Chờ...

Những tư thế nằm tốt cho bà bầu và thai nhi

(VOH) – Nằm ngủ sai tư thế có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe cả bà mẹ lẫn thai nhi. Vậy đâu là những tư thế nằm tốt cho bà bầu?

Bên cạnh một chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, chế độ tập luyện thể dục đều độ khi mang thai thì chuyện ngủ nghỉ của bà bầu cũng là một trong những vấn đề cần được quan tâm để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho thai nhi và sức khỏe người mẹ.

1. Những tư thế nằm nào tốt cho phụ nữ mang thai?

Mỗi người sẽ có mỗi tư thế ngủ khác nhau, tuy nhiên, khi mang thai việc đầu tiên các mẹ cần lưu tâm đến là sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi và cách chúng ta nằm ngủ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến điều đó.

Thông thường ứng với mỗi giai đoạn mang thai, mẹ bầu sẽ có những tư thế ngủ khác nhau để có cảm giác thoải mái và giấc ngủ ngon. Dưới đây là những tư thế nằm ngủ tốt cho bà bầu trong 9 tháng thai kỳ mà chị em nên tham khảo và áp dụng.

1.1 Giai đoạn đầu thai kỳ

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi phát triển trong tử cung và dựa vào khung xương chậu của mẹ. Bào thai còn nhỏ và lực tác động lên cơ thể của mẹ chưa đáng kể nên tư thế nằm cho bà bầu 3 tháng đầu có thể thoải mái một chút. Mẹ có thể ngủ với tư thế nằm nghiêng hay nằm ngửa gác chân lên gối, toàn thân thả lỏng.

1.2 Giai đoạn giữa thai kỳ

nhung-tu-the-nam-tot-cho-ba-bau-va-thai-nhi-voh

Vào 3 tháng giữa thai kỳ tư thế nằm tốt cho bà bầu là nằm nghiêng (Nguồn: Internet)

Khi bước vào giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ các mẹ bầu cần chú ý bảo vệ phần bụng của mình, tránh tuyệt đối lực tác động từ bên ngoài.

Lúc này, tư thế nằm tốt cho bà bầu sẽ là tư thế nằm nghiêng vì tư thế này có thể giúp mẹ bầu được thoải mái hơn và không gây áp lực lên bào thai như các tư thế khác.

1.3 Giai đoạn cuối thai kỳ

Tư thế nằm của bà bầu trong giai đoạn này rất quan trọng, liên quan chặt chẽ đến sự an toàn của thai nhi. Trong những tháng cuối thai kỳ, tử cung thường xoay về bên phải, vì thế tư thế nằm tốt cho bà bầu sẽ là nằm nghiêng về bên trái để giảm bớt áp lực cho các động mạch và vùng xương chậu, đồng thời làm tăng quá trình lưu thông máu, cung cấp dưỡng chất cho thai nhi.

Mẹ bầu nên hạn chế việc nằm ngủ nghiêng về bên phải vì nếu thường xuyên ngủ nghiêng bên phải có thể làm căng niêm mạc tử cung, kéo dãn mạch máu, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy cho thai nhi.

Mẹ bầu có thể kê chiếc gối nhỏ hay tấm chăn mỏng để đỡ phần bụng khi nằm nghiêng. Lưu ý, hai chân hơi co khi nằm, tuyệt đối tránh kiểu nằm nghiêng co lưng. Nếu chân bị phù to hoặc các tĩnh mạch ở chân căng lên, mẹ cầu có thể vừa nằm nghiêng trái vừa kê cao chân một chút sẽ giúp máu lưu thông, chân bớt phù nề.

