Bà bầu ăn phô mai được không và nên ăn loại phô mai nào?

(VOH) – Được mệnh danh là thực phẩm vàng ‘giàu canxi hơn cả 1 ly sữa’ song phô mai vẫn khiến các mẹ bầu băn khoăn khi lựa chọn thêm vào thực đơn dưỡng thai. Vậy bà bầu ăn phô mai được không?

Bước vào thời kì mang thai, bên cạnh việc xây dựng khẩu phần ăn với đa dạng nhóm thực phẩm như thịt, cá, rau xanh hay trái cây, chị em phụ nữ cũng thường được khuyến cáo tăng cường sử dụng sữa cùng các chế phẩm từ sữa. Thế nhưng đối với một chế phẩm đặc biệt như phô mai thì sao? Bà bầu ăn phô mai được không và nên ăn loại phô mai nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ bầu giải đáp những băn khoăn này nhé!

1. Bà bầu ăn phô mai được không?

Chúng ta biết rằng phô mai được sản xuất với nguyên liệu chính là sữa, sau đó lên men rồi kết đông lại bằng enzyme rennet. Chính vì thế, một số nghiên cứu nhận thấy hàm lượng dưỡng chất như canxi, vitamin D hay protein trong phô mai còn “nổi bật” hơn sữa. Theo đó, trong trường hợp không bị dị ứng lactose hoặc casein thì mẹ có thể yên tâm rằng bà bầu hoàn toàn ăn phô mai được.

ba-bau-an-pho-mai-duoc-khong-va-nen-an-loai-pho-mai-nao-voh-0
Nếu không có tiền sử dị ứng, bà bầu có thể ăn phô mai được (Nguồn: Internet)

2. Bà bầu nên ăn loại phô mai nào?

Vốn có nguồn gốc lâu đời (khoảng 6000 năm TCN) nên cho tới nay các loại phô mai rất đa dạng, mang hương vị và độ cứng khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng “nhắc nhở” bà bầu nên ăn 1 trong 3 loại phô mai sau:

2.1 Phô mai cứng

Phô mai cứng là loại phô mai này có độ cứng cao nhất và độ ẩm tương đối thấp, màu vàng hoặc trắng ngà, hương vị thơm dịu, chủ yếu được sử dụng bằng cách bào sợi vì rất khó thái lát. Một số loại phô mai cứng phù hợp với bà bầu như phô mai Parmesan, phô mai Asiago hay phô mai Manchego,…

2.2 Phô mai bán cứng

Cũng có hương vị và màu sắc khá tương đồng với phô mai cứng nhưng độ ẩm của phô mai bán cứng cao, đồng thời không quá cứng. Những loại phô mai bán cứng phổ biến, dễ tìm kiếm gồm phô mai Cheddar, phô mai Gouda, phô mai Swiss hoặc phô mai Edam.

2.3 Phô mai mềm từ sữa thanh trùng

Các loại phô mai mềm có độ béo và độ ẩm khá cao, dễ tạo điều kiện để vi khuẩn Listeria sinh sôi nên không phù hợp với mẹ cũng như thai nhi. Song nếu mẹ thích độ mềm, dẻo từ phô mai này thì hãy chú ý lựa chọn phô mai mềm được làm từ sữa thanh trùng như Mozzarella, Ricotta,…để đảm bảo an toàn sức khỏe.

3. Bà bầu ăn phô mai nhận được lợi ích sức khỏe gì?

Lựa chọn loại phù hợp và sử dụng với liều lượng hợp lý, đúng cách, bà bầu ăn phô mai sẽ nhận được một số lợi ích sức khỏe tuyệt vời này:

3.1 Giảm đau nhức xương khớp

Như đã chia sẻ, dù là một trong những chế phẩm từ sữa nhưng hàm lượng canxi được tìm thấy từ phô mai lại cao hơn gấp 6 lần từ sữa, ước tính 100g phô mai sẽ đáp ứng lượng canxi tương đương với 71% nhu cầu hàng ngày.

Khoáng chất này sẽ tham gia tái tạo tế bào xương mới, tăng kết nối giữa các khớp xương, từ đó xoa dịu cơn đau nhức, đặc biệt ở vùng xương chậu trong suốt thời gian mang thai.

Xem thêm: Cách giảm đau xương chậu ở phụ nữ mang thai 

3.2 Cung cấp năng lượng

Theo phân tích dinh dưỡng, phô mai có chứa chất béo bão hòa. Dù vậy, nếu mẹ bầu tiêu thụ một lượng vừa phải thì dưỡng chất này chính là “nhiên liệu” đầu vào để sản sinh năng lượng cho cơ thể, giúp mẹ bầu bớt mệt mỏi và tham gia các hoạt động thường ngày.

ba-bau-an-pho-mai-duoc-khong-va-nen-an-loai-pho-mai-nao-voh-1
Các dưỡng chất từ phô mai sẽ giúp giảm lo âu, căng thẳng trong thời kì mang thai (Nguồn: Internet)

3.3 Tốt cho hệ tiêu hóa

Trong quá trình sản xuất phô mai, các tổ hợp lợi khuẩn như lactic hay propionic sẽ được “bơm” vào. Chúng sẽ hỗ trợ mẹ bầu chủ động phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, tiêu chảy,…đồng thời kích thích cảm giác ăn ngon miệng hơn.

