Cách nấu cháo cá chép cho bà bầu và những lợi ích khi ăn

(VOH) – Cá chép dễ ăn và giàu dinh dưỡng, đây là một trong những loại cá nước ngọt mang đến rất nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt trong đó phải kể đến những lợi ích của món cháo cá chép cho bà bầu.

Cá chép được biết đến là một trong các loại cá có nhiều công dụng cho sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ mang thai. Không chỉ trong y học cổ truyền mà cả y học hiện đại cũng cho rằng bà bầu ăn cháo cá chép trong thai kỳ sẽ nhận được rất nhiều lợi ích.

1. Lợi ích của cháo cá chép cho bà bầu trong thai kỳ

Thịt cá chép rất tốt cho phụ nữ mang thai bởi chúng chứa rất nhiều protein, chất béo tốt, chất chống oxy hóa, vitamin nhóm B, vitamin A, K, .. cùng những khoáng chất canxi, sắt, photpho... cần thiết cho sức khỏe người mẹ và sự phát triển của thai nhi.

chao-ca-chep-cho-ba-bau-voh-0
Cá chép là thực phẩm bổ dưỡng mà mẹ bầu nên ăn trong thai kỳ (Nguồn: Internet)

Những lợi ích sức khỏe mà mà mẹ bầu có thể nhận được khi ăn cá chép là:

  • Chống viêm
  • Tăng cường chức năng của tim
  • Tăng cường hoạt động hệ tiêu hóa
  • Làm chậm quá trình lão hóa da
  • Hỗ trợ xây dựng hệ thống thần kinh và não bộ cho thai nhi
  • Hạn chế dị tật bẩm sinh

Bên cạnh đó, y học dân gian cho rằng bà bầu ăn cháo cá chép khi mang thai sẽ giúp con sinh ra có một làn da trắng hồng, môi đỏ đáng yêu. Trong một số sách y học cổ truyền cũng ghi nhận, dùng cá chép cho bà bầu sẽ có tác dụng dưỡng thai, an thai, giảm nguy cơ động thai, phù chân trong thai kỳ.

Ngoài ra, cá chép còn được biết đến là loại thực phẩm có thể giúp lợi tiểu, tiêu phù, chữa ho cho trẻ, thông sữa cho bà mẹ nuôi con bú. Do đó, dường như các bà mẹ đều được khuyến khích nên thường xuyên ăn cháo cá chép khi mang thai.

2. Cách nấu cháo cá chép cho bà bầu

Cá chép có thể được chế biến thành rất nhiều các món ăn ngon khác nhau, nhưng món ăn phổ biến nhất dành cho bà bầu chính là món cháo cá chép. Cách nấu cháo cá chép vô cùng đơn giản, mẹ có thể tham khảo theo công thức sau đây:

2.1 Cháo cá chép nấu đậu đỏ

Nguyên liệu

  • Cá chép: 1 con
  • Đậu đỏ: 100g
  • Gạo nếp: 100g
  • Táo đỏ
  • Trần bì
  • Hành, tỏi băm, gừng, thì là
  • Dầu ăn, nước mắm
  • Gia vị thông dụng

Cách nấu cháo cá chép đậu đỏ

  • Đậu đỏ mua về đem ngâm qua đêm hoặc ngâm với nước ấm để hạt đậu mềm.
  • Gạo nếp vo sạch đem nấu cháo trắng để có độ dẻo và thơm ngon hơn.
  • Hành tím, gừng băm nhỏ phi thơm. Hành lá, rau mùi rửa sạch, xắt nhỏ.
  • Cá chép cạo vảy, làm sạch. Khử mùi tanh của cá bằng cách xoa nước muối lên bề mặt cá. Bắc một nồi nước lên bếp cùng với một vài lát gừng, nước sôi, cho cá chép vào luộc cùng một ít thì là để tạo mùi thơm. Sau 10 phút vớt cá ra và tách cá ra khỏi xương.
  • Cho đậu đỏ vào nồi hầm nhừ đậu đỏ, trần bì, táo với nước luộc cá. Cho thêm nước vào đun cùng để được tỉ lệ 2 lít nước : 100g đậu đỏ : 100g gạo nếp.
  • Đậu mềm cho cháo trắng vào đun cùng, nêm gia vị vừa miệng. Khi cháo sôi trở lại cho thịt cá chép vào nồi, đun tiếp cho đến khi sôi trở lại 1 – 2 phút tắt bếp.
  • Múc cháo ra tô ăn cùng hành gừng phi thơm và hành lá, rau mùi.

