Những câu nói hay trong phim Nhà Bà Nữ, vừa gần gũi nhưng cũng vừa thấm thía

(VOH) - Sau khi Nhà Bà Nữ được công chiếu, nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm có lời thoại mang tính giáo điều. Dẫu vậy không thể phủ nhận những câu thoại này rất đắt giá, đáng để suy ngẫm.

Sau 19 ngày khởi chiếu, Nhà Bà Nữ xuất sắc vượt mốc 400 tỷ với hơn 5 triệu vé được bán ra trong khi Bố Già phải mất 1 tháng để đạt doanh thu này. Tính đến hiện tại, Nhà Bà Nữ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi vẫn dẫn đầu top 1 phòng vé trong 3 tuần liên tục, dù gặp phải không ít ý kiến trái chiều sau khi bộ phim ra rạp.

Một trong những ý kiến ấy cho rằng lời thoại của bộ phim nặng tính giáo lý đạo đức mang lại cảm giác nặng nề cho khán giả. Dẫu vậy, không ít người cho rằng lời thoại của bộ rất gần gũi, những câu nói “mộc mạc” nhưng lại chạm sâu đến nội tâm của người xem.

Những câu thoại đắt giá trong Nhà Bà Nữ, vừa gần gũi nhưng cũng vừa thấm thía 1
Không kể đến những câu nói trong Nhà Bà Nữ đang viral trên mạng xã hội thì tổng thể những câu thoại trong tác phẩm này rất thật, rất tự nhiên nhưng cũng rất “đời”

ùng VOH điểm qua những câu thoại đắt giá trong tác phẩm “làm mưa làm gió” phòng vé hiện nay để xem điều gì khiến bộ phim ăn khách đến như vậy nhé!

“Chúng ta chỉ thấy bản thân rất thiệt thòi, mà quên đi những tử tế cơ bản dành cho nhau”

Ở góc nhìn nạn nhân dường như mỗi người không đủ bao dung để nhận ra điều này. Sau khi chồng bỏ ra đi, bà Nữ căm hận đàn ông. Từ đây bà cũng chẳng ưa Phú Nhuận – chồng Ngọc Như là mấy vì bà cho rằng Nhuận chỉ là người ăn bám gia đình. Chẳng bao giờ bà Nữ công nhận những cố gắng của Nhuận, lúc nào bà cũng mắng nhiếc, chửi rủa thậm chí động tay động chân với Nhuận.

Bà Nữ chỉ thấy bản thân mình là người bị chồng bỏ rơi, là người bị con cái đối xử tệ, là người phải lo toan mọi thứ trong nhà, là trụ cột của gia đình. Trong tác phẩm Lão Hạc, Nam Cao từng viết: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất”. Bà Nữ cũng tương tự như người bị đau chân ấy.

Những câu thoại đắt giá trong Nhà Bà Nữ, vừa gần gũi nhưng cũng vừa thấm thía 1

Khi không đủ bao dung, người ta dễ làm tổn thương nhau. Phải chăng "kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác"?

Bà bị tổn thương, nhưng vô tình bà cũng tổn thương đến những người mà bà thương yêu. Bà không chỉ làm hằn sâu vết thương lên người Như và Nhi mà còn vô tình biến Như và Nhi thành bản sao của bà. Để rồi cả ba người đều trải qua một lần đổ vỡ trong tình yêu. Nhưng chính đổ vỡ này lại khiến cuộc đời mỗi người mở sang một chương mới, từ đó nhận ra những lỗi lầm bấy lâu. Quả nhiên đúng là "người ta chỉ thay đổi khi người ta vấp ngã".

Xem thêm: Vì sao "soái ca John" Song Luân trong Nhà Bà Nữ khiến dân tình mê mệt?

Ở thị kiến khán giả, mong chúng ta có thể bao dung khi thấy hình ảnh bà Nữ nào đó ngoài đời. Vì “nếu ta không cố tìm để hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi … toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…” Bà Nữ không ác, nhưng bà khổ quá rồi. Cái khổ đã che mờ đôi mắt, lắp đi sự tinh tế của bà.

 “Cứ để nó yêu bình thường, nó sẽ chia tay bình thường”

Có lẽ, góc nhìn của người ngoài luôn là góc nhìn khách quan nhất. Với bác tổ trưởng tổ dân phố nhà bà Nữ cũng tương tự. Lời nói của bác tổ trưởng dường như bao quát mọi vấn đề trong cuộc sống, kể cả chuyện tình cảm. Trong bộ phim Cô gái năm ấy chúng ta từng theo đuổi hay Điều tuyệt vời nhất của chúng ta, các nhân vật đều từng là mối tình đầu của nhau. Tuy nhiên không phải ai cũng đến được với người mình yêu đầu tiên ấy. Nhi và John trong Nhà Bà Nữ cũng như vậy. Có chăng, vì sự can thiệp quá khắt khe đến từ bà Nữ?