Ngoài 3 tư thế trên thì các chị em cũng có thể thử một vài tư thế nằm thoải cho bà bầu sau đây:

  • Tư thế gập gối: Trong lúc ngủ nằm nghiêng một bên, mẹ có thể uốn cong đôi vào đầu gối một chút. Tư thế này sẽ giúp các cơ xung quanh hông được phát triển tốt. Ngoài ra, nó còn giúp cột sống mẹ được thư giãn và ngăn ngừa chứng đau lưng khi mang thai.
  • Sử dụng gối: Mẹ có thể thử nghiệm với những chiếc gối có kích cỡ và hình dáng khác nhau để khám phá những tư thế ngủ thoải mái nhất cho mình. Đầu tiên, mẹ dùng 1 chiếc gối để nâng đầu cao lên một chút, sau đó mẹ đặt một chiếc gối bông mềm dưới bụng hoặc giữa 2 chân sẽ giúp giảm áp lực đáng kể. Hoặc đơn giản là mẹ có thể sắm cho mình những chiếc gối dành riêng cho thai phụ được các bác sĩ khuyên dùng.
  • Tư thế nửa ngồi nửa nằm: Nếu nhà có ghế sofa mẹ có thể thử áp dụng tư thế này. Để đạt được hiệu quả với tư thế ngủ nửa ngồi nửa nằm chị em nên chuẩn bị cho mình những chiếc gối để làm mình thoải mái hơn. Với tư thế ngủ này sẽ giúp mẹ bầu giảm chứng ợ nóng nhanh chóng và hiệu quả.

nhung-tu-the-nam-tot-cho-ba-bau-va-thai-nhi-1-voh

Tư thế nửa ngồi nửa nằm cũng được xem là tư thế mang đến sự thoải mái cho mẹ bầu (Nguồn: Internet)

2. Những tư thế ngủ cần tránh

Không phải bất cứ tư thế ngủ nào cũng đều an toàn và tốt cho mẹ bầu, một số tư thế ngủ cho bà bầu cần tránh để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi như:

2.1 Tư thế nằm ngửa

Đây là tư thế ngủ bà bầu cần tránh trong 3 tháng cuối thai kỳ. Vì nó sẽ không tốt cho cột sống, dễ dẫn đến nhức mỏi. Ngoài ra, nó sẽ làm tăng áp lực xuống tử cung, làm giảm lượng máu dồn đến động mạch chủ, gây thiếu máu từ đó ảnh hưởng đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng và sự phát triển của bào thai trong bụng.

Tư thế nằm ngửa cũng khiến cho các chất độc hại khó được đào thải ra ngoài cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai. Đặc biệt, ở tư thế này thai phụ có thể gặp phải các triệu chứng như đau thắt ngực, chóng mặt, tụt huyết áp, gây ngạt thai nhi rất nguy hiểm.

2.2 Tư thế nằm sấp

Trong giai đoạn cuối thai kỳ sẽ khó có thể nằm sấp do bụng đã quá lớn, nếu nằm sấp chức năng hô hấp của phổi sẽ giảm, cơ thể thiếu oxy và cơ chế thải carbon dioxide cũng bị cản trở gây áp lực cho em bé trong bụng, từ đó dẫn đến tình trạng thai nhi bị thiếu oxy.

3. Một số cách giúp mẹ bầu ngủ ngon giấc hơn

Không chỉ quan tâm đến các tư thế ngủ, chất lượng giấc ngủ cũng cực kỳ quan trọng. Một số lưu ý giúp mẹ bầu có thể ngủ ngon giấc hơn:

  • Luôn ngủ nghỉ vào một khung giờ nhất định
  • Giữ cho phòng ngủ luôn thông thoáng, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Sử dụng các loại rèm dày dặn giúp ngăn cản ánh sáng hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Tránh các loại đồ uống có cồn hay chất kích thích như: cà phê, bia, rượu...
  • Ăn tối với những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Tránh các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ vì có thể dẫn đến ợ chua, ợ nóng, gây khó ngủ.
  • Tập thể dục hoặc tham gia vào các lớp tập yoga dành cho mẹ bầu để tinh thần được thư giãn, thoải mái.
  • Nếu khó ngủ vào ban đêm thì hãy ngủ thật nhiều giấc ngắn vào ban ngày nhưng tránh ngủ vào lúc chiều tối nhé.

Trên đây là những chia sẻ về các tư thế nằm tốt cho bà bầu cũng như những tư thế ngủ cần tránh để giúp bé yêu phát triện an toàn, khỏe mạnh trong bụng mẹ. Hi vọng với những thông tin trên sẽ giúp mẹ bầu có được giấc ngủ ngon và thoải mái nhất.