2.2 Cháo cá chép đậu xanh

chao-ca-chep-cho-ba-bau-voh-1
Cháo cá chép đậu xanh thơm ngon, bổ dưỡng, dễ ăn khi mang thai (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Gạo nếp: 50g
  • Gạo tẻ: 50g
  • Đậu xanh: 50g
  • Gừng: 1 củ
  • Cá chép: 1 con
  • Gia vị thông dụng

Cách nấu cháo cá chép đậu xanh

  • Đầu tiên, trộn gạo nếp, gạo tẻ và đậu xanh lại với nhau rồi đem vo sạch.
  • Gừng thì giã nhuyễn.
  • Cá chép mua về rửa với nước, cạo vảy, rồi dùng gừng và muối để rửa lại cho bớt mùi tanh, xong thì rửa lại với nước.
  • Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, dầu nóng thì cho cá vào chiên sơ. Cá chép cho ra đĩa rồi tách thật cẩn thận phần thịt ra khỏi xương. Phần xương thì cho vào nồi, đem luộc để lấy nước nấu cháo  bỏ xương, chỉ lấy nước).
  • Cho hỗn hợp gạo và đậu vào máy xay, xay nhuyễn. Sau đó, bắc nồi lên bếp, cho nước hầm xương vào hỗn hợp xay nhuyễn vào, khuấy đều tay.
  • Cùng lúc này bạn cho dầu vào chảo, cho hành tím vào phi vàng thơm, rồi đổ thịt cá cùng ½ muỗng cà phê hạt nêm, ¼ muỗng cà phê nước mắm, xào đến khi thịt cá khô lại.
  • Bên nồi nấu cháo, khi thấy cháo nhừ bạn nêm 1 muỗng cà phê hạt nêm, 2 muỗng cà phê nước mắm và ½ muỗng cà phê tiêu vào (hoặc nêm theo khẩu vị), khuấy đều là có thể tắt bếp.
  • Múc cháo ra tô, cho rau, thịt cá chép lên trên mặt và thưởng thức khi còn ấm nóng.

2.3 Cháo cá chép nấu nấm

Nguyên liệu

  • Cá chép: 1 con
  • Gạo: 1 chén (hoặc 1 lon)
  • Nấm rơm: 200g
  • Hành tím, hành lá, ngò rí
  • Chanh, ớt, gừng
  • Dầu ăn
  • Gia vị thông dụng

