Những tác dụng của giác hơi và một số điều cần lưu ý

(VOH) - Hiện nay, nhiều người vì không muốn lạm dụng thuốc nên đã tìm đến phương pháp giác hơi để điều trị bệnh. Vậy giác hơi có tác dụng gì? Có phải ai cũng có thể thực hiện giác hơi không?

1. Giác hơi là gì?

Giác hơi là một liệu pháp lợi dụng áp suất trong dụng cụ giác nhằm gây hiện tượng sung huyết tại chỗ để giải độc cơ thể cũng như chữa bệnh. Người ta thường dùng ống nứa, ống thủy tinh, lọ nhỏ hoặc cốc nhỏ để làm dụng cụ giác cùng với bông, nước và cồn nhằm tạo nhiệt và áp suất. Ngày nay còn phát triển thêm kiểu giác hơi mới là giác hơi không dùng lửa.

nhung-tac-dung-cua-giac-hoi-va-mot-so-dieu-can-luu-y-voh-1

Dụng cụ giác hơi thường là lọ hoặc ống thủy tinh (Nguồn: Internet)

Giác hơi là một phương pháp điều trị bệnh độc đáo được lưu truyền rộng rãi trong dân gian từ xưa đến nay. Để đạt được hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất, người ta thường kết hợp giác hơi với các phương pháp khác như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt.

Phương pháp giác hơi thường được thực hiện theo những cách sau:

  • Đốt bông tẩm cồn rồi bỏ vào ống giác (ống nứa, ống thủy tinh, lọ nhỏ, cốc nhỏ) trong khi lửa vừa cháy, úp nhanh ống giác vào chỗ giác.
  • Dùng panh kẹp bông tẩm cồn đốt cháy rồi hơ nhanh vào lòng ống giác, rút panh ra và úp ống giác vào chỗ định giác.
  • Úp ống giác vào nước đang sôi. Nhanh tay dùng khăn sạch nhấc lên, thấm khô miệng ống và úp nhanh vào chỗ giác.

2. Tác dụng của giác hơi

Theo quan niệm của Đông y, giác hơi dùng lửa cũng có nghĩa là nhiệt nên được sử dụng chủ yếu để chữa các chứng bệnh do hàn (lạnh) gây ra. Theo đó, tác dụng giác hơi giúp chữa đau bụng, đau lưng, đau vai, đau gáy, đau cổ,…

Môi trường chân không trong ống giác sẽ kéo da lên trên bên trong của ống giác, việc này có tác dụng mở các lỗ chân lông của da, giúp kích thích dòng chảy của máu, cân bằng và điều chỉnh dòng chảy của khí, phá vỡ các “chướng ngại vật” và tạo ra một “cánh cửa” cho độc tố được rút ra khỏi cơ thể. Như vậy, công dụng của giác hơi ngoài chữa các chứng đau còn giúp thải độc hiệu quả.

Ngoài ra, người ta còn sử dụng giác hơi để điều trị một số bệnh về hô hấp như viêm phế quản, hen suyễn hay viêm khớp và rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt, giác hơi còn có tác dụng điều trị trầm cảm và làm giảm sưng.

Ngày nay, nhiều người còn sử dụng giác hơi như một phương pháp để thư giãn.

nhung-tac-dung-cua-giac-hoi-va-mot-so-dieu-can-luu-y-voh-2

Màu sắc da sau khi giác hơi (Nguồn: Internet)

3. Những người không nên giác hơi

Mặc dù lợi ích của giác hơi rất nhiều nhưng nếu nằm trong một số đối tượng sau đây thì bạn không nên giác hơi:

  • Người bị bệnh da liễu, bị phù thũng.
  • Người quá yếu hay có bệnh về tim mạch.
  • Người mắc bệnh tâm thần không kiểm soát được hành vi của bản thân.
  • Người gầy.
  • Người có cơ da có độ đàn hồi kém.
  • Phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú, đang trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Trẻ em không nên giác hơi.

4. Một số lưu ý cần biết khi giác hơi

Để giác hơi có tác dụng tốt bạn cần chú ý những điểm sau:

  • Chỉ nên thực hiện giác hơi ở những vị trí có cơ bắp đầy đặn và lớp mỡ dưới da. Không nên thực hiện ở những nơi có mạch máu nông, vùng da mới liền hoặc có sẹo, những vùng da nhạy cảm như quanh mi mắt, môi, đầu vú, vùng da có nhiều nếp nhăn hoặc các vùng da đã giác hơi trước đó mà vẫn còn lưu vết.
  • Không giác hơi ngoài trời, nơi quá lạnh hoặc quá nóng. Tuyệt đối không thực hiện tại bãi biển, trong phòng có điều hòa.
  • Khi có những biểu hiên nóng tại chỗ giác, buồn ngủ, choáng váng, hoa mắt, đau đầu,…thì phải báo ngay cho nhân viên y tế để được xử lý kịp thời, tránh những biến chứng.
  • Sau khi giác hơi cần nghỉ ngơi, không hoạt động mạnh và không tắm.

Mặc dù cơ chế hoạt động của giác hơi khá đơn giản nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là bỏng nhiệt. Do đó, bạn không nên tự ý thực hiện giác hơi tại nhà mà hãy đến những cơ sở Y học cổ truyền uy tín để thực hiện.

Bình luận