Xem thêm: 2 điều cần lưu ý để mẹ bầu có được một chế độ dinh dưỡng hoàn hảo

3.4 Hạn chế tăng huyết áp thai kì

So với các thực phẩm chế biến sẵn khác, lượng muối natri trong phô mai thường ở mức thấp hơn rất nhiều. Vì vậy, việc bổ sung phô mai khi mang thai sẽ không để lại ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số huyết áp của mẹ, hạn chế nguy cơ tăng huyết áp thai kì.

3.5 Cải thiện stress

Có thể mẹ chưa biết, phô mai được đánh giá là thực phẩm với khả năng cải thiện stress cực kì hữu hiệu. Điều này bởi axit amin tyrosine mà phô mai mang tới sẽ góp mặt trong quá trình tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh, gia tăng hormone dopamine, giảm căng thẳng, lo âu thường gặp ở phụ nữ mang thai.

Xem thêm: 6 cách giúp mẹ bầu 'vượt qua' tình trạng bị stress khi mang thai

3.6 Phòng chống xuất huyết

Tiếp nạp thêm phô mai vào mỗi bữa ăn hàng ngày cũng là cách giúp mẹ hấp thu lượng lớn vitamin K. Theo đó, nhóm vitamin này rất cần thiết cho việc phòng chống băng huyết sau sinh và giảm thiểu tỉ lệ xuất huyết não ở em bé khi chào đời.

3.7 Ngăn ngừa còi xương ở trẻ

Bên cạnh vitamin K, phô mai còn cung cấp cho cơ thể lượng vitamin D tương đương với hơn 6% nhu cầu mà cơ thể mẹ cần mỗi ngày. Nhờ có vitamin D mà hoạt động chuyển hóa canxi tới các tế bào xương sẽ diễn ra hiệu quả hơn, từ đây có thể dự phòng thiếu hụt canxi và bệnh lý còi xương ở trẻ sơ sinh.

Xem thêm: Bệnh còi xương là gì? Phân biệt bệnh còi xương và suy dinh dưỡng ở trẻ

4. Gợi ý một số món ngon từ phô mai cho thai kì

Phô mai vừa là thực phẩm giàu dinh dưỡng, vừa là một nguyên liệu giúp mẹ có thể “sáng tạo” nên vô vàn món ngon hấp dẫn và độc đáo.

ba-bau-an-pho-mai-duoc-khong-va-nen-an-loai-pho-mai-nao-voh-2
Bà bầu có thể biến tấu vô vàn món hấp dẫn từ phô mai (Nguồn: Internet)

Mẹ hãy thử tham khảo và tận dụng phô mai để “biến tấu” theo một số gợi ý sau xem sao:

  • Sữa chua phô mai
  • Rau câu phô mai
  • Mỳ Ý sốt phô mai
  • Phô mai trộn trái cây
  • Bắp xào phô mai
  • Bánh gạo nhân phô mai

Xem thêm: Nếu là ‘tín đồ’ phô mai bạn nhất định nên trổ tài chế biến ngay 14 món ngon từ phô mai này!

5. Những lưu ý cần biết khi bà bầu ăn phô mai

Để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ lẫn em bé trong bụng, mẹ đừng quên thực hiện đúng các lưu ý an toàn dưới đây:

5.1 Không ăn quá nhiều

Phô mai thơm và ngầy ngậy thường có “sức hấp dẫn” với khá nhiều mẹ bầu. Dù vậy, lời khuyên là mẹ không nên ăn quá nhiều phô mai, mỗi ngày chỉ nên dùng tối đa 30g phô mai, nhằm phòng ngừa tăng cân vượt mức an toàn khi mang thai.

Xem thêm: Mức tăng cân hợp lý khi mang thai cho mẹ bầu bình thường – thiếu cân – thừa cân

5.2 Nên ăn vào bữa sáng

Thời điểm phù hợp nhất bà bầu ăn phô mai là vào bữa sáng, lúc này cơ thể sẽ hấp thu dưỡng chất từ phô mai hiệu quả nhất và không bị rơi vào tình trạng dư thừa chất béo.

5.3 Hạn chế kết hợp với thực phẩm giàu đạm

Khi lựa chọn nguyên liệu kết hợp với phô mai, mẹ nên hạn chế dùng một số thực phẩm giàu chất đạm như hải sản, trứng hay thịt bò, để tránh bị đầy bụng và khó tiêu sau khi ăn.

Nhìn chung, cho tới nay, phô mai vẫn là một chế phẩm từ sữa rất bổ dưỡng và an toàn với thai kì nên bà bầu vẫn ăn phô mai được. Mong rằng qua những chia sẻ trong bài viết này, các mẹ đã hiểu rõ hơn về tác dụng của phô mai với sức khỏe cũng như biết cách sử dụng khoa học nhé.