Xem thêm: Trấn Thành đáp trả gắt khi bị nói mời toàn họ hàng vào đóng Nhà Bà Nữ

Đoạn gần cuối phim, khi bà Nữ cùng Nhi và Như đi làm tóc, bà đã hỏi Nhi một câu rằng nếu khi trước bà không cấm cản thì Nhi có còn muốn có con với John nữa hay không? Nhi mỉm cười và nhẹ nhàng lắc đầu. Do vậy, câu nói của bác tổ trưởng tổ dân phố có thể đúng, nhưng cũng có thể sai.

Vì ở góc nhìn của khán giả, nếu bà Nữ lẫn gia đình của John không quá khắt khe thì có lẽ chuyện tình của Nhi và John có thể kết thành trái ngọt. Tuy nhiên chính sự can thiệp quá sâu từ phía gia đình khiến chuyện tình “bánh kem” và “đồ gốm” bị tan vỡ. Nếu để mọi chuyện thuận theo tự nhiên thì có lẽ cái kết của đôi lứa này cũng có thể khác đi.

Những câu thoại đắt giá trong Nhà Bà Nữ, vừa gần gũi nhưng cũng vừa thấm thía 2

"Tuổi trẻ ai cũng có năm ba mối tình", nhưng cũng có thể duy nhất chỉ một mối tình. Quan trọng là câu chuyện tình nên được diễn ra tự nhiên, không bị tác động quá nhiều từ phía bên ngoài.

Để mọi thứ thuận tự nhiên, diễn ra đúng như cách mà mọi thứ cần diễn ra mà không can dự cũng chính là “chìa khóa” cho mọi “nút thắt” trong cuộc sống. Trong 4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ có thể kể đến chính là: "Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp", "Bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra", "Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm", "Những gì đã qua, cho qua".

Nếu áp vào hoàn cảnh của Nhà Bà Nữ đều rất hoàn hảo cho việc giải đáp mọi khúc mắc, từ việc Nhi gặp John cho đến mâu thuẫn giữa bà Nữ và Nhi đều nên xảy ra và phải xảy ra để mỗi người nhận ra “bài học”. Để rồi sau tất cả, người ta nhẹ nhàng xếp chuyện lại, cất sang một bên và tiến về phía trước.

“Đừng bắt người ta phải nghe theo mình”

Lời khuyên của bà ngoại Ngọc Ngà dường như không chỉ dành cho bà Nữ mà còn dành cho tất cả chúng ta. Suy cho cùng, nguồn gốc của sự khổ đau bắt nguồn từ việc mọi thứ diễn ra không như ý bản thân. Kỳ vọng người khác đối xử theo cách mình muốn cũng là một dạng ràng buộc. Khi ấy chúng ta rập khuôn người khác, áp đặt người khác phải hành xử theo cách ta mong muốn. Khi không đạt được như kỳ vọng, chúng ta đau khổ rồi lại bộc phát cơn giận ra bên ngoài, làm tổn thương người khác và chính mình.

Những câu thoại đắt giá trong Nhà Bà Nữ, vừa gần gũi nhưng cũng vừa thấm thía 3

Mọi chuyện trên đời vốn dĩ không có đúng sai, chỉ có góc nhìn, quan điểm nhìn nhận sự việc của mỗi người.

Vì vậy dù trong bất kì mối quan hệ nào dẫu là người thân, thì điều tiên quyết để giữ gìn và phát triển mối liên hệ chính là không áp đặt, không đóng khung cách ứng xử của bất cứ ai. Vì mọi thứ đều không phải mang tính nhị nguyên, đúng – sai mà tùy vào góc nhìn của mỗi người và sự thấu hiểu, bao dung dành cho bản thân và những người xung quanh. Khi ấy, bản thân không còn mong cầu tìm kiếm sự hài lòng từ người khác. Thay vào đó là sự thông suốt từ bên trong. Vì chúng ta không thể thay đổi thế giới này, chúng ta chỉ có thể thay đổi bản thân.

“Mỗi người cũng chỉ có một lần để sống. Cứ thử thôi!”

Niềm vui, sự háo hức của Nhi khi lần đầu được toàn tâm toàn ý làm gốm – điều mà từ trước đến nay cô luôn bị gia đình cấm đoán. Có thể thấy, khi bắt đầu cuộc sống mới cùng John, Nhi thật sự đã hạnh phúc khi được sống cuộc đời của bản thân mình. Dù hạnh phúc ấy không kéo dài được bao lâu vì những hành xử nông nỗi của tuổi trẻ.