Cách nấu cháo cá chép và nấm

  • Cá chép sau khi mua về làm sạch vẩy, bỏ hết nội tạng, cạo đi lớp màng màu đen bên trong bụng cá và đem đi rửa sạch.
  • Gạo mang đi vo sạch, để ráo nước sau đó trộn với 1 muỗng cà phê muối.
  • Hành tím bóc vỏ và băm nhuyễn. Hành lá và ngò rí nhặt sạch lá sâu, lá hư, bỏ rễ sau đó cắt nhuyễn. Gừng cạo vỏ và băm nhuyễn.
  • Nấm rơm cắt bỏ bớt chân nấm rồi rửa sạch. Nếu nấm nhỏ bằng đầu ngón tay thì bạn giữ nguyên, nếu lớn hơn có thể cắt làm 2 cho vừa ăn.
  • Cho vào nồi khoảng 2 lít nước, bật bếp và đun sôi. Sau khi nước sôi bạn cho cá đã vào luộc trong khoảng 10 phút cho cá vừa chín tới thì với ra. Giữ lại phần nước luộc cá để nấu cháo. Đợi cá nguội bớt thì tiến hành tách thịt cá và xương cá.
  • Sau khi đã vớt cá ra, bạn cho hết phần gạo đã trộn với muối vào, nấu trong khoảng 20 - 30 phút cho cháo nhừ. Khi cháo đã nhừ, cho hết phần thịt cá đã tách xương vào, khuấy đều nấu thêm khoảng 5 phút cho cá chín.
  • Đồng thời, bắc chảo lên bếp vào khoảng 2 muỗng canh dầu ăn, đun cho dầu nóng thì cho hết hành tím băm vào, phi thơm hành tím rồi cho nấm vào xào nhanh. Để nấm thêm đậm đà bạn nêm vào 1 muỗng canh hạt nêm, đảo đều trên bếp lửa khoảng 2 phút nữa thì tắt bếp.
  • Cho hết phần nấm đã xào vào nồi cháo, khuấy đều. Nêm thêm 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh đường cùng phần gừng băm (có thể nêm nếm theo khẩu vị). Đợi cháo sôi thêm khoảng 5 phút nữa thì nêm nếm vừa ăn, tắt bếp múc cháo ra tô, thêm hành lá, ngò rí cắt nhuyễn cùng 1 ít tiêu xay là có thể thưởng thức.

Ngoài các món cháo cá chép thơm ngon bổ dưỡng kể trên, mẹ bầu có thể nấu thêm nhiều món ăn từ cá chép khác như:

  • Canh chua cá chép
  • Canh cá chép nấu táo
  • Cá chép hấp

Xem thêm: Bật mí mẹ 5 món ăn tốt cho bà bầu siêu ngon, giàu dinh dưỡng

3. Bà bầu ăn cháo cá chép thời điểm nào là tốt?

Thông thường, mẹ bầu có thể ăn cá chép trong suốt cả thai kỳ, nhưng thời điểm tốt nhất là 3 tháng đầu tiên, vì đây là thời điểm mà mọi tế bào thai nhi đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Bà bầu ăn cháo cá chép trong tam cá nguyệt đầu tiên sẽ dễ dàng hấp thu dưỡng chất hơn.

chao-ca-chep-cho-ba-bau-voh-2
Bà bầu có thể ăn cháo cá chép trong suốt thời kỳ mang thai (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, bà bầu có thể ăn cháo cá chép ở các thời điểm trong ngày như sau:

  • Ăn vào buổi sáng: Giúp lấy lại năng lượng sau một đêm dài.
  • Ăn vào giữa 2 bữa chính: Giúp bổ sung thêm năng lượng và nguồn dinh dưỡng nuôi thai nhi.
  • Ăn khuya: Giúp ấm bụng và ngủ ngon hơn.

4. Những lưu ý khi bà bầu ăn cháo cá chép

Để có thể tận hưởng được những lợi ích khi ăn cháo cá chép, mẹ bầu cần lưu ý một số điều như sau:

  • Loại bỏ hết tất cả phần ruột và màng đen trong bụng cá chép, vì trong ruột cá chứa nhiều vi khuẩn có thể gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, suy gan, suy thận...
  • Mẹ bầu không ăn cá chép khi đang bị đói, bị ho.
  • Không ăn cá chép sống hoặc nấu chưa chín và cũng không ăn mật cá chép.
  • Mỗi tuần mẹ bầu có thể ăn 1 – 2 bữa cháo cá chép, có thể thay đổi phương pháp nấu để tránh nhàm chán khi ăn.
  • Nên kết hợp thêm thực đơn các loại cá bổ dưỡng khác để cân bằng dinh dưỡng.

Nhìn chung, cá chép là thực phẩm bổ dưỡng rất có lợi cho sức khỏe mọi người, nhất là phụ nữ mang thai. Bà bầu ăn cá chép vừa giúp dưỡng thai, an thai vừa có thể cung cấp cho con thêm nhiều dinh dưỡng để bé có thể phát triển một cách tốt nhất từ trong bụng mẹ.