành như thế sẽ khiến cho quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo hơn. Giá càng thấp thì càng có lợi cho người tiêu dùng nhưng cần cân đối để đảm bảo cân bằng”.
Tư hưu trí chưa hiểu rõ nên đề nghị Hai Sài Gòn giải thích cụ thể hơn, trong vụ nầy người tiêu dùng thiệt hại thế nào? Hai Sài Gòn biết theo cam kết hội nhập Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam áp dụng từ năm 2015 với dầu diesel và mazut là 5% và từ 1/1/2016 là 0%. Ngoài ra, từ đầu năm nay, thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5%, thuế xăng về 10%.
Ảnh: Khiêm Huân.
ASEAN từ trước đến nay vẫn là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam. Do đó, cách tính giá cơ sở như vậy đã tạo ra một khoảng chênh từ 5 đến 10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng giữa đầu vào tức phần doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách và đầu ra là phần người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp. Đây là khoản tiền mà các nhà buôn xăng dầu được hưởng suốt từ tháng 5/2015 đối với diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 đến nay với xăng nhập từ Hàn Quốc, ước tính hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng.
Lỗ hổng chính sách thuế đang khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “đút túi” khoảng 3.500 tỷ đồng…”
Nghe con số quá “khủng” Ba thợ hồ kêu lên bi thảm “trời ơi” tui cứ tưởng chỉ vài chục hoặc cao lắm là vài trăm triệu, thì cũng thấy ông bà ông vải rồi, nay nghe tới mấy ngàn tỷ, thật hết biết luôn.
Tư hưu trí “truy” tiếp: “vấn đề là số tiền khủng nầy đang ở đâu?”. Hai Sài Gòn trả lời “biết chết liền”. Chỉ biết là báo cáo tài chính của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thì năm 2015 Petrolimex lợi nhuận sau thuế hơn 3.138 tỷ đồng, lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu lên tới 1.990 tỷ đồng trong khi năm 2014 lỗ hơn 9 tỷ đồng. Cứ thế mà mấy anh tính đi.
Còn theo tính toán thì hiện mỗi lít xăng dầu người tiêu dùng phải gánh khoảng 55% tiền thuế và phí. Các loại thuế đánh trực tiếp vào mỗi lít xăng dầu và túi tiền của người dân là thuế nhập khẩu 1.238 đồng; thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt 743 đồng; chi phí định mức của doanh nghiệp là 1.050 đồng và lợi nhuận định mức 300 đồng. Tại sao như vậy?
Vì trong suốt cả năm 2015, mức thuế để tính giá cơ sở theo công thức tính giá xăng dầu vẫn là thuế MFN. Tức là thuế nhập khẩu ưu đãi. Chênh lệch tính thuế như vầy đã khiến người tiêu dùng phải trả tiền mua xăng dầu giá cao hơn, trong khi các doanh nghiệp đầu mối càng nhập khẩu nhiều xăng dầu từ ASEAN thì càng được lợi.
Vấn đề mấu chốt của vụ nầy là khi đã cam kết quốc tế và ký các hiệp định thương mại với các nước thì phải tuân thủ đúng theo các cam kết đó. Nhưng việc tính giá cơ sở xăng dầu thì Liên Bộ Công Thương – Tài chính tính theo thuế nhập khẩu từ thị trường thông thường, nên mức thuế cao, dẫn tới doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lời cả ngàn tỷ đồng”.
Nghe Hai Sài Gòn thông tin, 2 lỗ tai Tư hưu trí lùng bùng, mặt anh đỏ gay: “Vậy trách nhiệm của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trong vấn đề này ở đâu?”
Ba thợ hồ vốn “dĩ hòa vi quý” nên bày tỏ quan điểm liền “thì kỳ họp chính phủ thường kỳ Bộ trưởng Tài chính đã nhận trách nhiệm rồi đó. Ổng nói, ông và Bộ Công thương sẽ sửa thôi”. Tư hưu trí không đồng ý bởi về lý thì ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài Chính – Ngân sách Quốc hội đã cho rằng: “tuy không hoàn trả được cho người dân, nhưng chúng ta cũng phải tính đến việc thu hồi, mặc dù xác định căn cứ để thu hồi không hề đơn giản…”.
Về tình thì tuy Bộ trưởng Tài Chính đã nhận trách nhiệm, nhưng chắc chắn người dân sẽ cần nhiều hơn thế nữa, bởi lẽ như Bác Hồ đã dạy: “khi gánh vác trọng trách được giao phó, những “công bộc của dân” phải làm trọn nghĩa vụ với nhân dân. Việc gì có lợi cho dân phải làm cho bằng được, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh…”.
Nghe Tư hưu trí “lên gân” Hai Sài Gòn phải xoa dịu “ừ, bây giờ vậy nha, tụi tui sẽ phản ánh nội dung ý kiến của anh lên cho 2 ông Bộ trưởng Tài Chính, Công Thương nghiên cứu coi có cách nào, đặng dân mình bớt chịu thiệt, được chưa?”.