Xem thêm: Trấn Thành hé lộ điều đặc biệt về tuổi thơ cơ cực trong quá khứ cùng em gái

Ở cuối phim, Nhi đã có thể tự mở cho mình một cửa hàng đồ gốm dù không còn đồng hành cùng John. Có thể thấy, điều cuối cùng định hướng bản thân Nhi không phải là John hay bất cứ ai mà chính là điều Nhi hằng yêu thích từ lâu. Điều quan trọng mỗi người có thể rút ra chính là lắng nghe trái tim mách bảo. Vì trái tim chính là kim chỉ nam quan trọng trên mỗi chặng đường của con người.

Những câu thoại đắt giá trong Nhà Bà Nữ, vừa gần gũi nhưng cũng vừa thấm thía 4

Dẫu chưa biết thay đổi sẽ đưa ta về đâu, nhưng trước hết hãy cứ thử thay đổi.

Trong bài Bơi qua biển mơ, “Orhan Pamuk từng viết, tất cả những nhà văn chịu ảnh hưởng của Ngàn lẻ một đêm dường như đều không sống lâu. Nhưng có hề gì, đằng nào cũng phải một lần chết. Bạn đọc Nghìn lẻ một đêm thì bạn cũng chết. Bạn không đọc Nghìn lẻ một đêm thì bạn cũng chết. Dù gì cũng chết, cho nên hãy đọc Nghìn lẻ một đêm.”

Cuộc sống cũng vậy, cho nên hãy cứ thử thôi! Còn nếu bạn vẫn chưa biết bản thân thích gì, thì ít ra bạn cũng biết bản thân không thích gì, nhỉ?

“Những người thân sẽ luôn nhớ về nhau, nhưng họ không liên lạc nhau”

Trong một lần phát biểu, Trấn Thành cho rằng người Việt Nam hiếm khi dạy nhau cách thể hiện tình yêu với người thân trong gia đình. Đây cũng là vấn đề mà các nhân vật trong phim Nhà Bà Nữ gặp phải.

Sau khi Nhi bỏ nhà ra đi, bà Nữ vẫn tỏ ra bình thường suốt mấy tháng sau đó, vẫn ngày ngày bán bánh canh. Nhưng vừa nghe cuộc gọi của Nhi với Như, bà liền đá mắt xem xét tình hình rồi lại tiếp tục công việc như thường lệ, tỏ vẻ không hề quan tâm. Về Nhi, sau khi cãi nhau với John, cô về thăm nhà trong đêm muộn. Đôi chân ngần ngại không dám bước vào nhà, dù trong lòng cồn cào nỗi nhớ gia đình.

Mỗi người trong chúng ta đều có sợi dây liên kết vô hình với những người ruột rà máu mủ. Tuy nhiên, vì cái tôi quá cao, chẳng ai chịu mở lời trước khi xảy ra xung đột. Dần dà, mối quan hệ ngày càng bị đẩy ra xa. Không riêng gì nhà bà Nữ, vấn đề này dường như xuất hiện trong nhiều gia đình khác.

Những câu thoại đắt giá trong Nhà Bà Nữ, vừa gần gũi nhưng cũng vừa thấm thía 5
Có lẽ không chỉ trong mối quan hệ gia đình mà bất kì mối quan hệ nào cũng vậy. Trong một góc của trái tim vẫn luôn nghĩ về nhau nhưng vì cái tôi quá cao không cho phép chúng ta thể hiện ra bên ngoài.

Trong một video đăng tải trên mạng xã hội mới đây, BabyKopohome – một hot tiktoker bỉm sữa cũng tiết lộ mẹ của cô vốn là một người khó tính, luôn cho rằng người lớn luôn đúng và hiếm khi nhận lỗi về phần mình. Theo thời gian, mẹ cô cũng bắt đầu lắng nghe và thay đổi. Vì vậy mỗi khi có mâu thuẫn, cô vẫn có thể ngồi lại nói chuyện cùng ba mẹ.

Suy nghĩ của người lớn như một cây đại thu, càng cao to thì bộ rễ càng bám sâu vào đất, khó có thể lung lay. Dù vậy, bằng sự kiên trì, nhẫn nại và bao dung như Babykopo Home hay Nhi trong Nhà Bà Nữ, chắc chắn rằng, những mâu thuẫn sẽ được hóa giải và thay đổi trong tương lai.

“Con thà thất bại trong ước mơ của con còn hơn thành công trong ước mơ của mẹ”

Câu thoại trên của Nhi sau khi xuất hiện khiến cư dân mạng tranh cãi kịch liệt. Nhiều người cho rằng Nhi ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân mà không suy nghĩ xa hơn. Tuy nhiên, bà ngoại Ngọc Ngà đã nói: “Trên đời này không có gì là tuyệt đối hết, tương đối thôi con ơi!”. Chẳng có gì là đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn, tùy vào góc nhìn và lựa chọn của mỗi người.

