Theo bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, tự kỷ được hiểu là một rối loạn về phát triển của chức năng hệ thần kinh, xảy ra ở trẻ từ 1 – 3 tuổi.
Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác, cụ thể. Tuy nhiên người ta giả định rằng có thể do di truyền, có sự phối hợp yếu tố gen, có thay đổi, đột biến, sự bất thường về gen ảnh hưởng đến chức năng của não cộng thêm yếu tố tác động của môi trường.
Có thể tránh các yếu tố môi trường như độc chất, nhiễm vi- rút, sự chăm sóc, tương tác của cha mẹ… nhưng đây chỉ là những “giọt nước tràn ly” trong các nguyên nhân gây ra hội chứng này. Yếu tố nội tại bởi đối tượng có hội chứng này vẫn là yếu tố quyết định.
>>> Những điều bạn phải biết về bệnh tự kỷ ở trẻ em và người lớn
Hình minh họa. Nguồn: Internet
Quý vị nghe tư vấn từ bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang tại đây hoặc đọc chi tiết.
Nhận biết đứa trẻ tự kỷ từ khi nào?
Theo các trung tâm nghiên cứu về bệnh dịch của Hoa Kỳ, 68 trẻ thì có 1 trẻ bị tự kỷ.. Trên thế giới 100 người thì có 1 người bị tự kỷ.
Thông thường, trẻ trên 1 tuổi có thể chẩn đoán được. Nhưng các dấu hiệu sớm để xác định đứa trẻ có những dấu hiệu tự kỷ, cha mẹ có thể tự phán đoán từ khi bé 6 tháng để lưu tâm hơn.
Đó là trẻ không biết cười, kêu không đáp ứng, không có giao tiếp mắt, thờ ơ với giọng nói cha mẹ (nhưng chưa thể khám trẻ ở tuối này).
Khi trẻ 1 tuổi, trẻ không biết chỉ trỏ, không biết nói “ba”, “mẹ”, hoặc kêu không quay lại, không giao tiếp mắt, không khoe đồ chơi với cha mẹ, không thích chơi với người khác thì đó là những dấu hiệu đáng ngại để cha mẹ lưu tâm, đưa trẻ đi khám
Thường ở Việt Nam, việc chẩn đoán đánh giá trẻ tự kỷ thường ở 18 – 22 tháng (vì việc xác định chẩn đoán khi trẻ 1 tuổi đòi hỏi phải có những công cụ đánh giá đặc biệt và khó thực hiện ở điều kiện hiện nay của nước ta)
Tăng động giảm chú ý có liên quan gì đến tự kỷ?
Tăng động giảm chú ý thường bị nhầm lẫn là một kiểu tự kỷ. Các bé tăng động giảm chú ý thường rất nhạy cảm, hay chạy nhảy, leo trèo, không ngồi yên một chỗ.
Tuy nhiên tự kỷ thường thiên về việc rối loạn ngôn ngữ và tương tác xã hội. Các bé tăng động vẫn có tương tác, giao tiếp với những người xung quanh trong khi những bé tự kỷ thường giao tiếp với người khác rất kém.
Cha mẹ cần làm gì khi con bị tự kỷ?
Các hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia với phụ huynh phụ thuộc vào độ tuổi, tiềm năng phát triển, ngôn ngữ của trẻ… nhưng thường sẽ giới thiệu phụ huynh đưa bé đến học tại các trung tâm can thiệp, trường chuyên biệt.
Mặc dù bệnh tự kỷ không còn là một khái niệm xa lạ, nhưng không phải ai cũng có hiểu biết đúng về bệnh. Do đó, sau khi nhận được chẩn đoán, điều quan trọng nhất mà cha mẹ nên làm là nghiên cứu, tìm hiểu thông tin, đồng thời liên lạc với các chuyên gia về tự kỷ để có nhận thức đúng trong cách kiểm tra, đánh giá và điều trị bệnh cho con.