Những câu thoại đắt giá trong Nhà Bà Nữ, vừa gần gũi nhưng cũng vừa thấm thía 6
Người lớn  cho rằng định hướng con cái theo một công việc ổn định chính là yêu thương nhưng lại vô tình tước bỏ nhiều cơ hội được trải nghiệm của con mình.

Huyền Chip từng gây bão mạng xã hội với quyển sách Xách Balo Lên Và Đi, kể lại hành trình qua 25 nước với khởi đầu vỏn vẹn chỉ 700 đô la. Cô trải qua nhiều công việc để kiếm tiền như viết blog, tổ chức sự kiện, làm ở sòng bạc,... Sau khi xuất bản quyển sách này, Huyền Chip nhận không ít ý kiến trái chiều cho rằng cô vị kỷ, không nghĩ đến bố mẹ hay lãng phí thời gian. Tuy nhiên, nhờ cách sống khác biệt ấy, Huyền Chip đã đậu vào trường Đại học Sandford trong lần nộp đơn đầu tiên.

Trong bài “Vì ta trẻ măng và miễn phí” có viết rằng: “Lựa chọn của mỗi người không giống nhau. Mỗi người có một cách “tìm đường” của riêng mình, vậy nên không thể áp đặt việc người trẻ thay vì vào đại học hay gây dựng sự nghiệp thì lang thang khám phá thế giới là vị kỷ, vô trách nhiệm”. Vậy nên, ai cũng có quyền được trải nghiệm cuộc sống mà bản thân mong muốn. Sau tất cả, có thể người ta sẽ thất bại nhưng đổi lại chính là sự trưởng thành, xông pha đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ.

 “Nó ép tui cho nó thất bại”

Câu nói đầy sự bất lực thốt ra từ bà Nữ sau khi nghe người con gái mà mình hết mực tin yêu trách móc ngược lại bà. Vừa nói, bà vừa bật cười đau đớn, vừa nhìn vô định vào hư không rồi bất ngờ dồn hết tức giận lên người Nhi qua những cái tát.

Đây cũng chính hành cách xử chung khi xảy ra mâu thuẫn giữa các thế hệ trong nhiều gia đình. Phụ huynh luôn muốn mang lại một tương lai ổn định cho con cái bằng việc kiểm soát, quản thúc mọi thứ và cho rằng đấy mới chính là yêu thương. Khi không thể giáo huấn, người lớn lại dùng biện pháp đòn roi thậm chí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay với máu mủ của mình. Tuy nhiên, phụ huynh càng kiềm kẹp bao nhiêu thì con cái càng muốn vùng vẫy, thoát khỏi vòng kim cô đấy bấy nhiêu.

Những câu thoại đắt giá trong Nhà Bà Nữ, vừa gần gũi nhưng cũng vừa thấm thía 7

Suy nghĩ không thông suốt, không đủ thấu hiểu và bao dung cũng là một loại đau khổ.

Chính vì đối lập nhau trong cách thể hiện yêu thương đã dần dẫn đến những rạn nứt trong tình cảm để cuối cùng xảy ra mâu thuẫn cao trào. Nhi quyết định bỏ nhà ra đi. Những ngày sau đó, bà Nữ ngồi bần thần trên giường, tay vô thức chảy tóc còn tâm trí nhớ đến cảnh người chồng rời bỏ bà như cách của Nhi vì không chịu được sự cay nghiệt của bà.

Xem thêm: Nhà Bà Nữ lọt top 6 phim doanh thu cao nhất 2023, Trấn Thành chia sẻ về các chỉ số con người

Một câu nói nổi tiếng của C.S. Lewis rằng “I sat with my anger long enough until she told me her real name was grief.” Được dịch đại khái là "Tôi ngồi với sự tức giận đủ lâu cho đến khi nó nói cho tôi biết tên thật của nó là nỗi đau". Có lẽ với bà Nữ cũng vậy, nhìn lại đằng sau những cơn nóng giận của bà chính là nỗi đau phải gánh vác gia đình, nỗi lo lắng cho tương lai con cái. Vì vậy bà luôn muốn kiểm soát mọi thứ theo ý mình cũng chỉ vì muốn tốt cho mọi người. Nhưng bà chẳng hề nhận ra đó chính là yêu thương “toxic”.

Còn bạn, đâu là câu thoại mà bạn thấy ấn tượng nhất khi xem Nhà Bà Nữ?

Cập nhật thêm các tin mới nhất về phim hay tại Tin Phim VOH